A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người hết lòng với công tác cộng đồng

Trong chuyến xe cùng đoàn kiều bào tiêu biểu đến thăm đền Hùng và vịnh Hạ Long nhân dịp đoàn về dự kỷ niệm 60 năm Quốc khánh và thăm đất nước, tôi có dịp được ngồi cạnh và trò chuyện với một đại biểu ở Campuchia. Đó là bà Nguyễn Thị Nguyệt, 60 tuổi, nguyên ủy viên ban chấp hành Hội Việt kiều đô thành Phnômpênh, một hội viên trong nhiều năm qua luôn có những đóng góp tích cực cho hội.

Đây là lần thứ 2 bà được Nhà nước mời về, lần đầu tiên vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau 15 năm về nước vào đúng ngày lễ trọng đại của dân tộc, bà thấy đất nước phát triển nhanh quá, nhiều nơi không còn nhận ra được nữa. Bà nói nếu không có dịp này thì bà chỉ biết vịnh Hạ Long, đền Đô qua tranh ảnh, ti vi. “Mình là người Việt 60 tuổi rồi mà còn nhiều nơi đến bây giờ mới biết”. Được vào lăng viếng Bác, bà thấy xúc động nhất. Nói đến đây, giọng bà nghẹn ngào: “Bác là người lo cho dân cho nước, công lao của Bác to lớn quá. Khi đất nước thống nhất, người dân được hưởng ấm no, hạnh phúc thì Bác đã không còn. Tự nhiên tôi thấy nhớ cảnh ngày Bác mất, tôi lại khóc nhiều hơn”.

Sinh ra ở Campuchia trong một gia đình nông dân nhưng quê gốc của bà ở Hưng Yên. Tình yêu quê hương đất nước đã sẵn có trong bà từ nhỏ, được truyền từ thế hệ ông bà, bố mẹ, các anh, các chị. Năm 15, 16 tuổi, bà đã tham gia phong trào ở địa phương, che giấu cán bộ cách mạng, đóng góp tiền của, vận động con em tham gia giải phóng miền Nam. Từ 1970 – 1974, gia đình bà trực tiếp giúp bộ đội ta ở Kampong Cham, sau đó bà về Việt Nam sống được 9 năm rồi trở lại Campuchia vào 1983. Ý thức được trách nhiệm của một người ở xa Tổ quốc cần sống trong một tổ chức đoàn thể, từ đó bà tham gia Hội Việt kiều Phnômpênh.

Để bà con Việt kiều hiểu biết thêm về tình hình trong nước, tăng cường sự đoàn kết giữa các hội viên, cửa hàng sách báo của bà ra đời ngay sau khi Hội Việt kiều Phnômpênh thành lập. Cửa hàng nhỏ này nằm trong trụ sở hội, bán văn hóa phẩm, sách báo tiếng Việt, băng đĩa nhạc Việt Nam và cả sách giáo khoa cho con em Việt kiều. Hàng năm bà vẫn về Việt Nam cùng với cậu con trai 2 đến 3 lần để chọn những cuốn sách hay và phù hợp.

Bà có 6 người con, tất cả đều đã trưởng thành, ai cũng đọc thông viết thạo tiếng Việt. Bà luôn giáo dục con cháu không quên tổ tiên gốc tích. Trong những tấm ảnh bà mang theo, tôi được xem nhiều bức ảnh về gia đình, con cháu của bà và rất nhiều bức ảnh ghi lại thời gian hoạt động, công tác trong hội. Rồi bà cho tôi xem một tấm ảnh có hình người con trai bà bên tấm bia ghi gia phả của dòng họ mà bà mới tìm lại được. Bà nói: “Thật là may mắn. Năm ngoái tôi về cùng cậu con trai và tìm lại được người cô mà chỉ sau đó ít lâu bà cô này mất, nhờ bà cô đó mà gia đình tôi tìm lại được dòng họ nhà mình”.

Với mong muốn tạo dựng cơ sở hội vững mạnh, bà luôn đem hết khả năng công sức của mình để đóng góp cho hội, vận động con cháu trong gia đình, bà con Việt kiều tham gia xây dựng hội mà không hề đòi hỏi thù lao, phụ cấp.

Từ những ngày đầu khi mới tham gia hội, trước tình trạng con em Việt kiều không có trường lớp để học, không biết tiếng Việt, có những em 12, 13 tuổi rồi không biết chữ a, bà rất đau lòng. Lúc đó, đang là ủy viên ban chấp hành hội, bà đề xuất ý kiến nên mở trường học cho các em. Nhớ lại những ngày đầu với biết bao khó khăn, vất vả, trong hội không ai có chuyên môn sư phạm, cơ sở vật chất không có, gia đình con em Việt kiều phần lớn còn nghèo, sợ người Khơme ghét nhưng bà vẫn quyết tâm và phải mất 1 năm sau ban chấp hành hội mới đồng ý. Rồi bà vừa mở trường vừa học, cất công tìm kiếm giáo viên trong cộng đồng người Việt, vận động con em đi học.  

Phòng học được mượn từ hội trường của hội và tạm thời hoãn họp, lấy ván mỏng che ngăn thành 4 lớp, bàn ghế được các chi hội cơ sở góp lại. Buổi khai giảng đầu tiên có 81 em từ lớp 1 đến lớp 4. Phòng học đơn sơ, “dã chiến” như vậy nhưng tinh thần bà con ai nấy đều vui và phấn khởi. Những buổi ban đầu hội cũng không có tiền để trả lương cho giáo viên, bà vận động giáo viên cùng dạy, cùng tổ chức, ráng dạy cho tốt thì học sinh sẽ đông. Và dần dần số học sinh tăng theo từng năm học. Học phí được thu ở mức vừa phải, phù hợp với đời sống Việt kiều. Số tiền thu được sẽ dành cho giáo viên 60%, hội 40%. Bà cũng cho biết, các giáo viên đều đã học qua các trường đại học sư phạm ở Việt Nam; vở, sách giáo khoa tiếng Việt đều được nhập từ Việt Nam.

Được thành lập năm 1993, đến nay trường tiểu học Tân Tiến, ngôi trường với cái tên mang nhiều ý nghĩa như một sự khởi đầu mới mẻ và hy vọng về một sự phát triển đã được hơn 10 tuổi. Trường gồm 16 lớp: 2 lớp Mẫu giáo, 4 lớp Một, 3 lớp Hai, 3 lớp Ba, 2 lớp Bốn, 2 lớp Năm. Ngôi trường khá khang trang nằm ngay sau trụ sở hội này hàng năm tiếp nhận khoảng 100 em.

Điều đặc biệt, đây là ngôi trường tiếng Việt duy nhất ở Campuchia dạy theo chương trình tiểu học ở Việt Nam và dành thêm 3 giờ/tuần cho bộ môn chữ Khơme. Trăn trở lớn nhất của nhà trường là khoảng nửa số học sinh nghỉ học sau khi hết lớp 5. Cái nghèo cộng với ý thức học chưa cao, tương lai các em sẽ lại cùng gia đình đi buôn bán ở các chợ, làm những ngành nghề thủ công.

Chuyến trở về lần này, ngoài niềm vui được đi thăm nhiều nơi ở cả 3 miền đất nước, bà cũng mang theo một mong mỏi là làm sao có thể mở được trường cấp 2 cho các em vì hiện nay nhiều em đã học hết lớp 5 muốn học tiếp theo chương trình của Việt Nam thì phải về Việt Nam học. Mà như vậy thì chỉ những em gia đình khá giả mới có khả năng theo học. Những em không được học tiếp sẽ phải vào trường của Campuchia học tiếng Khơme và như vậy trình độ tiếng Việt của các em mãi mãi dừng lại ở ngưỡng lớp 5 và sẽ dần quên đi tiếng Việt. Còn đội ngũ giáo viên sau mười mấy năm, kiến thức đã có nhiều lạc hậu, trong khi ở Việt Nam, chương trình đã có nhiều thay đổi và cải cách. Bà mong sao Nhà nước sẽ quan tâm để số giáo viên đó được về việt Nam học tập, bổ sung kiến thức, bồi dưỡng năng lực và nghiệp vụ sư phạm hoặc giáo viên ở trong nước sang hướng dẫn, giúp đỡ họ.   

Có lẽ mong mỏi của bà cũng là mong mỏi của tất cả những người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài để thế hệ trẻ không quên đất nước, không quên cội nguồn và tiếng nói của dân tộc mình. 

Thu Lê

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu