A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoa sữa

Tôi kết thúc bữa điểm tâm sáng vào lúc tám giờ. Ngồi vào bàn, tôi lấy bản báo cáo khoa học "Sự bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc" ra xem lại, đọc được mươi dòng, thấy người bồn chồn, tôi đứng dậy đi đến bên cửa sổ, ngó xuống đường, ngắm nhìn dòng người xuôi ngược.  

Hà Nội sớm mai thật trong lành, gió nhẹ đưa tà áo dài nữ sinh bay bay trong ánh nắng dịu dàng êm ái. Mùi hoa sữa hăng hắc tỏa ra từ vòm cây bên cửa sổ làm tôi lâng lâng ngây ngất. Tôi thấy thèm một ly cà-phê, tôi kêu con gái pha thêm một ly nữa. 

Có tiếng chuông cổng reo ngắt quãng. Con gái tôi đi ra dẫn vào một người đàn ông cao to, dáng điệu mệt mỏi. Người đàn ông mặc quần mầu xám, áo xanh da trời, tay xách một chiếc làn nặng trĩu. Thấy tôi, người đàn ông đặt chiếc làn xuống, trân trân nhìn tôi, một lúc rồi nói: 

- Thưa ông Ba Ðôn, tôi là Năm Chiêu, chồng của Út Huệ. Tôi vừa ở Sài Gòn ra, Út Huệ đang bệnh nặng khó có thể qua khỏi, Út Huệ muốn gặp ông lần cuối. 

Năm Chiêu, chồng của Út Huệ? Một cuộc gặp gỡ bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nếu đây là cuộc gặp gỡ của ba mươi hai năm về trước, hẳn giữa tôi và Năm Chiêu đã xảy ra chuyện một mất một còn. Ba mươi hai năm, gần một phần ba thế kỷ, mọi chuyện của ngày hôm qua chỉ còn đọng lại trong tôi như một kỷ niệm buồn. Tôi dứt được nỗi buồn quá khứ, đón nhận một cuộc sống yên vui, thanh thản, ngoài nghị lực của bản thân còn có công lao to lớn của Hiền, vợ tôi bây giờ. Những ngày từ Sài Gòn trở ra Hà Nội và học tập ở Liên Xô, tôi bị ám ảnh khủng khiếp bởi sự phản bội của Út Huệ. Từ một nữ sinh văn khoa, Út Huệ được tôi dìu dắt trở thành một nữ biệt động dũng cảm, Út Huệ đã tham gia hàng chục trận đánh, lập được nhiều chiến công, trở thành đứa con cưng của biệt động thành. Tình yêu của tôi và Út Huệ được bồi đắp bằng tình đồng đội. Ai cũng khen chúng tôi đẹp đôi, trong mỗi trận đánh họ đều tìm cách để chúng tôi bên nhau. Sức mạnh của tình yêu thật kỳ diệu. Có nhiều lần chạm trán với địch, bị rơi vào những tình huống gần như tuyệt vọng, chúng tôi nhìn vào mắt nhau, và lạ lùng thay, một trong hai người bỗng vụt ra được một phương án giải thoát không những chúng tôi mà còn cả đồng đội. Tôi và Út Huệ sống như bơi trên biển cả hạnh phúc mênh mông. Út Huệ thường bắt tôi kể về Hà Nội, về thời thơ ấu của tôi. Nghe tôi nói về cây hoa sữa ven đường cạnh cửa sổ nhà tôi, chỉ với tay cũng bứt được hoa, Út Huệ thốt lên: "Tuyệt quá ha!". Tôi bảo: "Thế thì từ nay anh sẽ kêu em là Hoa Sữa". Út Huệ cười hạnh phúc, ngả đầu vào vai tôi thì thầm: "Sau này hết chiến tranh, Huệ theo anh về làm dâu Hà Nội, mùa thu, Huệ sẽ đứng bên cửa sổ, hít thở mùi hoa sữa đã từng làm anh ngây ngất". 

Mỗi buổi sáng chủ nhật, Út Huệ thường đưa tôi đến quán cà-phê Tao Ðàn của một người Hoa, nằm trong khu vườn rộng có nhiều cây cối. Tôi và Út Huệ rất ưa quán này vì sự tĩnh lặng, chủ quán mến khách, có nhiều bản nhạc cổ điển nổi tiếng. Chúng tôi ngồi uống cà-phê, nghe nhạc, chuyện trò đủ điều. Út Huệ bảo sau này có con, Út Huệ thích chúng gọi tôi bằng ba, gọi Út Huệ bằng mẹ... Tất cả những điều sắp đặt của Út Huệ, sau này đều không được thực hiện bởi người con gái đó đã phản bội đồng đội, phản bội tình yêu của tôi! 

- Rất hân hạnh được gặp anh - Tôi bắt tay Năm Chiêu mời vào nhà, bảo con gái pha thêm một ly cà-phê nữa. Năm Chiêu lôi trong làn ra một gói cà- phê và bốn quả sầu riêng đặt lên bàn. 

Út Huệ vẫn chưa quên sở thích của tôi, tôi thích ăn sầu riêng, thứ trái cây đặc trưng ở Nam Bộ, có gai xù xì như gai mít, ăn béo ngậy. Gói cà-phê được bỏ vô túi ni-lông trong suốt. Cách gói gàng kỹ lưỡng kia hẳn là do bàn tay Út Huệ. Tôi nhìn gói cà-phê, trong đầu ẩn hiện một vài hình ảnh về quán cà-phê Tao Ðàn, nơi tôi bắt đầu biết uống ly cà-phê đầu tiên, nơi tôi và Út Huệ tâm tình với nhau về tình yêu, về một tương lai mãi mãi có nhau nhưng chẳng bao giờ trở thành hiện thực. 

Năm Chiêu không tự nói về bản thân, con cái, cuộc sống gia đình, chỉ khi nào tôi hỏi, Năm Chiêu mới trả lời một cách dè dặt, ngay cả về Út Huệ, Năm Chiêu chỉ nhắc đi nhắc lại: Út Huệ đang bị lao phổi nặng, điều mong ước cuối cùng của Út Huệ là được gặp tôi một lần cuối cùng trước khi từ giã cõi đời này. 

Tôi cố hình dung Út Huệ bây giờ nhưng thật trớ trêu, thay vì thấy một Út Huệ xanh xao, gầy yếu đang thở thoi thóp trên giường thì tôi lại thấy Út Huệ lộng lẫy trong bộ quần áo cô dâu. Ngày cưới Út Huệ là một ngày đau buồn của đời tôi, tôi ngồi câm lặng năm tiếng liền bên hàng chục ly cà-phê, đốt hàng chục điếu thuốc và vẫn những bản nhạc cổ điển nhưng tôi không thấy, không nghe được điều gì. Trái tim tôi như vữa ra khi kim đồng hồ chỉ vào con số 11, giờ bắt đầu buổi hôn lễ...  

Vết thương tình do Út Huệ bắn phá âm ỉ trong tôi sáu năm, chỉ dịu đi khi tôi bị thương được đưa ra Hà Nội rồi được đưa đi học ở Liên Xô. Tôi gặp Hiền ở Mát-xcơ-va. Hiền là người Hà Nội, du học ở Liên Xô, Hiền dịu dàng, thông minh, yêu tôi hết mình, tình yêu của Hiền đã đẩy dần hình bóng Út Huệ ra khỏi tâm hồn tôi. Trước đây mỗi lần nghe đến một cái tên Huệ vu vơ nào đó, con tim tôi lại nhói đau nhưng giờ đây gọi cả tên Út Huệ, tim tôi cùng lắm chỉ tăng vài nhịp. 

Nghe Năm Chiêu nói về Út Huệ, biết rằng Út Huệ đang lâm bệnh nặng, tôi cũng chỉ thoáng một chút thương cảm. Không phải tôi độc ác với Út Huệ, nhưng biết làm sao được khi chính Út Huệ đã cướp đi những rung động thiêng liêng, sâu sắc của tôi mà mỗi con người chỉ có thể có một lần duy nhất trong đời. Vô với Út Huệ, tôi không sợ tốn kém, điều tôi băn khoăn là ba ngày nữa tôi sẽ đi Pháp tham dự một hội thảo khoa học về việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc. Nếu tôi quyết định vô với Út Huệ, đi máy bay vừa vô vừa ra chỉ mất hai ngày nhưng tôi sợ có điều gì không lành xảy ra, làm lỡ chuyến đi của tôi; hơn nữa chắc gì Út Huệ đã ra đi ngay, đợi khi về qua Sài Gòn, tôi ghé thăm Út Huệ luôn. Tôi nói với Năm Chiêu tôi không vô được ngay, ba ngày nữa tôi phải bay sang Pháp rồi! Năm Chiêu không nói gì, mở to mắt nhìn tôi, đôi mắt vô hồn, lạnh lẽo. Tôi giữ Năm Chiêu ở lại ngày mai hãy về nhưng Năm Chiêu từ chối, tôi đành bảo con trai tôi đèo Năm Chiêu ra ga ngay.

Ngày 17-10, tôi bay sang Pháp. Hà Nội tiễn chân tôi bằng một ngày trở gió. Tôi đã nhiều lần ra nước ngoài công tác nhưng lần này lạ lắm, như có ai muốn níu kéo tôi lại. Máy bay cất cánh, người tôi bồng bềnh, khắc khoải, cảm giác có người nào đó đang nghĩ và nói về tôi. Tôi tựa đầu vào ghế, mắt lim dim, trong trạng thái mơ màng, thấy một đám mây mầu trắng trông giống hình người con gái đang giang tay bay bên ngoài cửa sổ ngay cạnh chỗ tôi ngồi, tôi nghe văng vẳng bên tai tiếng của một người phụ nữ: "Anh Ba, em đi đây!". Tôi giật mình mở mắt, Út Huệ! Có lẽ nào đây là lời báo mộng vĩnh biệt của Út Huệ? Mọi chuyện xảy ra rất nhanh và một điều tưởng như hoang đường đã xảy ra;  đúng giờ phút này, Út Huệ ra đi, lời cuối cùng Út Huệ dành cho tôi đúng như câu tôi nghe mơ màng trên máy bay (chuyện này Năm Chiêu kể lại cho tôi khi tôi từ Pa-ri trở về và ghé thăm Út Huệ). 

Ngày Năm Chiêu rời Hà Nội quay lại Sài Gòn, không thấy tôi vô cùng với chồng, Út Huệ buồn rũ rượi nhưng vẫn hy vọng tôi sẽ vô, Út Huệ chờ mãi mòn mỏi mà chẳng thấy tôi. Sáng ngày 17-10, Út Huệ hôn mê, gọi tên tôi nhiều lần. Năm Chiêu biết Út Huệ sắp ra đi, tìm một người hao hao giống tôi, nhờ một họa sĩ ở đoàn cải lương đang biểu diễn ở nhà hát thành phố hóa trang thành tôi theo lời miêu tả của Năm Chiêu rồi đưa đến bên giường Út Huệ. "Tôi" nắm bàn tay lạnh giá của Út Huệ khẽ gọi: "Út Huệ, tỉnh lại đi em, anh đã vô với em đây!". Ðôi mắt Út Huệ khẽ động đậy, nhìn thấy "tôi", Út Huệ mỉm cười: "Anh Ba, em đi đây", đôi mắt Út Huệ nhẹ nhàng khép lại. Năm Chiêu ôm chặt lấy Út Huệ gào lên: "Út Huệ ơi, em là người chiến sĩ vô danh!". 

- Người chiến sĩ vô danh! Tôi không hiểu anh muốn nói gì? Tôi nói với Năm Chiêu.

 Năm Chiêu tách rời tôi, đi vòng sang bên kia ngôi mộ của Út Huệ, đứng đối diện với tôi, nhìn tôi đăm đăm như muốn thẩm định lại tôi lần cuối xem tôi có đủ tư cách để nghe lời giải thích không!

 - Tôi đã định bao lần nói ra sự thật này nhưng Út Huệ đều gạt đi, nay Út Huệ đã khuất tôi không muốn linh hồn của Út Huệ cũng bị mang tiếng là phản bội. Hẳn ông chưa quên cuộc họp của ông với hai nhân vật quan trọng tại ngôi nhà ven sông Sài Gòn vào một đêm đầu năm 1975 chớ ?

 Năm Chiêu nói xong, đi quanh mộ hai vòng. Tôi đứng lặng im, đáp lại lời Năm Chiêu bằng một cái nhìn dò hỏi. Không bao giờ tôi quên được cuộc họp ấy, đó là cuộc họp giữa tôi với anh Tư Hương và Z.5, bàn kế hoạch đánh vào Tổng Nha cảnh sát, cuộc họp tiến hành được mười phút thì súng rộ lên ở ngoài đường, cả ba chúng tôi lần ra bờ sông bơi sang bên kia, ẩn tại nhà một cơ sở, Út Huệ được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, chúng tôi đoán chắc Út Huệ phát hiện ra ngôi nhà đã bị bao vây nên nổ súng báo hiệu. Sau đó Út Huệ mất tích. Nửa tháng sau Út Huệ kết hôn với một tên đại úy cảnh sát ngụy, đó là Năm Chiêu bây giờ. Nghe tin Út Huệ phản bội, một loạt các cơ sở phải thay đổi địa điểm, nhiều đồng đội của tôi phải đổi địa bàn hoạt động. Trong một trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy, tôi bị thương nặng, được đưa ra Hà Nội điều trị, rồi được đi học ở Liên Xô.

 - Nếu không có Út Huệ - Năm Chiêu nói, giọng khản đặc - thì chắc chắn các ông đã bị bắt. Tôi thương Út Huệ khi Út Huệ đang học năm thứ nhất ở Văn khoa, yêu say đắm, cuồng nhiệt, nhưng Út Huệ không một chút yêu tôi. Tôi đau khổ lắm, nhiều lần tìm cách bắt cóc Út Huệ, song chưa kịp thực hiện được thì Út Huệ biến mất khỏi giảng đường, tôi gần như phát điên, tìm kiếm Út Huệ ở nhiều nơi đều không thấy. Cuộc chạm trán bất ngờ với Út Huệ đêm đó đã biến Út Huệ thành vợ tôi. Út Huệ dâng hiến toàn bộ cuộc đời mình để giải thoát cho các ông. Tôi đồng ý với cuộc ngã giá của Út Huệ, nổ súng để các ông tháo lui, ngay đêm đó tôi đưa Út Huệ về nhà, hai tuần sau, chúng tôi làm đám cưới.  

Năm Chiêu ngừng lời, đưa mắt nhìn tôi. Út Huệ ơi! Năm Chiêu nói đúng, em là người chiến sĩ vô danh, với Tổ quốc, nhân dân và với tình yêu của anh. Tôi quỳ xuống mộ Út Huệ, hôn lên cành hoa sữa Năm Chiêu mang từ Hà Nội vô, những chùm hoa đã khô héo nhưng vẫn tỏa hương thơm ngát...

Vũ Đàm/ Nhân Dân

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu