A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Barbara Trần: Việt Nam ở trung tâm tiềm thức tôi

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, Barbara Trần nói: "Trong khi các nhà văn không được gọi là thiểu số cứ tự hào về óc tưởng tượng của mình, những nhà văn được gọi là thiểu số thường xuyên bị chất vấn về tính xác thực trong tác phẩm của họ, như thể các nhà văn Mỹ gốc Việt có nhiệm vụ phải mô tả toàn bộ đất nước của mình (ý nói nước Việt) một cách chính xác trong mỗi tác phẩm.

Đó là một gánh nặng lố bịch đè lên vai các nhà văn chúng tôi, điều đó cũng là bất công đối với một nền văn hóa. Có thể mô tả bất cứ một đất nước nào trong một tác phẩm đơn lẻ được chăng? Thế thì phải đọc một cách khủng khiếp lắm vì có quá nhiều thứ để học. Đâu là điểm giới hạn cho nhà văn với một phạm vi nhỏ hẹp? Chúng tôi học hỏi bằng cách lắng nghe những ý kiến khác nhau. Cho dù vào phút chót có nhất trí được hay không thì chúng tôi cũng sáng tỏ cả rồi."

Sinh năm 1968 tại New York, Barbara Trần nhận văn bằng Cao học Nghệ thuật (MFA) tại đại học Columbia. Cùng với Monique Trương, D. Trương và Lưu Trường Khôi, cô là đồng chủ biên của tuyển tập "Ngấn Nước: Thơ văn của người Mỹ gốc Việt" (Watermark: Vietnamese American Poetry and Prose, Hội thảo các nhà văn Mỹ gốc châu Á năm 1988). Tập thơ đầu tay của Barbara Trần: "Theo chính lời chim Mynah" (In the Mynah Bird's Own Words, Tupelo Press, 2002), vào đến chung khảo giải PEN Open Book Award và đoạt giải Tupelo Press's Chapbook Competition. Barbara còn được trao tặng giải "Xe Đẩy" (Pushcart Prize), giải thưởng uy tín dành cho các tác giả mới nổi tại Mỹ.

Ngoài ra, công chúng cũng là phần thưởng quan trọng nhất với Barbara Trần, vì cô nhận được khá nhiều ủng hộ và phần lớn các tác phẩm của cô được thực hiện trong thời gian trú ngụ tại những khu nhà nghệ sĩ. Cô luôn nhận được các tài trợ lưu trú dài hạn của các tổ chức như Lannan, Khu MacDowell, Khu Millay.

Hiện nay, để kiếm sống, cô làm việc tự do: thiết kế các trang Web, một ít đồ hoạ và chương trình dữ liệu. Đồng thời, cô hoạt động nhiều hơn trong công việc tương tác trên Web cho trường đại học báo chí Michigan, thiết kế những cuộc thi đố phối hợp trên mạng cho sinh viên học tiếng Anh, soạn những bài tập bổ sung cho các cuốn sách. Có thể vào địa chỉ sau đây để xem cho biết những công việc mà Barbara Trần đã hoàn tất: http://www.press.umich.edu/esl/compsite/irp3/quizzes/

Khi được hỏi về công việc sáng tác và tác phẩm, Barbara Trần trả lời: " Khi làm thơ, tôi viết rất kêu, tức là tôi nói ra những từ khi viết hay đánh máy. Tôi lặp lại hết dòng này đến dòng khác, cố gắng cảm nhận những điểm yếu đang ở chỗ nào và chỗ nào là sự chọn lựa ngôn từ - dựa vào âm điệu hay ngữ nghĩa - là không thích hợp. Nếu bạn đọc một tác phẩm mà trước đó bạn chưa từng xem qua, thậm chí chưa từng nghe nói đến, bạn sẽ phải tự mình dừng lại một lúc; đó có thể là dấu hiệu cho thấy hoặc câu chữ đã được cấu trúc một cách lạ lẫm đến mức bạn không thể hiểu bạn đang đọc cái gì, hoặc giai điệu ầm ĩ huyên náo làm bạn mất tập trung, tai bạn muốn tiếp tục nghe theo một chiều trong khi từ ngữ lại tiếp tục đi theo hướng khác.

Tôi không định giờ giấc, nơi chốn hay công cụ. Tôi viết vào buổi sáng. Tôi viết ban đêm. Tôi viết trên bàn nơi phòng ăn khi dùng bữa sáng; tôi viết trên một cái bàn giấy nhỏ trông ra một cây độc cần (hemlock) rất lớn, ướt sũng nhựa thông. Tôi viết tay; tôi gõ bằng cái vi tính xách tay. Rất thường xuyên, bất chợt tôi viết khi đi trên các phương tiện giao thông (đó chính là nơi tôi viết cái này cái nọ). Có điều gì đó khi ở trên xe buýt hay máy bay mà tôi cảm thấy nó cho phép mình viết, một điều gì đó thuộc về trạng thái ở-giữa: sự trông chờ thích thú, kỷ niệm ngọt ngào hay hồi ức buồn đau.

Tôi nghĩ, một bài thơ là một mẩu giao tiếp. Bài thơ hay truyền đạt những thông điệp phức tạp. Nó cho phép ta đọc đi đọc lại và khám phá những kho báu mới mẻ. Nó không đem mọi thứ lại cùng một lúc, và nó dùng nhiều phương tiện khác nhau - như âm thanh, hình ảnh, hình tướng - để đạt mục đích và giữ cho ta niềm thích thú khi cố gắng khai phá kho báu của nó".

Được hỏi về Việt Nam, Barbara Trần cho biết: "Đó là nơi 6 anh chị em tôi lớn lên, nơi cha mẹ tôi đã trải qua tuổi thanh xuân của mình. Vì lý do ấy, Việt Nam là ngôi nhà của thời thơ ấu, và tôi có những ký ức mơ hồ, trìu mến về nơi ấy. Việt Nam luôn có cách riêng đi vào từng cảnh tượng trong tác phẩm của tôi. Tôi đang viết về một người đàn ông trên đường xe điện ngầm ở New York, thình lình anh ta lại chính là một đứa bé ở Việt Nam. Cho dù tôi chưa từng sống hoặc đến nơi ấy. Nhưng Việt Nam đóng một vai trò khá trung tâm trong tiềm thức tôi. Tôi cảm thấy hồi hộp khi có dịp chia sẻ những thông tin xoay quanh vấn đề: làm một nhà văn tha hương có ý nghĩa gì. Tôi không ảo tưởng sẽ cung cấp 1 hình ảnh nhất quán hay biểu trưng của cái ý nghĩa làm một nhà văn Mỹ gốc Việt… Và ước mơ của tôi, vâng, đó là tôi đã nghĩ đến chuyến đi kế tiếp là sẽ đến Việt Nam. Khả năng ở lại trong một thời gian dài sẽ là yếu tố thúc đẩy chắc chắn. Nhưng tôi còn nản lòng bởi ý nghĩ là: có khi nào mình cũng giống như một du khách người Mỹ nào đó đi tìm câu trả lời còn khép kín?".

(Theo Người Viễn Xứ)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu