A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ Quỳnh Kiều - một tấm lòng vàng cho trẻ em Việt Nam

Ngày 30/10/2005, phái đoàn Project Vietnam gồm 150 người do bác sỹ Quỳnh Kiều làm trưởng đoàn đã đến Việt Nam. Từ 30/10 đến 5/11, đoàn đã tổ chức những lớp tập huấn về sơ sinh cho bác sĩ từ 13 tỉnh miền Nam, lớp đào tạo cho Điều dưỡng và Nữ hộ sinh cùng trao đổi chuyên khoa tại những bệnh viện và trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 5/11 đến 13/11, đoàn ra Hà Nội và xuống Hải Dương khám chữa bệnh từ thiện theo lời đề nghị của UBND tỉnh Hải Dương.

Bác sỹ Quỳnh Kiều sinh năm 1950, quê ở Quảng Bình, sang Mỹ năm 1975. Chị hiện là Phó giáo sư chuyên khoa nhi tại trường Đại học Y dược California, Chủ tịch Ủy ban hoạch định chính sách của Viện hàn lâm AAP. Năm 2004, bác sỹ Quỳnh Kiều được vinh dự nhận  2 giải thưởng  quan trọng: Giải  phụ nữ xuất sắc nhất trong năm của Quốc hội tiểu bang California và Giải Pride of the profession (Vinh dự Y khoa) do chính các đồng nghiệp thuộc Hội y sỹ Hoa Kỳ bầu chọn. Được biết, chị là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên và cũng là người Mỹ đầu tiên sinh ở ngoài nước Mỹ được nhận giải thưởng vinh dự này.

Ngày 30/10, phái đoàn Project Vietnam gồm 150 người do chị làm trưởng đoàn đã đến Việt Nam. Từ 30/10-5/11, đoàn đã tổ chức những lớp tập huấn về sơ sinh cho bác sĩ từ 13 tỉnh miền Nam, lớp đào tạo cho Điều dưỡng và Nữ hộ sinh cùng trao đổi chuyên khoa tại những bệnh viện và trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 5/11 đến 13/11, đoàn ra Hà Nội và xuống Hải Dương khám chữa bệnh từ thiện theo lời đề nghị của UBND tỉnh Hải Dương. Theo chương trình, đoàn sẽ giải phẫu, phẫu thuật cho khoảng 100 ca những em bị dị tật hàm mặt cũng như bệnh về mắt. Ngoài ra, đoàn cũng khám bệnh cho khoảng hơn 2000 bệnh nhân tại vùng sâu, vùng xa và thành phố Hải Dương; tổ chức hội thảo, trao đổi chuyên môn và tặng ngành y tế Hải Dương nhiều trang thiết bị, thuốc chữa bệnh. Đoàn cũng sẽ dành sự quan tâm tới đồng bào nghèo do bão lũ gây ra tại các vùng vừa bị thiên tai ở Việt Nam.



 Các y bác sĩ của Medical Mission trong 1 ca phẫu thuật

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng chị trong đợt chị về làm việc lần này.

* Xin chị giới thiệu về Project Vietnam, cũng như về ý nghĩa và mục đích của dự án?

“Project VietNam” (Dự án Việt Nam) có từ năm 1996, là một trong những dự án của Hàn lâm viện Nhi khoa Hoa Kỳ tại Quận Orange miền Nam bang California. Trong các hoạt động của Project VietNam, chúng tôi thường xuyên có các hoạt động về y tế cộng đồng tại Việt Nam. Mục đích của chúng tôi là đem những chuyên gia về để làm việc và trao đổi với các bác sỹ, các điều dưỡng và nữ hộ sinh hay các nhân viên trong ngành y tế Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để phục vụ nhân dân và trẻ em Việt Nam.

Hàng năm chúng tôi đưa 2 phái đoàn sang Việt Nam thực hiện những chuyến đi thiện nguyện để chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho trẻ em và phụ nữ nghèo ở nông thôn và vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo về chuyên khoa nhi, sơ sinh, cấp cứu. Đó là những cái mà tôi thấy tất cả các nơi đều có nhu cầu.

Phái đoàn của chúng tôi gồm 2 thành phần khác nhau, 1 thành phần là chuyên môn đào tạo gồm các bác sĩ có chuyên khoa sâu. Những nhóm đó có nhiệm vụ trình bày những lớp tập huấn, đào tạo, chủ yếu về ngành nhi, về sơ sinh và cấp cứu, ngoài ra có những trao đổi chuyên môn. Còn 2/3 của phái đoàn tức khoảng 100 người gọi là Medical Mission có thành phần là phẫu thuật, phẫu thuật nụ cười cũng như là phẫu thuật về mắt, chủ yếu là cho trẻ em và khám bệnh tại các xã cũng như các trường tiểu học và trung học ở nông thôn. Phái đoàn đi vào tháng 11 là đông nhất, khoảng 150 người; còn phái đoàn mùa Xuân thường vào tháng 3 có khoảng 60, 70 người.

Từ đầu năm đến giờ chúng tôi đã khởi động xây dựng chương trình hỗ trợ sơ sinh. Trong chương trình hoạt động lần này, chúng tôi có tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sơ sinh ở ĐH Y Dược TPHCM, chúng tôi cũng phối hợp với Viện Nhi Hà Nội làm tại Hải Dương.

Tôi nghĩ nếu mình có nguồn nhiên liệu hay phương tiện eo hẹp thì trước tiên mình phải ưu tiên cho trẻ em sơ sinh và từ đó mình làm cho các em khi sinh ra được an toàn hơn và được bảo vệ không những về sinh mạng mà cả về chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, trong đoàn chúng tôi Nhóm hỗ trợ trẻ sơ sinh và về nhi chiếm đại đa số. Trong tương lai chúng tôi hy vọng có thể đóng góp thêm những vấn đề về dịch vụ cấp cứu nhất là với trẻ em.

* Vậy kinh phí cho Project Vietnam được tổ chức như thế nào?

Mỗi người tham gia trong đoàn chúng tôi đều tự chi trả kinh phí (trong đợt này thì mỗi người khoảng 2000 USD). Thuốc thì chúng tôi xin của các hãng thuốc, bệnh viện thì tặng trang thiết bị. Những năm sau này khi ở Việt Nam có khá đầy đủ thuốc thì đa số là chúng tôi mua thuốc trong nước, chỉ có một vài loại chuyên biệt là đem ở bên kia sang. Kinh phí mua thuốc chủ yếu do đóng góp cá nhân.

* Chúng tôi được biết là phái đoàn Project Vietnam sang Việt Nam hàng năm ngày càng đông đảo, như phái đoàn lần này chẳng hạn, có tới 150 người. Vậy làm thế nào chị có thể thu hút được nhiều người tham gia như vậy?

Chúng tôi sang đây và làm việc hết mình. Mỗi lần trở về chúng tôi đều đạt được những kết quả tốt. Các đồng nghiệp nhìn vào kết quả làm việc của chúng tôi, họ thấy chương trình của chúng tôi hoạt động ngày càng hiệu quả và gây được dư âm trong nước. Vì vậy họ tin tưởng và  tham gia với chúng tôi. Quan trọng hơn, đối với những người Mỹ họ có thể lựa chọn đi Phi Châu, hoặc Nam Mỹ hoặc nhiều xứ khác nhau nhưng khi họ đến với chúng tôi thì họ thấy rằng sau khi họ trở về Mỹ, những đóng góp và nhận xét của họ để cải thiện, chúng tôi đều cố gắng cùng các đối tác trong nước thực hiện thành những chương trình liên tục. Và sau đó chúng tôi thông tin cho họ biết những kết quả cũng như lộ trình của các hoạt động. Đó là những cái khiến họ sung sướng nhất. Chính vì vậy mà có những vị trở lại đến 10 lần. Ví dụ như giáo sư Steve Ringer của Harvard đã về với chúng tôi 9 lần. Hay như phó giáo sư Ronald Clarke của Stanford, hay vợ chồng điều dưỡng viên Trần Lang là những người đã gắn bó lâu năm với chúng tôi. Và còn rất nhiều, rất nhiều những người khác nữa, những người đó họ không đi vì tiền, ngược lại họ đi với chúng tôi thì họ mất tiền và chịu cực nhưng họ vẫn đi.

* Trong những năm qua, Project Vietnam đã hoạt động ở những địa phương nào của Việt Nam?

Chúng tôi đã hoạt động ở Lạng Sơn, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa. Ngoài ra là những nơi đã chính thức có các ca phẫu thuật như Hà Nam, năm nay là Hải Dương. Chúng tôi còn có trao đổi với những tỉnh khác nhau, ví dụ như Quảng Bình, Thái Nguyên, Hà Tây. Và trong kỳ này sẽ có tập huấn cho 8 tỉnh miền Bắc.

* Tại sao Project Vietnam lại dành sự ưu tiên cho khu vực phía Bắc?

Vì chúng tôi thấy ở miền Bắc có nhiều nơi trẻ em nghèo khó nhiều hơn. Và chúng tôi thấy là ở miền Nam, ví dụ từ năm 1954 đến 1975 đã có những đoàn như Hội Y sĩ Hoa Kỳ đến đó để có những trao đổi, cũng như là chúng tôi biết có nhiều phái đoàn họ về miền Nam nhiều hơn miền Bắc. Chúng tôi muốn đi những nơi nào có nhu cầu nhất.

* Với những hoạt động đào tạo và khám chữa bệnh trực tiếp như vậy, theo đánh giá của chị, hoạt động nào của Project Vietnam mang lại hiệu quả lớn nhất?

Đó là việc xây dựng các chương trình, ví dụ như chương trình sơ sinh. Trước đây, chúng tôi đã được phép của Bộ Y tế làm việc với Viện Nhi để thực hiện những chương trình mẫu về tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh. Chúng tôi phát hiện ra là trẻ sơ sinh Việt Nam không được chích vitamin K từ khi lọt lòng mẹ (vốn là chuẩn ở các nước tiên tiến), dẫn đến rất nhiều em bị xuất huyết não và xuất huyết nội tạng khác nhau có thể gây  tử vong hoặc bại não. Chúng tôi đã có chương trình mẫu ở Hà Tây cung cấp vitamin K cho trẻ em rất thành công. Và Bộ Y tế Việt Nam đã chấp nhận thành chương trình quốc gia. Đó là một sự can thiệp rất đơn sơ nhưng mang lại một khác biệt lớn đối với các em sơ sinh.

* Với những hoạt động hướng về Việt Nam như vậy, bản thân chị có gặp phải những trở ngại gì không, trong gia đình, đồng nghiệp cũng như ngoài cộng đồng?

Có chứ! Chúng tôi sống ở Orange County, là nơi tập trung đông người Việt nhất. Trong gia đình chúng tôi thì có sự thông cảm và hiểu. Nhưng đối với đồng nghiệp thì lúc đầu cũng có trở ngại nhiều. Tất nhiên là cả từ những sỹ quan hay những người trong hội nhảy dù của nhà tôi (chồng chị từng là sỹ quan dù) rất nhiều người họ thắc mắc và quan tâm. Nhưng tôi nhớ bố tôi từng nói, khi mình tin tưởng mãnh liệt vào cái gì đó mà mình cho là tốt và nó phù hợp với lương tâm của mình thì mình cứ làm. Thế nào cũng có người người ta hiểu lầm mình, nhưng sau một thời gian họ trông vào việc mình đã làm, họ sẽ phải công nhận. Nếu họ không công nhận thì lúc nào mình cũng phải cân nhắc đến những cái lợi mình đem lại cho trẻ em có xứng đáng để mình bị hiểu lầm không? Thì đối với tôi, tôi đã có sự chọn lựa đó rồi. Tôi nghĩ là 1,5 triệu trẻ em sơ sinh hàng năm mà nếu mình có thể đem lại sự an toàn hơn cho các em thì điều đó là xứng đáng để mình bị một số người chống đối và hiểu lầm. Ngay như trong phái đoàn của chúng tôi, lúc đầu chỉ có khoảng 20% là người Việt, nhưng đến bây giờ thì đã có khoảng 40%. Điều đó chứng tỏ ngày càng có nhiều người hiểu và ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng vì điều đó.

* Xin cảm ơn chị! Chúc chị và Project Vietnam ngày càng hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích hơn cho trẻ em Việt Nam đúng như ý nghĩa tốt đẹp của Dự án.

Mai Chi (ghi)

 

(Bài có sử dụng ảnh của http://www.projectvietnam.net)


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu