A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người phụ nữ Việt đi khắp châu Phi

Một buổi tối ở Johannesburg, vừa về đến phòng khách sạn Hilton Sandton, tôi nhận được điện thoại của lễ tân: "Có hai người VN muốn gặp anh, họ đang chờ dưới đại sảnh". Giữa châu Phi xa xôi, nghe hai tiếng VN thấy sao mà ấm lòng...



 Chị Lữ Bảo Kim - người giới thiệu thương hiệu VN
đi khắp châu Phi

Đó là vợ chồng chị Lữ Bảo Kim. Vừa gặp nhau chưa kịp chào hỏi người quen cũ, chị đã thông báo: "Tôi đang chuẩn bị đi Angola đây, bên đó đang cần gấp mẫu hàng VN".

Anh Trí, chồng chị Kim, cười buồn: "Vừa về VN cả tháng mới quay sang, lại chuẩn bị đi nữa rồi".
Tôi biết chị Kim từ trước khi sang Nam Phi qua lời giới thiệu của anh Trần Quốc Tín - tham tán Đại sứ quán VN tại Nam Phi.

Tôi thật không hiểu một người sống ở nước ngoài gần 30 năm, nói tiếng Việt câu nhớ câu quên như chị Kim mà làm ăn trong nước lại rành mạch như bà nội trợ, như chị bán hàng chạp phô ngoài chợ vậy.

Chị Kim kể: "Tôi vừa về miền Tây tìm nguồn hàng, xứ mình hàng hóa nông sản dồi dào thấy mà ham. Người ta bán cơm cháy, mắm ruốc, khô cá… giá rẻ như cho. Tôi hỏi sao không nghĩ đến chuyện xuất khẩu, ai cũng trợn mắt: Đồ này xuất ai mà ăn hả bà? Tôi nói mà họ không tin, mấy thứ này xem vậy mà rất được ưa chuộng ở châu Phi đấy. Châu Phi là một thị trường bao la, rất dễ tính và phù hợp với hàng hóa nông sản VN".

Thật bất ngờ khi tôi biết chị Kim trước đây đã từng là cô giáo. Năm 1977, chị Kim theo gia đình sang Úc định cư và học nghề sư phạm, ngành tâm lý học. Sau khi ra trường, chị sang châu Phi làm việc cho các tổ chức thiện nguyện quốc tế trong nhiều năm với các chương trình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, giáo dục trẻ em, viện trợ nhân đạo.

Chị đi khắp châu Phi, từ Lesotho, Rwanda, Tanzania, Congo đến Gabon, Angola, Sierra Leone..., sống với những bộ lạc da đen nằm sâu trong hoang mạc. Đến khi về Úc, chị quyết định chuyển hướng theo nghề kinh doanh vì vốn sống trong những năm tháng tại lục địa đen mách bảo cho chị biết đây là một thị trường rất lớn nhưng ít ai quan tâm.

Từ năm 2004, chị Kim đầu tư vào thương hiệu Trangs Group Africa. Để đứa con gái duy nhất ở lại Úc ăn học, chị cùng chồng sang định cư tại Johannesburg để tạo bàn đạp đưa hàng VN vào sâu trong lục địa đen - một thị trường bao la với 800 triệu dân.

Chị đã đi gần 30 quốc gia châu Phi, nơi nào chị cũng tổ chức người đại diện để giới thiệu hàng hóa VN. Theo chị, hàng nông sản VN rất được ưa chuộng ở khắp châu Phi.

Ngay như món "ăn chơi" cơm cháy chà bông mà trẻ con quê nhà hay ăn lại là món rất khoái khẩu của các bộ lạc thổ dân ở châu Phi; đồ hộp, mì gói, tinh bột sắn hay mắm cá, khô cá... là thực phẩm thiết yếu trong đời sống của nhiều nước trong lục địa đen.

Hôm vào siêu thị Wing Hin trên đường Maroelana ở thủ đô Pretoria mua hàng, tôi mừng hụt khi thấy nhiều hàng hóa ghi chữ Việt ở mặt trước bao bì "dứa Long An", "mì gói hai con cua"..., vậy mà phía sau nơi xuất xứ lại là... Thái Lan! Người bán hàng cho biết người dân nơi đây rất thích những loại thực phẩm này, nhưng họ vẫn cho rằng nó đã được nhập từ Thái Lan.

Gõ cửa châu Phi

Anh Trần Quốc Tín nói rằng chị Kim là một doanh nhân người Việt điển hình thành công trên thương trường không chỉ ở Nam Phi mà còn ở châu Phi.

Từ năm 2000, khi mở cửa Đại sứ quán VN tại Nam Phi, tòa đại sứ đã đóng vai trò "cầu nối" quan trọng giữa các doanh nghiệp VN không những với Nam Phi mà còn nhiều quốc gia khác trong vùng.

Đã có nhiều cuộc hội thảo chuyên đề về thương mại, kinh tế, du lịch VN do đại sứ quán tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đại diện bảy nước miền Nam châu Phi như Angola, Tanzania, Mozambique, Congo, Namibia..., đồng thời hỗ trợ hơn 100 doanh nghiệp lớn nhỏ từ VN sang Nam Phi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ quốc tế. 

Tôi sang Nam Phi cùng với đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế VN như Saigontourist, Vietravel, T.S.T, Bến Thành Tourist, Festival... Ấn tượng về sự đa dạng của con người và thiên nhiên Nam Phi cùng với cách làm du lịch cực kỳ chuyên nghiệp đã làm nhiều nhà kinh doanh lữ hành VN bất ngờ đến thú vị.

Ông Lại Minh Duy, chủ tịch HĐQT Công ty du lịch T.S.T - một trong những đơn vị đầu tiên của VN tổ chức tour du lịch sang Nam Phi, cho biết: "Dù chi phí thiết kế tour đi Nam Phi khá cao, gần bằng chi phí một chuyến đi châu Âu, nhưng khách sẽ có được một chuyến đi "hai trong một", được hưởng thụ đời sống hiện đại không kém châu Âu, nhưng chỉ một bước chân thôi bạn đã có thể hòa mình vào thiên nhiên bởi hệ thống công viên, rừng quốc gia ở Nam Phi được xem là rộng lớn và tốt nhất thế giới.

Hằng tháng chúng tôi đều có tour đưa khách VN sang Nam Phi và chưa thấy ai thất vọng với chuyến đi". Tôi tin lời ông Duy nói. Bởi những ngày ở Nam Phi, tôi được sống và đắm mình cùng với thiên nhiên, với muông thú, với sự đa dạng nhiều màu sắc của vùng đất này, chứ không đơn thuần là một chuyến "cưỡi máy bay đi xem thiên nhiên".

Trên chuyến bay đêm vượt Ấn Độ Dương trở về VN, tôi đã phác thảo nhiều kế hoạch trở lại lục địa đen. Trở lại để được đến thăm đảo Robben gắn liền với những năm tháng lao tù của nhà lãnh đạo Nelson Mandela, được sống với bộ tộc Bushmen - "những người sống trong bụi cây" mà cuộc sống của họ vẫn mang đậm nét thuở hồng hoang ở North Cape, để được tham dự lễ kén vợ kỳ lạ của quốc vương Swaziland - ông vua nhiều vợ nhất thế giới, được nằm dài dưới tán rừng già ở Đông Phi để cảm nhận về cội rễ xa xăm mà người ta tin rằng nơi đây chính là "nguyên quán" đầu tiên của loài người chúng ta...

Với tôi, châu Phi đã không còn xa trong tâm thức.

Binh Nguyên (Tuổi trẻ)

 Chị Kim cho biết cộng đồng người Việt ở Nam Phi khá khiêm tốn, chủ yếu là gia đình cán bộ làm việc ở đại sứ quán, du học sinh... sống tập trung ở thủ đô Pretoria. Vừa rồi có một người VN ở thủ đô Pretoria đến rủ chị mở một nhà hàng mang tên "Vietnam House" nhưng chị từ chối, bởi chị đang ấp ủ một ý tưởng lớn hơn:

 "Ở Nam Phi cộng đồng nào cũng có khu vực riêng của họ, những khu phố Tàu, phố Mã Lai, phố Hi Lạp, phố Ấn Độ... sao mình không mở một phố Việt?”. 

Chị Kim cho hay "Vietnam Town" của chị đang trong giai đoạn thăm dò chọn địa điểm mua đất ở Johannesburg, nếu không có gì trở ngại sẽ được khai trương vào năm 2007.

Điều chị Kim nói làm tôi ấm lòng, bởi cho đến nay hai tiếng "Việt Nam" vẫn còn xa lạ đối với nhiều người Nam Phi, thậm chí nhiều người lớn tuổi mà tôi gặp còn cho rằng "hình như VN còn đang đánh nhau với Mỹ thì phải"! Đi khắp nơi từ Johannesburg, Sandton cho đến Pretoria, Cape Town..., ở đâu tôi cũng dễ dàng tìm ra quán cơm Tàu, những khu "phố Tàu". Hi vọng một ngày không xa cũng sẽ có "phố Việt" khắp châu Phi.


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu