A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Tôi yêu mến ngôn ngữ Việt và cái tình đồng bào"

Du học tại Cộng hoà Liên bang Đức, tốt nghiệp Tiến sĩ quốc gia khoa Kinh tế Chính trị của đại học Philipps Marburg, thông thạo ba ngoại ngữ Anh – Pháp – Đức, từng làm việc tại các công ty lớn như: Tandy Corporation, Atronics, ZeroMicron và Globix của Mỹ nhưng thật bất ngờ khi Tiến sĩ Ngô Anh Cường (Việt kiều Mỹ) về nước và nhận lời cộng tác với một anh “nông dân” mới tốt nghiệp lớp 12 để quảng bá các sản phẩm “trí tuệ” của anh nông dân này. Vì sao? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS Ngô Anh Cường.

- Xin tiến sĩ giới thiệu đôi nét về bản thân, quá trình sinh sống, làm việc tại VN và nước ngoài?


 TS Cường (bên phải) tại hội thảo  giới thiệu các dự án và công ty tiềm năng tại TPHCM kêu gọi đầu tư 

Tôi sinh ra tại Đà Lạt và học phổ thông tại trường Lycée Yersin cho đến năm 1972. Sau “Tú tài”, tôi du học tự túc tại Cộng hoà Liên bang Đức và lấy bằng tiến sĩ tại Đức. 

Đầu năm 1981, tôi sang Mỹ, làm việc tại đại học San Diego State University, giám đốc điều hành Trung tâm phát triển tiểu thương Business Technical Assistance Center.  

Bắt đầu năm 1987, tôi rời đại học SDSU và làm việc trong lĩnh vực tư vấn thương mại và marketing, hợp tác với các văn phòng luật tại bang California.  

Từ năm 1992 đến 2003, tôi làm việc trong ngành điện toán, đảm nhận các công việc “phát triển thị trường” cho các công ty công nghệ cao như Tandy Corporation, Atronics, ZeroMicron, và Globix.   

Năm 2003 tôi trở về lại Việt Nam, tham gia thỉnh giảng tại các đại học trong nước, đại học Đà Lạt và ĐHQG Hà Nội, School of Business.  

Đầu năm 2005 hợp tác với trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp CBAM (trực thuộc VCCI, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp) và Viện Khoa học Pháp lý & Kinh doanh Quốc tế IBLA (trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam),  tôi là giảng viên về Cung ứng và Thu mua Quốc tế, Luật Sở hữu Trí tuệ, Đàm phán và Hợp đồng. Thời gian làm việc tại Viện IBLA, tôi đã gặp anh Nguyễn Quang Ngọc, sáng lập viên công ty cổ phần Trái Đất Xanh Tươi và anh ấy đã mời tôi về hợp tác, phát triển công ty. 

Là một Tiến sĩ, anh có nhiều lợi thế để làm việc tại các công ty lớn ở VN, vì sao anh chọn hợp tác với một "anh nông dân” chưa có tên tuổi, một công ty mới  thành lập?  

Có nhiều công ty lớn VN và nước ngoài mời tôi hợp tác, nhưng tôi lại chọn “anh nông dân” Nguyễn Quang Ngọc vì đây là một cơ hội lớn đối với tôi. Khi tôi được anh Nguyễn Quang Ngọc trình bày về các bằng sáng chế của mình đã đăng ký với PCT thuộc tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới WIPO, tôi rất thán phục.   

Trước đây, khi làm việc với các công ty quốc tế, việc đăng ký sở hữu trí tuệ rất nhiêu khê, chi phí cho các luật sư vài chục ngàn USD. Trong khi đó, “anh nông dân” Việt Nam này có cả một sấp bằng sáng chế, đăng ký toàn thế giới, tôi cũng biết rằng anh ta đã tốn bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc. Tôi nhận lời vì đây không chỉ là cơ hội làm việc có nhiều hứng thú đối với cá nhân tôi mà góp phần giới thiệu những sản phảm trí tuệ của Việt Nam ra thế giới, cụ thể là là sản phẩm trí tuệ của một người nông dân Việt. 

- Anh có cho rằng quyết định của mình là “cuộc chơi phiêu lưu”? 

Đây không phải là một “cuộc chơi phiêu lưu”, nhưng là một sự hợp tác phát triển trong thời kỳ đổi mới và toàn cầu hóa. Anh “nông dân” có các bằng sáng chế về nông - lâm nghiệp, tôi đem lại kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp. Anh “nông dân” nói tiếng Việt sành sõi hơn tôi, lo việc đối nội, tôi giúp anh ta trong việc đối ngoại.  

Nói tóm tắt, chúng tôi cùng nhau phát triển một doanh nghiệp theo đường lối đã được nghiên cứu và ứng dụng tại các quốc gia phát triển, có nghĩa là xây dựng và phát triển doanh nghiệp trên nền tảng sáng tạo, lập chương trình đích theo chiều thẳng đứng (vertical objectives). 

- Nhận vai trò Tổng giám đốc của công ty “Trái đất xanh tươi”, dựa vào đâu anh nghĩ rằng sẽ phát triển sản phẩm của công ty, sản phẩm của trí tuệ Việt sẽ có mặt và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài? 

Sự thành hình của công ty cổ phần Trái Đất Xanh Tươi là sự ấp ủ hơn 10 năm của một người con của Mẹ Việt Nam - anh “nông dân” Nguyễn Quang Ngọc. Đất nước ta là đất nước chuyên về nông nghiệp, những bằng sáng chế của công ty sẽ đáp ứng được nhu cầu đổi thay trong ngành nông lâm và bảo vệ môi trường, nhất là hiện nay, vấn đề môi trường rất được quan tâm trên toàn thế giới.  

Khi tôi đảm nhận chức vụ điều hành công ty và khi nhìn thấy những sản phẩm thô sơ lúc ban đầu, tôi đã hình dung được những sản phẩm của trí tuệ ”thuần Việt” sẽ chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, khi có được một phương án và chiến lược tiếp thị rõ ràng, làm sao kết hợp được công nghệ và đòi hỏi của người tiêu dùng.   

Chúng tôi cũng đã mời gọi được nhiều chuyên gia hợp tác phát triển các mẫu mã, thích hợp với điều kiện môi trường thế giới. Hiện nay, các thiết kế gia của công ty là những người Việt đã từng sống lâu năm tại các nước phát triển.

Riêng về chiến lược, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và tìm ra được một phương pháp tiếp thị mới, kêu gọi sự hợp tác đa phương, đem lại lợi nhuận cho tất cả các bên hợp tác và các cổ đông. 

- Người Việt sinh sống tại Mỹ nói riêng thành công nhiều nhưng thất bại cũng không ít, có phải khi không còn “đất” ở Mỹ và có được một ít vốn, nhiều người quay về VN để đầu tư, vừa có tiền vừa có tiếng? 

Theo suy nghĩ riêng của tôi, “thành công” là khi một cá nhân được học tập, lao động cầu tiến và được thăng tiến trong công việc. Bên cạnh đó là những người thân trong gia đình có công việc ổn định và khỏe mạnh.  

VK ở Mỹ nói riêng và kiều bào nói chung, thất bại thì ít nhưng thành công thì nhiều.  Thành công là nhờ vào sự cần cù, nhất là việc nhanh chóng hội nhập, hiếu học và đam mê kinh doanh. Nếu có thất bại, thì chỉ loanh quanh vấn đề tiêu xài quá nhiều, thiếu nợ ngân hàng, chạy ngược chạy xuôi trả tiển thuế, và tình cảm gia đình bị chi phối bởi công ăn việc làm, cha mẹ ít thời giờ quan tâm đến con cái.

Thành công hoặc thất bại đều tùy thuộc vào “attitude”, cách cư xử tốt đối với “nhân thế”, theo thiện ý của tôi. 

- Vì sao anh quyết định về VN? Anh có nghĩ sự trở về của anh hôm nay đã “chậm chân” so với nhiều người? 

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, ra đi du học trước năm 75, sống gần 35 năm ở nước ngoài, mặc dầu thành thạo tiếng Anh-Pháp-Đức, tôi vẫn yêu mến ngôn ngữ Việt và cái tình “đồng bào” của người Việt Nam. Tôi trở về Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức thu thập được từ những năm qua và mong được đóng góp vào sự phát triển kinh tế thị trường của đất nước. 

Suy nghĩ về sự “chậm chân” cũng phải tùy thuộc góc độ nhìn. Có ý kiến cho rằng Việt Nam “chậm” trong việc đàm phán và gia nhập WTO, 11 năm đàm phán,  nhưng theo quan điểm của tôi, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO thì đã có nhiều sự thay đổi tích cực, bắt kịp nhịp đập của nền kinh tế thị trường qua việc du nhập những công nghệ tiên tiến, ứng dụng phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội và kinh tế. Tại Việt Nam, thời gian qua tỉ lệ sử dụng điện thoại tăng nhanh, internet, phát triển các khu kinh tế công nghiệp, vốn FDI tăng trưởng, v.v..  Đây không phải là vấn đề nhanh hay chậm, mà là sự thích ứng đúng thời điểm. 

Riêng về việc “chậm chân so với nhiều người”, theo tôi, không có gì là “chậm”, đất nước và con người luôn phát triển đổi mới, hòa nhập theo dòng phát triển mới đáng quan tâm, nhiều sự đóng góp nhỏ sẽ giúp cho sự phát triển lớn mạnh về kinh tế và xã hội.  

- Anh nhận xét gì về sự thay đổi của đất nước? Về giới trẻ VN?

 Như đã có đề cập, Việt Nam hiện phát triển nhanh để theo kịp nhịp toàn cầu hóa và sự cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, mỗi khi ra đường tôi vẫn e ngại vấn đề giao thông và ô nhiễm môi trường, người dân vẫn chưa nghiêm túc trong vấn đề này.

Riêng đối với giới trẻ VN, tôi rất thích thú khi đi ngang qua các trường học, không phải chỉ riêng ở nước ngoài, ngay cả trong nước, tinh thần hiếu học của các học sinh VN rất đáng khâm phục. Theo dõi báo chí, đôi lúc cũng có những tin tức tiêu cực về giới trẻ, nhưng đó chỉ là một thành phần nhỏ, ở đâu cũng có những sự việc không hay, nhất là khi cha mẹ không nắm sát tình hình con cái.

- Một chút tâm tình của người con xa xứ khi trở về quê hương? Những ước mơ hoài bão của cá nhân anh?

Những năm qua, khi về sống ở Việt Nam, tôi cảm thấy rất tự do thoải mái, rất thích thú, lúc nào cũng có “tình người” chung quanh, khác hẳn những lúc lái xe trên xa lộ hoặc “ăn cơm một mình trước màn hình TV” khi còn ở nước ngoài. 

Những lúc đứng trên bục giảng, hay những lúc trò chuyện vui vẻ với học viên, hình như ai ai cũng cởi mở chia sẻ thông tin. Khi về làm việc với công ty, tôi cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ, mọi người đều mong muốn công ty thành công.  

Ước mơ hoài bão của tôi rất giản dị, đó là lời kêu gọi được thêm nhiều người hợp tác đầu tư vào công ty, phát triển chiến lược “xanh hóa nông thôn và đô thị thế giới”, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, và CTCP Trái Đất Xanh Tươi (www.fgevn.com) phải là một công ty có tầm vóc quốc tế, thiết lập nhiều đại lý toàn cầu. Tại sao lại không nghĩ đến việc niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán NASDAQ Mỹ trong những năm tới?  Việc này cũng dễ thực hiện, khi mời gọi được những người có cùng tâm huyết, chia sẻ và cùng phát triển công việc chung. 

- Cám ơn anh! Chúc anh sớm đạt được những ước mơ của mình theo như lời anh nói: nhiều sự đóng góp nhỏ sẽ giúp cho sự phát triển lớn mạnh về kinh tế và xã hội.

(Người Viễn xứ)

 

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu