A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Linh hồn tiếng trống

Bác Trọng có tiếng là đánh trống hay. Ai cũng tưởng đánh trống trường dễ như bỡn. Nhưng chẳng phải vậy, tiếng trống vang lên lúc thong thả lúc dồn dập, khi nặng khi nhẹ; khi thanh thoát rền vang, lại có khi nhát gừng nhạt như nước ốc. Thật ra tiếng trống là tiếng người cả đấy. Cũng nhiều người đã từng thay bác Trọng đánh trống nhưng đều vô hồn khô khốc, vội vàng nên tiếng kêu cứ thùm thụp chứ không rung động vang rền như tay trống của bác Trọng. Nghe nói, xưa có thời bác ở đội trống quân nhạc sau đó chuyển sang bộ binh tham gia chiến đấu ở miền nam. Khi trở về làng, bác là một thương binh, với chiếc chân gỗ nặng trịch. Ai cũng mừng cho bác sống sót trở về. Và từ đó, bác Trọng trở thành người đánh trống trường làng cho đến nay.

 Ðám học trò trường làng nghịch như quỷ sứ. Chúng được bác Trọng yêu quý nên sinh nhờn. Chúng vòi gì cũng được, thậm chí leo lên đầu lên cổ bác cũng không sao, nhưng cấm có đứa nào dám sờ vào cái dùi trống của bác. Có lần, thằng Dũng lớp 9, một tên liều lĩnh nhất trường, lấy trộm dùi trống của bác đánh dồn dập một hồi lên mặt trống làm cả trường nháo nhác không biết có chuyện gì. Thấy vậy bác Trọng bực mình lắm. Bác đuổi theo để đòi lại cái dùi trống, nhưng thằng Dũng biết bác là thương binh không đuổi kịp nên chạy vòng quanh gốc cây để trêu tức.

 Những đứa cùng lớp đứng quanh đấy mà không dám làm gì chỉ hô hét làm bác Trọng tủi thân đứng khựng lại. Bất ngờ, bác ôm mặt đau đớn vì cái chân gỗ vấp phải rễ cây đa làm vết thương cũ nhức tấy. Mấy đứa con gái thấy thế khóc tu tu vì thương bác Trọng. Thằng Dũng vội chạy lại gài chiếc dùi trống vào chỗ cũ, rồi chạy vụt đi. Không ngờ nó vấp vào bậc ở sân trường ngã dập mặt xuống sàn gạch bị gãy luôn cái răng cửa, máu chảy ròng ròng. Bác Trọng quên luôn cả đau bước nhanh tới vực thằng Dũng dậy, lấy vạt áo lau mặt cho nó, rồi đưa nó về phòng cô giáo phụ trách y tế của trường.

 Sau chuyện đó, bác Trọng phải giải thích cho mấy đứa lớp lớn rằng, đừng đùa nghịch với trống trường, phải coi trọng nó. Tiếng trống ấy là hiệu lệnh như một tiếng kèn xung trận vậy. Ngay khi đánh vào lớp hay tan trường thì tiếng trống phải dồn dập tâm trí xốc lại hàng ngũ và khi ấy người lính chính là các học sinh của trường đều phải hăng hái lên đường.

 Thấy bác Trọng giải thích thế, nhiều đứa khoái chí lắm. Lại nghe nói, bác là một cựu chiến binh đã chiến đấu hết sức dũng cảm mang huân chương dũng sĩ về làng, bọn con trai háo hức muốn nghe bác kể chuyện. Và cũng từ đó, hàng trăm học sinh đều hồi hộp lắng nghe tiếng trống của bác. Những tiếng trống rền vang theo một nhịp điệu đầy sảng khoái thôi thúc lòng người. Ðúng như hiệu lệnh của người lính vậy. Có lần bác còn nói nếu ai không tập trung nghe hiệu lệnh, chểnh mảng trong hàng lối, như người chiến sĩ trong chiến đấu không tuân thủ kỷ luật quân đội, thì dễ bị thương vong như chơi. Thế rồi, vào một buổi chiều trong giờ giải lao, bác đã kể lại cho chính những đứa con trai lớp thằng Dũng nghe chuyện vì sao bác bị thương trong mặt trận. Thì ra, bác đã bị thương trong trường hợp xung phong trong một trận đánh khi chưa có hiệu lệnh của người chỉ huy. Chính vì lẽ ấy chăng, mà bác Trọng đánh trống với tất cả những kỷ niệm cay đắng của mình. Tiếng trống của bác Trọng vang lên như một sự thức tỉnh. Nó hối thúc rạo rực lòng người. Cứ mỗi khi có học trò nào vô kỷ luật, bỏ học hay đi học muộn sau tiếng trống là lại làm bác buồn và chợt nhớ lại sự vấp váp của mình trong chiến đấu. Do vậy bác giữ cái trống như một vũ khí của người chiến sĩ vậy. Bao giờ tiếng trống cũng rền vang, âm thanh ấm áp rạo rực lòng người. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bao giờ tiếng trống của bác Trọng cũng giữ được âm sắc như bản tấu nhạc hành khúc vậy. Vào ngày mưa, bác luôn luôn đẩy giá trống vào trong nhà, rồi lau thật khô ráo không bao giờ để trống bị ẩm. Hôm nào trời ẩm, tiếng trống hơi kém vang là bác Trọng buồn đến mấy ngày.

 Rồi bất ngờ, sự việc lại xảy ra vào đúng một đêm mưa to gió lớn. Bác đang tìm những mảnh áo mưa để che trống khỏi những giọt mưa hắt từ phía ngoài thì bọn trộm lẻn vào trường. Bảo vệ trường chưa kịp ra nên bác cũng không ngờ cửa của ban giám hiệu bị phá tung. Chúng đang cạy tủ, bất ngờ có tiếng sét xé trời làm chúng giật mình xô đổ những chiếc ghế. Lúc này bác Trọng thấy có tiếng động lạ ở dãy nhà dưới nên tập tễnh bước ra hỏi:

 - Anh bảo vệ đấy à? Ðiện tắt hết rồi.

 Lúc này, tia chớp lại lóe lên. Thấy có bóng người chạy qua lại trong phòng giám hiệu, bác Trọng nghĩ ngay đến bọn trộm. Bác vừa la vừa chạy vào phòng trực đánh trống dồn dập. Tiếng trống rền vang thôi thúc lòng người như một hiệu lệnh tấn công. Tiếng trống mỗi lúc một to hơn đánh động cả làng trong đêm tối. Có thằng chạy tới đẩy bác Trọng ngã ra sàn, vớ lấy cái dùi trống đánh vào đầu bác, rồi ném ra ngoài sân. Nó thúc đồng bọn:

 - Nhanh lên! Kẻo mọi người trong làng nghe tiếng trống kéo ra bây giờ.

 Ngay lúc đó những người dân quân đã ập tới và không ngờ, cả bọn con trai lớp thằng Dũng cũng nghe tiếng trống, gọi nhau chạy đến trường. Thằng Dũng cầm chiếc gậy to dẫn đầu toán con trai chạy xộc thẳng vào trường hô hoán ầm ĩ. Những ánh đèn pin của dân quân và bảo vệ chiếu sáng bừng lên. Bọn trộm chạy không kịp, bị bắt giữ. Có tên trèo qua tường thì bị trơn, ngã bổ nhào xuống ao ngay cạnh trường. Thằng Dũng chạy vào phòng thường trực ôm lấy bác Trọng gọi:

 - Bác Trọng có làm sao không?

 Lúc này, bác Trọng chỉ nói được mấy tiếng thì thầm:

 - Cái dùi trống! Tìm cái dùi trống ngoài sân...

 Ừ

 Vậy là đến cả tuần nay, vắng tiếng trống của bác Trọng làm học sinh và mọi người thấy buồn hẳn. Anh bảo vệ đánh thay bác Trọng không thật quen, nên còn gượng gạo và tiếng trống tẻ nhạt làm sao. Ai cũng nhắc đến những âm thanh và nhịp điệu trống trường của bác Trọng.

 Lại nghe nói có người trong ban giám hiệu bàn tới chuyện định cho bác Trọng nghỉ hẳn vì sức khỏe đã yếu để xin việc cho người nhà mình. Ông ta còn nói bác Trọng là một thương binh nặng, theo tiêu chuẩn bác chỉ việc nghỉ ngơi theo đúng chế độ đã là tốt rồi, nay để bác tiếp tục làm việc ai cũng thấy không yên tâm. Nhất là sau chuyện vụ trộm vào trường và bác bị đánh vào đầu làm cho mọi người rất áy náy.

Ấy thế rồi, chuyện buồn đã xảy ra. Theo đề nghị của Ban giám hiệu, phòng hành chính cho người thay bác Trọng thật. Quyết định này làm mọi người, nhất là hàng trăm học sinh thấy nặng trĩu trong lòng. Họ đã quen với tiếng trống vang lên trong âm thanh đẹp đẽ và thôi thúc lòng người. Tiếng trống vang lên từ một tâm hồn tràn ngập tình yêu thương con người. Tiếng trống như hiệu lệnh rạo rực sức sống ấy đã không còn nữa ư? Ai cũng thấy như mất mát một cái gì đó thật khó tả trong lòng...

 Ừ

 Dễ một tháng nay, sáng nào bác Trọng cũng lẳng lặng đi từ làng ra đứng ở cổng trường học. Bác nghe tiếng trống vang lên, rồi chờ cho mọi người vào lớp bác mới tập tễnh đi vào phòng trực để ngắm lại cái trống mà mình đã đánh lên hơn mười năm qua. Bác cứ dặn đi dặn lại người đánh trống mới rằng phải chăm sóc giữ gìn trống như giữ gìn vũ khí vậy. Hôm nào cũng phải ngắm lại mặt trống một lát, rồi bác mới về nổi. Gặp bác, ai cũng hỏi thăm và đều nhắc đến tiếng trống của bác. Nghe vậy, bác chỉ cười và nói rằng bác cũng nhớ mọi người lắm. Nhưng bác lại tự nhủ, đúng là mình già yếu rồi, cũng nên nhường tiếng trống lại cho lớp trẻ.

 Nhưng thật tình cái nuối tiếc với công việc vẫn còn làm bác Trọng trăn trở lắm. Nhiều hôm, cái chân đau nhức, nhưng bác vẫn cứ đi đến cổng trường. Lắm lúc chỉ đứng quanh quẩn một lúc rồi đi về. Nghe tiếng trống của người đánh trống mới cứ khô khốc, ỉu thiu, nghe tiếng bồm bộp một cách máy móc là bác lại không chịu được. Bác nghĩ cái mặt trống bị ẩm ướt mà chẳng biết cách chăm lo. Nghe tiếng trống như vậy thấy xót cả ruột. Bác lại ứa nước mắt rồi tập tễnh về làng.

 Xa tiếng trống, xa công việc, bác Trọng đâm ốm. Dạo này bác ăn ít. Cái chân thi thoảng lại nhói lên. Những kỷ niệm lại tràn về làm tuổi già của bác ngày một nặng trĩu. Một mùa hè trôi qua. Nóng nực, mưa gió, nước lên ngập cánh đồng, bác không lúc nào nguôi lo nghĩ rằng đừng để trống bị mốc ẩm, đừng lơ là vũ khí của mình. Bác buồn lắm, nhưng làm thế nào được.

 Ừ

Rồi một ngày thật sự bất ngờ đối với bác Trọng. Ðầu tháng 9 chuẩn bị vào năm học mới, thầy giáo Vũ Thạch, Trưởng phòng hành chính của trường học đến tận nhà nói:

- Thưa bác, Ban giám hiệu đã quyết định mời bác trở lại đánh trống cho nhà trường, bác có đồng ý không ạ? 

- Thế còn gì bằng. Nhưng người đánh trống mới đâu rồi?

- Anh ta không thích đánh trống và đã xin chuyển đi. 

- Thật không? Tôi được trở về với công việc này ư? Xin cám ơn các thầy cô đã nhớ tới thân già này.

Ngay lúc đó, bác Trọng thấy khỏe hẳn ra và vội vàng đi theo thầy giáo Vũ Thạch đến trường. Bác lau sạch mặt trống, rồi đẩy giá trống ra sân nắng để phơi cho căng mặt trống. Ngày nào cũng vậy, bác tính đến ngày khai trường tiếng trống phải thật như ý. Bác vuốt ve tang trống, và nói thì thầm: 

- Mấy tháng hè chú mày buồn lắm hả. Ðừng có ỉu xìu như thế. Nào ngửa mặt lên, nắng đẹp thế kia cơ mà. 

Bác Trọng thật mơ mộng. Ai cũng nhận xét như thế và tất cả náo nức chờ ngày khai giảng năm học mới. Lớp học sinh khóa 9 giờ đã ra trường lên huyện học. Những học sinh chuyển khối mới vào đều nghe kể về bác Trọng nên tất cả đã hồi hộp chờ tiếng trống. 

Ngày ấy đã đến. Bác Trọng lấy nhịp một hơi rồi vung dùi trống đúng cỡ tay gõ mạnh vào một mặt trống. Những tiếng âm vang ngân rền làm rạo rực lòng người. Trước mắt bác không chỉ là các em học sinh nhỏ bé mà đó là những người chiến sĩ ngày nào đã từng đứng trên chiến hào. Tất cả những hình ảnh thời trai trẻ hiện về. Bác thấy trong lòng bừng lên sức sống. Tiếng trống mỗi lúc một dồn dập thôi thúc như tiếng kèn hiệu lệnh. Ngọn cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trước gió. Tiếng người điều khiển buổi lễ vang lên: 

- Chào cờ, chào! 

Ðoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa... 

Bác Trọng đứng nghiêm trang bên cạnh chiếc trống trường, mắt rưng rưng lệ.

Vương Tâm/ Nhân Dân

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu