A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðiệu hò ấp Ðặng

Buổi chiều dưới ấp Ðặng không thấy bóng dáng một chiếc ghe. Men theo con rạch, những bông điên điển mọc dày đặc chen lấn nhau lòa xòa trên mặt nước. Ðúng là một buổi chiều buồn. Nhưng ai đã từng đến ấp Ðặng thì không thể không nao lòng trước phong cảnh nơi đây. Thỉnh thoảng trong không trung lại rít lên những tiếng chim kêu nghe đến thắt ruột. Tôi cũng không biết đây là giống chim gì, nhưng ngày xưa cứ mỗi lần tôi bày trò nghịch ngợm thường đem tiếng kêu của giống chim này ra để dọa. Má nói đó là tiếng cò khoeo đi lùng bắt trẻ con... Lúc đầu tôi cũng sợ lắm, nhưng riết rồi cũng quen. Khi lớn lên biết đó chỉ là những lời hù dọa, tôi không còn  sợ nữa, mà chỉ thấy buồn mỗi khi bắt gặp tiếng kêu ấy.

 Chiều dần buông mà không có lấy một chiếc ghe nào. Ðang đứng tần ngần thì nghe đâu như tiếng hò của chú Tư vọng lại.

 Hò... hơ... ơ...!
Sông quê nước chảy đôi bờ
Ðể anh chín dại mười khờ thương em.
Tôi ngó ra. Ðúng là chú Tư thiệt.

 - Chà, cái thằng độ này mập ghê - Chú Tư xuýt xoa - giám đốc mới về ấp có khác. Nhìn từ xa tao cứ tưởng ai chớ. Ðang tìm ghe hay sao mà ngó ngang ngó dọc vậy kìa?

 - Dạ! Con đang tìm... may quá lại gặp chú Tư...

 - Ừ! May cho mày đó. Bữa nay tao có công chuyện phải ghé qua đây, nào ngờ nom thấy mày đứng ngơ ngác vậy...

 - Chú Tư tốt quá ha...

 - Thôi đi mày - Chú vừa nói vừa bắc ván cho tôi leo xuống. Cứ đà này thỉnh thoảng cho tao vài bữa nhậu thì tao còn đưa đón luôn hà...

 - Cái đó thì khó gì! Mà ngoại vẫn khỏe chứ chú Tư?

 - Khỏe! Khỏe lắm. Ổng mà biết mày về thăm có khi còn khỏe nữa đó chớ!

 Nhìn chú Tư cười thiệt hiền. Ðiệu hò của chú vẫn như ngày nào, vừa trầm bổng tha thiết, mang đậm chất riêng biệt của người dân Nam Bộ, đặc biệt là nó còn chất chứa cái tình cái nghĩa của người ấp Ðặng. Những ai đã từng đến đây chỉ cần được nghe điệu hò của chú một lần thôi cũng khó mà quên được.

 Với nước da đen rám nắng và khuôn mặt gầy gò đã xuất hiện nhiều nếp nhăn, nom chú Tư có vẻ già đi nhiều. Chắc độ này chú vất dữ lắm nên mới vậy. Nhìn mái tóc hoa râm tôi lại nhớ tới cái thời tôi phải nhổ tóc sâu cho chú. Mà lúc ấy bới khắp da đầu chú cũng chỉ có vài chiếc tóc bạc, chứ đâu có nhiều như bây giờ...

 Chiếc ghe đang đi qua con rạch giữa đôi bờ dày đặc hoa trinh nữ. Tiếng khua mái chèo đều theo nhịp như đuổi cá. Thỉnh thoảng có những con sóng cuồn cuộn xoáy tròn theo mái chèo rồi đánh tăm thành bọt trắng lặn theo dòng nước. Chú Tư chèo ghe vẫn giỏi như ngày nào. Chỉ khác là bây giờ sức khỏe của chú có vẻ giảm đi chút ít. Thời gian mà. Có ai khỏe mãi được đâu. Nhìn chú tôi lại thấy chạnh lòng. Chẳng gì thì chú cũng gần như cha tôi. Có khi còn hơn cả cha đẻ nữa.

 - Chú Tư độ này có vẻ ốm hơn trước!

 - Nom vậy thôi nhưng vẫn dẻo. May quá lần này có mày về uống rượu với tao. Chứ nếu không... buồn chết! Nhà chỉ có mỗi hai người. Ngoại mày thì không biết uống, chán thấy mồ à! Mà mày đừng vội rầy tao nghe. Uống rượu nhiều lúc cũng hay lắm chớ bộ. Nó giúp tao đỡ buồn nhiều lắm. Mà đời sao nhiều chuyện buồn đến thế không biết nữa...

 Nhìn vào đôi mắt mỏi mệt kia, tôi hiểu chú Tư đang nghĩ gì, nên chỉ vội vàng trách nhẹ:

 - Uống thì uống, nhưng phải có điều độ chớ. Nhỡ may trái gió biết làm sao?

 - Ơ cái thằng. Mày lại còn lo cho cả chú Tư của mày nữa hả?

 - Lo chớ sao không. Nhưng con chỉ lo rồi hổng có ai chèo ghe đưa đón mỗi bận con về.

 - Ừ! Mày nói cũng phải. Tao cũng cần giữ sức để còn đưa đón mày, rồi sau này đưa đón cả vợ, cả con mày nữa chớ. Nói thế thôi, có những lúc vì buồn quá nên tao cứ uống vậy đó. Mà nhỡ không may tao có trái gió trở trời thiệt, phải nằm xuống thì chỉ cần mày về chống gậy cho tao đỡ tủi là được.

 Nghe chú Tư nói thế tôi lại thấy buồn cười. Chú Tư của tôi làm sao có thể chết sớm như vậy được. Mà chú cũng kỳ lắm cơ. Ở vậy mãi, không chịu lấy vợ để đến bây giờ suốt ngày lo chết không có người chống gậy.

 Chúng tôi đi qua con rạch phủ đầy chôm chôm. Có những cành sai trĩu quả vít sát xuống mặt nước. Vào mùa này khoảng chục năm về trước má tôi vẫn thường đi bứt chôm chôm thuê cho người ta để lấy tiền nuôi tôi ăn học. Mỗi bận về ấp, nhìn đôi tay má nứt nẻ vì bứt chôm chôm mà thương má vô cùng. Má đã hy sinh vì tôi quá nhiều.

 Tôi vốn sinh ra đã không có cha. Nghe loáng thoáng người ta kể lại thì sau ngày ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam năm 1973, giặc Mỹ đã phải cuốn gói nhưng bọn ngụy quân ngụy quyền vẫn còn ngoan cố. Một bộ phận cố vấn Mỹ vẫn ở lại miền nam đội lốt dân sự, lập ra bộ chỉ huy quân sự trá hình, tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho ngụy. Ðược thể bọn ngụy ra sức bình định lấn chiếm các vùng đất đã được giải phóng của ta, và ấp Ðặng cũng nằm trong số đó.

 Trong một lần bọn ngụy đi càn ấp, bộ đội đóng quân tại đây đã phải rút về phía thung lũng Voi, nơi có địa hình khá hiểm trở cách ấp khoảng gần ba giờ đồng hồ tản bộ. Ngày ấy má tôi còn trẻ mà dũng cảm lắm. Trong một lần đi tiếp tế không may bị bọn chúng bắt được. Tra hỏi mãi, má vẫn không chịu khai nửa lời, chỉ nói đi thăm người bà con xa bị ốm. Chúng nom má đẹp, liền giở trò bỉ ổi. Và tôi chính là vết hằn của cái lần nhục nhã ấy...

 Hồi đó má gần như điên dại. Nhưng sau khi tôi chào đời, má dường như cứng cỏi hơn. Má chôn nỗi đau vào lòng, chăm chút cho tôi từng tí một. Tiếng cười, tiếng khóc cùng những trò nghịch ngợm của tôi đã làm cho căn nhà tranh ọp ẹp của ngoại trở nên ấm áp. Và tự bao giờ tôi đã trở thành nguồn sống không thể thiếu của má. Từ sự tủi hờn, má dần cảm thấy hạnh phúc khi thấy tôi ngày một lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người, đặc biệt là của má...

 Tôi được lớn lên trong cảnh hòa bình đã lập lại. Tôi cũng được cắp sách tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

 Năm tôi lên bảy thì chú Tư chuyển xuống ở nhà tôi. Ngày đó chú chẳng khác gì một kẻ tha phương cầu thực. Thấy chú thật thà tội nghiệp, ngoại định cho chú ở nhờ mấy bữa, nhưng dần dà biết chú không còn chỗ để đi, ngoại mới quyết định cho chú ở hẳn. Chú Tư ít hơn má sáu tuổi nên má nhận chú làm em. Thỉnh thoảng cứ đến mùa chôm chôm, chú lại theo má đi bứt thuê cho người ta. Tuy có vất một chút nhưng cũng đủ sống.

 Tôi biết hồi đó chú Tư thương má lắm nhưng không dám nói. Còn má chẳng biết là đã hiểu hay cố tình tỏ ra không hiểu mà lúc nào cũng chỉ coi chú như một đứa em trai, lại còn suốt ngày nhắc chú chuyện vợ con nữa chớ. Ngoại tôi biết, nhưng vì hiểu tính má, nên không nói gì. Lúc đó má chỉ nghĩ làm sao cho tôi đỡ khổ.

 Chú Tư cũng nghe phong thanh được câu chuyện của má nên thương má vô cùng. Chú luôn coi tôi như con. Vì thương má mà chú đã quyết định ở vậy không chịu lấy ai. Ngoại tôi đã cố dạm cho mấy đám mà chú đâu có chịu. Sau khi má tôi mất, chú cứ ở vậy đến giờ. Ngày đưa tang má, ngoại cứ tự trách mình, chắc kiếp trước ăn ở thất đức nên để lại nghiệp chướng cho con. Còn tôi thì khóc ngặt nghẽo như một đứa trẻ đang bú dở bất ngờ bị người ta cướp mất bầu sữa. Chỉ có chú Tư là đôi mắt ráo hoảnh. Tưởng chừng chú cứng cỏi lắm, vậy mà mãi tới lúc đi ngủ, nằm bên cạnh thấy người chú rung lên bần bật tôi mới hay chú Tư khóc...

 Ðang miên man theo dòng ký ức nặng trĩu thì tôi bị chú Tư gọi giật:

 - Nghĩ gì mà dữ vậy Ðạt?

 - Dạ! Ðâu có!

 - Yêu rồi phải hôn? Nhìn qua là tao biết liền à! Hôm nào dẫn con nhỏ đó về cho tao coi mặt. Mắt tao là tinh lắm đó.

 - Có đâu mà, chú cứ đoán dóc làm chi! Nếu có thiệt con sẽ dẫn về cho chú coi liền. Con tin tưởng đôi mắt chú Tư lắm à. Chẳng thế mà ngày xưa chú chỉ thương mỗi má con mà hổng chịu lấy ai hết.

 - Cái thằng... càng ngày mày càng lém ra rồi đó.

 Tôi biết đã đụng phải nỗi đau của chú khi kịp nhận thấy trong điệu cười kia thoảng những nét buồn. Nhưng không sao. Chú Tư thương tôi như con mà, hơn nữa chuyện đó lại xảy ra đã lâu. Cho đến bây giờ đã thành kỷ niệm rồi. Thỉnh thoảng cũng phải nhắc lại cho đỡ nhớ.

 Má mất chẳng được bao lâu thì tôi ra trường. Công việc đã buộc tôi phải ở hẳn trên thành phố, thành ra căn nhà của ngoại vốn đã vắng nay lại vắng hơn. Trước đây còn có bốn người, giờ chỉ còn có hai. Thú thực, không có chú Tư thì tôi cũng chẳng biết phải xoay xở ra sao nữa, vì chú đã gánh vác thay tôi nhiệm vụ trông nom ngoại. Tôi cũng muốn đón ngoại và chú lên thành phố lắm nhưng nói hoài mà ngoại đâu có nghe. Ngoại không muốn rời bỏ mảnh đất mà ngoại đã gắn bó gần hết cuộc đời, trong khi đó công việc  không cho phép tôi được thường xuyên về quê. Ngoại nói, ở quê ăn dưa với cà ngoại vẫn thấy ngon hơn ở thành phố. Mảnh đất này đã gắn bó máu thịt với ngoại rồi. Bây giờ đã đến tận cuối đời, ngoại càng không thể xa nó. Hơn nữa ở cái ấp Ðặng này còn có biết bao nhiêu mồ mả của tổ tiên nhà ta. Ngoại với thằng Tư mà đi thì lấy ai hương khói. Thôi thì con cứ yên tâm lên đó mà làm việc. Thỉnh thoảng lại về thăm ngoại cho ngoại đỡ nhớ, rồi qua mộ thắp cho má con nén hương là được rồi... Chú Tư cũng như hiểu nỗi lòng của tôi nên luôn tìm cách an ủi để tôi yên tâm lên trên đó làm việc. Chính vì vậy mà tôi biết ơn chú Tư nhiều lắm.

 Chú Tư chèo ghe đưa tôi vào khu nghĩa địa nơi má tôi nằm đó. Chú vẫn chu đáo như ngày nào. Ðón nén hương trên tay chú, tôi xì xụp khấn vái rồi cắm hương xuống nấm mộ cỏ đã mọc xanh rì. Gió từ cánh đồng thổi vào khu nghĩa địa mát rượi. Tôi ngồi bệt trên vệt cỏ hít lấy hít để cái mùi hương đồng nội quen thuộc. Chợt chú Tư lên tiếng:

 - Giá như má mày còn sống để được nhìn thấy mày thành đạt. Ngày xưa má mày chẳng từng mong đợi ngày này đó sao? Ðúng là Thành Ðạt có khác. Nghe hay lắm.

 - Dạ! Chú Tư quá khen- Tôi cười, cố giấu niềm xúc động đang dâng lên.

 - Tao là tao nói thiệt chớ có bỡn đâu mà mày phải khiêm tốn. À mà lần này mày được nghỉ nhiều hôn?

- Ngày kia con phải lên rồi. Có công chuyện trên đó phải làm gấp, không chờ được.

 - Thế ra, chỉ được nghỉ ngày mai thôi hả? 

- Dạ! 

- Nếu vậy sáng mai mày ở nhà với ngoại. Còn buổi chiều tao sẽ đưa mày đi khắp ấp cho khỏi quên đường quên lối. Hơn nữa thử xem nó có khác nhiều so với trước không... 

Ðúng là ấp Ðặng có nhiều cái thay đổi thiệt. Một cái gì cứ dâng lên nghèn nghẹn suốt chuyến đi. Rồi chú Tư đưa tôi đến thung lũng Voi, nơi mà bộ đội ta và biết bao bà con mình đã từng một thời gian khổ có nhau vượt qua chồng chất cam go, khốc liệt. 

Hôm đó tôi đã có một ngày thật vui vẻ. Tôi đã được ăn món cà nén do chính tay ngoại làm, được thưởng thức chùm chôm chôm ngon nhất do chú Tư chọn bứt. Ðặc biệt là được cùng chú Tư chèo ghe quanh ấp, bơi qua đầm sen, qua cả cánh đồng lúa đang dần ngả sang mầu vàng, rồi được nghe những điệu hò quen thuộc của chú. Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới tìm lại được cái cảm giác thân thuộc ấy.

 Sáng hôm sau chú Tư lấy ghe đưa tôi đi. Lại qua những vạt chôm chôm trĩu quả và những bông điên điển mọc dày đặc chen lấn nhau trên mặt nước... Tới bến, chú dặn tôi, giọng chùng xuống:  

- Ði mạnh giỏi nghe Ðạt. Rảnh thì nhớ về! 

- Dạ...! 

Tôi bước đi trên con đường mòn. Lẩn khuất sau lưng vẫn vọng lên tiếng mái chèo khua nước cùng với những câu hò quen thuộc mà chú Tư vẫn thường hát mỗi ngày:

Hò... hơ... ơ...! 

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau... 

Phùng Hà/ Nhân Dân

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu