A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng khóc

Truyện ngắn “Tiếng khóc” của nhà văn Băng Hồ đã được đăng trên báo chí công khai Hà Nội năm 1952 hồi còn bị quân Pháp chiếm đóng mới được NXB Văn Học cho in lại trong tập “Phượng ơi! mùa dĩ vãng” (gồm 30 truyện ngắn chọn lọc) vào ănm 2002.

Đây là chuyện về số phận bi thảm của một cô gái quê xinh đẹp - nạn nhân của thời cuộc bị một tên lính da đen cưỡng hiếp khi tấn công vào làng. Đây cũng là những diễn biến, đấu tranh nội tâm sâu sắc, nỗi hổ thẹn với làng xóm quê hương, sự nuối tiếc một quãng đời thanh xuân với bao chàng trai theo đuổi, và đó còn là sự mặc cảm trước bao dị nghị, bao ánh mắt khinh bỉ của dư luận của những người chung quanh. Những chi tiết đắt giá đẩy cốt truyện lên cao trào khi loa phóng thanh ca ngợi tinh thần của phụ nữ Nhật không chấp nhận những đứa con lai, sự giằng xé khó cưỡng lại, nhưng cuối cùng tình Mẫu tử đã thắng, tính Nhân văn đã thắng. Và phải chăng chính những đức hy sinh nhẫn nhục, lòng Nhân hậu vị tha của người phụ nữ Việt Nam đã làm nền tảng vững chắc cho xã hội này tồn tại và phát triển từ ngàn xưa đến nay.

Anh lính da đen tuy là nhân vật phản diện nhưng được tác giả miêu tả có chừng mực không lên gân. Anh ta cũng chỉ là một tên lính đánh thuê bắt buộc phải cầm súng giết nhưng trong sâu thẳm trái tim vẫn khao khát một cuộc sống thanh bình vẫn biết yêu thương vợ con, gia đình. Nếu được tiếp sức với cái Thiện, anh ta cũng sẽ dễ dàng trở lại với bản ngã thực của mình.

Với giọng văn nhẹ nhàng, đầy mẫn cảm, thoải mái không gò bó, tác giả Băng Hồ đã làm sống lại một số hình ảnh của cuộc chiến vệ quốc cách đây hơn nửa thế kỷ của một cảnh nông thôn Việt Nam để thế hệ trẻ hôm nay đọc lại càng thấy ý nghĩa và giá trị những ngày đang sống.

_______________________

 

Chị Thắm đang vo gạo dưới cầu ao, chợt nghe tiếng khóc của cu Đen trên nhà, chị vội bỏ rá gạo đấy chạy đến bên võng vừa đỡ lấy con, vừa nựng nịu:

- “Ạ ơi, cái ngủ mày ngủ cho lâu, mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về à... ơi”.

Thằng bé da đen, tóc quăn quẫy quẫy cái tay, khóc thêm vài tiếng nữa rồi thiu thiu dần dưới những cái vỗ nhịp-nhàng và tiếng ru trầm - trầm của chị Thắm. Đợi con ngủ yên, chị lại đặt nó lên võng, che chiếc quạt lên mặt nó để tránh ruồi bâu, xong chị bước xuống sân.

Chị ngoảnh nhìn về đằng Tây. Mặt trời hấp hối đang cố gắng nhuộm đỏ một cách yếu ớt góc chân trời, trước khi nhường hẳn quyền thống trị cho bóng đêm. Một đàn cò vạc đang bắt đầu cuộc sống kiếm ăn trên cánh đồng heo hút. Cuối xóm, một làn khói bếp mầu lam nhè - nhẹ cuộn lên hòa vào nền trời đục.

Chị Thắng khẽ lẩm bẩm:

- Hôm nay “nó” về muộn.  

“Nó” đây là chồng chị, anh lính Phi Châu có cái tên là lạ “Du – Ma”. Chị hững hờ nhắc đến chồng, cũng như lâu rồi, chị hững hờ chịu đựng cuộc tình duyên bẽ bàng này.

Những chiều mưa gió, một số người làng vẫn thường nhắc nhau câu chuyện năm xưa bằng một giọng ngùi ngùi thông cảm.

Chị Thắm là cô gái đẹp và ngoan nhất làng Bằng. Hồi còn thanh bình, chiều chiều lúc chị ra bờ sông giặt lụa, khối anh trai quê đã chết mệt vì đôi tay thon thả, vì làn môi lúc nào cũng đỏ thắm quết trầu. Nhưng chưa ai lọt mắt xanh cô gái quê nhan sắc ấy, cho nên họ chỉ tỏ tình thương nhớ ngấm ngầm bằng những câu vè tự đặt.

Xẩy một ngày binh lửa đột ngột. Làng Bằng chưa kịp tản cư thì một sớm tinh sương, bốn phía náo động tiếng súng. Lính và lính.

Và máu chảy rừng rực khắp đường làng. Qua ánh lửa ngùn ngụt, mấy anh trai quê xót xa thấy thấp thoáng bóng chị Thắm ngã vật dưới một khóm tre, đằng sau một quân nhân áo quần hoen máu đang điên dại đuổi theo.

Thế thôi! Làng trở lại yên tĩnh ngay sau đó. Và anh línht “Du – Ma”  sau cái bận cưỡng bức trái luật kia, chừng biết hối hận, thân hành đem vạn bạc giấy mới tinh đến biếu bà Phó, mẹ nàng và để chuộc tội, anh xin được cưới “cô Thămm làm vơơ”. Lúc đầu, chị đã khóc ghê lắm kiên quyết khước từ lời thỉnh cầu của anh lính da đen. Sau nghe nhiều người khuyên giải: Đằng nào cũng “thế” rồi - lấy nó để giữ yên ổn làng xóm được nhờ. “Bốt” nó đóng ngay đầu làng, không dưng nó câu ”moóc chê” như mấy làng Chè, làng Chuối đấy làm chết hại bao người và gia súc. Hơn nữa có thể qua “nó” mà móc được những tin cần thiết thông báo cho “đằng mình” cũng tốt. Trông nó “dữ tướng” thế thôi, chứ qua tiếp xúc thấy cũng hiền lành và yêu thương hồn hậu chị Thắm thật sự.  

Anh Tình, anh Thỏa và bao anh trai quê khác đã đi biệt chẳng về làng. Không còn những câu vè tình tứ ướm gửi mỗi khi chị quảy đôi gánh ra bờ giếng đầu làng hoặc những trưa, chiều từ cánh đồng lúa trở về má gợn hồng, môi mọng như son.

Gần năm sau khi cu Đen theo đúng quy luật tự nhiên ra đời càng cột chặt những sợi dây khắc nghiệt đời chị với anh chồng khác màu da kia. Chị khai sinh con bằng cái tên dân dã Việt Nam để ghi mãi một đoạn sử đau lòng. Việc đặt tên con bằng tiếng Việt, lúc đầu anh “Du-Ma” không bằng lòng sau vì sợ chị phải nghe theo.

Nói đến anh “Du-Ma” thì ở cái xóm quê này khó mà tìm được người chồng “hoàn hảo” thứ hai. Trông hình thù anh kệch cỡm: da đen bóng, mắt trắng dã, tóc xoăn tít, nhưng ngược lại đối với vợ, anh lại rất hiền, quá hiền là đằng khác, ngoan như một con búp bê. Anh là một hoạ sĩ ở cái đồn bốt lẻ loi này, cũng có chút “quyền hành” nên cứ cách vài  ngày anh lại lái chiếc xe “Zíp” về  thăm mẹ vợ và vợ. Lần nào cũng “quà cáp”. Hôm thì chiếc áo cánh phin, cái quần lĩnh bóng, hôm thì cái niêu đất, cái soong quấy bột và cả chiếc lồng bu nhốt mấy con gà. Anh chia kẹo cho mấy đứa trẻ hàng xóm sang chơi hoặc mấy chai bia biếu mấy ông Nhiêu, ông Xã trong họ. Kể ra anh cũng khá “chu tất”. Lũ trẻ quê có vẻ thích anh lắm, chúng hay đùa nhả với anh chẳng sợ gì. Cũng có hôm chừng “phát tài” anh dúi vào tay chị từng cuộn giấy bạc dầy cộm. Chị Thắm đỏ mặt thừa hiểu những tờ giấy bạc đó ở đâu ra. Chị làm mặt giận vứt cuộn tiền xuống đất, giảng giải cho anh đi cướp bóc thế là tội ác, sau này chết Diêm Vương sẽ ném vào vạc dầu sôi sùng sục, không được trở lại làm kiếp người nữa đâu. Anh “Du-Ma” tuy đen đủi dữ dằn nhưng cũng rất tin ở những chuyện tâm linh ân oán kiếp trước kiếp sau. Bởi vì dần dần, chị thấy anh không còn đưa chị những cuộn tiền dầy cộm như thế nữa mà chỉ là số lương tương xứng của mình. Gần chị anh cũng lờ mờ hiểu ra cái Thiện, cái Ác... Anh cứ luôn phàn nàn vì luật nhà binh nghiêm cấm chứ không anh quyết đem cả mẹ vợ và vợ con cùng vào ở trong đồn cho tiện. Không được ở cùng trong đồn thì những buổi về thăm vợ và con, anh cứ ngồi lê la đến hàng giờ, chị Thắm phải gắt, đuổi anh anh mới chịu đứng lên. Anh ngây ngô cười, nhìn cu Đen quẫy quẫy trong vòng tay mẹ. Thằng bé giống anh như đóng khuôn. Cũng nước da đen cháy, mấy sợi tóc loăn xoăn, hai môi dầy như miếng thịt lợn. Lòng anh lính da đen đầy sát khí kia nhiều lúc như cũng thấy vẩn vơ cái không khí gia đình êm ả. Trong cái túi căng phồng xách tay kia đủ cả: đường, sữa, bánh ga tô, bánh mỳ ba-tê,.xúc xích, bánh chưng cho mẹ vợ, vợ và con. Anh xin chị Thắm cho anh được bế thằng Đen. Bàn tay chuối mắn nậng nậng cái mảnh hình hài sơ sinh, hai mắt anh như dịu hẳn xuống trong niềm hạnh phúc sung sướng. Có lần anh “tâm tình” với chị: Anh cũng chẳng thích cuộc đời lính tráng bắn giết này đâu. Quê anh cũng là một làng quê thanh bình ở xa tít bên kia bờ Đại tây dương. Bố anh đã chết do đi trận mạc phục vụ bọn người cai trị nước ngoài. Chứ đất nước anh từ trước tới nay có đi xâm lấn nước nào đâu và có bị nước nào xâm lấn lại đâu. Anh còn một mẹ già và ba em dại, đặc biệt cô em gái thứ hai rất thương anh nó vẫn mong anh mau sớm trở về. “Nó” mà biết anh lấy vợ Việt Nam hẳn nó mừng lắm. Anh mở ví lấy ra mấy tấm hình lâu ngày đã vàng ố không còn nhìn rõ và khoe đó là mẹ và các em anh. Anh nói tiếng Việt lơ lớ không rõ âm “Bao giơơ hêêt chiênn tranh, tôi đưaa Thămm vêê chơơi vơii mee tôôi”

Gần vợ, anh rất hiền. Chẳng thế có lần mấy cô có tiếng là chanh chua táo tợn nhất làng đã đến trêu ghẹo anh, anh cũng chỉ nhe hàm răng trắng nhởn ra cười, gật gật hay lắc lắc cái đầu tóc xoăn tít. Mấy cô cứ bụm miệng cười đấm lưng nhau thuỳnh thuỵch và càng thích trí trêu anh khỏe.  

Nhưng coi chừng, cơn ghen của anh thì cũng khiếp lắm. Anh trai làng nào lại cùng biết cảm vì đôi mắt hạt huyền của chị Thắm mà trót nhìn chị đắm đuối chỉ cần vài giây thôi cũng đủ làm anh sôi tiết lên rồi. Hôm trước, anh đã đánh anh Bổng - hương dũng - một trận thừa sống chí chết chỉ vì anh này đã dám cớt nhả đùa bỡn chị Thắm giữa lúc anh từ “bốt” về làng thăm vợ và tình cờ bắt gặp. Nếu chị Thắm không ngăn vội không biết chừng anh đã  sử dụng cả đến súng. Những lúc  ấy thì chị Thắm thấy mất hẳn anh chồng hiền khô “hay nhe răng cười” mà chỉ còn lại một tên “com-măng-đô” quần vương sắc máu bên ánh lửa đỏ rực và chát chúa những tràng đạn tiểu liên.

Dân làng hiểu rằng những kỷ niệm cũ-một thời con gái-chưa chết hẳn trong lòng chị. Bởi lẽ nhiều người vẫn bắt gặp chị trong những buổi hoàng hôn đang đổ bóng xuống cái sân lát gạch và thằng Đen đã ngủ say trên võng, chị ngồi thẫn thờ trên bậc cửa, hai mắt u trầm như vọng về một nẻo xa xôi... Chị nhớ đến những anh Tình, anh Thỏa và bao anh trai quê khác, những đêm trăng sáng hội hè, hay những chiều tát nước bên bờ ao. Những câu hát cất lên giữa cánh đồng ngào ngạt hương thơm lúa chín, sen lẫn những tiếng cười rúc rích của những cái Mơ, cái Mận, cái Đào, cái Lý..           

Rồi những buổi họp “phụ nữ, thanh niên” ồn ào ai cũng muốn phát biểu. Những buổi tập “quân sự một hai”, quần buộc túm, khăn mỏ quạ, ngang lưng thắt một bao đạn trông mới “lẫm liệt” làm sao.

Thôi rồi như một giấc mơ đã tàn, những ngày vui không bao giờ còn nữa. Xưa kia hồi còn là cô Thắm mỗi khi ra khỏi nhà là bao nhiêu tiếng mời chào vồ vập. Bây giờ là “Chị đội Du-Ma” chị cảm thấy ít ai muốn tiếp xúc trò chuyện lâu với chị. Một cái gì gượng gạo dè dặt tuy không thành lời nhất là các cô gái chưa chồng thì lánh chị như một bệnh dịch lây lan. Hôm nọ đấy cái Nhàn xúng xính áo quần chừng sắp đi đâu nhưng vừa thấy chị đi qua là nó lủi ngay vào trong nhà, khép cánh cổng lại.

Đi trên đường làng thân thuộc, mà nhiều lúc chị chua xót như đang sống trên một miền đất xa lạ. 

*

* *

Ngày mai ở trên Hà Nội có tổ chức một ngày hội vui lắm, gọi là “Ngày quốc lễ”  có đua thuyền ở Hồ Tây, treo đèn kết hoa, buổi tối bắn pháo bông hồ Hoàn Kiếm, có biểu diễn âm nhạc và đấu quyền Anh tại những tụ điểm công cộng và còn nhiều trò chơi, cuộc vui khác. Từ lâu Hà Nội đối với chị như một miền đất lạ nhưng đầy hấp dẫn gợi tò mò, khát vọng. Chị nghe nói ở Hà Nội con gái người thơm phức và đẹp như tiên, có nhiều ô tô lắm, có xe điện leng keng, phố xá ngang dọc và đêm mà cũng sáng trưng rực rỡ chứ không heo hút thảm đạm như cái làng Bằng này lúc nào cũng nơm nớp hứng bom hứng đạn. Từ bé chị chưa được lên Hà Nội bao giờ, chỉ có ông Phố bố chị lúc còn sống có lên một hai lần chứ ngay mẹ chị cũng chưa biết Hà Nội là gì. Chị bàn với chồng nghỉ một ngày để đi chơi. Ít lâu nay thấy vợ lúc nào cũng vẻ mặt trầm ngâm, anh “Du-Ma” cũng thấy băn khoăn nên khi thấy chị ngỏ ý anh bằng lòng ngay, hi vọng sẽ thấy chị được vui và chịu cười với anh một tiếng.

Vậy là hôm sau sáng sớm, anh lái chiếc “Zip” đưa chị Thắm với cu Đen lên Hà Nội. Xe đậu ở ga Hàng Cỏ. Anh xuống đi bộ dạo chơi phố phường cùng vợ và con. Anh la cà hai bên dãy phố, chỉ vào cửa hiệu này sang cửa hiệu khác, trầm trồ những thứ bày bán bên trong quầy kính rồi nhe răng cười hỏi chị muốn mua gì cứ bảo anh. Anh mua cho cu Đen chiếc ô tô vặn giây cót chạy bon bon, bộ quần áo lính thủy và chiếc mũ len có cái mỏm nhọn hoắt. Cu Đen mà đội vào trông hay lắăm(!). Anh cũng sắm cho mẹ vợ một cái cối giã trầu, một chiếc áo mền bông vì anh thấy chị Thắm phàn nàn đợt gió bấc vừa rồi, tối đi nằm cụ cứ ho xù xụ. Riêng với chị Thắm anh ướm hỏi định mua cho chị một thỏi son để chị tô lên môi cho hồng những bận đi chơi với anh, nhưng chị chỉ hờ hững lắc đầu.

Anh “Du-Ma” vì mải vui nên không kịp bắt nhận vẻ buồn tủi đang thoáng hiện trên khuôn mặt vợ. Thật thế, đây là lần đầu tiên chị Thắm thấy chua xót cái thân phận của cô gái Việt Nam lấy chồng khác mầu da, lại là một tên lính xâm lược. Nếu ở làng Bằng chỉ là sự lãnh đạm một phần vì còn có chỗ tế nhị xóm giềng không nỡ bật thành lời thì hôm nay ở cái đất Hà Nội này mới là sự tàn nhẫn gấp mười, gấp trăm Iần lộ liễu trắng trợn. Hình như hai bên dẫy phố nhiều người đang chỉ trỏ, đang trề môi ra dè bỉu, có người đã nhổ toẹt bãi nước bọt ngay lúc chị vừa đi ngang qua. Chị nghe văng vẳng đằng sau: “Vợ nhọ, vợ nhọ”. Một vài anh thanh niên tặng chị những cái nhìn nửa như ái ngại nửa như mỉa mai. Giọng họ văn vẻ:

- Hoài của một bông hoa tươi đẹp như thế kia mà chịu sự giày vò của bàn tày quỷ sứ.

Chị Thắm cúi mặt, tai nóng bừng, bước đi như cái máy không hồn. Đầu óc chị ù ù như lên cơn sốt. Anh “Du-ma” vẫn cười cười rất hồn nhiên vì vốn tiếng Việt quá nghèo nàn khiến anh có nghe hiểu gì đâu. Chứ nếu không, kẻ nào dám xúc phạm đến vợ anh sẽ không yên với anh đâu dù cho ở giữa Hà Nội.

Gần trưa, anh kéo chị vào một hàng cơm nghỉ chân vừa để ăn một cái gì cho chắc bụng.

Nhiều người đang xì xụp trước các đĩa thức ăn tỏa khỏi, bỗng như cùng nhất loạt ngẩng đầu lên. Những cái nhìn như đóng đinh trên người mấy vợ chồng con cái chị. Một cặp vợ chồng trẻ ngồi cuối phòng chụm đầu vào nhau như đang bàn tán gì về chị, thỉnh thoảng đuôi mắt lại đảo nhanh vào thằng cu Đen đang ngấp ngây cặp mắt trắng dã ra nhìn chung quanh như chẳng sợ gì cả.

Một tay ôm con, một tay chị Thắm cố và miếng cơm lên miệng mà nhai phải đá sỏi. Anh “Du-Ma” vẫn hồn nhiên luôn tay gắp thức ăn vào bát chị và giục chị ăn. Bỗng chị ngưng đũa: cái loa phóng thanh mắc cao nơi góc nhà ăn đang phát chương trình buổi trưa của Đài tiếng nói “quốc gia”. Giọng cô phát thanh viên nghe thật hay, cứ ngọt như mía, trong như nước suối cuốn hút người nghe. Phần ca nhạc vừa xong tiếp đến là phần tin tức và bình luận. Tim chị bỗng đập mạnh. Quái sao câu chuyện mà cô phát thanh đang đọc lại giống hoàn cảnh chị hôm nay đến thế.

Chị lờ mờ nghe ra rằng ở cái nước Nhật Bản xa xôi nào đó mới đây thua trận bị Mỹ chiếm đóng, có nhiều phụ nữ Nhật trong khi giao tiếp với lính Mỹ đã sinh ra những đứa con lai. Họ đã gói đứa con vào những chiếc khăn bông đem đặt ở vườn hoa công cộng hoặc trước tư dinh tướng “Mắc-ắc Tơ”(1) với một mảnh giấy con gài vào người đứa bé ghi vắn tắt: “Con người Mỹ xin trả lại người Mỹ”. Những người đàn bà Nhật ấy đã được bản tin hết lời ngợi ca ở tinh thần tự tôn dân tộc không chịu được nhục: “Chẳng thế mà tuy là dân tộc bại trận nhưng người Nhật cũng đã khiến cho quân Mỹ chiếm đóng phải kiêng nể dè dặt. Dân tộc người ta như thế chứ...”  Một người đang xỉa răng ở bàn bên cũng chăm chú nghe đài buông thõng một câu phụ họa:

- Phải vứt m... nó đi là xong. Con với cái gì đồ quốc sỉ, quốc nhục.    

Đồng thời đôi mắt nhìn như xoáy vào thằng Đen đang nằm trong lòng mẹ tay quới quới đòi ăn.

Buổi chiều anh “Du-Ma” vì công việc nhà binh phải về trước. Anh cứ ân hận phải để chị ở lại vì chị còn muốn nhân dịp lên Hà Nội đi thăm mấy người bà con trong họ cũng ở đây, mai sẽ đáp “tầu hỏa” về sau. Nhưng giờ đây bước chân chị không còn thấy xốn xang hăm hở như lúc sáng nay từ xe “Zíp” bước xuống trước ga Hàng Cỏ. Mảnh đất cố đô Hà Nội chị từng ngưỡng mộ nuôi bao ý nghĩ đẹp đẽ, lúc này đối với chị chỉ còn là một sự bẽ bàng tủi nhục... Hình như không ai muốn nghĩ rằng chị cũng là người Việt Nam có một lũy tre xanh, dòng sông nhỏ cùng chung những buồn vui giận hờn, cùng chịu đựng những thảm họa chiến tranh như hàng triệu triệu người Việt Nam khác. Trong cuộc sinh hoạt ồn ào của mọi công dân nước Việt kể cả ngày hội vui hôm nay qui tụ rộng rãi tất cả mọi người - chị cảm thấy riêng mình như bị gạt tàn nhẫn ra ngoài. Mà chị có tội lỗi gì? Chị đâu muốn thế, chị chỉ là nạn nhân cuộc chiến hôm nay, ngay cả việc chị hy sinh chịu nhục lấy một anh lính da đen trong đạo quân xâm lược cũng cốt giữ an toàn cho làng xóm quê hương khỏi nanh vuốt và tầm đạn pháo của giặc sao mọi người lại chóng quên thế, luôn gây cho chị sự đau đớn triền miên?...

*

* *

Bóng tối đổ dần xuống hai bên hè phố. Các cuộc vui khởi động rộn ràng. Vừa hay chị qua một rạp hát đèn treo hoa kết rực rỡ, người chen chúc ra vào mùi thơm ngào ngạt, áo quần sang trọng đất tiền. Có tiếng kháo nhau: “Các vị quan chức Thủ Hiến cũng tới dự”. Bên kia đường, hàng chục chiếc ô tô bóng lộn đậu san sát. Hàng quà bánh thi nhau ơi ới mời khách vào xem mua.

Thời con gái ở quê, chị Thắm thích xem hát chèo, diễn kịch lắm. Giữa lúc đang có tâm sự u ẩn, chị cũng muốn cho đầu óc được thư thản vợi nhẹ. Chị lách đến trước cửa bán vé, móc trong túi ra hai tờ giấy 5 đồng:

- Ông cho cháu cái vé vào xem. 

Ông bán vé đeo kính trắng ném một cái nhìn khinh khỉnh vào cô gái quê rồi cái mảnh hình hài đen đủi trên tay cô. Ông nhếch mép khô lạnh:

- Ở đây không có vé bán cho vợ và con tây đen nhé. Đi chỗ khác. Vào làm bẩn rạp người ta.

Tiếp theo một chuỗi cười rộ. Chị Thắm sa sầm như muốn ngã. Chị ôm chặt cu Đen đang khóc dữ trên tay và vùng chạy ra khỏi đám đông. Chị loanh quanh đi hết phố này sang phố khác đầu ngổn ngang, óc rối bời, tim đau nhói.

... Và giờ đây khuya lắm rồi, chị đang được ngồi yên tĩnh ôm con trên chiếc ghế đá của một vườn hoa khuất nẻo. Chị đưa vạt áo lên thấm hai bên kẽ mắt. Một quãng đời xưa bỗng miên man trở về. Khúc sông làng Bằng thanh tịnh với hai bên bờ những rặng tre xanh mát lảnh lót tiếng chim reo. Ánh nắng sớm mai khẽ làm gợn hồng má cô thôn nữ xinh nhất làng ra đồng coi lúa. Những anh chàng ngấp nghé với những câu ca dao ướm lòng ngỏ ý. Rồi những tiếng súng lạnh tanh. Dòng sông hoen máu, tre pheo cháy rụi, những gót giầy đinh dẫm nát luống cầy, khóm rau. Tiếp theo là cái cảnh tượng khủng khiếp: Chị ngất đi dưới rặng tre khô, tiếng cười man dợ của tên lính da đen xâm lược... ánh lửa ngùn ngụt, quần vương sắc máu. Khi tỉnh dậy chị đã toan cắn lưỡi tự tử nếu không có mấy chị bên “hội Phụ nữ” kịp can ngăn.

Tất cả cuốn phim quá khứ quay ngược lại như một bản án nặng nề,  chua chát.

Bỗng hai mắt chị lóe sáng trong một ý định vừa kịp hình thành nhưng thật ghê gớm. Chị nhớ tới bản tin phát thanh trong quán cơm mà chị có cảm tưởng cô phát thanh viên đã đọc thật rõ ràng cho riêng mình chị nghe. Những người đàn bà Nhật không chấp nhận những đứa con lai. Lòng tự tôn dân tộc thật đáng kính trọng.

Phải lắm, má chị vẫn còn hồng, mắt chị còn nhiều “tình tứ” đủ khiến bao anh con trai phải mê mệt, chị có thể đi đến một nơi xa – không ai biết chị - để làm lại cuộc đời, rửa sạch những vết ố hoen. Nhưng cần thiết phải vứt bỏ cái thằng cu Đen tóc xoăn, mắt trắng dã này, nó phanh phui tố cáo chị nhiều quá, nó ngáng trở chị nhiều quá. Nhưng đứa trẻ Mỹ lai trắng trẻo xinh xắn là thế mà người đàn bà Nhật còn dám vứt bỏ huống hồ cái thằng đen nhẻm nham nhở này.  

A vừa rồi nếu không vướng nó trên tay, chị sẽ mua vé vào rạp hát ung dung như bao người áo quần sang trọng kia, có đâu bị hắt hủi xua đuổi, chị sẽ hái nhận không ít những cái nhìn đầy thiện cảm của bao chàng trai trẻ gặp ngang đường, chị sẽ bước những bước đi đàng hoàng thanh thản chứ đâu có phải cúi gằm mặt xuống đất không dám nhìn dọc nhìn ngang?

Phải “vứt” nó đi nếu chị muốn được trở về hòa nhập với cuộc sống hiền hòa của đồng ruộng quê hương, nếu chị muốn được sự cảm thông chia sẻ những buồn vui suy nghĩ với bao người cùng giống cùng nòi khác. Cả mấy bà chị trong họ buổi chiều chị đến thăm cũng nhất mực khuyên chị như thế: “Em còn trẻ, em còn đủ thời gian làm lại cuộc đời nhưng phải can đảm, phải cương quyết, trả nó cho bố nó nuôi, quí hóa gì cái giống lai căng ấy...”.

Ngẫu nhiên hay sắp đặt chỗ chị đang ngồi đây cũng lại là một vườn hoa cách biệt hẳn thành phố. Trời thương hay sao mà không một bóng người, một khách bộ hành qua lại để chị dễ dàng  thực hiện ý định quyết liệt của mình. Này nhé, dễ lắm. Chị chỉ cần đặt nó đây, quay về nhà bà chị họ. Sáng mai thật sớm chị sẽ đáp tàu thủy đến một tỉnh xa lạ sinh sống. Ở đây không ai biết quá khứ của chị, rồi với cặp môi chưa nhạt quết trầu, với cái tuổi còn xuân sắc, với tập quán siêng  năng của một cô gái gốc gác nhà nông làm gì mà chị không kiếm được một tấm chồng xứng đáng hơn, xây dựng lại hạnh phúc cho cuộc đời mình. Chị cũng sẽ có những đứa con, những đứa con sáng sủa xinh xắn mang mầu da của quê hương xứ sở. Lòng chị rợn lên trong những phác họa tương lai tươi đẹp. Không do dự, chị tháo  chiếc khăn đội đầu quấn vào cu Đen và đặt nó xuống mặt ghế đá. Thằng bé đang thiu thiu trong vòng tay mẹ, bỗng bị trống lạnh khóc thét lên. Nhưng chị Thắm đã lẩn nhanh trong bóng tối.

Tiếng khóc cu Đen đuổi theo chị, chị bịt chặt hai tai chạy như ma đuổi. Có lẽ đời chị chưa lần nào chị chạy với tốc độ phi thường như vậy, ngay cả lần được tin quân giặc tấn công vào làng.

Đêm tối. Tiếng khóc cu Đen. Tiếng chân người chạy. Chị đã ra khỏi vườn hoa mà hai tay vẫn bịt chặt hai bên mang tai. Một chiếc xe tay hàng đi qua. Chị vẫy tay. Chiếc xe đỗ lại. Chị đưa một chân bước lên xe.

Bỗng chị sững sờ.

Tiếng khóc cu Đen vẫn nghe rõ quá. Nó theo đuổi chị dù đã ra khỏi vườn hoa. Đêm tối yên tịnh nên tiếng khóc của nó nghe càng như xé, như trách, như hờn từng chặp nhưng mỗi lúc một to, một rũ rượi thê thiết.

Chị Thắm rút chân trên bục xe xuống. Ờ ờ dầu sao nó cũng là một giọt máu của chị tuy chỉ là một giọt máu oan khiên. Dù nó xấu xí tóc xoăn mắt trắng nhưng vẫn là một mảnh hình hài mỏng manh yếu đuối và vô tội cần có sự che chở bảo vệ. Chị Thắm vứt trả tiền bác phu xe rồi tự nhiên quay ngoắt người lại. Chị lại chạy như bay như gió vào trong vườn hoa nơi có tiếng khóc. Khác cái lần này chị không phải bịt hai tai như một kẻ tội phạm trốn tránh. Tiếng khóc đã bắt đầu ngắt quãng có thể “thằng bé” đã khản giọng mệt rồi. Chị Thắm đã chạy đến bên ghế đá. Cu Đen đang gào, chân quẫy mạnh, tay chới với. Chiếc khăn quấn ngang người rơi xuống đất, hai bên mép đùi nó hở hang sờ vào lạnh ngắt. Chị Thắm giàn giụa nước mắt ôm vội con vào lòng. Chị rối rít cởi vội chiếc áo len đang mặc, nhặt chiếc khăn rơi dưới đất quấn chặt tất cả vào người con như muốn nhanh chóng lấy lại hơi ấm cho nó. Cu Đen nín dần. Chị vỗ vỗ nựng nịu nó:

- Ơ ời... mẹ xin lỗi con... con yên tâm con ngủ cho say... Mẹ quay về với con đây... mẹ không bỏ con đâu...

Trong đêm tối, lời chị Thắm thủ thỉ bên tai con như bất chấp mọi sự nghiệt ngã của dư luận, của số phận.            

Quán Vĩnh Xương Nam Định – 1951

Băng Hồ

(1) Mac Arthur = Tư lệnh quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau thế chiến thứ hai.

 

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu