A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chị Lụa

Làng Phúc Hà là một cái làng bình thường như mọi làng ở vùng ven biển xanh mướt lá xanh này. Nhưng chuyện làng Phúc Hà thì nhiều lắm. Những số phận kỳ lạ có đầy trong các câu chuyện truyền miệng diễn ra hàng ngày. Nhưng gần đây, có chuyện mấy người Mỹ về tìm xương phi công thì câu chuyện được bàn tán dai dẳng nhất, chuyện ấy có liên quan đến cuộc đời của chị Lụa.

Muốn viết về chị thì phải bắt đầu từ hồi chị lấy anh Vĩnh. Hồi ấy ai cũng bảo chị dại: “Người như thế mà đi lấy anh chàng ù lì như khối đất”. Họ nói vậy là vì chị Lụa thì da mịn, tóc dài, thắt đáy lưng ong, miệng cười tươi như hoa nở, răng trắng bóng, đều tăm tắp như hạt lựu. Còn anh Vĩnh, đã dáng lù đù, lại vừa hiền vừa thật quá. Nghe đoạn thư anh viết về cho chị hồi huấn luyện xong ở Thanh Hoá thì biết: “Mình ơi! Mai tôi đi chiến trường bê rồi. Chả biết có ngày về hay không mình ạ!” Từ mai hễ đêm đêm chó nhà mình nó sủa mình đừng ra cửa ngóng tôi nữa mình nhé!

Ba năm sau kể từ khi nhận lá thư ấy, người ta đã làm lễ truy điệu anh. Đau đớn, vật vã… chưa kịp nguôi ngoai thì mẹ anh Vĩnh lâm bệnh qua đời, rồi hai đứa em cô lần lượt đi lấy chồng xa chỉ còn mình chị Lụa lặng lẽ đứng chủ ngôi nhà trên mảnh đất cao ráo.

Thiên hạ giật mình bả chị dại nhưng mà dại khôn. Bỗng dưng được hẳn một cơ ngơi đàng hoàng, bề thế.

Thực ra chị lấy anh Vĩnh cũng là do tham cái tính vừa hiền, vừa thật thà của anh mà thôi chứ dại khôn gì. Tính chị, ruột để ngoài da, nghĩ sao làm vậy, hay thương người mà chẳng tiếc đến thân. Đã vậy, gái goá không con, lại ở một mình nên thiên hạ thích dòm dõi, đàm tiếu là phải.

Hồi chiến tranh phá hoại, có chiếc máy bay phản lực Mỹ rơi xuống cánh đồng trước nhà chị. Khi đâm xuống, máy bay nổ tung như một kho chứa bom, lửa cháy ngùn ngút. Đám khói quặn lên, trông như cây nấm độc khổng lồ. Phi công tan xác. Những mẩu thịt, xương nát vụ bắn tung toé khắp nơi, dính cả lên những lá lúa xanh mướt, rơi cả xuống mương. Người ta hãi đến mức không ai dám bắt cua cá ở cánh đồng ấy nữa.

Ít ngày sau, đi làm đồng, chị Lụa nhặt được một khúc xương, thịt đã rữa nhưng còn bám đầy xung quanh. Chị mang về bỏ vào cái nải sành, đem chôn xuống góc vườn. Việc lan ra ngoài, dân làng ầm ĩ cả lên. họ chửi chị là người ngu, không có cái ngu nào bằng cái ngu rước ma về nhà. Nó là thằng giặc, đáng lẽ phải đem mà ném xuống sông hoặc đốt thành tro mới phải chứ! Vậy mà còn vác về đem chôn cất hẳn hoi, chẳng có quan điểm gì cả! Đấy rồi xem! Cái đất ấy ma giặc nó ám, rồi cũng chẳng ra sao cho mà xem!.

Trước những lời ấy, chị Lụa một mực nín nhịn. Ai thân tình lắm, chị mới hé cái suy nghĩ của mình ra: “Nó là giặc thì nó cũng là người. Nó cũng có vợ, có con, ông bà, bố mẹ. Mình thương người thân của mình, dễ thường người khác không thương người thân của họ đấy chắc! Chồng mình chết, mình đau. Chồng họ chết, họ cũng đau lắm chứ! Tính tôi vậy đấy! Ừ! Không nhìn thấy thì thôi, chứ nhìn thấy mà không nhặt nhạnh, chôn lấp cho người ta, tôi cứ thấy nó tồi tội thế nào ấy… Sống thì còn bảo là ta với giặc. Chứ chết rồi làm giặc làm sao được cơ chứ!”.

Việc đã rồi. họ nói nhiều làm chị cũng thấy lo l “âm dương đồng một nhẽ. Chả nhẽ mình làm việc phúc mà ông trời lại giáng hoạ xuống đầu mình hay sao?” nghĩ vậy, nhưng chị vẫn nửa tin, nửa ngờ. Từ đấy chị có ý để tâm xem những rủi ro gì sẽ đến với mình.

Sau một thời gian dài, không có chuyện gì xảy ra, chị đã vững tâm, và dần dần cũng quên khuấy cái chuyện ấy. Mãi đến thời kỳ hợp tác xã tổ chức xê dịch, cân đối lại ruộng đất cho các hộ gia đình. Ông độ trưởng liền nhà chị đã khéo léo bố trí một cuộc đổi đất mà cả hai bên đều có lợi. Nhà ông lấy một nửa đất thổ nhà chị. Nhà chị lấy phần trăm ở ngoài đồng. Tất nhiên diện tích chỗ đất phần trăm nhiều hơn chỗ đất đổi kia. Thiên hạ lại được dịp ồn lên rằng chị dại. Có kẻ độc mồm lại bảo hay là có gì với ông đội trưởng nên mới thế chứ ai dại gì! Thế rồi bẵng đi dăm năm, khi dân số đã tăng đáng kể. người ta lại tổ chức chia ruộng. Số đất đổi ra ngoài đồng ấy của chị bị hợp tác xã lấy ra. Thế là chị mất trắng. Bởi vì đất ấy là đất trong diện dành để vá, để bù, để cân đối, chứ không phải để sử dụng lâu dài như đất thổ cư nhà chị. Trong khi đó, chỗ đất đổi cho ông đội trưởng, người ta đã đưa vào bản đồ địa chính thành đất nhà ông ấy từ lâu rồi.

Giấy trắng mực đen, việc đã lỡ rồi, lúc ấy chị chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay mà nghe người ta khẳng định những lời dự báo về ma giặc năm xưa, người ta khen ông đội trưởng lắm mưu nhiều kế.

Vậy là chị còn vẻn vẹn một nửa đất hơn một sào với ngôi nhà cũ giáp với con đường liên huyện. Lại có người bàn đổi nhà kèm hơn ba sào đất thổ trong xóm cho chị. Vẫn biết đất mặt đường ngày càng có giá, nhưng nghe người ta bàn tán cũng có lý: Họ ra đấy để mở hàng buôn bán. Còn nghề chị là nghề làm ruộng, nghề trồng màu cơ mà. Như vậy chị vào trong xóm với số đất rộng rãi ấy là thuận quá đi rồi. Thế là đổi, nhưng ai ngờ giá đất mặt đường tăng lên vòn vọt ngoài sự hình dung của chị. Chỉ vài năm sau, nếu bán chỗ đất cũ, chị sẽ mua được vài ba cái thổ như chỗ đang ở bây giờ.

Thôi! Tại mình chứ tại ai. Số mình nó vậy! Chị tự an ủi và chấp nhận một cách thoải mái. Nhưng người đời cứ muốn tiếc thay cho chị. Họ lại moi cái chuyện chôn xương giặc từ đời nảo đời nào ra mà rỉa rói chị. Kinh khủng hơn có kẻ đã nói xa nói xôi: Có khi tại hồn anh Vĩnh không muốn chị làm cái việc chôn xương thằng Mỹ kia, nên mới ám chị thế. Hoà bình lâu rồi, không lo việc đi tìm hài cốt chồng mà vẫn níu giữ cái ma gặc nên còn khổ. Điều này làm chị đau đớn tái tê cả ruột gan. Ôi! Miệng lưỡi thế gian! Nhưng biết làm sao. Cả đời chị chỉ quanh quẩn ở cái làng Phúc Hà này. Thậm chí có người rủ lên Nam Định chơi mà chị còn chần chừ mãi chưa dám đi thì chị biết được nào mà tìm anh. Có người bảo viết thư lên mục “Nhắn tìm đồng đội” trên ti vi, chị cũng đã làm, chị còn khăn gói xuống huyện nơi có phòng thương binh xã hội hàng chục lần. Người ta bảo cứ chờ. Cứ đến giờ là chị mở ti vi, mục nhắn tìm đồng đội. Vậy mà có tăm hơi gì đâu. Cái xương giặc thì chị vẫn mang theo về thổ mới, bởi vì nhà kia họ biết chuyên nên bắt đào đi. Vứt đi? Thôi! Thì lại chôn vào đất nhà mình vậy.

An phận với hơn ba sào đất trong xóm, tưởng rằng cuộc sống cũng đến thế và mãi thế. Ai ngờ người ta lại xây một cái cầu lớn chỗ bến đò qua sông Cái. Đường liên huyện nối với chiếc cầu ấy được nâng cấp và nắn thẳng qua đằng sau nhà chị. Thế là đất nhà chị tự nhiên trở thành đất mặt đường. Còn con đường phía trước ngôi nhà cũ của chị bỗng chốc thành đường dong.Có cầu, đường thông, ngày ngày cứ nườm nượp người qua lại với đủ thứ phương tiện. Nào xe hàng, xe khách, nào người buôn người bán, rồi cả khách thập phương cũng qua con đường này sang bãi tắm giải khuây. Nghe đâu tới đây đất này còn trở thành thị xã nữa. Vì nó hoàn toàn có điều kiện xây dựng nhà máy chế biến thuỷ hải sản và phát triển ngành du lịch. Cho nên giá đất tăng vọt lên. Đất mặt đường tăng hàng chục lần

Chị Lụa đã bán một phần ba, trích một phần tiền, xây lại ngôi nhà rất xinh xắn và vững chãi. Lúc ấy, dân ta lại có chuyện rộ lên: “Ừ nhỉ! Thế mà may hơn khôn. Cái ma giặc ấy chắc nó có đầu óc kinh tế. Người Mỹ mà. Cứ làm phúc, biết đâu chả được hưởng lộc”. Họ tưởng như vậy là chị không còn gì phải buồn, phải khổ nữa. họ đâu có hiểu chị chỉ cho rằng đó là chuyện tự nhiên như trời nắng mưa vậy thôi. Mừng thì mừng thật, nhưng đâu phải vì thế mà hí hửng rồi quên hết mọi chuyện trên đời. Họ đâu có hiểu, trong lòng chị luôn đeo mang một nỗi canh cánh hết ngày này sang đêm khác. Có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng bao nhiêu, thì niềm mong muốn trong chị càng trỗi dậy mà thôi thúc bấy nhiêu. Đó là việc đưa anh ấy về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà.

Đúng lúc ấy anh Lân đến với chị.

Đã ngót sáu mươi, cái tuổi mà đời người đã bước vào buổi hoàng hôn, ai nghĩ chuyện tái giá nữa. “Sung sướng thì chả muốn lại muốn khổ. Lúc trẻ, bao nhiêu người lành lặn hẳn hoi hỏi thì không lấy. Già rồi, lại đi rước ông cụt tay về mà phục vụ”. Dư luận là như thế, nhưng chị vẫn bước qua. Bởi chị đã tự hào với mình. “Mình mang ơn người ta. Với lại quả thật mình cũng thương người ta nữa đi. Được mỗi đứa con thì tàn tật, sống èo uột trên đời có mấy năm. Vợ thì buồn phiền nhiều quá sinh bệnh mà chết. Một thân một minh, tối lửa tắt đèn ai chăm? Người còn một tay, miếng cơm ngụm nước hàng ngày thì thế nào?”

Chị lấy anh Lân cũng bởi cái lẽ ấy.

Rổ rá cạp lại, đám cưới mỗi bên sắm dăm mâm cỗ mời anh em họ hàng đến chứng kiến. Sau đó chị và anh ấy về ở với nhau tại ngôi nhà xinh xắn của chị. Đất ở đây mát, nhà gần biển, không khí trong lành, chứ không như trên quê anh, toàn dân làm cơ khí ô nhiễm và ồn ã. Điều ấy không quan trọng bằng việc chị còn hương hoả tổ tiên, ông bà, cha mẹ bên phía chồng cũ. Việc họ mạc ở đây cho phép/: chồng chết, dâu họ không nhất thiết phải theo lệ giỗ các cụ tổ. Nhưng chị Lụa vẫn đóng góp một suất chính, và cáng đáng mọi công việc tổ đường như một trai đinh. Chị không bao giờ có ý bỏ việc ấy. Nên trước khi nhận lời anh Lân, chị đã ra điều kiện: Nếu muốn chung sống với chị thì phải ở đất này.

Anh Lân là thương binh mất nửa cánh tay trái. Quê anh ở huyện Xuân Trường. Gặp được chị ở mãi xã ven biển dưới này là do hôm đến nhà đứa cháu lấy chồng gần nhà chị Lụa. Thấy thằng cháu nó khóc, anh bế sang nhà chị Lụa chơi.

-  Nào! Có ai ở nhà không?

Tình cờ ngước lên tường, anh thấy tấm ảnh của chị hồi còn trẻ.Chị đang cười hồn nhiên. Nón che nghiêng nghiêng. Đằng sau chị là tấm phông vẽ cảnh giả, có cây dừa, hồ nước. Trên khoảng trời gần mấy vầng trăng là chữ “Đợi anh về”. Anh Lân giật thót mình. Quay sang bức tường là bàn thời liệt sỹ có ảnh anh bộ đội. Mồ hôi anh rịn ra. Đọc kỹ tấm bằng Tổ quốc ghi công, anh quay sang ngắm ảnh chị Lụa. Đang ngạc nhiên thì chị Lụa ở đâu về.

-  Chào..à…Chào…

- Vâng, Vâng! Chào chị! Tôi là chú cháu Thoa ở đây. Thằng cu này nó khóc quá, tôi nhông nhông nó sang đây chơi cho mẹ cháu nấu cơm.

Một tay bế cháu, đoạn tay còn lại anh giơ sang phía nhà Thoa. Anh nhìn chị Lụa chằm chằm. Ánh mắt như rà lên từng đường, từng nét trên mặt chị. Chị Lụa hơi ngượng và có vẻ tự ái. Nhưng chị vẫn bình tĩnh:

-  Mời bác ngồi uống nước.

Anh Lân như chợt nhận ra sự hơi quá của mình:

-  À! Vâng, vâng! Nhưng thôi, không phải nước non gì đâu. Chị cho tôi hỏi thế này nhá! Nếu không phải thì xin lỗi trước vậy.

Nửa cánh tay anh lại chỉ lên bức ảnh.

- Đây là ảnh chị hả?    

- Vâng! Cái ảnh cũ em chụp lại, sợ nó mốc ấy mà

Anh Lân lại hất hàm.

- Còn kia là anh ấy?

- Vâng!

- Tức là… chị là vợ liệt sỹ?

- Vâng! Nhưng sao đấy ạ?

-  À à! Xin lỗi! Xin lỗi nhá.

Nói xong, anh ngẩn người, vừa nhìn ra khoảng không vừa nghĩ: “Thế là đúng rồi, đây rồi… Sao lại bất ngờ thế nhỉ!” Anh vội vàng bế thằng cháu về nhà nó. Vừa đi, vừa dặn với lại:

- Chị đợi tôi một chút. Có chuyện quan trọng nói với chị đấy.

Khi hai người ngồi đối diện trước bàn nhỏ, anh chủ động vào chuyện.

- Chị đừng suốt ruột. Bây giờ chị cho tôi hỏi thêm điều này nữa. Khi báo tử, cấp trên có cho chị biết anh ấy hy sinh ở đâu không, ở trong hoàn cảnh nào không

-  Dạ không anh ạ.

- Chị chưa tìm được hài cốt của anh ấy đúng không?

- Vâng đúng đấy ạ! Em đã nhắn tìm cả ở trên đài và nghe ngóng suốt mà…vẫn…

Cổ họng chị nghèn nghẹn. Sợ vấp lời, chị không nói nữa.

-  Thôi, thôi! Thế này nhá! Anh ấy linh thiêng lắm. Chắc là anh ấy dắt tôi sang đây đấy. Vì chính tôi là người duy nhất biết chỗ anh đang nằm hiện nay. Chính tay tôi đã chôn cất anh ấy mà.

- Thật hả!

Chị Lụa cuống lên. Anh Lân xua tay:

- Chị bình tĩnh. Bằng cớ là như thế này, liệu có đúng không nhá? Hiện nay tôi đang giữ tấm ảnh của chị. Nó đúng như tấm ảnh này, nhưng cỡ nhỏ chứ không to như thế kia

Mắt chị Lụa mở to, nhìn xoáy vào mặt anh Lân, chị với qua bàn nắm lấy tay anh.

- Ối! Thật thế hả! Thật à anh ơi!

Nước mắt chị tràn ra, giọng nghẹn ngào.

- Vậy ra… anh là… anh cùng đơn vị với nhà em…

- Không, không! Không cùng đơn vị mới lạ chứ! Tôi không hề biết anh ấy ở đơn vị nào cả. Nhưng thôi! Chị cứ bình tĩnh nghe tôi kể thì khắc biết thôi.

- Vâng, vâng! Vậy anh kể nhanh lên.

Chị Lụa gạt nước mắt. Anh Lân vẻ mặt nghiêm túc, giọng rành mạch:

- Hồi tôi ở chiến trường Quảng Trị. Một lần bị lạc trong rừng tôi đang trên đường tìm về đơn vị thì tình cờ nhìn thấy một chiếc võng có người nằm. Thấy im lìm quá, mà xung quanh lại không một bóng người. Tôi nửa mừng nửa lo, nhưng mà lo nhiều hơn. Vì hồi ấy không thiếu những trường hợp chết trên võng mà không ai biết. Quả nhiên, khi lại thì… anh ấy … qua lâu rồi chị ạ.

Nghe đến đây, chị Lụa khóc nấc lên một hồi. Đợi chị bớt xúc động, anh Lân nói tiếp:

- Xin chị thật bình tĩnh để tôi nói điều này. Tôi là tôi đoán thôi. Chắc là anh ấy bị sốt rét, vì trên người không có vết thương. Biết đâu cả đơn vị đang nghỉ tại đó. Khi có lệnh hành quân, đêm tối, lại vội vàng, nên không ai để ý. Với lại… chỗ anh ấy nằm, cây cối kín lắm, lại khuất sau một tảng đá lớn. Có lẽ… cũng chính vì vậy mà đồng đội không biết cũng nên. Tôi vội vàng chôn cất anh gần tảng đá ấy. Trước khi lấp đất, tôi đã lấy được tấm ảnh kia trong túi áo của anh. Tôi giữ nó từ bấy đến nay với hy vọng là… một ngày nào đó, biết đâu… không ngờ hôm nay lại…

Chị Lụa rập hai tay xuống bàn:

- Giời ơi! Vậy là đúng rồi anh ơi! Anh ấy giữ một chiếc, còn một chiếc em giữ đây mà! Giời ơi.

Chuyến đi tìm hài cốt, anh Vĩnh, chị Lụa có điều kiện hiểu và thông cảm hoàn cảnh của anh Lân. Họ đã đưa anh Vĩnh về nghĩa trang quê nhà, tuy cũng có ít khó khăn trong việc tìm kiếm. Cận kề bên nhau, dần dần Lụa và Lân thân nhau và không muốn rời nhau nữa. Rồi sự thống nhất về ở với nhau, đỡ đần nhau lúc tuổi giả cũng bắt đầu từ đấy.

Anh Lân có lương thương binh. Chị Lụa hàng tháng được lĩnh tiền liệt sỹ. Cộng với số vốn liếng của cả hai người, tuy không nhiều, nhưng cuộc sống lao động và nghỉ ngơi hàng ngày của anh chị thật là nhẹ nhàng, êm ái.

Bỗng một ngày kia có ba người Mỹ, gồm hai vợ chồng và anh con trai về đây tìm hài cốt phi công. Hai bố con họ đều cao lớn, tóc xoăn, mắt xanh như thuỷ tinh. Ông bố râu quai sàm, cằm và má đen như bôi nhọ. Người đàn bà trước đây đã một thời làm vợ người phi công kia. Chị mặc bộ đầm xoè xoẹt. Tóc ngắn bôi đầy dầu bóng như tóc ướt. Môi má đánh phấn đỏ xẫm. Họ đi đến đâu, mùi hăng hăng cũng toả ra xung quanh. Nhìn họ nói chuyện với nhau, kết hợp với dáng điệu, đoán chừng họ rất khó chịu với cái thời tiết hanh khô ở đây. Vẻ ngây ngô, hình như cái gì họ cũng nhìn, cái gì cũng muốn hiểu biết. Nên người phiên dịch phải luôn mồm với hết người này đến người khác.

Được chính quyền xã đồng ý, họ nhờ người thuê nhân công đào xới cả mảng ruộng xung quanh chỗ máy bay rơi. Theo yêu cầu người ta đào sâu đến ba tầm rưỡi móng, rồi lần lượt thái mỏng và nắn bóp từng lát đất rất kỳ công. Nhân công tham gia rất nhiệt tình, vì công được trả gấp đôi so với công lao động bình thường. Thế mà đến ba bốn hôm, tuyệt nhiên không thấy một mẩu xương nào.

Nhiều người đã lắc đầu:

- Hơn ba mươi năm rồi còn gì! Cày đi xới lại làm gì mà còn. Đến xương dưới mồ kia có khi cũng tan ra thành đất chứ chưa nói là…

Nghe người phiên dịch nói lại như thế, những người Mỹ cũng lắc đầu thở dài vẻ thất vọng. Người phụ nữ thỉnh thoảng lại lấy khăn chấm chấm mắt rồi đứng ngây nhìn ra khoảng không xa xăm- nơi có tiếng sóng biển ầm ì bên ngoài con đê xanh, như hy vọng một lời mách bảo của vị thần thánh nào đó.

Mấy hôm ấy, chị Lụa nghe rằng: Ai tìm được xương cho họ sẽ được rất nhiều tiền. Nhưng chị đâu có nghĩ đến tiền. Chị sẵn sàng trả cho họ khúc xương kia, nếu nó chưa bị mục nát. Chính vì chị e ngại họ hiểu lầm, nên không nói ra mà để họ tự đến. Chắc chắn, nghe người ta nói, họ sẽ biết.

Quả nhiên như vậy. Sáng hôm sau đoàn người Mỹ cùng các vị đại diện cho chính quyền và hai anh công an viên của xã đã đến nhà chị.

Thế là sau đấy ngôi nhà huyệt mi ni trong góc vườn nhà chị được tiến hành đào lên nhanh chóng. Bao nhiêu con mắt hồi hộp nhìn cả vào ba viên gạch lục đậy trên miệng chiếc nải sành. Nhấc gạch, bên trong nước trong suốt. Dưới đáy là nguyên hình một khúc xương hông. Người bốc mộ rửa cọ sạch sẽ rồi giơ lên nói:

-  Thổ, thuỷ ở đây tốt lắm mới giữ được màu xương vàng như thế này đấy.

Người đàn bà Mỹ tay ôm lấy mặt, vai rung lên bần bật. Té ra, đàn bà Mỹ cũng nhiều nước mắt như đàn bà Việt Nam. Những người dễ xúc động lúc ấy cũng khóc theo. họ không hiểu tiếng nói của nhau, nhưng họ đều hiểu được tiếng khóc của nhau thì phải. Nhất là khi người đàn bà Mỹ ôm chầm lấy chị Lụa. Tất cả đều im lặng, chứng kiến cái thời khắc cảm động, Người đông kẻ tây, một bên to béo đẫy đà, một bên nhỏ nhắn, hai người đàn bà đều có chồng chết vì chiến tranh ấy, đang bó lại thành một. Nước mắt họ rơi xuống vai nhau, ngấm vào da thịt nhau. Họ nức nở, khiến người ta cứ ngỡ đấy là hai chị em gái xa nhau lâu ngày nay gặp lại. một đám mây mỏng trên bầu trời, như muốn che bớt cái nắng hanh khô khốc. Không khí lúc ấy dịu hơn. Mọi người xung quanh như thấy da mình đang giãn ra, đang nở ra, đỡ bỏng rát.

Những người đàn ông thì điện về Mỹ, ý nói rằng:

Máy bay rơi giữa một cánh đồng rộng. Thời gian và sự cày xới làm hầu hết xương đã tan, đã hoà lẫn vào đất bên này. Nhưng dẫu sao vẫn còn may, vẫn còn một chút dấu tích. Đó là một miếng xương hông do một người vợ liệt sỹ Việt nam giữ được. Bà ta rất tốt bụng. Đi làm đồng nhìn thấy, bà ấy đem về chôn xuống nơi ở của mình. Chưa kiểm nghiệm nhưng có lẽ hoàn toàn chính xác. Chờ kết quả.

Cuối cùng, khi từ giã, họ biếu tiền chị. Tiền Đô - tiền Việt nhiều lắm hàng xấp, hàng xấp dày cỡ gang tay. Chị không chịu lấy, họ không chịu buông. Chị từ chối, họ cố năn nỉ để trả ơn. Từ chối mãi không được, chị đành cầm một xấp tiền và nói:

- Vâng! Tôi xin cảm ơn. Nhưng thú thật, tôi không còn thiếu gì cả. Kinh tế thì đủ dùng rồi. Trong thâm tâm cũng chả vướng bận gì nữa. Cái việc lớn nhất trong đời, là đưa hài cốt của chồng tôi về an nghỉ tại quê hương, tôi đã toại nguyện. Mọi người nhiệt tình quá! Thôi thì nể lòng, tôi chỉ xin nhận bằng này, để nay mai góp với xã xây trường mầm non cho các cháu. Còn chỗ tiền kia, xin các vị cứ cầm lấy, cầm lấy đem mà ủng hộ những người bị nhiễm chất độc chiến tranh, trả tiền máy bay về Mỹ! Tôi nói vậy phải không các bác lãnh đạo ta?

Lúc ấy có cả cán bộ xã ở đấy. Một người nói:

- Việc ấy là quyền chị.

- Ừ! Vậy cho tôi quyền nhá! Ý tôi trước hay sau vẫn như thế đấy!.

Những người Mỹ lại bật khóc. Chị nói dứt khoát như vậy, họ chỉ còn biết cúi đầu nghe lời./.

Giang Hương

 

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu