A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi thẳng ra cánh đồng

Mẹ vừa quẩy quang xảo đi được một quãng tôi đã thấy mẹ quay trở về. Mẹ quên gì à? Không, ở nhà chị em bảo nhau mà dọn dẹp sân sướng cho sạch sẽ, lợn gà phải liên tục nhòm ngó đấy. Cứ lặng lẽ mà làm. Làm gì thì làm. Mẹ cấm chúng mày lởn vởn gần bố. Kệ, cứ mặc bố ngồi đó đến bao giờ thì ngồi. Không được hỏi một câu gì hết, nghe rõ chưa!

 Con hỏi thì làm sao hả mẹ?

- Hỏi thì mẹ cho ăn đòn. Cấm hỏi.

- Vâng...

Tôi cầm chiếc áo cáu bẩn của bố mang xuống ao đập. Nước ao nong nóng. Xanh. Và vẩn tanh mùi súc vật chết. Rờn rợn, bàn tay không muốn chạm mặt nước tẹo nào. Eo ôi! Buồn đến phát oẹ. Một cảm giác hôi hám, bẩn tưởi, hỗn độn như đang được gom đốt bỗng cháy lên, phát mùi, chung quanh đây, ở bất cứ ngóc ngách nào. Tôi vội bịt mồm, bịt mũi, đứng lên, đi thẳng ra cánh đồng...

Mẹ tôi cứ thích trồng những loại cây ăn quả giống ngắn ngày. Mẹ bảo, nó kinh tế, mà nếu giá có rẻ đại bất ngờ thì còn phá đi để trồng thứ khác cho in ít tiếc. Bố lừ mắt: Chưa làm đã dọa phá -  Ôi dào, nói thật thì dễ mất lòng. Ở cái vùng này ai chả vậy. Gây dựng rồi lại phá, phá lại gây. Tôi ngán  hết cái lý thuyết chăn nuôi trồng trọt này đến cái lý thuyết chăn nuôi trồng trọt khác của ông lắm rồi -  Thì nhà mình cũng phải có niềm tin chứ -  Tin gì? Người tính chả bằng giời tính. Mấy năm gần đây làm ăn cái gì cũng chật vật, của chi ra thì có mà của thu vào thì không. Thế chẳng phải mình làm không công cho... - Cho ai? Mẹ chán không buồn trả lời bố, đặt tờ giấy ghi ghi chép chép chi tiêu tháng này xuống bàn, trước mặt bố, rồi mệt mỏi bước ra hè. Ngoài hè không có gió. Chỉ có mẹ nhớp nháp mồ hôi ngồi lọt thỏm giữa hai cái  bồ chứa thóc. Mắt mẹ vàng, hõm xuống nhìn vào khoảng xa tít đẩu đâu. Mẹ mới bốn bảy, nhưng điều khiến tôi phiền muộn nhất là ai cũng bảo trông mẹ như người đã ngoài năm mươi ấy. Lỗi tại tôi. Tại chị em tôi, tất cả... - Mẹ uống chút bột sắn cho mát đi ạ. Con cũng pha cho bố con một cốc rồi. - Mát mẻ gì? Mẹ mày đang nóng từ trong ruột nóng ra đây. Mày đi học trên thị trấn có thấy họ bán thứ thuốc nào chữa được bệnh nóng trong của mẹ thì mua về, mẹ uống... Tôi hiểu ý mẹ, cười hì và vừa nói theo nghĩa đen lẫn cả nghĩa bóng: Sau này chị con nhất định sẽ phát minh ra loại thuốc ấy mà mẹ (chị tôi vốn là sinh viên năm thứ tư trường Y ). Mẹ tôi đưa cốc bột sắn lên miệng. Tôi biết mẹ tôi sắp chảy nước mắt. Và tôi cũng biết sau giây phút xúc động này, mẹ tôi lại cười vui vẻ với tôi... Mẹ tôi hay thế lắm. Cứ nghĩ tới chị, nghĩ tới chị Vân thuở còn tong teo eo ớt nằm vật vờ trên bệnh viện tỉnh mấy tháng trời, đã có lúc tưởng rằng không qua được. Vậy mà giờ đây chị khôn lớn rồi, đã biết thương bố thương mẹ mà chăm chỉ học hành. Chị giống tính bố. Quyết tâm. Chị là niềm tự hào của gia đình tôi. 

Gà gáy, mẹ dậy bó rau cho tôi đi chợ. Tôi nói mẹ ngủ thêm lúc nữa cho đỡ mệt, vẫn còn sớm mà. Mẹ lắc đầu. Tôi cũng  trở dậy theo. Bàn tay mẹ ngắn doằn thô ráp đặt lên những mớ rau, với đủ các thể loại: Tía tô, mùi tầu, rấp cá, xương xông, cho đến rau muống, quả cà, rau ngót. Mẹ bảo bán hết. Rẻ cũng bán. Gà qué chết hết cả rồi. Lợn thì bèo bọt, cho ăn làm gì, phí. Ngô, trưa nay mẹ cũng gọi thợ đến bán bớt đi cho nhẹ nợ -  Nhưng nhà mình lúc mua đã là "băm hai", giờ lợn rẻ, ngô cũng xuống giá. Bán thì lỗ hả mẹ? Mẹ thở dài, đẩy rau vào trong bao: Thế đấy, làm cái gì cũng dở. Có khi chẳng làm lại được yên thân, khỏi phải lo nghĩ gì sất - Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi mẹ ạ. Mẹ cười tỏ vẻ chấp nhận, bước lên bậc hè thứ hai ngồi, chụm chân, chắc lại nhẩm tính gì đó. Ngày chị tôi phải vào viện mổ, có lần tôi cũng thấy mẹ ngồi với tư thế này. Tôi đã từng tâm sự với chị tôi rằng mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất thế gian. Và chị tôi thì nói, cả bố cũng vậy. Tôi chợt nhìn chung quanh đây, trên mảnh đất rộng hơn bốn sào này, kể cả vườn tược đâu đâu cũng thấy mồ hôi và nước mắt của bố mẹ.

Bố quát tôi: Nói nhỏ nhỏ chứ... lại tăng rồi đây này - Bố bảo tăng cái gì hả mẹ? - Tăng thì nghỉ học về đi cấy. Học phí của chị mày, trên ti-vi người ta vừa thông báo sắp tới có khả năng sẽ tăng. Chẳng biết rồi ra thế nào chứ cứ  như bây giờ, đóng góp từng ấy, gia đình mình đã xiêu vẹo lắm rồi... Sắp tới lại con Vi nữa... Hay con cứ thi vào sư phạm... - Ô hay, cái bà này, nói gì thế ?

Mẹ bảo tôi mang ra cho bố cái giấy họp của hội chăn nuôi. Tôi cười: Con tưởng mẹ không thích để bố con đi họp hành gì... - Như thế đâu có được. Ra nghe xem kỹ thuật người ta nói gì rồi về mà khắc phục hậu quả chứ. Tôi vâng lời mẹ đem ra cho bố coi. Bố nhìn tờ giấy có vẻ không lạc quan nhiều lắm nhưng vẫn quyết định đi. Bố tôi, tính bao giờ cũng khó đoán. - Con chuẩn bị giấy bút cho bố nhé. Ði họp là phải ghi chép đàng hoàng. Hôm nay có kỹ sư ở trên tỉnh về làm việc. -  Con thấy bố vui vui có phải không mẹ nhỉ? - Ôi, bố mày bao giờ chẳng vui. Cá nổi lềnh bềnh khắp ao hay thỏ chết hàng chuồng thì cũng chẳng thể nào làm gì khác được, vui. Mẹ lại nói giỡn. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi không biết bố đã luyện cho mình như thế nào mà sao bố luôn giữ được sự lạc quan đến vậy. Bao nhiêu gian khó của cuộc đời, có lúc tưởng như phải hy sinh cả tính mạng của mình để cứu sống đứa con gái đang mang bệnh hiểm, vậy mà không hề thấy bố chút nao núng. Cuộc đời bố sao toàn là sự chiến đấu. Và bố thì chiến đấu với tất cả! 

Tôi vừa hái rau về đến cổng đã thấy bố ngồi giữa sân với tạp nham một đống đinh, tre gỗ, và lưới mắt cáo. Tôi ngầm hiểu: Sắp tới bố sẽ mở chiến dịch chăn nuôi. Còn chăn nuôi gì thì tôi chưa rõ. Tôi nhòm vào nhà thấy mẹ ngồi phe phẩy cái quạt, thờ ơ. -  Mẹ không ra giúp bố một tay đi ạ? - Hôm nay còn nhàn, cứ để  mẹ nghỉ ngơi cho sướng. Từ mai nhà mình lại tha hồ tất bật rồi. Không biết có thời gian mà nghỉ ngơi xơi nước nữa không cơ. - Bố có kế hoạch gì à? - Bố định đầu tư một ít vào thỏ. Và gà - Vừa mới dịch xong, liệu... - Bố tính hết cả rồi, con gái không phải lo. Chắc bố sợ tôi lại nói toàn điềm gở nên chẹn ngang luôn. Chưa làm mà đã dèm pha này nọ, ở quê hay kỵ lắm. Mặc dù vẫn biết dịch bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào nhưng chẳng hiểu sao lời nói của bố quả thật có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi đến vậy. Bố làm cho tôi tin. Và tôi nhất định sẽ ủng hộ bố.... 

Chị điện thoại về nói rằng trên Hà Nội thịt lợn đang cháy. Bố cười: Thế hả. Và theo kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm của bố, bố sẽ đầu tư nuôi thêm  gà nữa. Bố bảo chỉ cần nắm được "quy luật" của bệnh dịch là mình lái được sang hướng chăn nuôi thuận lợi ngay mà. Tôi hỏi: Thế lão nông đã tìm ra quy luật ấy chưa ạ?  Bố bảo chưa, nhưng rồi thể nào cũng tìm ra. Bố nói vậy tôi cũng tin. Không phải tôi tin bố sẽ tìm ra quy luật quy lẹo gì, mà tôi tin - như đinh đóng cột - rằng bố tôi sẽ  thắng trong đợt chăn nuôi này. Cái ngôi nhà cao tầng mà chúng tôi đang sống đây, tốn kém bao nhiêu là gạch vữa xi-măng cốt thép, thế mà chỉ với hai bàn tay trắng bố mẹ tôi đã dựng lên được, huống chi... Tôi nhận thấy rằng hình như mình đang trên đà tin tưởng, và ngưỡng mộ bố hơi quá mức. Còn bố, hình như hằng đêm bố khó lòng chợp mắt. Vì sao? Tất cả chỉ vì chị em tôi. Vì chúng tôi đi học mà tiền học thì luôn thúc phía sau...

Tôi ngồi đan cho bố một chiếc khăn len những mong bố quàng cổ cho ấm mỗi khi thức dậy kiểm tra chuồng trại, ao đầm. Bố bảo tôi đan đẹp nhưng chưa khéo bằng chị Vân của tôi. Tôi khẽ cười. Mẹ cao giọng: Con gái tôi đứa nào chẳng giỏi. Ðan khăn là sở trường của con Vân, nhưng móc mũ lại là sở trường của con nó đấy. Mai con "trổ tài" móc cho bố một chiếc, để bố biết tay. Tôi vâng lời một cách ngoan ngoãn. Và đêm ấy tôi đã thức khuya để cố gắng hoàn thành xong tác phẩm của mình. Tôi muốn sáng sớm ngày mai, khi bố tôi thức dậy, tôi sẽ khẽ khàng đội chiếc mũ len lên đầu cho bố. Tôi hình dung ra khuôn mặt, nụ cười lạc quan của bố lúc đó. Và tôi biết thể nào khi đội vào, bố sẽ sang bên nhà chú Canh chơi. Bởi ở đây luôn "tụ tập" nhiều người. Mà lẽ nào lại không có đến ba bốn người xuýt xoa: Anh có chiếc mũ đẹp nhỉ!... Bố sẽ rất vui và khoe rằng "của con gái út đan cho đấy".

Sáng sớm. Bố bỗng lăn ra ốm vì đàn gà bị dịch. Chỉ qua một đêm, tất cả đổi khác. Mẹ tôi không ngơi nước mắt. Bao nhiêu tiền của giờ đã đổ đi hết. Lại một lần nữa. Nhà tôi bao giờ mới có thể vực lên được đây? Chị ơi! Tôi đắp lá nhọ nồi lên trán bố. Bố gạt tay tôi ra, im lặng, nằm suốt từ sáng tới giờ không nói một câu. Tôi biết tính bố. Ðau. Nhưng sẽ không phản ứng như mẹ. Tôi đưa tay lên vờn nhẹ mái tóc bố. Còn bao nhiêu cái tóc đen nữa nhỉ? Tôi đếm được... Chỉ có thời gian và tấm lòng của bố mẹ đối với chị em chúng tôi mới không thể đếm nổi thôi. Cổ họng tôi như vừa bị một thanh gì đó vít ngang, ngắc ngứ. Tôi nắm chặt tay bố, chẳng biết làm gì. Nước mắt tôi rơi ra. Tôi nghe thấy bước chân chị tôi về đến cổng. Tôi tưởng bố cũng vẫn nằm im như thế. Không. Bố ngồi dậy, bước ra ngoài nhà. Ngoài nhà u u mê mê tối. Bố châm điếu thuốc, vểnh mặt lên hút. Những đám khói trắng cuộn mình bay bay. Bố ơi! Chúng con đã làm tội bố mẹ rồi!

Mùa đông bây giờ không còn giá lạnh như ngày trước nữa. Ở ngoài đồng lồng lộng gió. Mà gió cũng lành. Tôi đứng nhìn những luống ngô đang phơi râu. Nghĩ mãi. Nghĩ mãi. Rồi bỗng nhiên giật mình, tôi tự hỏi: Ngô được mùa mà gia súc thì có còn con nào đâu nhỉ. Một nỗi xót xa dâng đẩy lên ngực. Nhưng tôi biết, sau làn khói thuốc kia, bố tôi lại đang suy nghĩ điều gì đó. Chính mẹ tôi đã truyền cho chúng tôi niềm tin ấy.

 Hoàng Nết/ Nhân Dân


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu