A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong: Đưa sinh viên Việt kiều Mỹ tìm về cội nguồn

Sinh ra ở miền Tây Nam bộ, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong nổi tiếng với các công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam (VN). Năm 2004, ông được trao tặng giải thưởng “Vinh danh nước việt” (Ủy ban MTTQTƯ VN phối hợp cùng chuyên san Người Viễn Xứ) cho những đóng góp của ông đối với nền âm nhạc nước nhà.
 



 GS-TS Nguyễn Thuyết Phong giới thiệu nhạc cụ Brô - dân tộc Bana

Tháng 7/2005, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong trở về VN trong cương vị mới: Giám đốc thường trú của Hội đồng trao đổi giáo dục quốc tế CIEE (Council on International Educational Exchange).

PV: Xin chúc mừng GS-TS vừa nhận chức vụ mới và có chuyến công tác lâu dài tại VN. Ông có thể cho biết rõ hơn về CIEE và công việc mà ông đang phụ trách?

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong: CIEE là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận lớn nhất và đầu tiên, được thành lập ở Mỹ từ năm 1947, tức ngay sau chiến tranh thế giới thứ II. CIEE mỗi năm đưa hơn 40 ngàn sinh viên Mỹ đi học ở khắp các châu lục trên thế giới, hợp tác với các đại học Mỹ để được cấp tín chỉ giống như các sinh viên này đang học tại Hoa Kỳ. Đây là một phương thức học tập tiên tiến, mở rộng khả năng “học tận nơi, biết tận gốc”. Tại VN, tôi kế nhiệm ông Brian Ostrowski trong vòng 6 tháng. Các sinh viên Mỹ đến VN sẽ học các môn như: Tiếng Việt, Lịch sử, Bang giao quốc tế, Hệ thống chính trị, Kinh tế, Các dân tộc thiểu số, Tôn giáo và tín ngưỡng, Xã hội VN đương đại… Tiếng Việt được xem là môn cần thiết nhất, học nhiều nhất.

PV: Các sinh viên theo học chương trình này dựa vào tiêu chí nào?

GS-TS N.T.P: Có thể xem đây là chương trình sinh viên Mỹ đi du học tại VN. Đó là những sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở Mỹ và đa số theo học ngành Nhân học, Xã hội học. Các em sẽ học tại VN trong 6 tháng trong đó 4 tháng học lý thuyết và hai tháng đi thực tế, học 3 tuần lễ thì sẽ đi thực tế 1 tuần. Việc đi thực tế rất quan trọng vì các em sẽ hiểu biết nhiều hơn về văn hoá, cuộc sống, phong tục tập quán của người Việt. Sau đó các em sẽ thi tín chỉ theo chương trình đại học ở Mỹ.

PV: Các bạn sinh viên quan tâm đến điều gì nhất ở VN ?

GS-TS N.T.P: Trong số 28 sinh viên đến VN du học lần này có khoảng 20 em là người Mỹ gốc Việt nên tỏ ra rất thích thú, muốn tìm hiểu, khám phá quê hương đất nước. Trong những lần đi thực tế như gặt lúa ở huyện Đông Anh – Hà Nội, về miền Trung thăm các làng nghề, đến miền Tây khám phá cuộc sống vùng sông nước, tham gia nấu ăn, tiệc tùng với người dân địa phương hoặc các buổi xem hò, chèo, múa rối nước, các em đều tỏ ra rất thích thú, quan tâm. Tương lai CIEE sẽ kết hợp với đại học Khoa học - Xã hội và  Nhân văn TP.HCM để mở các khoá học tương tự nhằm giúp các em có điều kiện tìm hiểu, khám phá văn hoá Nam bộ, sau đó sẽ mở rộng chương trình đến các nước vùng Đông Nam Á. Khi học môn Lịch sử đương đại, các em cũng rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như: môi sinh môi trường, giao thông, tham nhũng, hối lộ…

PV: Ông có nhận xét gì về số sinh viên này sau những tháng học ở VN?

GS-TS N.T.P: Các em rất phấn khởi khi được học ở VN, có em đã phát biểu rằng: Đất nước và con người VN rất tuyệt vời, không có thù hận cho dù cha, anh của họ trước đây có thể là lính Mỹ, lính chế độ cũ. VN đang trên đường hội nhập và họ rất ngạc nhiên trước những gì “mắt thấy tai nghe”, không như những gì đã nghe ở Mỹ.

PV: Tuy nhiên các bạn SV gặp không ít khó khăn để hoà nhập với cuộc sống trong nước?

GS-TS N.T.P: Đối với các em, vấn đề thích nghi là quan trọng nhất nhưng tôi rất mừng là tất cả đều thích nghi nhanh. Dĩ nhiên về tác phong, phong cách sống và sự khác biệt về nền văn hoá cũng là trở ngại nhưng không lớn và làm các bạn tò mò muốn khám phá hơn. Đa số các em cho rằng lựa chọn du học ở VN vì đây là một đất nước bình yên, có nền văn hoá phong phú, ẩm thực đa dạng, người VN thân thiện, cởi mở nên dễ hoà nhập hơn một số quốc gia khác…

PV: Theo ông, đâu là sự khác nhau giữa nền giáo dục đại học ở Mỹ và VN?

GS-TS N.T.P: Theo tôi lý thuyết và thực tiễn trong giáo dục nói chung đều rất quan trọng nhưng giáo dục ở Mỹ coi trọng phần thực tiễn. Sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên ở Mỹ theo tỷ lệ 1/3. Có nghĩa là thầy giảng 30%, trò phải nghiên cứu, đặt câu hỏi chất vấn 70%. Sinh viên phải chủ động làm việc với thầy, chất vấn thầy. Ngoài ra, sinh viên được đi thực tế rất nhiều để bổ sung kiến thức. Chương trình CIEE đưa sinh viên đến VN là nằm trong khâu bổ sung kiến thức thực tế ấy. Phương pháp dạy học ở VN và Mỹ khác nhau là vậy. Giáo viên ở VN mất nhiều thời gian để soạn giáo án và soạn rất công phu trong khi ở Mỹ bắt sinh viên làm việc, nghiên cứu thật nhiều để chất vấn giáo viên…

PV: Sự chuyển hướng từ âm nhạc sang lĩnh vực giáo dục của ông là sự ngẫu nhiên hay là sự lựa chọn?

GS-TS N.T.P: Nhiều người chỉ biết tôi qua âm nhạc. Thực ra tôi ở trong ngành giáo dục từ lâu, trong đó gồm có việc giảng dạy nhiều môn, viết sách giáo khoa, và điều hành các cơ sở nghiên cứu và giáo dục. Tôi cũng là thành viên trong Ban giám khảo của Ủy ban nghệ thuật quốc gia (thuộc Quốc hội Hoa Kỳ) thẩm định nhiều dự án văn hóa, trong ấy có giáo dục nghệ thuật. Vì thế, giáo dục và âm nhạc ở Mỹ không có sự phân biệt như trong nước.

PV: Về nước làm việc, ông có cảm thấy thoải mái?

GS-TS N.T.P: Tại sao lại không khi tôi mang dòng máu Việt? VN luôn có sức hút đặc biệt đối với tôi. Đã quá nửa đời người sống và làm việc ở nước ngoài, mỗi lần có dịp về VN, tôi cảm thấy như cá gặp nước, tôi khao khát được sống trong nước và đây là cơ hội nên khi được đề nghị, tôi đồng ý ngay mà không do dự, suy tính. Ngoài ra, còn có ba lý do khác nữa, đó là nghiệp vụ; được thăm lại gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và cảnh đẹp VN không đâu sánh bằng… Riêng về nghiệp vụ, nó bao gồm phần lớn việc sưu tầm, nghiên cứu, vả giảng dạy. Tôi mong mỏi cơ quan đại diện của CIEE tại VN cũng có đóng góp nho nhỏ vào sự nghiệp phát huy giáo dục và văn hoá của dân tộc mình đối với nước ngoài. Các sinh viên Mỹ sẽ mang về nước họ một niềm kiêu hãnh vì đã học được những gì qúi báu mà họ không tìm thấy ở nước Mỹ.

PV: Trở về VN làm việc chắc chắn môi trường công tác sẽ gặp nhiều khó khăn, ông có lường hết và đến nay, ông gặp những thuận lợi và khó khăn nào? Ông giải thích điều đó với học trò như thế nào?

GS-TS N.T.P: Khó khăn không phải ngẫu nhiên, mà là đương nhiên của một quốc gia phải gánh vác hậu quả của một cuộc chiến tranh khốc liệt. Tôi luôn cảm ơn các cơ quan nhà nước đã tạo điều kiện tốt nhất cho tôi và các học trò. Việc làm của riêng tôi rất đa dạng, có khi là giảng dạy, nghiên cứu, tham dự hội thảo, biểu diễn, điều hành v.v... Nếu phải xin visa nhập cảnh vào VN thì, theo đúng thủ tục, cần phải xin 5 - 10 loại khác nhau! Đồng thời, tôi luôn nhắc các em sinh viên Mỹ đang du học tại VN nên cảm thông, chia sẻ, hiểu rõ về mọi vấn đề từ thủ tục Nhà nước cho đến phong tục tập quán địa phương, cách làm việc và chi tiêu v.v... vì lẽ một khi đã chấp nhận đến đây để học tập, thì học tập “văn hóa vì con người” là cơ sở trước tiên.

PV: Điều gì làm ông cảm thấy vui nhất và điều gì làm ông trăn trở nhất trong chuyến về nước làm việc khá dài này?

GS-TS N.T.P: Với tâm trạng của “người viễn xứ”, tôi vui nhất mỗi lần về quê hương là được gặp lại người thân, được truyền hơi ấm cho nhau, chia sẻ những cảm giác còn được sống (khi lẽ ra có thể chết) qua một thời kỳ chiến tranh dai dẵng cũng như những khó khăn kinh tế để đi đến công cuộc đổi mới đất nước như hiện nay. Trăn trở lớn nhất của tôi là làm thế nào ta có thể hội nhập được trọn vẹn với nhịp sống như các quốc gia tiên tiến. Tôi đang suy nghĩ, cần thiết phải đầu tư rất nhiều về “trí tuệ và lòng từ bi”, nói theo nhà Phật, mới kết hợp được nhiều thành phần xã hội cho công cuộc này.

PV: Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện này.

Minh Diệu – Anh Hồ (Người viễn xứ)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu