A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngôi sao và người đàn bà

Năm giờ sáng. Tiếng còi kẹp kẹp... dè dặt. Cô Tuyết xuất hiện từ đằng xa. Phía ngã tư, chúng tôi háo hức đứng đợi cô để mua bánh mì ăn sáng.

Tôi là thằng bé luôn thích nằm rốn dù mẹ có gọi khản cả giọng. Nhưng khi nghe tiếng còi rao bán của cô thì tôi bật dậy, chạy vội ra ngã tư. Chỗ ấy bọn bạn và đôi anh chị lớn hơn tôi vài ba tuổi đã đứng chờ để mua bánh. Cô luôn nhìn tôi với ánh mắt thân thiện, và ngay cả khi tôi đến muộn cô vẫn chờ. Từ xa nhận ra lũ bạn, tôi chạy cuống cả chân. Lạ một điều rằng, không bao giờ tôi gọi cô và hình như không ý thức điều đó.

Trong xóm tôi có ba người bán bánh mì, nhưng chúng tôi luôn chờ cô để mua bánh. Tôi thích ngắm mái tóc ướt trong mưa và dáng người mảnh mai trong gió của cô, lòng thấy vui vui, tin tin một cái gì đó mơ hồ. Nhiều khi đi học gặp cô, lũ bạn đẩy sau xe cô chạy qua những con dốc cao và cả những vũng lầy. Ðường quê tôi đất đỏ, mưa là sĩnh bùn.



Dáng mẹ trong xế chiều (Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet) 


Tôi thích lấy những chiếc bánh rất ấm của cô áp lên mặt. Mềm mại và êm đềm. Cô luôn chọn cho tôi những chiếc bánh vàng rộm bởi có nhiều ruột trắng và mềm hơn. Mẹ không thích tôi ăn bánh mì. Mẹ mắng:

- Chưa mở mắt đã đâm đầu ra đường. Liệu hồn.
- Thì con đi mua đồ ăn sáng mà.
- Cãi hả!

Tôi nín lặng.

Mẹ mua rất nhiều bánh mì ngọt từ cửa hàng. Mẹ bảo mẹ sợ tôi bị cảm lạnh khi mới ngủ dậy chạy ngay ra ngoài ngã tư đứng. Hơn nữa mẹ rất sợ những đứa bạn nhếch nhác của tôi. Tôi không thích cái bánh lạnh băng và lơ lớ mẹ mua. Vì thế, khi những sợi thịt trong bánh mốc meo lên ở trong tủ gỗ, mẹ bắt tôi nằm úp vào tường và đánh đòn. Mẹ đánh rất đau nhưng tôi không khóc. Và tôi cũng không nũng nịu với mẹ như ngày trước, mẹ thất vọng cứ đánh hoài "Mày không chạy đi!". Hành động đó của tôi khiến mẹ điên tiết đánh đau hơn. Rồi mẹ khóc "Mày không khóc à con, không khóc à con?" và ngồi thụp xuống, mệt mỏi không đánh nữa.

Thương mẹ, nhưng tôi không sà vào lòng. Tôi ngồi vào bàn học. Tôi thích học, thích đọc và thích nghĩ. Tôi thấy mình giống ông cụ non nhưng bạn bè tôi không cảm nhận được điều đó vì mỗi sớm tôi đều gặp cô. Chính vì gặp cô nên tôi thấy mình trẻ con và vui nhộn. Tôi vô tư không nghĩ sẽ có ngày tôi không được ăn bánh mì của cô, bởi vì cô không có đủ thời gian bán bánh cho lũ chúng tôi. Và vì tôi cũng lớn, sẽ bay xa.

Những ngày cô vắng, không đi bán bánh mì. Tôi cứ nằm chờ mãi tiếng còi kẹp kẹp. Chờ lâu thấy đầu đau và không an tâm. Tôi leo lên tầng bốn, nơi bố mẹ đặt bàn thờ trên đó. Tôi dõi con mắt ra xa, nơi có con mương bê-tông và vườn cây phụ lão; nơi có sân đá banh của các anh lớn, có một chỗ nhỏ dành cho bọn tôi đá cầu. Tôi không thấy nhà cô sáng điện, cái bóng đèn đỏ quạch mỗi tối mà tôi và bố vẫn hay nhìn thấy đó không sáng nữa. Tôi lo lắng đến trường, rất buồn vì cô ốm. Ðiều đó cũng đồng nghĩa tôi không ăn sáng. Em tôi cũng theo tôi, không chịu ăn sáng. Mẹ mắng, tôi im lặng đi học, em tôi lẽo đẽo theo sau. Một khi bố không nói có nghĩa rằng tôi có đồng minh.

Bố rất ít nói. Bố thích quấn quýt lấy anh em tôi. Nhưng bố không đùa, không bế, không khuyên bày gì cả. Bố chỉ nhìn về phía con mương ấy, phía ánh đèn đỏ quạch ấy. Ở đó, bố chỉ cho anh em tôi thấy có ngôi sao rất sáng. Bố bảo đó là sao hôm và cũng là sao mai. Tôi hình dung ra, với tôi sao mai chính là ánh lửa trong chiếc xe đẩy bán bánh mì của cô; và sao hôm là ánh đèn đỏ quạch của nhà cô trên nền trời tối om ấy.

Tôi nhìn sang em gái, nó cũng đang chăm chú vào một nơi nào đó mà tôi nghĩ em đang nhận ra điều gì đó thích thú cho riêng mình. Tôi cũng tin trong thế giới em đang tưởng tượng ấy có ngôi nhà và mùi thơm bánh mì. Lớn dần lên, tôi vẫn giữ niềm thích thú đó. Tôi không giải thích, cũng không bất ngờ, vì tôi có thể quan tâm tới những gì hơn thế nữa chung quanh mình. Có lẽ tôi quen với nó rồi. Tôi không biết trong ánh mắt bố, mẹ cũng có hình ảnh ngôi nhà của cô bán bánh mì.

-  Phương! Mẹ bảo mà không nghe hả?

Tiếng mẹ vang lên ngoài cửa. Tôi chưa kịp dậy đã thấy bóng mẹ từ ngoài hành lang bước vào. Tôi nghĩ: "Mẹ chưa cầm roi! Tức là tôi có thể chưa bị đánh đòn. Dù cho với giọng này của mẹ, tôi rất dễ bị nếm đòn ngay". Nghĩ thế nhưng tôi cũng bật người dậy và thay đồ. Nhưng mẹ vẫn đi vào, trên tay cầm cái roi mây từ bao giờ:

-  Nằm xuống!

Tôi hoảng loạn. Trước khi nằm xuống, tôi thấy em gái tôi vụt chạy ra phía ban công.

-  Em làm cái gì vậy Hương?

Bố nói nhẹ nhàng, tôi im thin thít vì biết mình không bị đánh đòn nữa.

-  Anh vào xem đi. Bây giờ là mấy giờ rồi. Nó không nghe em nữa.

Mẹ bỏ đi ra, khóc. Tôi vẫn nằm im vì nghĩ bố sẽ mắng tôi. Một khi bố mắng có nghĩa tôi đã sai. Tôi chờ đợi, chờ đợi... Em gái đến day day vào bàn chân tôi "Bố đi rồi. Anh có đau không?". Tôi ngồi dậy, nước mắt ngắn dài, chẳng biết mình khóc từ bao giờ. Tôi quên hôm nay, không nhìn sang hướng xa xa chỗ vườn cây phụ lão có người đàn bà bán bánh mì. Khi bước qua phòng bố mẹ, tôi như chết đứng:

-  Anh xin em. Cố giữ vài năm nữa. Anh đồng ý là con sẽ đến lúc phải biết, đến lúc anh và em sẽ nói cho con biết nhưng không phải bây giờ, em hiểu chứ?

-  Nhưng con không nghe lời em. Tại sao chứ? 

Mẹ như sắp đổ trước bố, bàn tay mẹ nắm lấy chiếc cà-vạt mầu tím. Và cầm tay bố, kéo mạnh bố lại bên cạnh tủ. Mẹ mở cánh cửa và hất tung xuống giường chiếc hộp to cũ. Ðôi lá thư bay ra, những hình đất ngộ nghĩnh bị vỡ lăn lóc dưới sàn nhà... Mặt bố đỏ lựng. Mẹ thả tay ra, đứng im, nước mắt chảy dài trên gò má. Bố ngồi xuống, nhặt những con thú bị vỡ và ôm lấy ngực.

-  Anh còn nhớ mong cô ấy ư? Vậy thì anh đi đi. Cô ấy rất gần anh đó. Mỗi ngày không phải con trai anh đều được ăn những chiếc bánh mì của người anh yêu ư? Không phải mỗi ngày cô ấy đều được ngắm nhìn và dành những chiếc bánh thật ngon cho con trai cô ta sao? Anh không thấy...

-  Em gắng cho tôi vài năm nữa, rồi tự tôi sẽ cho Phương biết mẹ của nó là ai. Tôi xin em.

Bố gục xuống. Mẹ như tỉnh lại, cuống cuồng chạy đến đỡ bố lên giường và lấy thuốc. Ðúng lúc đó em kéo tay tôi chạy đi. Tôi không biết em đứng bên cạnh từ bao giờ. Tôi chạy theo em, tôi thấy mình như mây. Bay rất nhanh, tôi không suy nghĩ gì cả. Tôi chỉ biết bố mẹ vừa nói về tôi và cô, người bán bánh mì mỗi sáng...

Lát sau bố mẹ xuống dùng bữa. Tôi và em vẫn ngồi chờ ngoài phòng khách. Mẹ bối rối dọn bàn ăn. Bố cũng đọc tờ báo mới. Tôi và em vẫn ngồi như đang xem ti-vi. Mẹ nhìn thấy, chẳng nói gì. Tôi cũng không biết lúc đó mình đang nghĩ gì, đang thấy gì. Chỉ biết mẹ không mắng tôi nữa, bố mặt hơi xám nhưng cũng cố gắng bình thường, em gái giả vờ vô tư.

Sang ngày hôm sau, tôi xin bố mẹ sang ở với ông bà nội. Tôi đã hỏi nội, bởi hôm đó là sinh nhật tôi. Tôi giả vờ nũng nịu để hỏi nội. Cả hai anh em cùng ngồi nghe nội nói. Nội giải thích vì mẹ tôi không có khả năng nuôi tôi, vì mẹ tôi ghét tôi... Vì mẹ tôi bỏ tôi, nên tôi ở với bố. Hơn nữa người mẹ hiện tại của tôi cũng yêu thương tôi như con đẻ. Và đúng thật là như thế. Tôi như muốn hét lên. Những gì nội nói là giả vờ. Nhưng tất cả như yếu dần đi. Thế tại sao lại giấu tôi? Tại sao chia lìa tình cảm của mẹ con tôi? Tôi đã không biết và sẽ không biết đến mãi sau này nếu như không có ngày hôm đó. Tôi đau đớn. Thì ra, người đàn bà bấy lâu thức giấc tôi mỗi sáng chính là mẹ ruột của mình. Người đàn bà mười mấy năm không được bế con vào lòng, không được gần gũi con; khi ốm cũng như khi buồn phiền, cũng không có con trong lòng... là mẹ ruột của mình. Tôi lịm dần với dòng mơ hồ, ảo ảnh. Chẳng có gì trọn vẹn nữa. Tôi nói với em gái là nó phải ở lại với bố mẹ...

Tôi xin nội không kể với bố mẹ là tôi đã biết tất cả. Nội hứa, và tôi tin điều đó.

Ở bên nội, tôi chẳng có thể nhìn thấy ánh đèn le lét của mẹ mỗi tối; tôi chẳng có thể ăn bánh mì của mẹ mỗi sáng. Nhưng như thế có lẽ dễ chấp nhận hơn. Nhưng không dứt nổi thói quen, tôi vẫn dậy vào khoảng thời gian đó. Nằm nghĩ và nhớ mẹ. Ðầu đau tơi bời. Tại sao bố mẹ tôi lại không cưới nhau. Tại sao mẹ lại cô đơn, buồn tủi một mình? Tại sao bố phải chịu đựng như thế? Tại sao mẹ hiện tại của tôi lại có thể san sẻ tình cảm như thế?

Sau đó nửa năm, mẹ của tôi ra đi! Sự ra đi của mẹ nhẹ nhàng và đến bên tôi cũng nhẹ như thiên thần. Tôi đau xót tận cùng, đến mức chỉ còn có thể chấp nhận sự ra đi của mẹ là chuyện bình thường của một thiên thần. Tôi chìm vào mộng mị và ảo tưởng, những mong nỗi đau đớn đó không làm tôi gục ngã. Vì mẹ, tôi không thể thua bất cứ cái gì trên cuộc sống này. Tôi cho phép mình ảo tưởng để cảm nhận cuộc sống của mình không quá buồn chán. Tôi ghìm mình lại trong nỗi nhớ mẹ, ghìm mình lại bằng khát khao cố gắng mọi cách lấy lại sự công bằng cho mẹ. Không bao giờ là quá muộn, vì thiên thần luôn nghe thấy tôi.

Nhưng mỗi lần nhớ mẹ, tôi lẻn về nhà, leo lên tầng thượng dõi về phía ngôi nhà có người bán bánh mì trong những lúc bố mẹ đều đi làm vắng. Dẫu tôi về không đủ sớm để nằm trên giường chờ nghe tiếng còi lẹp kẹp của mẹ, nhưng chỉ cần nhìn thấy dáng ai nho nhỏ trước sân đất cũng rất nhỏ đó là tôi thấy vui. Tôi hình dung mẹ của tôi đang hái những ngọn cải non, cong vút trên tầng lá, kết những bông vàng rực; và đàn bướm vàng bướm trắng bay chung quanh. Mẹ sẽ cười rất hiền từ. Nụ cười của mẹ có nét gì đó như mệt mỏi, như kiệt sức nhưng thật hiền từ, nhẹ nhàng. Tôi đã từng chua xót và nhói theo nụ cười của mẹ...

Rồi tôi lại về nhà nội, lại chúi đầu vào học. Chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để trở thành một người thành đạt. Tôi sẽ về bên mẹ bù đắp mọi thiệt thòi và tủi hổ mà mẹ phải cố gắng vì con trai và vì người mẹ yêu. Ðã hơn chục năm mẹ phải chịu đựng như vậy. Sống gần con mà không được chăm sóc con. Ngay cả khi có con bên cạnh cũng không dám để cho nó đứng bên quá lâu, chỉ sợ không kìm nén được, sợ mọi thứ vỡ òa ra. Và mẹ đã không còn sức để chờ thêm một chút thời gian ngắn nữa. Mẹ bỏ cho mảnh sân mọc đầy cỏ cú, mỗi khi trời mưa, những con giun lại trồi lên; cả những ngọn cải cũng không còn non. Tôi xa xót, nhưng không dám động vào bất cứ cái gì thuộc về mẹ. Tôi chỉ dám đứng nhìn. Và ánh nhìn của tôi cũng lén lút, như chỉ thoáng qua.

Tôi sợ sự bắt gặp của những con người bên cạnh mình. Tôi cũng sợ gặp ánh mắt u buồn, tối tăm của bố. Bố vẫn đi làm, nhưng thời gian bố đứng trên sân thượng lâu hơn. Tôi chuyển về căn phòng của tôi từ khi mẹ của tôi mất. Tôi muốn đứng bên bố thật lâu vào mỗi tối khi mà dưới ngôi nhà ấy, ánh đèn vẫn sáng nhưng không có người phụ nữ của chúng tôi nữa. Tôi trở về như muốn thách thức với những sai lầm của bố mẹ tôi, của đằng nội... trong câm nín.

Tôi vẫn tìm đến với mẹ, tìm đến với những gì thân thiết với mình. Ngày càng nhiều thêm, tôi tới gần ngôi nhà của người đàn bà bán bánh mì. Không ai để ý lắm, vì cứ nghĩ tôi chẳng thể biết chuyện tày trời như thế. Mẹ vẫn yêu thương và chăm sóc tôi ân cần. Bố vẫn ưu sầu như thế, vẫn không muốn đùa giỡn với hai đứa con. Em gái tôi có vẻ trưởng thành hơn, nó luôn bảo vệ tôi trước ánh mắt sắc nhọn của mẹ. Còn tôi, tôi chẳng quan tâm lắm. Mẹ có nghĩ sao đi nữa cũng không tưởng tượng nổi con trai mẹ đã biết sự thật.

Trong tôi, chỉ nghĩ về mẹ của tôi. Tôi chỉ học và ngoài học là nghĩ về mẹ. Tôi đã khóc rất nhiều. Nếu những kỷ niệm tôi có với mẹ không đủ ấm, thì có lẽ tôi sẽ gục ngã mất. Tôi cố gắng để tiến tới cái ngày vinh quang nhất, gặt lấy cái hạnh phúc nhất về khoe với mẹ. Ðể tôi tự tin vì bản thân đã trưởng thành và nói với mọi người rằng đó chính là mẹ tôi. Tôi chỉ muốn vậy thôi. Tôi chỉ mong mọi người thừa nhận nỗi đau của mẹ tôi. Tôi muốn chứng minh những dị nghị của mọi người dành cho mẹ của tôi là sai lầm. Họ đã đổ tội oan cho một con người.

Ðến nay, khi đã trưởng thành, tôi có thể bảo vệ ý kiến của mình thì cũng có nghĩa là tôi đã sẵn sàng nói với bố mẹ. Rằng tôi đã biết cách đây gần mười năm, khi tôi ở độ tuổi ương ngạnh và dễ dàng có những hành động bốc đồng sai lầm. Nhưng tôi đã vượt qua được, bởi trong tôi có người đàn bà với chiếc xe bánh mì chờ tôi mỗi sáng. Vì thế, tôi muốn được bù đắp lại cho mẹ tất cả. Tôi muốn được công bố trước mọi người là tôi chính là đứa con trai của mẹ, đứa con mà ai cũng nghĩ bị chết ngay sau khi sinh ra.

Nhưng tôi vừa kịp nhận ra rằng phía dưới con mương ấy, ngọn đèn điện đỏ quạch vẫn sáng mỗi tối. Mẹ vẫn chăm tới quét dọn và mở cửa ngôi nhà của mẹ tôi...

Nguyễn Thị Cẩm Thơ (Nhân dân)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu