A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một người Việt Nam bình dị ở Magdeburg

Từ lâu, người dân Đông Đức cũ vốn đã có cảm tình đặc biệt với những công nhân Việt Nam, những người đầy nghị lực, cần cù và chịu khó. Nhưng với sự lao động kiên trì, sức làm việc phi thường, nhẫn nại trong 10 năm qua của anh Thái và gia đình, một lần nữa nhân cách Việt, tâm hồn Việt đã được những người bạn Đức ở nơi đất nước xa xôi này tôn vinh một cách trang trọng và rất đáng tự hào.

Cách thành phố Magdeburg khoảng 60 km về phía Tây, tại làng Hötensleben có một ngôi nhà cổ đã tồn tại hơn 600 năm. Đấy là ngôi nhà của một dòng họ đã trải qua nhiều đời làm và dậy nghề cơ khí thủ công, rèn đúc, đóng móng ngựa. 

Theo người dân ở đây cho biết, thì đó là một dòng họ đầu tiên có nhiều đời ở làng làm nghề này và đã rất thành đạt. Nhưng đến năm 1965, một phần do già yếu, con cháu không còn theo nghề nữa và một phần cũng do nghề thủ công này không còn thịnh hành như trước mà phải nhường chỗ cho máy móc hiện đại, nên người chủ đã cải tạo một phần ngôi nhà và cho người dân thuê để ở. Vì không có điều kiện tu bổ nên sau khi nước Đức thống nhất một thời gian, ngôi nhà đã bị bỏ hoang.

Ngôi nhà có một vị trí rất thuận lợi, nằm ngay giữa trung tâm của làng. Bề rộng mặt tiền nhà khoảng vài chục mét, sâu gần 50 mét và nằm ngay trên con đường chính, con đường lớn duy nhất nối ngôi làng nhỏ bé ven rừng này với các địa phương khác. Vì ngôi nhà đã quá cũ, đổ nát, bị bỏ hoang nhiều năm, cây cối mọc rậm rạp, nên nó đã không thu hút được sự chú ý của các nhà kinh doanh, hay người có tiền trong vùng. Theo họ, ở cái làng nhỏ bé này việc phải bỏ ra một khoản tiền để mua và cải tạo sửa chữa lại ngôi nhà lạnh lẽo, hoang tàn và ngập rác của nghề rèn đúc hơn 30 năm qua là một điều hoang tưởng.  

Đối với chính quyền địa phương, ngôi nhà giống như một cái gai nhức nhối, một bãi rác, một khu đất lầy lội mà mỗi khi mưa xuống, hay tuyết phủ dầy thì trông nó chẳng khác gì một vũng lầy giữa trung tâm của làng. Vì kinh phí hạn hẹp Ủy ban xã không thể làm gì để cứu ngôi nhà trước sự suy tàn ngày càng nặng nề của nó, mặc dù đối với họ đó là một trong những nhiệm vụ cần phải làm. 

Ấy vậy rồi mà từ năm 1994, ngôi nhà cũng đã có chủ nhân mới. Có lẽ cuộc mua bán cũng diễn ra suôn sẻ vì người chủ cũng muốn bán cho nhanh, mà người mua dường như cũng quyết tâm mua nó. Nhiều người dân trong làng mỗi khi đi ngang qua đã không thể giấu nổi sự băn khoăn lo ngại và sợ thay cho người chủ mới này. Dường như cả làng đều đổ dồn sự chú ý vào anh và họ cùng chờ đợi xem anh ta có thể làm được gì với sức vóc nhỏ bé, có vẻ không giàu có gì trước một khối lượng công việc khổng lồ không những cần phải có tiền của, sức lực, thời gian mà còn cần đến cả sự kiên nhẫn vô cùng của mình.  

Người đàn ông ấy không phải là người địa phương, nhưng rất chăm chỉ và chịu khó. Hàng ngày, khỏang 18 giờ chiều sau khi đi làm về, anh lại hì hụi làm gì đó bên trong cánh cổng to nặng nề. Tiếng xén cỏ, chặt cây, tiếng cưa đục, tiếng va chạm, dọn dẹp đồ đạc, tiếng kéo lệt xệt những vật nặng vẫn thường xuyên vang lên bên trong ngôi nhà, kể cả những ngày nghỉ lễ hay nghỉ cuối tuần. Rồi thỉnh thoảng người ta lại nhìn thấy có những người lạ chở đến và khiêng vào phía trong ngôi nhà những tấm kính lớn dầy, những cánh cổng, những tấm tôn, cọc, xà,... mà tất cả đều đã cũ. Và những phế liệu cũng được họ chở đi. Sau khi khách ra về, chủ lại tiếp tục công việc quen thuộc một cách cần mẫn trong căn nhà lạnh lẽo hoang tàn cho đến tận đêm khuya.  

Sau đó một năm, người ta lại thấy xuất hiện thêm một người phụ nữ và hai đứa nhỏ một trai, một gái trong ngôi nhà ấy. Họ có lẽ là gia đình của người chủ và cũng đến đây từ một nơi nào xa lắm. Cả gia đình lại dọn dẹp, tu sửa và trang trí ngôi nhà của mình một cách lặng lẽ nhưng rất cần mẫn, kiên trì với tất cả sức lực mà họ có. Hai đứa trẻ ngoài giờ học ở trường với bọn trẻ trong làng, chúng lại cùng với cha mẹ tiếp tục cái công việc mà họ vẫn làm, cần cù như đàn kiến tha mồi. Người phụ nữ lúc đó đã mang bầu nhưng vẫn trèo lên thang gỗ để sơn lại bức tường phía trước ngôi nhà. Nhiều phụ nữ trong làng đến bây giờ vẫn còn nhắc lại hình ảnh này với sự thán phục và pha chút thương hại. 

Cùng với thời gian những tiếng động quen thuộc từ trong ngôi nhà cũng giảm dần, và rồi mặt trước của ngôi nhà đã thấy xuất hiện một cánh cổng mới, một cửa hàng bán quần áo, giầy dép và hàng tặng phẩm cùng một quán ăn nhỏ. Có vẻ như người chủ ngôi nhà vẫn muốn giữ nguyên hiên trạng mặt tiền của một xưởng cơ khí thủ công, với những bức tường đầy bồ hóng của than củi như nó vốn có thủa nào, nên những phần cải tạo mở rộng vẫn không làm thay đổi kiến trúc mặt tiền của ngôi nhà. 

Sau nhiều năm được cải tạo, tu bổ, khu nhà hoang ngày nào giờ đây đã tương đối sạch sẽ và ngôi nhà có vẻ sáng sủa hơn, không còn cảm giác hoang tàn, đổ nát, lạnh lẽo. Giờ đây, ngôi nhà lại trở thành một nơi mua sắm và cũng là nơi tụ tập của dân làng mỗi khi có lễ tết, hội như hàng trăm năm trước đây. Và trước mặt ngôi nhà, bến xe buýt duy nhất của làng hình thành cách đây vài năm đã mang đến thêm cho nó một vể nhộn nhịp thân quen của làng quê mỗi khi xe ra vào bến. “Nơi đây đã mọc lên một khóm hoa hồng” – đấy chính là lời của ông chủ tịch xã khi nói về thành quả lao động này. 

Người dân địa phương đã quen thuộc với gia đình của người chủ ngôi nhà và họ đã nhiều lần cám ơn ông chủ về việc đã giúp cho làng gìn giữ và bảo tồn được một di tích lịch sử lâu năm. Chính họ đã từng bảo vệ anh và gia đình trước sự khiêu khích của các phần tử chống phá người nước ngoài. Lý do cũng thật đơn giản, vì từ lâu họ đã không coi anh là người nước ngoài, vì tất cả những gì anh đã làm cho ngôi nhà, vì tình cảm gắn bó sâu sắc của anh và gia đình với chính quyền và người dân địa phương, và cũng vì anh đã coi cái làng quê hẻo lánh này như chính quê hương thứ hai của mình. Bằng các hoạt động kinh doanh ngay tại ngôi nhà của mình, anh đã đóng góp đều đặn vào ngân sách hàng năm của địa phương. 

Sau 5 năm lao động cật lực của anh và gia đình, công trình phục hồi và bảo tồn ngôi nhà đã có kết quả. Và rồi chính chủ nhân của ngôi nhà ấy đã được làng xã tôn vinh và anh là đại biểu duy nhất được cử đi dự Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng của địa phương vào năm 2000. Vào tháng Tám năm nay, ngôi nhà cổ ấy đã được chính thức xếp hạng và được gắn bảng xác nhận đây là 1 trong 40 di tích lịch sử văn hóa của Bang Sachsen-Anhalt cũng như của nước Đức. 

Chủ nhân của ngôi nhà ấy là anh Nguyễn Minh Thái, một cựu quân nhân Việt Nam, một nhà thơ của cộng đồng. Anh là một trong rất nhiều gương mặt tiêu biểu của người Việt Nam, những người đã góp phần làm rạng danh cho đất nước, con người, cho ý chí, nghị lực và sức mạnh tinh thần của Việt Nam ở nơi xa Tổ quốc.


 Anh Nguyễn Minh Thái cùng vợ và các con
trong ngôi nhà của mình ở Hötenslben

 

Từ lâu, người dân Đông Đức cũ vốn đã có cảm tình đặc biệt với những công nhân Việt Nam, những người đầy nghị lực, cần cù và chịu khó. Nhưng với sự lao động kiên trì, sức làm việc phi thường, nhẫn nại trong 10 năm qua của anh Thái và gia đình, một lần nữa nhân cách Việt, tâm hồn Việt đã được những người bạn Đức ở nơi đất nước xa xôi này tôn vinh một cách trang trọng và rất đáng tự hào.  

Xin cám ơn anh và gia đình, những con người Việt Nam bình dị - về tất cả những điều họ đã làm.

 

Ngọc Hà Nguyễn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu