A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họa sĩ Khải Đoàn: "Vì tôi là người Việt Nam"

Đi lại như con thoi giữa Đức và Việt Nam, sinh trưởng tại Sài Gòn, Khải Đoàn dành 2 năm trời hoàn thành dự án nghệ thuật mang tên Joint Venture hiện đang triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội.

18 tranh, 9 tượng trên cùng chất liệu. Vì sao anh chọn sơn mài?

Tôi học chuyên ngành Mỹ thuật, hấp thụ nền giáo dục Đức. Khi trở về Việt Nam nghiên cứu và tìm hiểu tư liệu cho dự án nghệ thuật này, tôi đã bị cuốn hút bởi nghệ thuật sơn mài.

Tôi chọn sơn mài vì độc đáo, và bởi vì tôi là người Việt Nam. Trước khi đến với sơn mài, tôi đã thử tranh lụa... nhưng rốt cuộc, tôi nhận ra, không gì "độc" bằng sơn mài. Nhật Bản có nghệ thuật sơn, nhưng không mài để các lớp sơn ấy hòa trộn lẫn vào nhau.

Sau cuộc triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội, tôi sẽ chuyển toàn bộ tác phẩm sang Đức để giới thiệu nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam vào đầu năm 2006.

Liên doanh - không giống như tên gọi của một cuộc triển lãm mỹ thuật.


Họa sĩ Việt kiều Khải Đoàn bên
tác phẩm của mình

Joint Venture tạm dịch là Liên doanh. Tôi biết ở Việt Nam, từ này được hiểu là liên quan tới kinh tế, song nhìn chung thì đó là sự kết hợp, kể cả trong nghệ thuật.

Trong triển lãm, tôi cũng muốn đề cập tới sự kết hợp Đông - Tây, truyền thống, hiện đại... Những tác phẩm của tôi đã được một số họa sĩ TPHCM nhận xét: "Rất thân mật và lạ".

Không biết đó là lời khen, hay chê nữa... Nhưng với tôi, quan trọng nhất là được làm nghệ thuật, được triển lãm tác phẩm ngay trên quê hương.

Phải mất 2 năm để hoàn thành dự án này có phải là điều khó khăn nhất với anh?

Làm nghệ thuật thì không thể kể đến lâu hay chóng. Tôi cũng không ngại các khoản chi phí cho dự án lên tới gần 40.000 euro... Đáng lẽ ra, tôi thực hiện dự án tại Hà Nội, nhưng lại kẹt vì bà nội tôi, năm nay đã hơn 90 tuổi - nguyên mẫu một tác phẩm - hiện sống ở TPHCM.

Với lại, sách viết về nghệ thuật sơn mài nhiều khi không thống nhất, còn những người thợ thì mỗi người có cách làm riêng và rất giữ bí mật.

Nhưng bù lại, tôi có thời gian khám phá những thú vị trong đời sống ở Việt Nam, đặc biệt, tôi thích ăn cơm bụi, và la cà suốt buổi từ quán cà phê này đến quán cà phê khác...

Ngoài triển lãm tranh, anh còn có cuộc hội thảo về Thiết kế quảng cáo tại Hà Nội?

Ở Đức, tôi sống bằng nghề design và đã có một số sản phẩm như: Quảng cáo Ford, IBM... Trong cuộc hội thảo tại Hà Nội, khi gặp những người làm design chuyên nghiệp, tôi nói với họ rằng, quảng cáo cần sáng kiến và thể hiện.

Hiện nay, khi nhu cầu mua sắm ở Việt Nam rất lớn, quảng cáo chỉ mang tính thông báo, nhưng những người làm design chuyên nghiệp phải biết dự đoán rằng, thời gian tới điều đó sẽ khác và công chúng sẽ đòi hỏi khắt khe hơn.

(Theo Thể thao Văn hóa)


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu