A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cỏ mần trầu

Tôi vốn không phải dân gốm Bát Tràng, nhưng cái thú của tôi là trôi dạt khắp nơi, như người nghệ sĩ đi tìm cảm hứng. Sau những chuyến đi thực tế, họ nặn ra các nhân vật đặt vào những tác phẩm tâm huyết của mình. Còn tôi đến làng gốm này là để gửi cả tình cảm, công sức vào lò gốm.  

Tôi giống họ ở chỗ những cái bình gốm ấy, nó chẳng bao giờ nhẵn nhụi và trọn vẹn như những cái bình mà người ta thường thấy. Nó xù xì, gồ ghề và mỗi khi nhìn chúng, mọi người vẫn thường nhận xét một câu là thô kệch, kỳ dị. Nhưng tôi thích những khách hàng có trí tưởng tượng phong phú. Bởi chính họ và chỉ có họ mới thấy được cái hồn mà tôi muốn gửi vào sản phẩm của mình. Nói đến đây tôi lại nhớ là mình vừa ra lò một mẻ gốm được đặt tên là "Cỏ Mần Trầu".

 Tôi còn nhớ như in lúc nhỏ từ Hải Dương theo bố mẹ về một vùng quê nghèo tỉnh Phú Thọ sống khoảng mười năm. Khi ấy tôi chưa kịp định liệu được những chuyện sẽ xảy ra, nhưng tôi nhớ hết mọi chuyện. Lớn lên, có những điều tôi tự giải nghĩa được, nhưng cũng có bao nhiêu việc mà đến tận bây giờ tôi vẫn không thể lý giải. Hồi ấy nhà tôi nghèo lắm, căn nhà ba gian vườn đất lợp lá cọ từ thuở bố mẹ mới lấy nhau. Bà nội đuổi bố mẹ tôi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng bồng theo thằng con cả là anh trai tôi tên Ðức An, mụ mẫm và hay quấy. Nghe mẹ kể nhà bà nghèo lắm, hồi mới về làm dâu toàn bòn rau lang ngoài vườn nấu ăn thay cơm. Ăn cái lá già nhất để cái lá non cho nó lớn. Có hôm đi làm ruộng bắt được mấy con cua đồng cũng một bữa canh thịnh soạn. Ði xin rau nhà người ta, mẹ và cô xui nhau nhổ trộm cả mầm về cấy. Mẹ nói lúc mang bầu thèm quả chuối xanh dưới bờ ao quá mà sợ bà không dám hái. Ðêm về mẹ cứ mơ được ăn chuối xanh thỏa thích, lúc tỉnh dậy nước miếng chảy ướt cả mảng chiếu sờn. Những lúc cãi nhau với nội, bố lại ngâm sắn đẫy bể để khi nó có mùi thum thủm bố luộc ăn trừ bữa mấy ngày liền. Mẹ thương quá, lén lấy tiền dành dụm được từ khi cưới, ra quán mua cho bố mấy chiếc bánh dợm, vừa về đến cổng đã nghe thấy tiếng bố quát tháo:

- Hậu ơi! Chị mày đâu rồi?

Cô tôi ngồi huơ huơ bộ lông con chó cái có chửa mà bộ ngực của nó gày lép như quả sim còm đồi sỏi, thấy bố tôi hỏi giọng cục cằn vội ngẩng dần đôi mắt mệt mỏi lên trả lời chậm rãi: 

- Em không biết. 

- Ði đâu mà không biết. Ði ăn cắp chắc! 

Mẹ bảo tối hôm ấy trăng khuyết phía góc phòng ọp ẹp mà chiếc giường cưới còn hăng hắc mùi sơn lại.

Lấy bố tôi về, bao nhiêu món nợ gia đình chồng, mẹ tôi gồng lưng trả hết. Lúc còn trẻ mẹ hay vỡ đất trồng rau, ngô để bán. Tiền được bao nhiêu mẹ giữ riêng, hiếm khi mới lấy ra mua sắm cho gia đình. Ði lấy chồng, tiền nong còn lại mẹ cuốn gói mang theo hết. Chỉ vậy thôi chứ mẹ tôi không được ông bà cho "của hồi môn". Những lúc nhà bà nội nghèo quá, mẹ đành muối mặt chạy ra chạy vô, lúc tải sắn, lúc cân gạo hay ít tiền ngoại thường vùi trong sắn vì sợ các cậu mợ tôi nhìn thấy. Khi sinh anh tôi được ít lâu, nội đuổi bố mẹ tôi ra ở riêng, một tấc đất không có. Bà đánh cả bố rồi ra xã chửi càn, cấm không cho ai được cấp đất làm nhà cho bố mẹ tôi. Có lúc khóc, mẹ bảo: "Bà ác lắm!". Hồi anh trai tôi lên bốn tuổi, bà cứ làm tình làm tội đòi anh sang ở với bà. Vì ông tôi đã hy sinh ngoài chiến trường khi bố tôi còn bé xíu, còn mỗi cô ở với bà, nhưng cũng đã lấy chồng sang bên Ðức.  

Tôi sinh ra vào những năm cực đói kém. Mẹ ăn toàn sắn thì sữa đâu cho tôi bú. Lớn lên tôi vẫn đùa dỗi mẹ rằng: "Cho ăn toàn sắn thế, sao mà con chẳng gầy, không chịu lớn". Những ngày đói ấy còn kéo dài. Còn nhỏ lắm nhưng bà vẫn bắt anh tôi cuốc ruộng. Dù mẹ không nói ra nhưng tôi nghĩ mùa đông ấy chắc lạnh lắm. Rồi ngày anh bị bỏng nặng bố mẹ quyết định đưa anh về nhà. Mắt bà tôi đỏ tợn lên một vùng trời. Rồi bà cũng chuyển về bên nhà tôi ở, mẹ tôi xem bói, thầy khuyên đừng cho bà làm nhà trước cửa, nếu không thì nhà tôi sẽ càng ngày càng lụi. Rồi chẳng biết sao bà vẫn cứ làm... 

Rồi năm tôi lên mười, em tôi bệnh nặng lắm, bố mẹ tôi đã định bán cả thổ cư để chữa bệnh cho em, may sao mẹ tôi đi hái thuốc rừng, lại khỏi. Năm ấy, theo người ta kể lại, sau bao nhiêu hạn hán, mưa nắng thất thường bỗng nhiên trời mưa thuận gió hòa. Căn nhà ba gian lợp bằng lá cọ mục, tường nứt ưỡn ngực vào trong. Trời mùa thu, tôi ngủ vùi trong giấc mơ của những câu chuyện cổ. Căn nhà sập sau khi linh tính giúp tôi giật mình tỉnh dậy và bản năng mách tôi phải chạy thật nhanh.

Ngôi nhà mới ba gian xây bằng gạch được sự giúp sức của mấy chú bộ đội đóng quân ngay cánh đồng trước mặt, tường chưa trát trít và đến tận bây giờ nó vẫn không có cửa. Tôi thấy gió vẫn xô vào ngạo nghễ như số phận bông đùa con người. Lâu lắm rồi tôi không kể những câu chuyện ngày xưa như thế... 

Nhiều lúc nằm trơ giữa đêm dài tôi thường nghĩ về gia đình, dòng họ với những mối quan hệ nhằng nhịt. Lúc tôi còn cái tuổi cấp một, cấp hai, những xô xát anh em ở gia đình tôi là chuyện bình thường lắm. Bên ngoại thì không nói, lắm con lắm cháu nhưng nhìn chung với con mắt tuổi thơ của tôi lúc bấy giờ, thì khá ổn. Còn đằng nội tôi à? Ðể xem nào, khá căng thẳng đấy. Nội tôi sinh được bốn người con, bố tôi là cả. Sau bố là ba em, hai trai một gái út. Chẳng rõ thế nào chú thứ ba lại bỏ vợ, thím tôi bồng theo một đứa con gái tên Hằng về quê Yên Bái. Ðến tận bây giờ nó phiêu bạt tận nơi nào tôi vẫn chưa tìm thấy. Nhắc đến đứa em gái bé bỏng ấy sao tự nhiên quả Mực sau nhà tách đôi và tung bông trắng xóa cả một vùng trời. Ba mươi năm khóc thành khúc ru em/ Chị vẫn là con gái/ Nhớ ngày xưa chia đôi dòng sữa mỏng/ Mẹ thân gầy không đủ sữa nuôi con... 

Rồi chú tôi lấy vợ sinh hai đứa con trai, lại đưa lên Lào Cai quê vợ. Năm hai đứa con được mười một mười hai tuổi thì thím hai tôi cảm chết, bác sĩ bảo một phần cũng vì những vết thương lâu ngày trên đầu do chú tôi hành hạ. Vậy là chú phải gà trống nuôi con, hàng ngày đi đập đá thuê, làm được bao nhiêu ăn hết đến đó, sống ngày hôm nay không biết đến ngày mai. Rồi  chú tôi bị đá bắn mù một mắt, chẳng hiểu sao có lần chú mò về quê bị bà đuổi, chú khóc và bỏ đi, lúc đó tôi không biết nhưng từ đấy chưa thấy chú về. 

Chú thứ hai giống hệt cha tôi, rựơu chè đánh đập thím và có  thói quen là cứ say lại nằm ra đường ngủ. Bố mẹ tôi bảo chú đã lìa bà, lìa gia đình tôi và cấm cả ba anh chị em chúng tôi từ đấy không được bước vào cửa nữa, mẹ bảo thế khi tôi đi chăn trâu về và tôi cũng chỉ biết vậy thôi.

 

*
*   *

 

Từ khi tôi ra mẻ gốm mới hình như chẳng biết thêm tin tức gì về quê hương cả. Tôi lao đầu vào những vòng quay của gốm. Anh cả tôi vào đại học rồi ra làm việc, lấy vợ sinh con đẻ cái. Dù rất xa nhưng cuối tuần vợ chồng con cái lại rồng rồng rắn rắn về ăn bữa cơm rau dưa, tép rang, vì cuộc sống gia đình tôi đã khá giả hơn nhiều. Em trai tôi theo nghiệp lớn buôn bán kinh doanh. Còn tôi đam mê nghề gốm.

Mẹ tôi đã thôi làm ruộng nhưng những câu chuyện về ruộng đồng thì  vẫn không nguôi kể, như một thói quen ăn sâu vào con người, ngỡ rứt nó ra, mẹ tôi sẽ héo tàn đi mất. Mẹ gợi lại cho tôi về một cuộc sống chân lấm tay bùn. Tôi thích cái cách mẹ gợi chuyện, vì mỗi khi ấy thấy mình trẻ hơn qua đôi mắt mơ màng, mờ ảo cái trước mắt mà hiện rõ cái quá khứ đầy ắp tiếng nói cùng vô vàn thứ âm thanh không thể gọi thành tên. Tôi nhớ cánh đồng trước cửa nhà tôi mùa cạn nước, mọi người phải dậy rất sớm đi gạn nước từ chiếc đập của bộ đội. Nhất là những hôm sau cơn mưa nhỏ, khi cả nhà tôi vẫn còn nằm trên giường, bố tôi ngáy như tiếng tàu bay tháng sáu khi trời nắng vỡ đầu chúng vẫn lượn vang như muốn làm nẻ toác mái ngói Hương Canh đã chẳng còn nguyên vẹn của nhà tôi. Bố còn nằm ngáy vì đêm qua mưa to, cả nhà không có chỗ nào không dột, chẳng có chỗ nào mà thu chân. Thế mà dưới đường đã nghe bước trâu đi và tiếng người quát khẽ: "Ði nào, đi nào!". Mặt trời trên núi lên cao một chút thì ở phía cuối đồng đã inh ỏi cãi nhau việc nước nôi đến đau đầu. Tính trẻ con của tôi lúc ấy lại khoai khoái lắng nghe, nhất là được nhìn bà già đầu tóc trắng phau búi gọn lỏn như quả ổi trên đầu, miệng loe đỏ chót trầu, mồm liến thoắng chửi: 

- Cha bố chúng mày không chịu khó mà đi luồn nước, cứ đĩ chân mà ăn cướp nước nhà bà. 

Ngoa thật! Thằng em tôi cười hở cả hàm răng sún. 

Bà ấy trông vẫn còn khỏe lắm, vác cái cuốc, xắn cao chân quần phăng phăng chạy từ bờ này sang bờ khác đắp phai. Một cô mỏng môi nào đó ở làng Ðò, chống háng cãi lại chẳng kém gì. Dần dần những tiếng nhí nhéo ấy đâm quen. Lúa mùa nào cũng tốt, đi gặt đồng cào cào bọ xít bay tứ tung, mùi hăng hắc ngấm cả vào lời cười nói ầm đồng. Nhà tôi ngày ấy gần mẫu ruộng, thích nhất là nghe tiếng đập lúa đêm trăng. Mẹ tôi bị bệnh đại tràng nằm đau mấy mùa lúa, đậu. Ấy thế nên mùa lúa Bắc Bộ vừa rồi đây tôi mới làm mấy bình gốm hình dạng rất lạ lùng, co tròn khắc khổ. 

Tôi có hai vết sẹo nơi mu bàn chân phải, nhiều khi ngồi rảnh lại xoa xoa nhẹ lên như một điều gì âu yếm lắm. Ðó là kỷ niệm khó quên nhất của tuổi thơ tôi, khi những buổi trưa đi nhặt nhựa cùng lũ trẻ làng. Nó là những thứ vỏ hộp vứt đi của bộ đội đóng quân trước nhà tôi, nhặt về bán lấy tiền mua sách vở. Cả xóm tôi ngày ấy đều nghèo mà lũ trẻ con tầm tuổi tôi thì đông lắm, lau nhau chạy chân trần qua mùa hè Ðông Bắc cháy lòng. Nhựa thì làm gì có nhiều mà hôm nào cũng thải, trẻ con thì ngày một đông, thằng lớn chưa giải nghệ, thằng bé đã vào nghề. Cứ tranh cướp nhau đến chảy máu mà mỗi đứa chưa được hai nghìn đồng một ngày, thế là hậu hĩnh lắm rồi. Rồi một hôm tôi nhặt được cục sắt tròn vo như vỏ quả bom bi, liền bị rượt bắt, chạy ngã dúi dụi, cây chọc xuyên mu bàn chân phải. Suốt nửa tháng trời bố đèo tôi đi học với cái chân quấn băng đầy thương tích. Nghe các bác sĩ kể rằng khi chích chân tôi mẹ quay đi và khóc. Mẹ bảo cục sắt ấy bán được năm nghìn đồng. 

Khi tròn mười tám tôi nghĩ mình đã khôn lớn, ít ra tôi biết mặc áo dài tay khi ra nắng mà người ta bảo thế là con gái lớn biết giữ gìn sắc đẹp. Tôi có ước mơ của riêng mình, độc lập với tất cả mọi thứ kể cả những gì từng xảy ra trong con người tôi. Bởi vậy tôi cũng đủ lớn để biết mình cần nỗ lực cho mơ ước đó. Nhưng tôi đã không làm được vì không đủ sức. Ngày tôi trượt đại học, đêm ấy mưa rất to, lật tung chiếc bạt bục bấu víu trên mái nhà và quấn phăng mấy viên ngói đầu hiên. Sáng hôm sau làng xóm ầm lên xì xào bàn tán. Tôi hỏi, mẹ bảo đêm qua họ mới vớ được một chiếc cầy đẽo lệch. Bà Bủ cùng họ chỉ thẳng vào mặt tôi mà chửi mát rằng: "Nhà mày làm gì có tiền mà nuôi mày ăn học, về mà cuốc ruộng cho bố mày đỡ cực". Tôi cười lành, rồi đi thẳng. Sáng hôm sau mắt tôi sưng húp, mẹ đi tỉa những cây vừng con, xót xa thay cho những cây bị nhổ ra khỏi rạch. Mẹ bảo nó cũng là một sinh vật sống mũm mĩm như đứa trẻ con vậy, mình nhổ nó khỏi lòng đất, nó làm sao sống được. Mẹ tôi vẫn hay nói chuyện với những con vật trong nhà, mẹ xưng "bá" và gọi chúng bằng "con". Buổi tối khi tôi vùi đầu vào học, anh tôi ở với bà, bố và em đi chơi, mẹ thui thủi ngồi dưới ngăn bếp mà chiếc phên mỏng không ngăn nổi sức hừng hực của ngọn lửa hồng. Mẹ kềnh kệch băm rau lợn rồi lại chơi đùa cùng bầy chó cún, chúng còm đến nỗi khi nhìn thấy, tôi đã có cảm giác ghê tởm trước khi đủ lòng thương hại chúng. Mẹ vẫn ví con chó bị bệnh nhất đàn giống như đời mẹ, nó sống gieo rắt qua từng ngày, từng giờ. Khi ấy tôi nhìn ra rất xa phía cuối chân trời với những vì sao cũng còm cõi đến lạ thường.  

Mẻ gốm đầu tiên ra đời, không hiểu sao tôi lại ngồi thần người đến khi những con gà không buồn cất tiếng báo canh. Mãi khi nhìn rõ phía cuối vườn cây chanh đang kỳ mướt lá, tôi mới thẫn thờ đứng dậy. Ai cũng khen mẻ gốm ấy vừa đẹp vừa hoàn hảo, độc đáo. Vậy mà sao tôi buồn? Phải chăng tôi vốn không quen với những gì trơn tru quá? 

Người ta bảo tôi "hồng nhan bạc phận", tôi làm ngơ "bạc phận" gì? Tôi vốn thấy mình có duyên khi thi trượt đại học dặt dẹo đây đó rồi đến làng gốm Bát Tràng này. Những gì đã qua có lẽ là những ngày khổ nhất rồi, tôi vẫn luôn muốn tin rằng ngày mai sẽ khác. 

Ðến mẻ gốm "Cỏ Mần Trầu" ra đời, tôi càng trở nên trầm cảm. Có gì đâu, ba mươi tuổi tôi vẫn sống một mình, tôi vẫn thường nhớ đến những hình ảnh ngày xưa, hình ảnh mẹ tôi dắt con trâu đốm đi thong thả gặm cỏ dưới đồng sâu dưới đập nước trước nhà. Nó gặm soàn soạt loại cỏ Mần Trầu mọc cả ở những nơi khô ráo, sỏi đá hay cả những nơi ẩm ướt, nhưng được cái loài vật gì ăn nó đều béo và tốt cả, đâm ra tôi cứ ám ảnh mãi về loài cỏ có cái tên ram ráp ấy. 

"Cỏ Mần Trầu", nghe đâu đó mẹ tôi ngồi đùa với đàn chó con gầy như con tôm bà đang lột xác. Mà tôi không còn nhớ rõ con chó gầy nhất đàn đã chết hay còn sống. Nhưng bây giờ có đôi lúc tôi vẫn nhìn thấy những vì sao còm cõi ngày xưa mà tôi gửi mãi vào các sản phẩm gốm của mình mà vẫn không lột tả nổi.  

Tôi vẫn còn ngu ngơ lắm. 

Vũ Thị Huyền Trang/ Nhân Dân

 

 

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu