A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sen cuối hạ

Cô tình cờ ghé vào phòng tranh ấy trong một buổi chiều mưa rỗi việc đi lang thang. Chỉ là để trú mưa. Những chiếc lá sen tàn với những cái đài sen rũ gục hắt ánh nâu đồng cổ kính kiêu sa trong bức tranh sơn mài có phoóc-ma vuông 80cmx80cm làm cô thoáng chú ý. Nhưng cũng chỉ thoáng thôi.

Còn việc cô đứng ngây ra trước bức tranh hồi lâu thì lại vì một lý do hoàn toàn khác. Bỗng một cô bé con chừng bảy tuổi đến cạnh cô bắt chuyện:

- Cô thích hoa sen à?

Cô mỉm cười gật đầu:

- Thế còn cháu? 

- Cháu rất thích các loài hoa khác. Nhưng mẹ cháu thì mê mẩn hoa sen, nhất là mấy đám sen tàn! Nó nói và hất hàm về phía bức tranh.

- Cô hiểu rồi. Tranh của mẹ cháu đấy à?

- Cô thấy đẹp hay xấu ạ? 

- Cháu hỏi về tranh hay về sen? - Cô cố làm bộ láu lỉnh hỏi lại nó.

- Dạ, tranh ạ! 

- Cũng tạm! Còn sen thì tuyệt! 

- Tranh của mẹ cháu vẽ đấy! - Nó vênh mặt khoe rồi đưa mắt nhìn cô như đo đếm điều gì. 

- Nhưng... Cô không có đủ tiền mua đâu. 

 Cô bướng bỉnh: 

- Ðủ tiền cô cũng không dại dột mà mua. Nhà cô có hàng tá sen tàn kiểu này. 

Con bé tỏ vẻ am hiểu:

- Cháu hiểu rồi. Cô bán hoa ở Tây Hồ đúng không? Hoa cô bán không hết, tiếc của mang về cắm đầy nhà rồi để héo chứ gì? 

Cô phì cười:

 - Sao cháu lại nghĩ ra câu chuyện buồn cười thế? 

- Thì cháu nghe mẹ kể thế mà. Có phải cô đấy không? 

- Ðáng tiếc là không phải rồi. 

- Nhưng cô vừa bảo... ở nhà cô cũng có nhiều sen tàn cơ mà? 

- Ừ, chính xác là cô có nhiều bức ảnh chụp sen tàn. 

- Cháu hiểu rồi.  Cô là nhà nhiếp ảnh?

- Gần giống như thế. 

- Thế tên cô là gì?  

- Cô không có tên. Chỉ những người nổi tiếng mới có tên ở trong trí nhớ của thiên hạ. Còn mẹ cháu tên gì?

Con bé nheo mắt già câng:

- Ðến khi nào mẹ cháu nổi tiếng thì cô sẽ biết đến tên mẹ cháu. 

- Cháu có vẻ thông minh lém lỉnh quá đấy, cô bé con ạ! Chẳng giống với lứa tuổi của cháu đâu - Cô nhận xét. 

- Thôi. Tạnh mưa rồi. Cháu phải về. Cháu chào cô - Con bé liến thoắng rồi chạy biến ra đường. 

Chính nó, chứ không phải bức tranh sen tàn đã đưa chân cô trở lại phòng tranh ấy chiều hôm sau. Căn phòng không có ai. Cô lại đứng ngắm nhìn bức tranh, trong lòng mong được gặp con bé. Nó như chút hương sen day dứt tỏa ra từ những cánh sen tàn trong bức tranh. Cô chăm chú nhìn kỹ vào những lớp, những hình lờ mờ xanh đen đã bị mài chìm sâu trong tấm vóc. Nét u tịch rêu phong. Nét trầm kha đài các. Nét vương buồn rưng rưng và nét cổ kính lăng mộ... 

- Em là nhà nhiếp ảnh thích chụp sen tàn phải không?

Cô giật mình quay lại. Một người đàn bà xương xương đứng sau lưng cô với cái cười ấm áp:

- Con gái chị cứ nói về em suốt cả tối hôm qua. 

- Chào chị. Thế cháu đâu rồi ạ? 

- Hôm nay nó phải đi học. Nó còn cá với chị là hôm nay em sẽ đến đây. Nó bảo: Cô ấy hẹn với bức tranh của mẹ. Hẹn với những cánh sen tàn.

- Con bé nhạy cảm đến kỳ lạ.

Cô lấy trong túi ra một gói hạt giống hoa và đưa gửi người họa sĩ: 

- Phiền chị trao cho cô bé.

- Vâng - Người đàn bà rót nước - Mời em!

Chén trà nóng đưa hương sen thơm dịu. Cô ngó đồng hồ. Ðã đến giờ phải đón con. Nhưng cái không khí nơi đây cùng ánh sáng vàng ấm áp của ngọn đèn chiếu vào bức tranh làm cho từ những bông, lá đến mỗi đài sen đều có cái gì đó khắc khoải, làm cô luyến tiếc. 

- Những bông sen trong lăng Tự Ðức...

Cô nói khẽ. Và cũng đủ nhận ra cái rùng mình của người đàn bà đối diện. 

- Chỉ là chút sen tàn thôi. Hà Nội mình cũng nhiều sen lắm chứ. Sao em lại nghĩ đây là sen ở lăng Tự Ðức nhỉ? 

Chị ấy nói và móc trong cái túi khoác ra bao thuốc ba số. 

- Em hút không?

Chị ấy châm lửa và rít hơi thuốc sâu tóp cả hai má. Sau cái nheo mắt mơ màng là cái hất cằm giục giã với bao thuốc chìa ra trước mặt. Cô lắc đầu. 

- Ừ. Nhìn hàm răng trắng bóng của em thì biết em không phải là người nghiện trà thuốc. Nhưng cái đuôi mắt có nốt ruồi kia thì cũng đa đoan lắm. 

Cô lúng túng. Cô không thích ai cứ xoi mói vào lòng dạ mình. 

- Em xin phép, em phải về. Cho em gửi lời chào cô bé nhé. 

Cô nói và quay lưng không đợi chị ấy trả lời. 

Con gái đón cô với cái vẻ phụng phịu dỗi hờn: 

- Con chờ mẹ mỏi hết cả chân! 

Mọi ngày thì cô sẽ xin lỗi và nựng nịu công chúa. Nhưng hôm nay bỗng dưng cô nổi khùng:

- Mẹ cũng có việc của mẹ chứ! Mẹ chưa đến thì con chờ một lát. Không được chạy xuống lòng đường... 

Con gái thút thít khóc. Nó tủi thân. Nó không ngờ lại bị mắng. 

Cái vẻ vừa u buồn, vừa mơ mộng, mà lại cứ cố tỏ ra ngang tàng, phớt đời của người đàn bà ấy ám ảnh cô. Chị ta là ai? Là hàng ngàn hàng vạn những nghệ sĩ vô danh đang miệt mài cấy cày trên cánh đồng nghệ thuật, đang tự nguyện và cam chịu - như là số phận nó thế? Nhẫn nại và âm thầm - hoặc ở đây đó cũng có lúc chợt bùng lên gào thét tuyên ngôn này nọ? 

Cô nhớ đến con bé: "Khi nào mẹ cháu nổi tiếng thì cô sẽ biết đến tên mẹ cháu!". Phải rồi. Giờ thì cô đã hiểu tại sao mình lại bị ám ảnh bởi hình bóng những bông sen có vẻ đẹp kiêu sa u ẩn, vừa hoài mong thổn thức, vừa già nua thiếu nữ giống như những cung tần nơi cung cấm.  

Chị ấy. Và cô. Những người đàn bà đam mê và gắng sức níu giữ lại cái vẻ đẹp huy hoàng, lung linh kể cả khi đã héo tàn của loài hoa biết dịu dàng, kiêu hãnh và thanh khiết tỏa hương ở nơi ao tù đầm sâu hồ vắng.  Sen tàn  - Chị ấy - Và cô! Có cái gì đó giống nhau như là số phận? 

Hôm sau cô đi công tác xa. Trở về, cô tranh thủ ghé qua phòng tranh ấy, mong gặp lại mẹ con chị, và  ngắm nhìn bức sen tàn. Nhưng người ta đã treo một bức tranh cổ động về an toàn giao thông lên chỗ ấy. Cũng là chuyện đương nhiên, mà sao cô bỗng thấy hẫng hụt, nhói đau. Cô dò hỏi. Những người quản lý phòng tranh không ai biết chị. "Cô ấy đem tranh đến ký gửi". "Thế chị ấy có  hẹn sẽ quay lại không ạ? Chị ấy có để lại địa chỉ liên lạc không?". "Không, à mà có. Một chữ ký biên nhận khi lấy tiền" - Ông già quản lý lật đật giở cuốn sổ. Chỉ vẻn vẹn dòng chữ nguệch ngoạc "Ðã nhận đủ tiền" và một chữ ký tắt "H". Cô thở dài thất vọng.  

Rời phòng tranh, cô phóng xe ào ào trên đường. Hôm nay công chúa vẫn đang ở bà ngoại. Cô có thể chủ động về giờ giấc của mình. Quái nhỉ! Sao vẻ u buồn của người đàn bà vẽ sen tàn cứ ám ảnh cô mãi thế? Trong cuộc đời có những gương mặt, giọng cười, chỉ thoáng qua mà để ta nhớ mãi, khiến ta day dứt và ám ảnh, không quên được mà cũng không muốn quên!

 Mẹ con người đàn bà vẽ sen tàn có ý nghĩa huyền bí đối với cuộc đời cô  tựa như vậy. Cô luôn có ý mong được gặp chị suốt cả những năm sau này.

Con gái cô lớn lên. Nó làm nghề báo, suy nghĩ thực tế chứ không lẩn mẩn mơ mộng hão huyền như cô. 

Hôm nay chị đợi mãi, đêm khuya nó mới về. Chợt nó chững lại khi nhìn thấy vẻ mặt cô trong gương. 

- Có chuyện gì thế mẹ? Sao mẹ không đi ngủ? Hơn một giờ đêm rồi! Con sấy tóc rồi cũng ngủ ngay mà! Mai con đi hội thảo, mẹ gọi con dậy bảy rưỡi nhé. 

- ... Những bức ảnh... - Cô ấp úng không biết phải bắt đầu với nó thế nào.

- Ôi dào! Mẹ tiếc làm gì. Sực mùi ẩm mốc lên rồi. Chiều mai về con tháo khung kính ra, mang đến cơ quan lưu vào đĩa CD. Ảnh của mẹ có mất đi đâu nào! Chứ cái bà Hạ Liên kia kìa, giải tán cả đống tranh sơn mài sơn dầu giấy dó tùm hum cũng chỉ được có hơn ba chục ngàn. Toàn vẽ sen tàn đấy. Ðẹp ra phết. 

Cô chợt linh cảm thấy điều gì. 

- Hả? Con nói bà nào vẽ sen tàn? Có phải bà ấy chừng sáu mươi tuổi, người cao gầy?... 

- Không. Bà ấy to cao, béo phị.

- Bà ấy có một đứa con gái hơn con hai, ba tuổi. Và rất thông minh, đúng không? 

- Ôi dào, con làm sao mà biết được! Con tính, từ giờ mẹ đừng đi chụp ảnh xa nữa. Thích sáng tác thì cưỡi xe loanh quanh Hà Nội cũng đã khối đề tài hay...

Nó càng nói, cô lại càng da diết nhớ cái bức tranh sen tàn và mẹ con chị... 

Nhớ ngày ấy, cô còn là sinh viên thực tập tốt nghiệp. Anh dắt tay cô đi trong cái ảm đạm sương mưa xứ Huế. Anh kể cho cô về ông vua thi sĩ bạc mệnh và chín chúa mười ba vua triều Nguyễn. Cứ thế, cô lạc mê trong mộng mị của những trầm tích cố đô. "Em có thấy kiến trúc Huế hay gắn với sen không? Sen là loài hoa tuyệt vời nhất. Vương giả nhất. Thi ca nhất. Lại phong phú gợi cảm về mặt hình họa. Sen mang triết lý nhà Phật. Và cũng mang cái chí khí nhập đời, nhập đạo. Cứ ngẫm mà xem. Cứ ngắm mà xem. Ai thích được sen, cảm được sen, người ấy ắt hẳn không thể nghèo nàn về tâm hồn và cũng khó có gan làm điều ác...". Xem những bức ảnh cô chụp sen, anh sững sờ: "Ðây không chỉ là ảnh đẹp, mà còn là những vỉa tầng văn hóa. Là những hóa thạch của vẻ đẹp nghệ thuật. Là cái trí, cái mỹ, cái lý, cái nhân đã được giản lược, cô đọng và kết tinh thành biểu tượng. Ðây là cái biểu tượng. Ở đây có đạo. Có thần. Có minh. Có tâm. Và khúc triết lắm". Anh làm cô mê loài hoa ấy, và mê chụp ảnh tất cả những thứ có sen. Công chúa của cô đã được hoài thai từ những thăng hoa của sủng nịnh và giữa ngào ngạt hương sen ấy. Ðể rồi hết kỳ thực tập tốt nghiệp cô trở về trường với cái bụng lùm lùm cứ luôn bị ép lại trong chiếc quần bò chật cứng. Ra trường, cô bơ vơ, hoảng sợ không dám về quê gặp bố mẹ. Cô lặn lội vào Huế tìm anh.

Không có anh.

Chỉ còn những đài, những lá sen tàn trong nắng gió mùa thu khu lăng Tự Ðức. 

- Mẹ có linh cảm sao đó. Khó nói lắm. Ngày mai, con cho mẹ gặp bà Hạ Liên được không? - Cô khẩn khoản đề nghị với con gái. 

Phải ba năm sau cô mới gặp được chị. Bởi lần ấy, khi con gái chở cô đến cái khách sạn mi-ni ở phố Hàng Bạc, thì chủ nhà bảo chị đã bay vào nam lúc sáng. Nhưng cô đã được nhìn thấy bức sen tàn ấy, để biết được linh tính mình không sai. Là chị. 

Ba năm sau. Ấy là chuyến cô vào nam, đi nghỉ Ðà Lạt, Vũng Tàu trước khi về hưu. Bạn bè văn nghệ sĩ trong đó đến thăm. Cô hỏi mọi người về chị. Họa sĩ có tên là Hạ Liên và hay vẽ sen tàn. Chẳng ai biết cả. Nhưng cô vẫn cứ hỏi lại mãi. Cuối cùng, anh T. một nhà báo chuyên trang văn hóa văn nghệ bỗng chợt nhớ ra: "Phải rồi! Có lẽ là bà Hạ béo người Hà Nội. Vợ của sếp Huy... Cũng có người bảo bà ấy từng vẽ vời, chứ từ ngày vào đây đến giờ, chỉ thấy bả đi lễ Phật miết, có vẽ vời gì đâu!" "Phiền anh đưa tôi đi... Tôi cần tìm người ấy lắm..." - Cô nài nỉ. 

Cả đêm ấy cô không ngủ được.  

Ngôi nhà ba tầng ngạo nghễ ngay đầu con hẻm. Khi anh T. bấm chuông, tim cô bỗng đập loạn xạ. Chân tay run bắn. Chẳng biết nếu không phải là chị,  thì cô sẽ nói gì với chủ nhà đây?

Bà giúp việc ra mở cổng. Thấy anh T., bà ta đon đả khiến cô cũng đỡ ngại. Vì anh có vẻ thân thiết với chủ nhà. Cô và anh T. ngồi uống chưa hết ngụm đá chanh thì chủ nhà trên gác xuống. Một người đàn bà to béo. Chào anh T. rồi chị nhìn sâu vào mặt cô và thốt lên: 

- Em hả? Nhận ra chị không? Người đàn bà vẽ tranh sen tàn này! 

Cô gật mà không thốt nên lời. Chân tay bủn rủn. 

- Mình ơi, mình! Xuống đây đi! Trời đất quỷ thần ơi! Trái đất tròn à!

Trên lầu, một người đàn ông bước xuống, cười nói rổn rảng:

- Chú T. Mới tới chơi hả? 

- Mình nè! Cô bé mà có lần em kể với mình đây nè. Cô bé chụp ảnh hoa sen ở Hà Nội đó. Nhớ hôn?

Cái lối pha tiếng đáng ghét, làm cô không chịu nổi. 

- Vậy hả? - Người đàn ông hỏi dè dặt.

Cô ngước mắt lên. Ánh mắt người đàn ông cũng vừa lúc lộ vẻ bàng hoàng. Anh ấy đấy. Chính là anh ấy. Là bố của con gái cô. Là người đàn ông đã đem hương sen bỏ bùa cô. 

Cô ngồi chết cứng trong cái ghế sa-lông Tàu đen bóng. 

- Ta về thôi, anh T... Tôi nhớ ra còn có cái hẹn... Ðể khi khác em ghé thăm anh chị với cháu... Em còn ở đây dài dài mà - Cô cố lấy vẻ bình thường. 

- Em biết hôn? Những hạt giống hoa em cho con nhỏ đó...  giờ đã thành hoa nở suốt hai mươi năm từ Bắc vào Nam đấy. Thì bởi nó cứ đem trồng, rồi nhân ra, cho khắp mọi người. Nó bảo hoa đẹp phải để cho mọi người cùng hưởng. Con bé thích hoa đến kỳ lạ. Nhưng nó vẫn như ngày xưa ấy. Ghét hoa sen của mẹ. Ðặc biệt là sen tàn... Em ngồi chơi đi. Chỉ lát nữa là nó về thôi. Giờ nó dạy piano ở nhạc viện...

Anh ngồi im không nói một câu nào. 

Cô bỏ dở chuyến đi nghỉ và trở ra Hà Nội ngay sau đó.

Khi con gái hỏi về Sài Gòn, cô chỉ đáp: "Cũng bình thường!" Cô giấu biệt chuyện đã chạm mặt cha nó. Và cả chuyện bà họa sĩ Hạ Liên là vợ của cha nó... Biết để mà làm gì! Số phận đã run rủi cô và những người ấy đi chung một chuyến tàu, rồi chia ly. Thế thôi. Tất cả những người trong cuộc đã từng có chung nhau một hạnh phúc. Một niềm đau. Một lần ngắm nhận được và vĩnh cửu hóa cái đẹp phi phàm của thiên nhiên ban tặng - cái viễn cảnh huy hoàng, đài các và kiêu sa của loài sen khi đang tàn trong chiều cố đô. Tất cả, chỉ biết gọi thành tên là Số phận. Thế chẳng phải là vừa vặn đủ hay sao!

Thu Hằng/ Nhân Dân


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu