A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một người tâm huyết với cổ vật Việt Nam

“Tất cả vì văn hóa Việt Nam - đất nước Việt Nam”, đó là khẩu hiệu được đưa ra trên trang web mang tên Hệ thống cơ sở Dữ liệu về Cổ vật và Gốm sứ Việt Nam, do giáo sư Augustin Hà Tôn Vinh, một Việt kiều đang sống ở Mỹ xây dựn

Từ trang web này (www.sfa-antiques.com), giáo sư Augustin Hà Tôn Vinh và các cộng sự ấp ủ những hoài bão: đó là giới thiệu cổ vật Việt Nam ra thế giới, kết nối văn hóa Việt với văn hóa năm châu.

Những chiếc ấm tích, những bộ bát hoa văn, những tấm bình phong cổ hay bộ sưu tập đồ cổ trục vớt từ những chiếc tàu đắm ở các vùng biển Indonesia, Malaysia, Philippines, châu Phi, Biển Đông… được bày ngay ngắn trong từng tủ kính… Tất cả khiến chúng tôi ngỡ như lạc bước vào một bảo tàng cổ vật châu Á. Đó cũng là tâm huyết nhiều năm của giáo sư tiến sỹ Augustin Hà Tôn Vinh. Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là bộ sưu tập bình vôi bằng gốm, sứ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Những bình vôi ăn trầu này làm bằng gốm, sứ, có tráng men trắng hoặc xanh, khắc họa những nét cỏ cây, dáng mây hay khung cảnh một thôn xóm yên bình… Trong đó có hai chiếc bình vôi to kỷ lục, nặng trên 10 kg, niên đại thế kỷ XIX. Theo lời giáo sư Augustin Hà Tôn Vinh, những cổ vật này chứa đựng dấu ấn văn hóa gia đình, cộng đồng làng xã Việt Nam. Đó cũng là tâm huyết và tình yêu của Giáo sư Hà Tôn Vinh đối với những di sản quý của Việt Nam.

Kể về niềm đam mê của mình, giáo sư Augustin Hà Tôn Vinh cho biết: “Tôi về Việt Nam đã được 10 năm. Những năm đầu tiên tôi thấy Việt Nam có rất nhiều di sản văn hóa ở các đình chùa, bảo tang, di tích. Việt Nam có rất nhiều cổ vật thời Lý, thời Trần. Cổ vật Việt Nam rất đẹp, được xuất khẩu rất nhiều sang Nhật Bản, Indonesia, Malaisia từ thế kỷ thứ 14 – 15…”

Niềm đam mê của ông không chỉ dừng lại ở đấy. Mỗi lần sưu tầm được món cổ vật, là mỗi lần ông trăn trở với suy nghĩ làm sao để gìn giữ chúng và làm thế nào để thế giới biết tới cổ vật của Việt Nam. Ấp ủ những tâm tư ấy, giáo sư Augustin Hà Tôn Vinh bắt đầu tìm hiểu, xây dựng một đội ngũ cộng sự trẻ và cùng họ thực hiện ý tưởng này. Từ những thông tin thu lượm được, nhóm nghiên cứu đã đi đến các làng nghề Việt Nam ở các tỉnh miền Bắc, trong đó có các làng nghề gốm sứ nổi tiếng như Thổ Hà, Chu Đậu, Gò Sành… để thu thập tài liệu sách báo và những nguồn cổ vật quý ở khắp đất nước. Từ đó, tập hợp thông tin, phân tích dữ liệu và đưa chúng lên mạng Internet. Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, công nghệ thông tin sẽ là cầu nối đưa di sản và văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Và Việt Nam cần tận dụng lợi thế của công nghệ để tự quảng bá và giới thiệu về mình. Tháng 12/2006 vừa qua, trang web đầu tiên do ông và các cộng sự thiết lập về di sản văn hóa Việt Nam đã chính thức ra đời. Giáo sư Augustin và các cộng sự sẽ tiếp tục cho ra mắt thêm 2 trang web nữa: một giới thiệu về Bảo tàng Phòng không Không quân và một giới thiệu về bảo tàng đá ở huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Thời điểm này, đã có thêm những tin vui đến với Giáo sư Hà Tôn Vinh. Đó là thành công từ phiên đấu giá những cổ vật trục vớt dưới đáy biển Việt Nam cách đây 300 năm (tổ chức mới đây tại Hà Lan)… Tất cả đã khích lệ niềm đam mê của ông và các cộng sự. Giáo sư Augustin Hà Tôn Vinh hồ hởi nói: “Ngay từ thế kỷ 14 – 15, Việt Nam đã tham gia “toàn cầu hóa” rồi. Đã bán những sản phẩm đồ gốm sứ của mình cho các nước. Do đó chúng tôi mới nghĩ đến chuyện dùng Công nghệ thông tin để quảng bá thông tin cho Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tham gia bán đấu giá cổ vật thế giới hay đưa cổ vật Việt Nam vào các bộ sưu tập quý giá trên thế giới. Dựa trên nền công nghệ thông tin đó, chúng tôi phát triển ra một số bảo tàng trong nước…”

Giáo sư Hà Tôn Vinh cũng cho biết thêm là từ nay đến năm 2010 ông và các cộng sự sẽ xây dựng mạng quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam. Trong đó tập trung vào 4 mục tiêu chính: gìn giữ di sản, phát triển cái hay cái đẹp của đất nước; bảo tồn di sản, ngăn chặn tình trạng xuất lậu cổ vật; giúp người chơi, người sưu tập và những người yêu cổ vật di sản có thể trao đổi thông tin, đăng ký xuất xứ bản quyền di sản… Mới đây, ông cũng đã đề xuất với Cục di sản (Bộ Văn hóa Thông tin) và một số Bảo tàng một số dự án mới; trong đó có việc tổ chức các cuộc bán đấu giá quy mô quốc tế về cổ vật của Việt Nam, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc gìn giữ, xây dựng vốn di sản văn hóa của dân tộc. Giáo sư Augustin Hà Tôn Vinh cho biết thêm: “Thứ nhất, chúng tôi tổ chức các cuộc bán đấu giá quốc tế về cổ vật của Việt Nam. Một phần số tiền bán đấu giá từ số hiện vật sẽ được trả lại cho chủ sở hữu, phần còn lại từ số tiền bán đấu giá sẽ được đưa vào quỹ Di sản. Quỹ đó sẽ hỗ trợ, tôn tạo các di sản, mặt khác dùng để mua những cổ vât mới hỗ trợ cho các bảo tàng nghèo không có tiềm lực tài chính. Thứ ba là dùng phần tiền đó mua lại các hiện vật quý của Việt Nam trong các cuộc bán đấu giá quốc tế đưa về Việt Nam để làm “Con đường gốm sứ”, hay “Con đường Di sản Việt Nam”.

Hồ Điệp (VOV)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu