A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ vật của bố

Ông Lân mang ghế ra bờ ao ngồi. Trời đã chớm heo may. Ngoài đồng, từng đàn chim sẻ bay về, chao liệng trên những thửa ruộng lúa chín sớm mới vàng trứng rô. Ao sen đã rụng gần hết cánh, trơ ra những đài sen căng mẩy như đĩa xôi. Những chiếc lá được hái mang về gói cốm. Mùa quỳnh nở cũng theo về trong heo may lành lạnh.

Mùa quỳnh năm nay, hơn ba chục lần nở rồi, mà lòng ông lúc nào khắc khoải một nỗi nhớ khôn nguôi. Với ông, đón hoa nở như đón người xưa trở về.

Ngày xưa, mùa hoa quỳnh nở Lân gặp người ấy. Bố Lân là người viết chữ Nho và thư pháp rất giỏi. Mỗi độ thu về, ông thường cho Lân đi theo để mài mực, khi những người bạn già quây quần bên ấm trà cùng ngắm trăng, đón hoa nở và họa bút trên giấy.

Năm ấy, ông giáo Hoàng vừa qua cơn bạo bệnh. Ông đã mời bạn bè về mảnh vườn trước sân đón quỳnh khai hoa. Sau một tuần trà, Lân lấy nghiên mực ra mài. Dưới ánh trăng rằm sáng tỏ, một bóng con gái khẽ vén dậu chè lam, tay xách ấm nước đi vào. Cô gái lễ phép chào rồi thêm nước vào ấm tích. Lân sững người. Tay chân lóng ngóng, đánh đổ nghiên mực, còn cô gái tế nhị xin phép ra ngoài.



 Minh họa: A.Dũng


Ông giáo đưa ra một vế đối, phạt anh tội đánh đổ mực. Ông còn nói chơi, nếu đối hay ông sẽ gả con gái cho. Vế đối đưa ra ý trêu anh bị tiếng sét ái tình. Anh mượn ngay hoa quỳnh nở đón trăng đối lại. Vế đối chỉnh về từ, ý hay lại hợp cảnh, nên ai cũng tấm tắc khen. Hai người bạn già thống nhất sẽ tác thành cho đôi trẻ. Hẹn mùa quỳnh hai năm nữa, khi Quỳnh học xong cấp 3 sẽ làm lễ cưới.

Ngày Lân nhập ngũ, Quỳnh còn học dở năm cuối. Đêm chia tay, hai người hẹn nhau ở bến sông. Tháng ba, thơm nồng mùi hoa xoan, hoa bưởi. Mưa bụi nhẹ nhàng như sương bồng bềnh, ánh trăng trung tuần phủ một lớp bạc làm cho cảnh vật trở nên mờ ảo. Lần đầu tiên, Quỳnh để Lân ôm chặt vào lòng. Mái tóc đen huyền đổ dài sau lưng cuốn vào mặt làm Lân rạo rực. Suối tóc suôn mềm, thoảng hương hoa bưởi, phập phồng nơi cánh mũi. Lân đê mê hít sâu mùi tóc Quỳnh. Lân hứa, khi huấn luyện xong tân binh Lân sẽ về tổ chức lễ cưới. Quỳnh khẽ gật đầu tin cậy dựa vào vai Lân.

Chiến trường đánh Mỹ ngày càng thêm ác liệt. Thanh niên trong làng từng đợt nhập ngũ.

Sau hôm Lân đi, bố Lân ngã bệnh. Từ ngày bố Lân mất, Quỳnh đi lại bên đó nhiều hơn. Thế rồi ông giáo cũng đột ngột qua đời. Tất cả mọi việc trong nhà mình Quỳnh lo liệu. Một buổi chiều tà, có anh bộ đội hỏi đường vào nhà. Thoáng thấy bóng quân phục ở đầu ngõ, Quỳnh chợt giật mình. Tim như ngừng đập. Lồng ngực muốn vỡ tung. Quỳnh lật đật chạy ra. Người đó là Nam, bạn đồng ngũ của Lân. Nam trao cho Quỳnh gói quà, kể về Lân, về những trận đánh…

Loay hoay mãi Quỳnh mới mở được phong thư. Quỳnh áp bức thư vào ngực mình thổn thức. Lân cứ đi biền biệt chẳng biết ở nhà có bao thay đổi. Quỳnh bật khóc khi thư Lân hỏi về bố mẹ hai nhà…

***

Nhận giấy báo tử của Lân, Quỳnh thẫn thờ cả tháng trời như chiếc bóng câm lặng. Mẹ Lân tuy ốm nhưng vẫn gắng chăm sóc Quỳnh. Rồi bà kiệt sức quỵ xuống, Quỳnh mới chợt bừng tỉnh. Nén nỗi đau lại, Quỳnh cố làm bà an lòng. Hai người đàn bà, một già, một trẻ nương tựa vào nhau mà sống trong cái quãng trống mênh mông. Đêm trở nên dài hơn và lặng lẽ qua đi.

Một tối, bà nhất định không uống bát thuốc Quỳnh sắc. Bà bảo Quỳnh nằm cạnh rồi vỗ về: “Thằng Lân vắn số thì đã yên phận rồi. Có ai thương yêu con thì con phải lấy người ta để có chỗ dựa. Mợ cũng có ngày theo thầy con. Con hứa với mợ để mợ an lòng”.

Quỳnh giọt ngắn giọt dài. Nước mắt dồn nén bấy lâu được dịp vỡ ra. Hai người đàn bà ôm nhau khóc thổn thức. Đêm khẽ thở dài…

Lo cho bà được mồ yên mả đẹp, Quỳnh lên ở với các em trên mạn ngược. Cô mang theo một cặp quỳnh dao từ vườn nhà. Ngày xưa, khi tiếp trà cho bố, nghe sự tích quỳnh dao mới biết con người ta ăn đời ở kiếp với nhau là do có duyên phận trời sắp sẵn. Đón hoa nở nghe các cụ lẩy Kiều mới thấy hết thú chơi hoa tao nhã này.

***

Nhận được điện thoại, Bình về ngay. Không biết có chuyện gì mà bố anh gọi về gấp thế. Ông chỉ tay xuống ghế, bảo:

- Con ngồi xuống. Bố muốn nói với con một chuyện.

Bình hơi bất ngờ trước thái độ của bố nhưng anh cũng từ từ ngồi xuống. Uống xong chén trà, ông nói chậm rãi, rành rọt từng tiếng một. Bình thấy giọt thời gian trôi đi thật chậm chạp.

- Ngoài mẹ con ra, bố còn có một người đàn bà khác nữa.

Bình ngây người nhìn bố. Quả thật chưa bao giờ anh nghĩ tới điều này. Ông có khoảng trời riêng không có anh và mẹ. Ông là người sống chu đáo, luôn đầy đủ trách nhiệm với gia đình. Chưa có ai, kể cả mẹ nhắc chuyện này cả. Mẹ đã đi xa lâu rồi, một mình bố vẫn cảnh gà trống cặm cụi nuôi con. Ngoài sự nghiêm khắc của một người cha, ông còn thương anh bằng thứ tình thương dịu dàng của một người mẹ. Bình luôn tự hào và biết ơn bố.

- Người trong ảnh trên bàn thờ kia chính là bố đẻ của con. Trong một trận đánh, bố con cứu bố nên bị thương. Vì bị thương khá nặng lại không được cấp cứu kịp thời nên mới mất máu nhiều. Bố Nam trước lúc đi xa dặn bố chăm sóc hai mẹ con. Khi bố Nam mất, vì bị thương rách áo nên bố đã cởi tấm áo mình đang mặc thay cho bố Nam. Chính vì tấm áo còn giấy tờ mang tên bố, nên khi đưa bố Nam về phía sau an táng, đơn vị chính sách đã nhầm người báo tử là bố.

Ông ngừng lại giây lâu. Không gian như trùng xuống. Đặc quánh lại. Đoạn ông cầm tay Bình đến bàn thờ thắp nén hương: Anh Nam ơi. Tôi đã thực hiện được lời hứa với ân nhân của mình. Đến lúc tôi cần cho con biết tất cả.

Bình lặng đi khi nghe ông kể về cuộc đời mình. Vì tìm mãi không thấy cô Quỳnh đâu, ông về quê và làm theo lời người đã khuất. Vài năm sau đó, cô Quỳnh tìm về xây mộ. Hai người gặp lại nhau và tình xưa vẫn còn vương vấn… Mẹ anh để tùy ông quyết định.

- Sao bố không đoàn viên với cô ấy? - anh khẽ hỏi.

Cô Quỳnh là người bản lĩnh, giàu lòng tự trọng và rất thương người. Cô ấy yêu bố. Vì tình yêu đó nên cô ấy mới chịu khổ nhiều. Con và mẹ cần bố hơn nên cô đã quyết định ra đi. Giữa bố và cô Quỳnh có một đứa con gái...

Ông bỏ mảnh vải dù và mảnh lược con ra ngắm nghía. Thời gian đã làm cho mảnh vải dù nhạt đi. Nhưng chiếc lược vẫn sáng trắng. Chiếc lược làm bằng vỏ máy bay địch ở rừng Trường Sơn. Những kỷ vật làm ông thổn thức...

Bình lặng đi chìm vào dòng thương cảm. Anh quan sát bố. Mái tóc điểm sương khẽ rung rung. Mắt ông không khóc nhưng đỏ hoe. Ông đã để nước mắt chảy ngược vào lòng. Vết sẹo dài ở cổ khẽ động đậy. Ông đang xúc động mạnh. Một lát, ông tiếp:

- Cô ấy theo em vào Nam lập nghiệp và cắt đứt hẳn mọi liên lạc với bố. Cô ấy không muốn làm xáo trộn cuộc sống của bố nữa. Cô ấy chỉ cần đứa con là đủ...

Ông ngừng lại khẽ thở dài: “Bố nhờ bạn bè tìm mãi nhưng không được. Con người có cội. Nhất định có ngày họ sẽ trở về. Nếu bố không đợi được ngày đó, con cầm kỷ vật này và tìm họ giúp bố”. Ông đặt vào tay Bình mảnh vải dù và chiếc lược. Bình run run đón nhận. Ông kể lại rằng, sau khi gửi cho cô Quỳnh, ông lại làm chiếc lược thứ hai giống hệt như vậy.

Cả hai cùng im lặng chìm vào dòng cảm xúc riêng. Hoàng hôn buông xuống cánh đồng phía xa.

Bình đi làm bữa cơm chiều còn ông ngồi lại trầm tư một mình. Cơm nước xong xuôi, ông kêu mệt và đi nghỉ. Sáng hôm sau, Bình mời ông dậy ăn sáng mới biết ông đã về với cõi vĩnh hằng. Ông nằm đó như ngủ. Thế là ông đã đi đến nơi không biết buồn vui sướng khổ là gì...

***

Bình đưa bạn gái về cúng giỗ đầu của bố. Gặp Dao ở một cuộc hội thảo khoa học, anh đã phải lòng ngay cô gái có cặp mắt dao cau. Hai người yêu nhau. Tình cảm đến thật tự nhiên. Dao ở tận Sài Gòn. Khi gặp Bình trái tim cô đã đánh bại lý trí. Dù sống đất Nam nhưng cô lại rất thạo các món ăn miền Bắc do mẹ cô chỉ bảo.

Vừa bước chân vào nhà, Dao đã ngợp trước vườn quỳnh đang mùa đơm bông. Thắp nén nhang cho người quá cố, cô cảm thấy có một cái gì đó rất đặc biệt. Đôi mắt trên di ảnh như nhìn cô tha thiết, trìu mến và tràn ngập yêu thương. Từ trong sâu thẳm, có một tình cảm khác lạ khẽ cựa mình, len lỏi vào trong từng ngõ ngách nhỏ tâm hồn làm cô quyến luyến, cứ muốn nhìn thật sâu vào đôi mắt ấy. Thứ tình cảm chưa bao giờ cô bắt gặp trong đời.

Bình dắt tay Dao đi dạo trong vườn đang mùa hoa nở. Khu vườn luôn được chăm sóc kỹ càng. Anh thuê hẳn một người làm vườn để trông nom ngôi nhà. Mỗi lần về đến nhà, mảnh vườn sẽ tạo cho anh cảm giác, bố anh chỉ đi đâu đó một lát sẽ về.

Bố anh yêu hoa quỳnh. Yêu cái thời tiết trong trẻo, dìu dịu của mùa thu. Nắng vàng xuộm trong cái heo may lành lạnh dễ làm xốn xang lòng người. Những đêm trăng sáng, ông thường thơ thẩn trong vườn quỳnh. Một cánh hoa sâu cũng làm ông đau. Ông nâng niu đóa hoa như nâng niu một báu vật. Ngắm cánh hoa quỳnh nở đẫm sương đêm, ông khẽ rùng mình. Cái rùng mình tinh tế của cảm xúc. Trái ngược hẳn với ông, bên ông, Bình như vô cảm.

Dao chợt lặng đi trước vườn hoa đang khẽ khàng hé mở. Bất chợt, cô nhớ tới mẹ. Hình ảnh mẹ ngồi đón đợi những bông quỳnh nở như một chiếc bóng câm lặng hiện về cùng với nỗi hoài niệm cứ cháy mãi trong cô. Sau này cô mới hiểu, đó là khát vọng. Một khát vọng trong lặng im cả một đời mẹ im lặng.

Thời gian này, mẹ cô lên chùa ở hẳn. Bà muốn bỏ mặc tất cả những lo toan của cuộc sống đời thường. Cô tôn trọng mẹ. Cô để mẹ một mình với những hoài niệm riêng. Mỗi mùa quỳnh nở, mẹ cô thường tự tay nấu bát canh tôm với hoa quỳnh. Món ăn này, chưa bao giờ mẹ mời ai dùng ngoài hai mẹ con ra. Ít ngày sau, Bình theo Dao trở lại Sài Gòn. Dao dẫn Bình đi lối sau chùa. Nhất định, cô sẽ dành cho mẹ một bất ngờ. Vừa bước chân vào cửa, Bình không tin nổi vào mắt mình. Người đàn bà mặc áo nâu sồng đang ngồi một mình, trên tay là mảnh vải dù và chiếc lược giống như kỷ vật bố anh trao gửi lại. Bà cứ mải nhìn chẳng hề quan tâm đến xung quanh. Hình như bà đang trôi vào một miền lặng nào đó xa lắm thì phải.

Bình nhìn Dao và chợt nhận ra, bố còn để lại cho Bình một kỷ vật còn quý giá hơn rất nhiều…

Lê Thị Nhung (SGGP)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu