A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình yêu vận tốc

Bây giờ về già rồi, đã thành một người lính già thật sự rồi, mỗi khi chợt nhớ lại cái lần ấy bất giác cứ lắc đầu cười một mình, cứ như là chuyện phịa, chuyện cổ tích có nói ra cũng mấy ai tin. Vậy mà lại có đấy. Nó giống như có lần mấy cô cậu sinh viên hỏi: “Chú ơi, chiến tranh người ta có yêu nhau không? Cái cách yêu có khác cách yêu thế hệ @ của bọn cháu không?”, tôi đã trả lời như sách nhưng lại là hoàn toàn thật rằng: “Thời nào con người ta cũng yêu nhau như vậy cả, đam mê, tha thiết, khổ đau, ngọt ngào, trăn trở nhưng mỗi thời nó có một tiết tấu riêng, một nhịp điệu riêng, một lối triển khai riêng, ví như cái thời của chú, nó lãng mạn khủng khiếp lắm, và ngoài sự trần trụi khốc liệt của trận mạc ra, nếu không có cái lãng mạn ấy thì cuộc chiến đấu sẽ bị lệch, sẽ không còn ý nghĩa gì nữa và người cầm súng làm sao mà tồn tại nổi”.

Và để cho tuổi trẻ sống trong nắng gió thái hòa thơ thới hôm nay có thể hình dung điều trừu tượng đó được cụ thể hơn, tôi bèn kể lại câu chuyện nhỏ này.

Sau trào Mậu Thân, đang từ đội hình chủ lực, người lính được điều chuyển xuống vùng giáp ranh làm người lính địa phương, đúng là một sự đổi đời. Chủ lực là bát ngát những binh đoàn đàn ông, là sáng rừng, trưa rừng, tối rừng, lúc nào cũng rừng, ở đâu cũng rừng, phát chán. Còn xuống đây là nắng gió tràn trề, là bưng biền trải rộng, là cây trái xum xuê, là ấp chiến lược với những bóng dáng nhà cửa, vườn tược, trẻ em, con gái, bà má vô cùng thân thuộc. Và nhất là đồ ăn. Bỗng được ăn những thức ăn bình dị của con người chứ đâu phải chỉ có độc món rau rừng, lá rừng, gạo mục, cá mắm bốc mùi như ở trên rừng già kia. Đến nỗi, ngay đêm đầu hành quân xuống, đi qua những cánh đồng bưng trĩu trịt dưa leo, mướp đắng, bí bầu... ngắt một trái dưa cho vào miệng nhai ngốn ngấu, tứa nước, ngọt tới tận gan ruột mà nhìn nhau trào nước mắt, thấy có thể chết được rồi, đã quá rồi.

Nhưng ở đời cái gì cũng có hai mặt. Sướng cái này thì khổ cái khác. Sướng ăn, sướng uống, sướng nhìn, thì lại rất dễ chết. Chiến tranh da báo, hình thế gài răng lược, ta và địch gần nhau chỉ một hơi thở, sơ sẩy một chút là đi tong. Và đi tong nhiều lắm, đi tong đôi khi rất vô cớ chứ chưa hẳn vì giao tranh mặt đối mặt. Như tôi chẳng hạn, mới xuống bám trụ được chưa tròn tháng đã ăn một trái mìn do chính tay mình gài mà đãng trí quên mất rồi. Cũng may chỉ là mìn râu công phá vào phần mềm chứ là mìn khác thì cũng... đi tong thật rồi.

Đồng đội cáng tôi lên trạm xá bằng võng ni lông. Thời ấy gọi là trạm xá cho oai chứ thực ra chỉ có vài căn hầm thùng nửa chìm nửa nổi để vừa phẫu thuật vừa điều trị thương bệnh binh. Đội ngũ quân y sĩ cũng chỉ có đôi ba người. Trong đó có một cô y tá tên là Tư Thoa, trẻ măng, mới từ trong ấp ra, khá đẹp (hay là bởi ở rừng phàm đã là con gái không sứt môi lồi rốn thì đều được coi là đẹp cả), có đôi tay dịu mềm, có giọng ca cải lương bổng trầm trong vắt và đặc biệt có đôi mắt nhìn xanh biếc như có cả rừng chiều ẩn chìm trong đó. Cái nhìn của mắt lá. Im lìm như lá.

Thế là sau gần nửa tháng, vết thương trên thể xác tôi đã tạm lên da non nhưng tâm hồn lại bị vỡ rách bởi cái giọng ca, cái mắt nhìn vời vợi ấy. Tư Thoa cũng không hoàn toàn ơ thờ với tôi, một gã trai Hà Nội dẻo miệng, lại thuộc khá nhiều thơ ca và nhờ giời, cũng ít nhiều biết cách nói chuyện với phụ nữ. Chiều ấy, khi tiễn tôi theo giao liên về đơn vị, cả hai đứa đều im lặng. Muốn cầm tay nhau, muốn đặt một nụ hôn lên môi nhau mà đâu có dám. Tình yêu trong rừng, nếu có, thì đơn thuần chỉ là một thứ gửi gắm tâm hồn tinh khiết, trong như nước mưa. Chỉ có ánh nhìn. Ánh nhìn của em sâu thẳm, khắc khoải mênh mông như hút, như nhận chìm cả cái tâm hồn thô rám của tôi vào đó.

Rồi chia tay.

Ba tháng sau, cùng với tiến độ chiến tranh ngày càng mở ra, đơn vị tôi được lệnh tiến sâu xuống các mặt trận ngoại vi Sài Gòn. Lệnh ra rất khẩn trương, tối nay phát lệnh sáng mai đã phải lên đường rồi. Làm sao đây khi không kịp gặp lại đôi mắt của em? Lần này đi không kịp gặp cũng có thể chẳng bao giờ có dịp gặp lại nữa. Điện đài không có, giao liên cũng chưa tới kỳ, chả lẽ cứ âm thầm đi rồi để âm thầm ngã xuống mà không kịp nói với mắt lá một câu ư? Không! Không thể như thế được!

Một suy nghĩ lóe lên và liền đó là một hành động chớp sáng: Phải đi, phải đến tận nơi, dù chỉ được nhìn thấy em một giây, được nói với em một lời. Từ đây đến chỗ em thông thường ra phải mất đứt hai đêm giao liên cho khoảng cách gần bốn mươi cây số, đó là chưa kể không đụng phải những tình huống cam go trên đường. Còn tôi, vừa đi vừa về chỉ cho phép làm gọn trong một đêm, tức là đòi hỏi vận tốc phải gấp bốn lần bình thường. Kệ! Thế mới gọi là vận tốc tình yêu. Thế mới ra cái chất mã thượng phong tình của lính chiến.

Chờ trời tối một lúc, không nói với ai một câu, chỉ dắt thêm vài băng đạn cho ấm bụng, tôi băng mình theo đường mòn vào màn đêm với tất cả sự lãng mạn, mê cuồng của tuổi hai mươi lăm.

Cuộc maratong chạy đua với thời gian và với thần chết bắt đầu. Chỗ nào nghi có phục kích, có mìn gài thì chạy gằn, chỗ nào thoáng rộng thì phóng giò như ngựa xoải vó trên thảo nguyên. Đêm vùng ven thăm thẳm, gió vùng ven mát rượi mà toàn thân cứ ướt sũng mồ hôi. Tôi chỉ có bốn tiếng đi và bốn tiếng về cho nên buộc phải giữ thật đều tốc độ, giữ ngay cả trong những địa hình khó có thể giữ được như qua suối, qua khe, cả qua bãi mìn.

Mưa! Chết cha rồi! Đêm nay ông trời muốn hại tôi hay sao mà lại đổ mưa để đường trơn như mỡ thế này. Ngã lên ngã xuống. Có lúc cả người lẫn súng quật vào bờ đất chí mạng tưởng chừng không gượng dậy được nữa. Nhưng mưa cũng có cái hay của mưa. Mưa có tác dụng xua hết kẻ thù đang phục binh ở chỗ này chỗ khác chui hết trở lại đồn để kiếm tìm một giấc ngủ. Tôi thành độc quyền thiên nhiên và độc quyền bóng tối. Bước chân mạnh dạn hẳn lên.

Bây giờ là 12 giờ. Chỉ còn chừng hơn một tiếng là tới chỗ em. Chắc em đang ngủ vẫn trên chiếc võng màu xanh có mấy miếng vá vì miểng pháo phá thủng ấy, vẫn trong căn hầm thùng mà tôi đã có nhã ý khoét thêm cho em một chỗ để bồng xinh gọn ấy. Tôi sẽ lẳng lặng chui vào, ngồi xuống cạnh em, vặn nhỏ lại ngọn đèn chai và chỉ nhìn im lặng cho đến lúc em mở mắt ra. Chao ôi, lúc ấy chắc đôi mắt kia sẽ mở to ra kinh ngạc và cả mừng vui nhiều lắm... Chỉ đến lúc đó tôi mới cúi xuống hôn nhẹ vào môi em, thật nhẹ để nghe được tiếng em khẽ thảng thốt rùng mình, vậy thôi...

Nhưng khi đến nơi, tất cả đều vắng tanh, căn hầm của em không có một ánh đèn. Thẫn thờ bước xuống, chỉ thấy một mùi mốc thếch phả lên và tiếng con chôm chôm nào búng càng vào vách đất nghe buồn như khóc. Lại thẫn thờ bước lên. Các căn hầm khác cũng vậy, như những căn hầm ngàn năm nay không có dấu chân người qua lại. Bóng đêm buông tỏa. Cây lá im lìm tựa những bóng ma. Biết hỏi ai, biết tìm ai mà hỏi bây giờ? Vậy là căn cứ của em đã chuyển đi rồi như mọi căn cứ vùng giáp ranh vẫn phải thường xuyên chuyển dịch để đề phòng địch đánh vào. Chỉ đơn giản vậy thôi mà sao tôi lại không đoán ra để phải chạy khốn khổ khốn nạn thế này! Rã rời, thấm mệt, tôi thả rơi người xuống cỏ ướt, hút hết một hơi thuốc rê đắng nghét như thuốc súng rồi đành đứng dậy làm nước mã hồi sau khi đã nhìn quanh quất nơi em đã ở một vòng. Thôi, dù sao tôi cũng đã đến được cái nơi cần đến, không có em nhưng tôi đã nghe được hơi thở của em lẫn vào trong lá.

Đường trở về trống trải và dằng dặc làm sao. Bước chạy sao cứ nặng oằn và thập thõm thế này. Trời lại mưa. Trong mưa, tôi thầm gọi: “Mắt lá ơi, ráng sống nghe em! Anh cũng thế, chỉ cầu mong cho chóng đến ngày thắng lợi, nhất định anh sẽ trở lại tìm em. Nhất định...”.

Chỉ có tiếng mưa rơi trên cỏ ướt trả lời

Chu Lai/ SGGP


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu