A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Muốn góp phần phát triển công nghệ và y học nước nhà

Sinh ra ở Quảng Nam và rời quê hương đi du học ở Pháp, sau đó sang Mỹ, ông Lê Văn Hóa hiện là GS Vật lý và Y khoa ngành X-quang, Trường ĐH Khoa học và Y khoa Rosalind Franklin (Mỹ). Nhưng kể từ năm 1977, năm nào ông cũng về nước để tham gia các dự án và chương trình hợp tác khoa học.

Ông cho biết, lần đầu  trở về thăm quê vào  năm 1977.  Năm 1979, ông vinh dự được đón cố Giáo sư Tôn Thất Tùng thăm Mỹ.

Trong những năm qua, ông đã cộng tác với các đồng nghiệp trong nước để trao đổi về khoa học, kỹ thuật, giáo dục cũng như một số vấn đề hoạt động trợ giúp đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn, xúc tiến trao đổi hợp tác hàng trăm chuyên gia giữa hai nước và tham gia nhiều dự án ở Ðà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, làm việc với các đồng nghiệp trong nước ở Petro Việt Nam, Bệnh viện chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu... Hằng năm,  ông tham gia tổ chức hội thảo về ung thư ở Hà Nội.

Ông cho biết, đã ký với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam một dự án  đưa chất dinh dưỡng hỗ trợ 25 nghìn trẻ em Việt Nam và 300 người bệnh nhiễm HIV/AIDS. Dự án này sẽ được tiến hành trong nhiều năm.

Là nhà vật lý học và y khoa, ông Lê Văn Hóa hy vọng có nhiều cơ hội tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong nước về công nghệ nano, hiện được thế giới quan tâm, lĩnh vực đào tạo bác sĩ ngành điều trị phóng xạ... với mong muốn góp phần nhỏ bé phát triển công nghệ và y học nước nhà.

Ðiều làm ông luôn trăn trở là làm thế nào để nâng cao mức sống và chăm sóc sức khỏe cho bà con, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa. Ông mong muốn Nhà nước có các biện pháp khuyến khích nhiều hơn nữa số bác sĩ về quê hương, tới những vùng xa xôi để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ðất nước ta còn có nguồn vốn về con người rất lớn ở khắp năm châu bốn bể, Chính phủ làm tốt hơn chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" sẽ thu hút mạnh đội ngũ  trí thức, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước. Cộng đồng Việt kiều vừa là nguồn nội lực, vừa là chiếc cầu đưa những thế hệ Việt kiều sau này về nguồn cội.

Ông cũng luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội trong nước. Ông nói: Những người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước cần đoàn kết ngày càng chặt chẽ hơn nữa cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh. Xa quê lâu, nhưng lòng tôi đau đáu hướng về Tổ quốc. Ba cuốn sách của tôi viết về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc ta, tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cách mạng Tháng Tám, vừa được xuất bản tại Hà Nội. Với những cuốn sách này, tôi muốn giúp  thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra ở nước ngoài hiểu thêm và tự hào về Tổ quốc mình.

Nhiều lần về  thăm quê hương, đến nhiều nơi, tôi nhận thấy đất nước thay đổi rất nhiều. Những năm gần đây, Hà Nội phát triển nhanh  với một diện mạo hoàn toàn mới. Tuy nhiên, mỗi người Việt Nam còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe cho bà con nông thôn ở các vùng xa xôi, mới có thể nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cả vật chất lẫn tinh thần.

Hà Lâm (Nhân dân)


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu