A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người bác sĩ có phép lạ

Đôi bàn tay kỳ diệu của ông đã mang lại cuộc sống bình thường cho hàng ngàn người mắc bệnh parkinson (bệnh rung cơ). Nhiều tài tử Hollywood, chính trị gia và doanh nhân đã được ông chữa trị.

Năm 1991, tờ Los Angeles Times đã gọi bác sĩ Việt kiều Daniel Dũng Trương là “người bác sĩ có phép lạ”.

Những ngày giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2007, bác sĩ Daniel Dũng Trương về nước liên tục để kiểm tra công tác chuẩn bị cho Diễn đàn quốc tế về thần kinh học lần thứ 4 - 2007 sẽ diễn ra tại TPHCM từ 6-7/7.

Thời gian lưu trú tại Hà Nội của bác sĩ Dũng mỗi lần chỉ chừng nửa ngày, nhưng không hiểu sao nhiều bệnh nhân đã biết và chờ khám bệnh trước cửa khách sạn từ 6 giờ sáng đến tận trưa trước khi bác sĩ ra sân bay.

Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời

Cho đến nay, bác sĩ Dũng đã có nhiều bài viết, các công trình nghiên cứu trên các tạp chí y khoa nổi tiếng thế giới về thần kinh học.

Ông là một trong bốn người chủ biên của bốn tờ báo y khoa hàng đầu thế giới cũng như thành viên Ban Biên tập của hơn 20 tờ báo y khoa trên thế giới như Journal of Neurological, Journal of Parkinson and related disease,  World Neurology Newsletter...

 Cho tới giờ, Daniel Dũng Trương vẫn nhớ mãi kỷ niệm về một trong những bệnh nhân đầu tiên được ông chữa khỏi – Giám đốc nhân sự của Bill Clinton khi Clinton còn là Thống đốc bang Arkansas
Sau này khi qua đời, bệnh nhân này đã để lại di chúc tình nguyện hiến bộ óc để bác sĩ Daniel Dũng Trương nghiên cứu.
Cuốn Thần kinh học lâm sàng của ông đã được dịch sang tiếng Việt và được coi là  sách gối đầu giường của các bác sĩ  Việt Nam. Điều ít ai biết rằng, ông trở thành bác sĩ cũng bắt đầu từ một cuốn sách.

Năm 1967, chàng trai phố Hàng Bè, Hà Nội Trương Dũng tốt nghiệp tú tài rồi du học ở Đức. Ông theo học ngành điện. Có lẽ ông đã trở thành kỹ sư điện nếu không tình cờ đọc cuốn Citadel của tác giả Cronin kể về một bác sĩ kỳ diệu.

Đêm đó, ông đọc một mạch hết cuốn sách. Ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ ký túc xá, thấy ánh trăng tròn vành vạnh và ông quyết định bỏ học điện sang học y.

Ngay hôm sau, Trương Dũng nộp đơn xin thi vào ngành y mà không ôn luyện gì. Giờ nghĩ lại, ông mới thấy mình quả là “điếc không sợ súng” vì ngành y là ngành học rất khó, hầu hết các sinh viên đều phải học chứng chỉ (khoảng 2 năm) rồi mới  đi thi.

Lúc đó, chàng sinh viên nghèo Việt Nam chỉ đơn giản nghĩ rằng, thi ngay sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Trương Dũng tốt nghiệp đại học ngành y với thời gian ngắn kỷ lục: 5 năm rưỡi, sớm hai năm.

Ba lần bị từ chối

Sau một thời gian sang Mỹ học tiếp về y khoa, ông tới xin làm việc tại bệnh viện của một ông thầy được coi là số một nước Mỹ lúc bấy giờ. Lần thứ nhất, ông ấy từ chối và dắt anh chàng bác sĩ người Việt nhỏ bé, nói tiếng Anh còn ngọng nghịu ra cửa. Lần thứ hai, ông dắt ra khỏi khoa và lần thứ ba thì ông dắt ra khỏi cổng bệnh viện.

Vẫn không nản, Daniel Dũng Trương xin làm không công, ông thầy khó tính đành chấp nhận cậu học trò bướng bỉnh mà kiên nhẫn này.

Sau này, Daniel Dũng Trương đã có những công trình khoa học khi tạo bệnh người trên chuột để nghiên cứu. Những chữ cái đầu tên của ông DDT (Daniel Dũng Trương) được gắn liền với bảng phân loại bệnh tật về Cử động học.

Sau thời gian ở Anh, ông về lại Mỹ giảng dạy tại Đại học Irvien California, sáng lập đồng thời là Trưởng khoa Parkinson và rối loạn cử động của trường.

Bệnh tắt tiếng sẽ không còn là bệnh lạ

Từ năm 1988, Daniel Dũng Trương thành lập Hiệp hội những người tắt tiếng và ra mắt trang web của hội để chia sẻ thông tin. Một số phát thanh viên của đài phát thanh Mỹ, nữ tài tử Mỹ đều được ông chữa khỏi.

Ông cho biết: “Biểu hiện của căn bệnh này rất lạ: Có thể hét lên được, hát được, nói thầm được, nhưng lại không nói bình thường được”.

Ở Mỹ, bác sĩ Dũng là một trong những người đầu tiên phát minh ra cách sử dụng chất bolutinum toxin trong điều trị bệnh. Ngoài việc sử dụng chất này vào việc điều trị thành công cho các bệnh nhân bị tắt tiếng, bolutinum toxin còn được sử dụng trong việc duy trì sắc đẹp. Theo ông, botulinum toxin có tác dụng làm thư giãn các cơ và  không tạo thêm nếp nhăn.

Hiện nay bác sĩ Daniel Dũng Trương đang điều khiển nhiều chương trình nghiên cứu đa quốc gia và đa trung tâm tại Hoa Kỳ, trong đó có công trình nghiên cứu đề tài chữa bệnh tắt tiếng do dây thanh quản không hoạt động và cách chữa trị khi óc bị thiếu dưỡng khí, những công trình nghiên cứu chữa bệnh Parkinson.

Bác sĩ Daniel Dũng Trương là Chủ tịch danh dự của Hội thiện nguyện của những người tắt tiếng vì những đóng góp cho bệnh này và được các Hội Thần kinh Ấn Độ, Mông Cổ vinh danh. (TPO)

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu