A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện của Xaman Worawat

Xaman có vóc người cao lớn, trắng trẻo, đeo kiếng cận thị nặng. Tôi nhớ lần đầu gặp anh, tôi chào bằng tiếng Thái: “Xavắt đi thàn Xaman!”. Anh cười, đáp lời: “Em là người Việt. Em xin chào anh. Em nói tiếng Việt còn sai nhiều. Xin anh nói chầm chậm cho em nghe kịp với. Tên Việt của em là Thắng”.

 


 Xaman Worawat trước ngôi nhà
độc đáo của anh

Tôi có cảm tình ngay với Thắng từ cái bắt tay đầu tiên. Lần ấy, Thắng đang được Điện lực Lào thuê kéo đường tải điện từ Nhà máy thủy điện XêXệt của Hạ Lào sang bán cho Ubôn của Thái Lan. Sau những ngày quen biết và chơi thân với nhau, tôi nghe Thắng kể nhiều chuyện về những ngày sống trên xứ người và tấm lòng của một người con đất Việt luôn hướng về quê hương. Sau đây xin kể ba mẩu chuyện nhỏ của Thắng.

Kỹ sư Việt “thắng” kỹ sư Pháp

Đời ông nội Thắng ở miền Bắc nghèo khổ quá nên đi sang Lào kiếm ăn. Rồi chiến tranh lan ra khắp cõi Đông Dương, ông chạy sang Thái lấy vợ, sinh con. Bố mẹ của Thắng lớn lên, lấy nhau trên đất Thái sinh đứa con trai đầu lòng đặt tên là Chiến. Mấy năm sau, Thắng ra đời đúng lúc ta chiếm Điện Biên Phủ. Vậy là hai anh em ghép tên lại cùng kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Khi học lên cao, phải xin nhập quốc tịch Thái Lan, Thắng mang tên Thái Xaman Worawat mới được thi vào đại học. Tốt nghiệp đại học, nhận tấm bằng kỹ sư điện hạng ưu tú, ra làm việc được vài năm, Xaman Worawat đã nổi tiếng và được các nước ở châu Phi, Kuwait mời làm chuyên gia trong ngành điện lực. Sau đó được Lào thuê thiết kế, thi công đường dây truyền tải điện Hạ Lào - Đông Bắc Thái.

Cùng tốp làm việc với Thắng có kỹ sư Xinava - con trai út của Hoàng thân Xuphanuvông và Jacques - kỹ sư người Pháp. Khi bàn cách kéo đường dây tải điện qua sông Mê Kông, lấy nguồn điện từ XêXệt Lào sang cho tỉnh Ubôn Thái Lan thì gặp lúc nước sông Mê Kông đang dâng cao, chảy xiết. Thắng đề xuất thuê thuyền và dùng sức lao động của dân để kéo đường dây nặng hàng ngàn cân qua sông.

Thắng phân tích cách này giảm chi phí cho Lào vài trăm ngàn đô la. Jacques lại đưa ra phương án thuê máy bay trực thăng. Bởi theo Jacques, trên thế giới chưa ai dùng thuyền để kéo dây tải điện từ đỉnh núi bên này băng qua đỉnh núi bên kia sông. Sau khi tính toán, cân nhắc, phương án của Thắng đã được lựa chọn và anh chàng kỹ sư người Pháp phải bỏ cuộc.  

Món ăn nào ở Việt Nam ngon nhất ?

Sau đợt kéo điện qua sông Mê Kông, Thắng được Lào trả một số tiền lớn. Anh làm một chuyến về thăm quê hương. Đặt chân đến Hà Nội, bụng đang đói, anh hỏi người lái xe tắc-xi: “Ở quê ta món ăn nào ngon nhất?”. Được trả lời: “Phở”. Xe đưa Thắng đến phở gà Lê Văn Hưu. Anh chén hai tô. Khen ngon. Lại hỏi: “Còn móán gì ngon nữa”. Lại trả lời: “Phở”. Xe đưa Thắng đến phở bò Nam Ngư. Thắng chén hai tô. Khen ngon nhưng no quá. Không thể ăn thêm. Đợt về quê lần đó, anh nảy ra một ý: Phải tìm cách đưa phở Việt Nam về Thái Lan, rồi từ đó mà phát triển đi các nước trong khối Asean. Thắng tìm tòi học bí quyết làm phở ngon của người Hà Nội.

Vài năm sau, kể từ ngày ở Việt Nam trở về, Thắng đã mở nhà máy làm bánh phở mang nhãn hiệu Việt Nam ở 21 Đại lộ Vivít Surakun, thành phố Mukdahan. Mới đầu sản xuất vài ba tấn bánh phở/ngày, tiêu thụ ở Mukdahan, chỉ mấy năm sau tiếng ngon, tiếng lành đồn xa, cả nước Thái mua bánh phở của Thắng. Các báo đã khoác danh hiệu “Vua bánh phở” cho Thắng. Tôi đến Phnômpênh, Xiêm Riệp cũng thấy bánh phở của Thắng. Bánh phở của Thắng đã tràn qua biên giới các nước trong khu vực ASEAN, hằng ngày sản xuất hàng trăm tấn mới đủ cung cấp.

Ngôi nhà độc đáo giữa thành phố Mukdahan 

Những lần trước đến thăm gia đình Thắng, vợ con anh, phòng làm việc của anh đều nằm trong khuôn viên nhà máy bánh phở. Lần này anh đã làm hẳn ngôi nhà lớn có đến sáu bảy mái ngay giữa thành phố Mukdahan. Gian sang trọng nhất anh để các giá sách đựng đầy sách bọc vải sơn, chữ mạ vàng rất đẹp. Đó là Tuyển tập Hồ Chí Minh. Nhiều sách Bác Hồ viết, và sách viết về Bác Hồ có hàng trăm cuốn.

Rồi tổng tập Văn học Việt Nam, toàn bộ sách của Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi và nhiều nhà sử học, Hán học; cả bộ tuyển tập mới của Hoàng Xuân Hãn... Không thể gọi gian này là tủ sách gia đình mà là cả một thư viện. Thắng luôn tự hào là người có nhiều sách Việt Nam vào hạng nhất nhì ở Thái Lan. Thắng cho biết anh tự đọc, tự học tiếng Việt không ngơi nghỉ. Đoàn Việt Nam nào đến thăm anh cũng xung phong đi làm phiên dịch vừa để trau dồi thêm tiếng Việt, vừa được gần gũi người bên nhà mới qua.

Chuyện của Xaman Worawat còn nhiều vì khi chúng tôi chia tay Mukdahan, Thắng bịn rịn theo chúng tôi qua ngủ lại một đêm ở Savănnãkhệt, tiếp tục kể cho tôi nghe nhiều chuyện về nỗi lòng của người Việt sống xa quê hương.

(Theo Thanh Niên)


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu