A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người góp phần nâng cao chất lượng sống cho người nghèo Việt Nam

Với suy nghĩ: Việt Nam ngày càng giàu lên nhưng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cũng ngày càng lớn, cần giúp đỡ những nhóm thiệt thòi Giáo sư Trần Giễn Lan đã nỗ lực vận động các dự án hỗ trợ người nghèo ở trong nước

Cuộc đua tranh toàn quốc của các dự án nghiên cứu quốc tế dành cho các nước đang phát triển, gửi đến Cơ quan phát triển Quốc tế của chính phủ Canada hằng năm đầy cam go, bởi quỹ sẽ chỉ chọn từ 8-10 đề án tốt nhất trong số 70-80 đề án gửi đến mà thôi. Nhưng với giáo sư điều dưỡng đại học Memorial Canada Trần Giễn Lan, ngoài những dự án từng làm cho một số nước đang phát triển ở Nam Mỹ, thì với quê nhà Việt Nam, bà đã thực hiện được tới bốn dự án lớn về nâng cao trình độ cán bộ y tế và tăng cường dịch vụ y tế phục vụ người nghèo.

Những dự án “Chăm sóc sức khỏe nơi thôn bản” phối hợp với trường Cao đẳng y tế Hải Dương, "Xóa đói giảm nghèo thông qua tăng cường sức khỏe và công tác xã hội" phối hợp với trường Đại học Lao động - Xã hội; "Tăng cường dịch vụ y tế cho các cộng đồng nghèo nông thôn" tại Thanh Hóa và Sóc Trăng; phối hợp với Đại học Y Dược TP.HCM tìm hiểu "Nguyên nhân và tác hại của sự kỳ thị người nhiễm HIV"; qua đó vận động được 9,5 triệu đô la Canada tiền tài trợ từ Chính phủ Canada cho tất cả các dự án, quỹ học bổng… của giáo sư Giễn Lan đều nhằm tác động đến chất lượng sống của những người nghèo. Mỗi số tiền có thể là không nhiều so với những dự án lớn của các tổ chức khác, nhưng có ý nghĩa xã hội và hết sức thiết thực trong việc nâng cao trình độ cán bộ y tế các tuyến cơ sở trong nước. Trường Cao đẳng y tế Hải Dương cũng như Đại học Lao động Xã hội đều ghi nhận đóng góp của những dự án mà giáo sư Giễn Lan tham gia thực hiện với họ, vào việc phát triển thêm trình độ đội ngũ cán bộ của trường; và qua đó có phần đóng góp vào việc nâng cấp trường.

Trần Giễn Lan là cách gọi theo tên chồng – giáo sư Trần Trọng Giễn (nói thành âm /Ziễn/),  thậm chí cái tên ấy còn khiến nhiều người gọi theo cách rất “tây” là “Lan – Giên”, nhưng tên thời con gái của người phụ nữ xinh đẹp, phúc hậu này là Nguyễn Thị Xuân Lan. Cô nữ sinh Xuân Lan người Sài Gòn gốc Thanh Hoá đã đi du học ở Mỹ rồi làm việc ở Canada hàng chục năm trời.

Ông bà giáo sư về nước lần đầu tiên năm 1991 sau mấy chục năm xa quê. Về đúng thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, và càng đồng cảm hơn với sự vất vả, lam lũ của người nông dân, ông bà đã tìm mọi cách giúp đỡ quê nhà. Là một giáo sư vật lý nổi tiếng (giáo sư nghiên cứu ưu tú - bậc cao nhất, được giữ quyền danh dự suốt đời ở đại học Memorial), tiến sĩ Trần Trọng Giễn đã tham gia, tổ chức hội thảo vật lý với các nhà khoa học trong nước, bảo trợ học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ, sau tiến sĩ cho một số sinh viên Việt Nam sang học. Còn bà, với kinh nghiệm nghề điều dưỡng hàng chục năm ở một đất nước y tế phát triển, đã lập tức nghĩ đến việc cùng chung sức với ngành y, ngành xã hội trong nước để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nghèo. Giáo sư Trần Giễn Lan nói rằng: “Việt Nam ngày càng giầu lên nhưng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cũng ngày càng lớn nên cần tới những người làm công tác xã hội giúp đỡ những nhóm thiệt thòi này”. Vì thế, bà đã tìm cách hợp tác với các trường về y tế và lao động xã hội để mong đào tạo thêm nhân lực cho ngành này.

Dự án đầu tiên của giáo sư Lan ở Việt Nam về “Chăm sóc sức khỏe nơi thôn bản”, thực hiện tại Hải Dương, với mục đích đào tạo nhân viên y tế tại nông thôn, được chọn vào top 5 chung cuộc tại Bill McWhinney Award of Excellence 2004, giải thưởng dành cho các dự án về phát triển quốc tế. Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp của các chương trình, dự án mang tính chất thiện nguyện vì lợi ích cộng đồng tại các nước phát triển. Còn dự án mới đây nhất "Tăng cường dịch vụ y tế cho các cộng đồng nghèo nông thôn" đang triển khai tại Thanh Hoá và Sóc Trăng, giáo sư Lan cho biết: “Trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy dùng dịch vụ y tế nhiều nhất là những người nghèo. Vì thế muốn họ sản xuất tốt thì phải giảm nghèo và giảm nghèo thì mới đỡ ốm đau. Hai tỉnh Thanh Hoá và Sóc Trăng cũng là những nơi mà Việt Nam chú trọng tới phát triển nông thôn và xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên vì những trường đào tạo y tế ở các tỉnh này còn yếu, nên tôi kèm vào dự án hai trường Y dược ở Thành phố Hồ Chí Minh và Huế để họ “đi học giùm” rồi về giúp lại Thanh Hoá và Sóc Trăng - nơi mạnh hơn giúp nơi yếu hơn và như thế được bền vững hơn.”

Giáo sư Trần Giễn Lan từng là chủ tịch Hiệp hội các trường đại học ngành điều dưỡng vùng Atlantic, Canada. Từ năm 2000 đến nay, bà là chủ tịch của tổ chức NOIVMWC đấu tranh vì lợi ích của những phụ nữ nhập cư người thiểu số ở Canada. Những công việc bà làm, đã được ghi nhận với Huy chương danh dự "Vì sức khỏe nhân dân" do Bộ Y tế Việt Nam trao tặng (2002), giải thưởng Leadership Award for women's Health ở Canada (2002), giải thưởng cho Công trình nghiên cứu xuất sắc do Tổng hội Điều dưỡng tỉnh Newfoundland, Canada trao tặng (2004), giải dành cho cựu sinh viên ưu tú của trường Đại học Columbia University, New York (2004).  

Gặp bà lần đầu tiên từ Đại hội phụ nữ toàn quốc cách đây đã năm, sáu năm, khi dự án ở Hải Dương vừa thành công, cho đến giờ, lần gặp nào giáo sư Lan cũng đang bận rộn vì những dự án và công việc. Nhưng dù bận, bà vẫn rất vui, vì luôn được sự ủng hộ lớn từ người chồng, cũng là người thầy dạy bà một  thuở. Và khi nói chuyện với tôi, bà vẫn nhắc: “Chúng tôi về nông thôn, thấy chị em phụ nữ còn khổ nhiều quá đi, y tế thiếu thốn, vệ sinh chưa được xem trọng. Làm sao để những cán bộ đã tham gia dự án, mỗi người một  tay có thể nhân rộng ra nữa, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân mình, đấy là điều tôi mong mỏi lắm”./. 

(VOV)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu