A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðứa trẻ và người thầy

Nó gọi người đàn ông đó là thầy, theo nghĩa nào cũng đúng. Ông là thầy giáo và là cha nuôi. Ông không dạy nó ở trường học. Nhưng tất cả những gì sơ đẳng nhất mà con bé 13 tuổi mới bắt đầu được biết đến đều do người đàn ông ấy. Dẫu không còn sớm, nhưng quả thật việc học không bao giờ là quá muộn.

Khi ấy, nó là đứa bé gái 13 tuổi. Không giống những đứa trẻ khác, nó gầy còm và nhỏ bé hơn so với cái tuổi của mình. Ðầu nó đội cái mũ mầu vàng lem luốc. Bộ tóc rối loăn xoăn trùm xuống khuôn mặt có đôi mắt to và bết vào cái cổ khẳng khiu. Nó loẹt quẹt lê đôi dép chạy theo mời chào bất cứ người khách nào nó nhìn thấy. Trên tay nó là cái mẹt đựng đủ loại bật lửa, thuốc lá, kẹo cao-su, nước đóng chai, sổ tay... Những lúc mệt, nó ngồi ở một góc ghế đá công viên hay bậc thềm một vỉa hè nào đó, thở hì hụi. Một vài người thương tình đưa cho nó năm nghìn lẻ để lấy một phong kẹo cao-su. Hôm nay, có một người đàn ông mua một chai nước và cái bật lửa, trả nó 20 nghìn đồng và không lấy tiền trả lại. Niềm vui làm bước chân nó líu ríu cả lại. Nó không mua quà bánh hay cái gì cho mình mà chạy đến hiệu thuốc. Người bán thuốc quen mặt nhìn nó rồi đưa một cái túi. Nó trở về nhà. Căn nhà phía sau đường tàu, tối tăm và chẳng mấy người qua. Nó mang thuốc về cho mẹ. Có thuốc, mẹ nó không còn đau nữa. Mẹ nó bị bệnh, khắp người lở loét, cả nhà nồng nặc một thứ mùi hôi tanh. Bệnh mẹ nó đã nặng lắm rồi. Thứ thuốc nó mang về chỉ là thuốc giảm đau thông thường, chỉ đủ chống chọi lại với những cơn đau dai dẳng. Mẹ nó không có tiền để chạy chữa.

Người đàn bà ngồi trên cái giường cũ với tấm chiếu hoen ố và sờn mép, bung ra những sợi tua rua mầu nâu. Mái tóc muối tiêu lòa xòa che nửa khuôn mặt quắt gầy, hai hố mắt sâu và thâm đen lại. Trong cơn đau, không đủ sức quát tháo, bà rên rỉ chửi nó:

- Con ranh con, mày về muộn thế... Muốn tao chết phải không... Sao thân tao lại khổ thế này?...

Nó đến bên bàn, cầm cốc nước cho mẹ. Người đàn bà uống thuốc rồi nằm lịm đi. Không đau, bà có thể ngủ một lát. Nó đứng im nhìn mẹ nằm trên giường. Một đoàn tàu đi ngang qua làm cho căn nhà của nó rung lên, cốc nước để trên bàn kêu lạch cạch, gợn lên những làn sóng nhỏ tí hình tròn.

Nó không phải là con đẻ của người đàn bà làm nghề thu lượm rác này. Hơn chục năm trước, bà đi bới nhặt phế liệu đã nhặt được nó bị bỏ lại giữa một mớ chăn vải dưới gốc cây. Bà mang nó về nuôi. Một người đàn bà đã ngoài 40 tuổi và một đứa trẻ sống trong một ngôi nhà phía sau đường tàu này đã hơn chục năm. Nó lớn lên từ những cái lon bia, đống giấy bỏ và những thứ phế liệu khác mà mẹ nó nhặt hay đi khắp phố thu mua để đem bán. Nó biết điều đó. Mẹ nó đã nhiều lần nói với nó, nó chỉ là con nuôi, là con nhặt được... trong những lần mẹ nó bực dọc, mệt mỏi hay chửi bới nó. Nó vẫn dính lấy bà như con gà con gặp trời mưa núp dưới cánh mẹ. Nó quen với sự cáu gắt và chửi bới của bà. Với nó, đấy là một cách mà mẹ nói chuyện với nó.

Buổi tối mùa hè đè nặng lên ngôi nhà nhỏ bé, ngột ngạt. Người mẹ rên rỉ trở qua trở lại trên giường. Thuốc giảm đau hôm nay trở nên nhờn, không còn tác dụng. Sự nóng nực càng làm tăng lên nỗi đau đớn, khó chịu. Nó ngồi cạnh, lặng đi vì không biết phải làm sao. Nó sợ mẹ sẽ chết. Cả đêm đó hai mẹ con không thể ngủ.

Cả dãy phố người ta lảng tránh khi thấy một người đàn bà rách rưới, bẩn thỉu và lở loét đi ngang qua. Người đàn bà cúi mặt khó khăn bước đi. Bà cố bước thật nhanh nhưng mỗi cái nhấc chân đều thật nặng nhọc và chậm chạp. "Làm ơn hãy giúp con tôi. Nó mười ba tuổi và có thể làm được nhiều thứ. Nhận nuôi nó, nó có thể làm được rất nhiều việc... ". Không ai muốn nhận đứa con của một người đàn bà bệnh tật như thế, kể cả làm người giúp việc. Người đàn bà ngồi bệt xuống một góc khuất, hơi thở đứt quãng và nặng nề, cả thân thể đau nhói. Mặt trời trong buổi hoàng hôn sắp tắt đỏ quạnh lên. Những con dơi nhỏ vụt bay qua bầu trời đỏ sau những đường dây điện chằng chịt. Người đàn bà cảm thấy hơi thở đang cạn kiệt, sức lực đang rời bỏ mình mà đi. Khi đối diện và gần kề với cái chết, kỳ lạ thay con người ta không hề thấy sợ, dù là bóng tối hay bất cứ điều gì đến với mình sau khi nhắm mắt lại mà mình không hề nhận biết được nữa... Ðiều đáng sợ là còn có điều gì đó mà mình chưa thể hoàn thành, nó day dứt đau đớn và chưa cho phép người ta có thể ra đi. Làn gió mùa hè dịu mát cuối chiều làm sự đau đớn trong người đàn bà như dịu đi một chút. Bà trở về nhà.

Sáng nay, nó sửa soạn lại những chai nước, những món hàng còm cõi của mình chuẩn bị cho một ngày lang thang khắp các con phố. Vẫn mái tóc bị mồ hôi làm bết lại. Trời trở nắng gay gắt. Người đàn ông hôm nọ nó gặp ở công viên đang quét dọn, bày biện hàng hóa. Những chai lọ, hàng tạp hóa được sắp xếp ngay ngắn. Ông vẫn mặc bộ đồ tập dưỡng sinh ở nhà. Nó cứ đứng nhìn người đàn ông, không phải như cách trông đợi để lại được mua hàng. Người đàn ông già ấy có gì đó thu hút sự chú ý của nó. Người đàn ông ngẩng mặt lên và bắt gặp đứa trẻ. Ông mỉm cười với nó và vẫy nó lại. Nó không có tính rụt rè như những đứa trẻ khác, những ngày tháng bán hàng dọc các con phố làm nó dạn dĩ và tự nhiên. Nó ôm cái mẹt đi lại phía người đàn ông.

Ông hỏi nó về gia đình, nhà cửa. Một đứa trẻ quá nhỏ để bước vào cuộc sống kiếm tiền. Cuộc đời nhiều khi thật tàn nhẫn và nhiều ngang trái. Từ sau hôm đó, mỗi lúc đi bán hàng qua hay nghỉ chân, nó thường ghé vào hàng tạp hóa của ông. Ðôi lúc, nó giúp ông bán hàng, làm những việc vặt. Nó là một đứa trẻ rất nhanh nhẹn. Người đàn ông có một tình thương khó tả đối với đứa trẻ. Ông giữ nó lại ăn cơm trưa nhưng không bao giờ nó ở lại. Nó là một đứa trẻ biết giữ tự trọng và hơn thế nữa, mẹ nó đang đợi nó ở nhà. Nhiều khi, ông hỏi về mẹ nó, nhưng con bé chỉ im lặng, mặt cúi xuống hoặc nói sang chuyện khác. Ông cũng tránh không hỏi gì thêm. Có lẽ nó buồn nhiều.

Một buổi chiều ông đang chuẩn bị dọn hàng về, nó tìm ông, thẫn thờ và tái nhợt. Khuôn mặt nó đầy vẻ hoang mang, hoảng hốt. Nó không nói được gì, khóc òa thành tiếng. Cái dáng của nó như đổ nghiêng, bạt đi trong một buổi chiều đầy gió. Ông đi theo con bé. Căn nhà sau đường tàu tường rêu ẩm mốc và tối tăm; trên giường, một người đàn bà nằm bất động. Mái tóc xõa ra, và cái miệng hơi hé như vừa trải qua một sự giằng xé, đau đớn... Trên bàn, một bọc nhỏ bằng vải vẫn mở, trong đó là một ít tiền và một chiếc nhẫn vàng cũ kỹ. Ðó là tất cả những gì mà bà mẹ để lại cho đứa con trên thế gian này.

Mấy hôm sau một đám tang lặng lẽ do mình ông lo liệu. Người đàn ông đó quyết định đưa con bé về nhà. Một chiều muộn nhá nhem tối, ông dắt tay nó đến trước mặt vợ. Con bé tròn xoe đôi mắt ngơ ngác và bàng hoàng như một con thú nhỏ bị lạc khỏi rừng. Các con ông đã có gia đình hết, nhà chỉ còn hai vợ chồng ông với nhau. "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", giúp đỡ được ai đó coi như tích đức còn hơn hằng ngày đi chùa tụng kinh niệm Phật. Vợ ông lặng lẽ mua quần áo, những vật dụng cần thiết cho con bé. Mẹ nó có để lại cho nó ít tiền, ông bà cũng không bao giờ động đến, để cho nó sau này. Ông nhận nó làm con nuôi. Từ hôm đó, ông dạy nó chữ. Hằng ngày, nó không đi bán hàng rong nữa mà được ông đưa ra cửa hàng. Nó được ông dạy về tất cả, về cuộc sống mà mẹ nó chưa một lần nhắc nhở - những khái niệm mà người đàn bà thương con nhưng ít học không bao giờ nghĩ tới. Trong cuộc sống này, một đứa trẻ như nó cần những gì và như thế nào để có thể tồn tại, ông đều dạy nó. Ông không quá bao bọc mà dạy nó tính tự lập. Nó học về cách làm người, về cách tồn tại trong cuộc sống. Ông biết, ông không thể ở bên nó mãi, tất cả những gì ông có thể làm là nâng cho nó những bước đầu tiên, vậy thôi. Nó nhớ mẹ, nhớ căn nhà nhỏ phía sau đường tàu. Nỗi nhớ của một đứa trẻ thật khó gọi thành tên. Ông nói với nó:

- Cuộc sống không dừng lại ở ngày hôm qua và những gì đã qua. Cuộc sống là ở trước mặt. Quá khứ nếu hạnh phúc và có thể làm điểm tựa thì hãy giữ lại nó, còn những quá khứ đau buồn, hãy bỏ qua. Tất cả mọi người đều phải tiếp tục cuộc sống của mình. Con có hiểu không?

Khuôn mặt ông nhìn nó, khuôn mặt với những nét nhăn khắc sâu vết thời gian và những kinh nghiệm ở đời. Lần đầu tiên nó có cha, người cha đã dạy nó tất cả về cuộc sống này. Năm năm sau ông mất. Nó vào nam bắt đầu cuộc sống tự lập.


***


Chị đứng trước ngôi mộ quét vôi trắng, chung quanh, những chùm hoa mẫu đơn đỏ rực khẽ lay động. Làn khói hương mờ bay lên, tan dần vào nắng. Người phụ nữ gần 40 tuổi này đã có tất cả những gì mà mọi người phụ nữ mơ ước. Là chủ của chuỗi cửa hàng bách hóa tư nhân lớn ở một đô thị lớn, quản lý một đội ngũ nhân viên kinh doanh năng động và đem lại mức doanh thu đáng khâm phục. Tất cả bắt đầu từ hai bàn tay trắng, từ những chuyến xe bán quần áo, hàng tạp hóa rong của con bé một mình vào miền nam hàng chục năm trước. Người phụ nữ đẹp quý phái, đôi mắt nheo hơi cười quay lại nhìn tôi.

- Ðã lâu lắm rồi, từ khi vợ của thầy mất, chị không trở về đây. Mọi thứ thay đổi nhanh quá.

Tôi cười hỏi chị:

- Sao chị không đi cùng gia đình?

- Còn công việc và học hành của mấy đứa nhỏ nữa, mình chị đi là được rồi.

- Sao chị không gọi người đàn ông ấy là cha?

- Là thầy, có nghĩa là cha, và nó còn nhiều ý nghĩa nữa em ạ.

Chị cười, ánh mắt xa xăm... Cuộc đời chị là một câu chuyện có hậu. Nhưng tất cả là nỗ lực. Và sẽ càng có ý nghĩa hơn khi trong mỗi nỗ lực ấy có hình ảnh của một ai đó. Với chị, người đàn ông đó chính là người đã tạo nên những thành công hiện tại của chị.

Nắng cuối hè vương vất trên những ngọn cây, lóe lên những tia vàng mỏng manh. Khu nghĩa trang trong buổi chiều như trầm mặc hơn...
 

Nguyễn Thị Loan (Nhân dân)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu