A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xe lăn hướng tới thị trường Mỹ

Trên tầng 26 của số nhà 101 Láng Hạ, Giám đốc Công ty PWDSoft Đỗ Văn Du (Việt kiều Mỹ) thong thả phóng tầm mắt nhìn xuống dòng người, xe đang nhộn nhịp đổ về các ngả và những khu đô thị mới đang vươn cao, lặng lẽ cảm nhận một không khí tràn trề sức sống mùa Xuân...

Ai đó có thể băn khoăn rằng, làm sao một công ty “sinh sau đẻ muộn”, thuộc hàng “be bé” như PWDSoft lại có được trụ sở lý tưởng tại một toà nhà thuộc diện to đẹp nhất Thủ đô này, nhưng với Giám đốc Đỗ Văn Du thì điều đó hết sức bình thường. Điều mà ông dành tâm huyết và tiền bạc thực hiện, sâu xa hơn thế ngàn vạn lần. Ông cất giọng xứ Huế nhỏ nhẹ, cuốn hút: “Những người khuyết tật (NKT) hoàn toàn có thể có vị trí như bao người khác, không phải chỉ là làm việc ở trụ sở đẹp, mà quan trọng hơn, đó là một vị trí được xã hội nể trọng, xuất phát từ một công việc được xã hội nể trọng”.

Công ty “không rào cản”...

Tại phòng làm việc của PWDSoft (People With Disabilities - công ty phần mềm của những người khuyết tật), hơn 20 nhân viên đang chăm chú thao tác trên máy tính. Tiếng lách cách của bàn phím đều đều, rộn rã như tằm ăn rỗi. Để ý kỹ mới thấy, sự khác biệt duy nhất ở đây so với các công ty phần mềm khác là có những nhân viên mải miết lập trình ngay trên xe lăn hay bên cạnh bàn máy tính có những chiếc nạng gỗ dựng ngay ngắn.

Nguyễn Văn Lập (quê Bắc Ninh), tốt nghiệp chuyên ngành phiên dịch, khoa tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội tâm sự: “Ra trường, tôi xin việc làm ở nhiều nơi, nhưng cơ hội dành cho NKT rất ít. Rồi tình cờ gặp ông Du, nghe giới thiệu về PWDSoft, tôi rất hy vọng. Khi công ty chính thức thành lập, tôi đã tham gia ngay”. Lập cho biết, anh rất yên tâm làm việc vì cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Hiện anh và các nhân viên trong Công ty còn được bồi dưỡng chương trình tin học chuẩn quốc tế bằng tiếng Anh.

Với Nguyễn Nhật Linh (sinh năm 1982 tại Hà Nội) thì PWDSoft thực sự là điểm dừng chân mà cậu tin tưởng sau khi cuộc đời đã đổ xuống cậu những rủi ro nghiệt ngã. Linh phải gắn mình với chiếc xe lăn từ năm 2000 sau một tai nạn cây đổ. Sau một thời gian bị sốc, Linh gượng dậy, gắng hoàn thành chương trình cao đẳng, khoa công nghệ thông tin Trường đại học Dân lập Phương Đông. Trước khi vào PWDSoft, Linh làm ở một công ty của người quen, nhưng anh vẫn phải nhờ bạn bè, đồng nghiệp bế lên phòng làm việc vì công ty không có lối đi cho NKT. “Bây giờ tôi tự đi xe lăn đến Công ty, vào thang máy và lên phòng làm việc. Chúng tôi cùng sinh hoạt, ăn trưa ở đây. Ở PWDSoft, chúng tôi yên tâm trau dồi, nâng cao trình độ và tin tưởng vào một công việc ổn định”, Linh hồ hởi. Nhìn đôi mắt sáng và gương mặt ngời sáng niềm tin của Linh, tôi biết anh đang rất trân trọng cơ hội của cuộc đời mình...

Ở PWDSoft, có người may mắn sống cùng gia đình tại ngay Hà Nội, có người ở tận núi rừng Tây Bắc xa xôi, cũng có người đến từ phố biển lộng gió Nha Trang... Nhưng họ có điểm chung: coi Công ty như một gia đình nhỏ ấm cúng, có một công việc ổn định và quan trọng hơn, cuộc đời vẫn đầy hy vọng... Có được điều đó bởi ở đây, họ không thấy một rào cản nào hết, không có những NKT, chỉ có công việc, niềm vui và khát vọng.

...và ông giám đốc “không rào cản”

“Tôi đến đây không phải để giúp NKT, mà để phục vụ họ. Chỉ họ, chính họ mới giúp được họ một cách hiệu quả nhất”, Giám đốc Đỗ Văn Du tâm sự.

Từng chịu mỗi đau mất mát một phần thân thể khi mới 14 tuổi (mất một bên tay và một bên chân), Đỗ Văn Du hiểu hơn ai hết những gì NKT đang nghĩ, đang làm. Không chọn cái chết để khỏi trở thành gánh nặng cho người thân, không sống mòn mỏi nhờ vào lòng hảo tâm của người khác, cậu bé 14 tuổi đã chọn cách thứ ba của riêng mình - đó là miệt mài học tập. Năm 1971, Đỗ Văn Du giành được một suất học bổng ngành kiến trúc ở nước ngoài. Sau đó, anh lại may mắn được học một khoá công nghệ thông tin dành cho NKT, rồi trở thành nhà tư vấn uy tín cho nhiều hãng phần mềm lớn của nước ngoài như EDS, GHC, Blue Cross, Mc Kesson...

“Bây giờ tôi muốn truyền cho các bạn trẻ lâm vào cảnh ngộ như tôi một niềm tin vào nghị lực của con người, không khuất phục hoàn cảnh, không có rào cản nào ngăn được con người sống có ý nghĩa”, ông Du thong thả từng lời, chắc nịch.

“Trong Công ty, có một bạn tên Trung (Giám đốc Du vẫn gọi nhân viên trong Công ty là “bạn” một cách gần gũi như thế) năm nay 22 tuổi, nhưng hình dong chỉ như cậu bé học cấp một, gia đình cứ sáng đưa đến, chiều đón về. Biết đó là tình cảm gia đình dành cho thành viên không may mắn, nhưng tôi nghĩ không thể mãi như vậy. Tôi tâm sự với gia đình bạn rằng, đừng đối xử với bạn như một cậu bé nữa, hãy đối xử với bạn như với một chàng trai đã sống hơn 20 năm trên cuộc đời này thì bạn mới có thể lớn được. Sau đó, gia đình đã để bạn tự đến lớp, tự lo cuộc sống của mình. Bạn đã lớn lên bắt đầu từ suy nghĩ, đó là nền tảng để làm được nhiều việc lớn hơn trong đời”.

Ông Du nhớ lại, khi đi tìm địa điểm làm trụ sở công ty mới thấy hầu hết văn phòng, cao ốc ở Hà Nội không thiết kế lối đi cho NKT; họa hoằn một đôi chỗ có thì khi biết là Công ty dành cho NKT, họ ngần ngại, từ chối. Rất may, chủ toà nhà 101 Láng Hạ rất tán thành ý tưởng và sẵn sàng hỗ trợ, thậm chí còn miễn phí đỗ xe cho các bạn đi xe lăn.

Ông Du khẽ cựa dáng đứng nghiêng nghiêng vì một bên chân không lành lặn của mình: “NKT cũng có mơ ước, cũng mong muốn có một công việc được xã hội nể trọng, một thu nhập cao chính đáng và một tổ ấm giản dị. Nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó. Dường như những nỗ lực của xã hội vẫn chưa đủ để phá vỡ những rào cản, giúp NKT tiếp cận bình đẳng với những dịch vụ xã hội...”.

Ông đăm chiêu nhìn ra ngoài trời, những toà nhà cao tầng và dòng xe cộ phía dưới mờ hơn dưới làn mưa Xuân...

Khi làm việc, Giám đốc Du khá “thoáng”. Nhưng trong khâu ăn nói, ông có vẻ kỹ tính - một sự kỹ tính có thể hiểu được. Trong câu chuyện, để chỉ những người lành lặn ông luôn dùng từ “người khác”, chứ không dùng từ “người bình thường”, vì “nói thế hoá ra NKT là không bình thường à?”. Ông cũng không coi những NKT là thiệt thòi hay gặp nhiều khó khăn, mà nói họ “gặp nhiều thử thách hơn trong cuộc sống”. Về phần mình thì: “Hãy cứ gọi tôi là Du, không là kỹ sư, Giám đốc hay Việt kiều gì hết. Tôi muốn là chính mình, không nhất thiết phải ‘dán’ lên trán một ‘nhãn hiệu’ nào cả”.

Những chiếc xe lăn sẽ tiến vào... thị trường phần mềm Mỹ

Có lẽ, trang thiết bị trị giá nhiều chục ngàn đô-la, rồi tiền thuê văn phòng đàng hoàng ở toà nhà đắt đỏ này không thấm vào đâu so với công sức ông bỏ ra để phá bỏ những rào cản vô hình, tìm kiếm con đường đi lên cho nhân viên của Công ty. Nhân viên PWDSoft có cử nhân công nghệ thông tin, cử nhân ngoại ngữ và cả học sinh phổ thông... nhưng họ có một điểm chung là biết vượt qua hoàn cảnh để say nghề, yêu nghề. Công ty mời giảng viên của HanoiCTT có chứng chỉ MCT (Microsoft Certified Trainer) về bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho nhân viên. “Chúng tôi đặt mục tiêu nhân viên phải có trình độ cao, đồng bộ. Họ làm ra những sản phẩm công nghệ cao, nên không thể phân biệt do NKT hay người khác làm, vấn đề cuối cùng là chất lượng phải được thế giới chấp nhận”.

Sau thời gian ngắn ngủi hơn 2 tháng bồi dưỡng, nâng cao, Giám đốc Đỗ Văn Du rất vui với những gì các nhân viên thể hiện. “Tuyệt vời! Các bạn tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, đặc biệt là thái độ lao động nghiêm túc, kỹ năng làm việc tập thể tốt”.

Có lẽ với hành trang được chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy nên Giám đốc Đỗ Văn Du không ngần ngại đặt mục tiêu tiếp cận thị trường Mỹ. “Nhiều năm làm việc tại Mỹ giúp tôi biết thị trường khó tính ấy cần gì. Chúng tôi đã liên hệ với một số công ty ở Mỹ. Họ rất tin tưởng và đã sẵn sàng, tôi tin chúng tôi sẽ thành công. Tôi từng nói với các bạn trong Công ty rằng, NKT có thể giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, làm bất cứ công việc gì phù hợp khả năng. Có nơi, NKT làm được những sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao như các chi tiết của máy bay. Vậy thì tại sao các bạn lại không thể? Khi mọi người đã tin tưởng thì các bạn cũng phải tin tưởng và trau dồi khả năng của mình”, Giám đốc Đỗ Văn Du nói. Ông Du cho biết, ông đang phối hợp với CRS (một tổ chức phi chính phủ) và Trường Kỹ thuật tin học Hà Nội (ESTIH) để đào tạo 100 lập trình viên là NKT và đào tạo tin học cho 160 người khiếm thị. “Đợt tuyển sinh đầu tiên sẽ bắt đầu ngay trong quý I năm 2007. Như vậy, sẽ có thêm nhiều NKT, người khiếm thị, khiếm thính có được công việc tốt, thu nhập tốt để thực hiện những ước mơ của họ...”, ông Du hồ hởi nói.

Câu chuyện của chúng tôi ngưng dở khi ông có khách. Nhìn lại dáng ngồi nghiêng nghiêng của ông, tôi chợt nhận ra rằng, trong hành trình miệt mài tìm kiếm cơ hội bình đẳng cho những NKT với ý niệm “không rào cản” cả đời tâm đắc, người đàn ông ấy dường như chưa bao giờ nghĩ đến những thiệt thòi mà riêng mình phải gánh chịu.

Huy Hào - Bá Thư  (Báo Đầu tư)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu