A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không thất vọng

(...) Nhưng mà thôi, cố chịu. Già rồi còn bỏ nhau, con cái bạn bè tha hồ mà cười. Cô nghĩ ngợi, cố quên hẳn chuyện mỗi đêm...

Cô vừa ở tòa án về. Ôi, nhẹ nợ. Thế là cuối cùng mình cũng bỏ được ông chồng thối tha coi mình như con ở.



Minh hoạ Công Quốc Hà 

Nhưng thú thật, dù sao cũng buồn. Có lão, cô cũng từng đôi lần hạnh phúc. Trước khi cưới, lão đưa đón cô rất nhiệt tình. Có hôm, cơ quan đi tham quan xa, tập trung từ 5h sáng, cô bảo anh không cần dậy sớm, để em đi xe ôm, thế mà lúc 4h30', mở cửa, cô đã thấy lão đứng chờ rồi. Hôm khác, lão tình nguyện đưa cô đi hơn 40km đến một trang trại xa gặp bạn bè hồi phổ thông, cũng có thể lão không muốn một bạn trai khác cho cô ngồi sau xe. Nhưng dù sao hôm ấy cũng rất vui… Chỉ có điều, sau khi cưới, lão tuyên bố trắng trợn, đổi ngay cách xưng hô:

- Nói cho cô biết, là thằng đàn ông, chỉ cần làm tốt chuyện ấy là được. Tôi thì khỏi phải bàn, rồi cô sẽ biết. Còn mọi chuyện khác, bất cứ chuyện gì, cô phải lo hết. Lương tôi hai triệu một tháng, tôi đưa cô triệu rưởi, tức là đưa tất, chỉ còn tiền xăng xe với để tôi mua thuốc hút, thế là xong. Đừng có bao giờ hỏi tôi chuyện tiền nong nữa, nghe chưa?

Cô rụt rè hỏi ông chồng mới cưới:

- Thế còn giỗ tết, cưới xin, ốm đau, bạn bè khách khứa thì sao?

- Đã bảo không biết, cô muốn ăn tiêu thế nào mặc cô. Cứ đi mà hỏi xem có thằng chồng nào đưa hết lương cho vợ như tôi không, thì  khắc biết.

Đó là hôm đầu tiên về ở với nhau, cô cứ nghĩ, có thể anh ấy dọa mình chơi, kiểu đùa ác chút thôi. Và cô công nhận, về "khoản ấy", lão làm quá tốt, khiến hôm sau, cô cứ mong cho trời nhanh tối…

Một lần khác, cô lại muốn thử. Sau khi trả tiền điện và điện thoại, hết hơn 500 ngàn, vì hai vợ chồng thường bật điều hòa suốt đêm, đôi khi cả ban ngày, cô mang cái hóa đơn vào đưa cho chồng, giọng tâm tình:

- Anh xem này, nhiều tiền quá anh ạ.

Lão đang lơ mơ ngủ trên ghế, phẩy tay:

- Đã bảo chuyện của cô, tôi không biết!

Một hôm, cô đang ngồi làm việc trên gác, lão lên, ngọt ngào:

- Em xuống nhà chào con đi, nó vừa đến đấy.

Cô ngẩng lên, ngạc nhiên, thằng con vợ trước của lão, sao cô lại phải xuống chào? Lẽ ra nó phải lên chào cô chứ. Nhưng không muốn cãi nhau, cô lẳng lặng xuống nhà, tươi cười:

- Cháu vừa đến hả, ngồi chơi với bố nhé, cô lên thăm mẹ cô một lát.

Chồng cô bỗng thay đổi thái độ, quát:

- Sao ngu thế hả, đi đâu? Pha ấm nước cho bố con tôi đã chứ.

Cô đã định quát lại, có anh ngu thì có, con anh chứ có phải mẹ anh đâu mà bắt tôi hầu. Nhưng cô im lặng pha nước rồi đi. Đã định đi một mạch về với mẹ, kệ  cha con lão, vậy mà đến chiều, cô lại lò mò đi chợ rồi về nấu cơm. Mở mâm ra, lão khoắng vào bát canh, giơ lên một miếng thịt thăn thái mỏng rồi lườm vợ:

- Ngần ấy tuổi đầu rồi mà không biết là canh rau ngót thì không ai nấu với thịt nạc, mà phải nấu với giò sống kia, ngu quá thể.

Cô đã định hất tung mâm cơm vào mặt lão, nhưng rồi không hiểu sao cô lại nhỏ nhẹ:

- Em biết chứ, nhưng vì bây giờ người ta hay cho hàn the vào giò sống nên em nghĩ, nấu bằng thịt nạc thì an toàn hơn...

Hôm khác, vừa cắn miếng thịt, lão lè ra:

- Cà chua đâu không cho vào, thịt mà cứ bã ra như rác thế này!

Tóm lại, cô nấu nướng thế nào, ngồi vào mâm, lão nhất định phải chê bằng được, mà cô cũng đã một đời chồng rồi, bên nhà chồng và bạn bè xưa nay vẫn khen cô nấu ăn ngon. Ôi, anh mất sớm bỏ lại em nhục nhã thế này, cô cố để không bật khóc.

Thế nhưng cô vẫn cứ ở lại. Đôi khi, cô tự hỏi mình, vì sao? Vì mình sợ mọi người cười chê ư? Có lẽ không phải. Hay là vì như lão nói, vì lão… quá hay trong chuyện ấy? Có lẽ cũng không phải. Chồng cô mất đã lâu, cô đâu phải người ham hố chuyện phòng the… Vậy thì vì cái gì? Chính cô lần chần không hiểu.

Và cô vẫn nhất mực muốn cải tạo quan hệ với chồng. Một hôm, cô kho cá, thái sẵn su hào cà rốt và ninh xương để đấy rồi dặn chồng:

- Nếu em về muộn, anh cắm giúp em nồi cơm điện. Em về, chỉ đun lại nồi xương, bỏ rau vào là ăn được ngay.

Lão ngẩng lên, mặt lạnh như đá:

- Cô có điên không đấy? Cô bỏ ngay cái thói nhờ chồng cơm nước đi nhớ. Nếu về muộn, sợ chồng đói, cô mua bánh về cho tôi ăn rồi nấu cơm, bao giờ xong thì lên mời tôi xuống ăn. Cái thói đàn bà sai chồng, cô học ở đâu đấy hả?

Đến đây thì cô chịu, biết là lấy phải ông chồng đang tưởng mình là... vua. Mà lão thì đã nghỉ hưu, cô còn đi làm, lương đã ngang nhau thì chớ, lão còn không bao giờ kiếm thêm đâu ra một đồng nào. Có cái nhà đang ở, thì lão đã sang tên cho con trước khi lấy cô. Cô đã bỏ qua tất cả, chỉ mong có hai người để cùng nhau san sẻ vui buồn. Vậy mà bây giờ, lão ngang nhiên coi cô như người hầu!

Nhưng mà thôi, cố chịu. Già rồi còn bỏ nhau, con cái bạn bè tha hồ mà cười. Cô nghĩ ngợi, cố quên hẳn chuyện mỗi đêm lão đã làm cô sung sướng biết bao…

Thế rồi, một hôm, cô em con bà dì lão đến chơi và ở lại ăn cơm. Cô hào hứng nấu nướng trong khi hai anh em lão ngồi trò chuyện. Cũng như anh, cô em mặc nhiên để chị dâu một mình nấu nướng, dọn ăn. Ăn xong, cô em cũng không hề đứng lên bê mâm bát đi rửa mà thản nhiên ngồi bổ quả dưa hấu chị dâu mới mua về. Hai anh em ngồi ăn và uống nước trong khi bà chị dâu, là cô, lúi húi rửa bát. Một lần nữa cô lại muốn hất tung bát đũa vào mặt hai anh em, nhưng cô đành bỏ qua, cầm cái đĩa sạch ra, vừa đặt xuống bàn vừa cười:

- Hai anh em ăn xong bỏ vỏ vào đây cho sạch, đừng vứt xuống sàn. Chị rửa bát xong sẽ ra ngay, em ăn xong có vội về thì cứ về nhé .

Một lần, dọn cơm ra, lão lại chê canh nấu nhạt, cô mỉm cười: "Hay là anh ra phố ăn ở quán nào nấu ngon ấy. Em cố mãi mà chỉ nấu được đến thế thôi. Anh biết không, anh thì ăn mặn, em lại ăn nhạt, anh bỏ thêm chút nước mắm vào không được à?". Thế là lão đứng lên, không ăn nữa. Cho đến mấy hôm sau, cô cứ nấu, và lão cứ không ăn. Chắc về nhà con, hoặc sang nhà cô em. Cứ thế một tuần liền, cô bèn bỏ về nhà mình, không bao giờ trở lại căn nhà có ông gia trưởng một cách kinh hoàng ấy nữa.

Thôi, chẳng nói nữa. Dù sao thì mình cũng có lỗi. Mình đã quá ham mê một chuyện rất… đàn bà, rất đáng xấu hổ. Bây giờ bỏ được lão rồi, cô thấy nhẹ cả người. Nhưng nói thế thôi, hôm nay, ngày tết, cô thấy sao mà trống trải, cô đơn. Giá mà có ai gọi điện, giá mà có ai đến tặng một cành đào… À, cô nhớ ra rồi, cô còn một người mà chắc chắn là khi nào cô gọi, anh cũng đến ngay. Đó là người yêu đầu tiên của cô, người mà cách đây hơn ba mươi năm đã lần đầu cầm tay cô, cùng cô đi dạo trên con đường thật đẹp mạn hồ Tây. Người chưa bao giờ dám hôn cô, chưa bao giờ cô yêu cầu chuyện gì mà anh ngần ngại. Cô đã lấy chồng trước khi anh cưới vợ. Khi chồng cô mất rồi, cô lấy chồng lần thứ hai, anh đều biết, và luôn dặn dò cô:

- Khi nào em cần gì cứ gọi, chỉ trừ lúc đi công việc xa, còn thì anh sẽ đến ngay. Chúng mình bây giờ con cái rồi, quý thương nhau là mãi mãi em ạ.

Trước hôm ra tòa ly dị, cô cũng gọi điện tâm sự với anh, anh thở dài:

- Nghĩ cho kỹ vào, mất cái này được cái khác em ạ.

Cô tin là anh hiểu mình, tôn trọng mình và có thể bỏ qua cho cô mọi lỗi lầm. Đã bao nhiêu năm nay, cứ sinh nhật cô là anh mang hoa đến, đi công tác đâu anh cũng viết thư rất dài cho cô với dòng chữ mở đầu "Em yêu quý" và kể đủ mọi chuyện  linh tinh. Ôi, vậy mà anh rất trân trọng cô, chưa bao giờ sàm sỡ… Anh, người yêu đầu tiên mãi mãi trong sáng và thân thiết của tuổi trẻ xa xưa… Mỉm cười, cô nhấc điện thoại gọi cho người yêu dấu

Anh đến ngay, nhưng chẳng có bông hoa nào trên tay như cô nghĩ. Hất hàm, anh hỏi:

- Bỏ chồng rồi hả?

Cô gật khẽ, cúi đầu. Thế là anh ôm chầm lấy cô, vật ra giường, cúi đầu xuống phía dưới chân cô. Kinh hãi vì quá bất ngờ, cô dùng hết sức, co chân đạp thẳng vào mặt anh. Anh phủi tay, lau mặt, đứng sững nhìn cô:

- Thế em muốn gì?

- Muốn không bao giờ nhìn thấy mặt anh nữa.

Anh lẳng lặng đi ra cửa, quay đầu lại, giọng mỉa mai:

- Hai đời chồng rồi, còn gì nữa mà ra vẻ trong trắng!

Cô không khóc được. Phải, cô còn gì để có thể rơi nước mắt đây. Cô nhìn vào gương và tự nhủ:

- Rồi mình còn gặp những thằng đàn ông khốn nạn coi vợ như con ở, coi bạn gái  như đồ chơi. Nhưng hãy đợi đấy, còn lâu các người mới chạm được vào tôi. Tôi không bao giờ để mất lòng tin, tôi không bao giờ thất vọng như các người tưởng đâu. Tôi nhất định sẽ tìm cho mình một người đàn ông xứng đáng. Tôi vẫn tin trên đời này còn có người thật sự xứng danh đàn ông!

Cô nghĩ thế rồi phá ra cười:

Ha ha, mình đúng là một dạng AQ của ông Lỗ Tấn bên Tàu rồi!

Phan Thị Thanh Nhàn


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu