A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người không có lỗi

Vậy là nàng đã ra đi, ra đi dứt khoát, không đếm xỉa đến những lời cầu xin của anh. Úp mặt vào hai lòng bàn tay, anh mệt mỏi gục xuống bàn, rồi lại ngẩng lên, đôi mắt thiếu ngủ đỏ ngầu nhìn chăm chắm ra phía cửa. Anh mong một điều ước, hay một phép màu làm cánh cửa mở ra. Nàng sẽ bước vào, sẽ lặng lẽ xuống bếp, ra vườn, loay hoay với thau đồ chưa giặt, loay hoay với bếp núc, nồi niêu... hay những công việc không tên khác. Khi đó anh lại có thể yên tâm ngồi vào bàn, cắm cúi viết và viết...

Nhưng phép màu chỉ tồn tại đâu đó trong giấc mơ, hay trong những trang sách. Ở đây, anh đang phải đối mặt với thực tại, một thực tại không có phép màu cứu vãn. Thực tại là cánh cửa vẫn đóng và nàng đã ra đi. Còn anh, anh đang ngồi ngẩn ra hết giờ này đến giờ khác, mắt trân trân nhìn cánh cửa, nhìn lên bức ảnh bán thân ngày cưới, nhìn những mẩu thuốc đầy ắp gạt tàn, vẻ mặt thất thần như một kẻ mộng du. Nàng vẫn thường bảo: "Anh ngố lắm. Bằng cấp như anh, người ta kiếm tiền ních túi, vợ con thành bà hoàng. Thiết gì cái danh mọt sách..." Ðúng thật. Nàng bao giờ cũng đúng. Những cuộc cãi vã, không, gọi chính xác là những cuộc xét xử, trong đó anh làm bị cáo và nàng là quan tòa, những lý lẽ, biện minh của anh đều bị nàng bẻ gãy. Anh thầm rủa bà mụ chơi ác. Bà mụ nặn ra anh biết viết mà không biết nói. Lúc ngồi một mình lý lẽ trong đầu cứ tuôn ào ào, nhưng khi đụng chuyện, mồm mép anh lại tắc tị, hỏng bét. Như lúc này chẳng hạn, anh đang tự mắng mình bằng đủ thứ từ ngữ tệ hại.

... Nàng bảo: "Tôi chán cảnh ở đợ không lương lắm rồi!". Anh yếu ớt: "Anh đang lo sự nghiệp...". Nàng gào lên: "Anh ở lại, cứ việc ôm lấy cái sự nghiệp ấy mà sống. Còn tôi, tôi cần chồng...". Anh hụt hẫng như vừa bước sẩy chân xuống vực. Nàng cần chồng? - Mèn ơi - thì chồng nàng, cái thằng đại ngố là anh đây, vẫn còn sống nhăn, vẫn hì hục viết, vẫn một năm "đẻ" sòn sòn vài ba đầu sách. Anh em văn giới ai cũng phải ớn, phải nể sức viết của anh, lẽ nào nàng lại không biết. Mỗi lần cầm trên tay một cuốn sách còn thơm mùi mực, anh sung sướng lắm, chẳng khác nào khi con bé con mới chào đời. Con người có sinh có tử, nghệ thuật mới chính là cái bất tử. Anh đang đầu tư tâm lực cho những trang viết bất tử. Tên tuổi anh sẽ bất tử. Tên tuổi nàng - cũng thế. Lẽ ra nàng phải biết ơn anh, phải lấy làm vinh dự khi được làm vợ anh... Thì cứ cho là bên cạnh những người nổi tiếng, vợ con chỉ là cái bóng, nhưng chắc chắn đó là những cái bóng vĩ đại. Ðược làm một cái bóng vĩ đại cũng hạnh phúc chán. Anh vốn tôn sùng những cái vĩ đại. Sao nàng chẳng chịu hiểu điều đó nhỉ? Nàng cứ ca cẩm anh về chuyện kinh tế túng bấn, thiếu hụt, phàn nàn anh về chuyện bỏ bê việc nhà, chuyện la cà bầu bạn, chuyện những trận say bí tỉ. Trời đất! Viết văn mà không đi đây đó, không giao lưu, không nghe nhìn... thì chỉ có nước viết... báo cáo. Còn rượu ư? Các cụ Lý Bạch, Tản Ðà, Nguyễn Bính ngày xưa, nếu không uống rượu tràn cung mây, có khi chỉ tương ra toàn những câu hò vè. Ðể làm một cái bóng vĩ đại, cũng phải có cái giá của nó chứ. Nàng cứ chịu khó mặc áo cũ, đi chiếc xe cà tàng thêm ít nữa... có sao đâu? Mái nhà dột ư? Chả có gì to chuyện, xứ này một năm chỉ mưa ba tháng, còn những chín tháng trời quang mây tạnh. Mà giả sử có mưa suốt năm thì cũng chả chết ai. Xưa nay thiên hạ chết vì đói khát, bệnh tật, bom đạn chiến tranh, chẳng nghe ai chết vì nhà dột. Anh đã từng cảm tác một bài thơ về chuyện nhà dột: "Giọt nước bất thần rơi xuống tâm linh. Rơi vào cốc rượu. Tư tưởng bắn vung thành bảy sắc cầu vồng...". Bầu bạn khoái chí tử, vỗ tay đôm đốp. Ai bảo rằng chuyện nhà dột không thơ? Hay như chuyện nợ nần chẳng hạn, thế giới này được xây dựng trên nền tảng của sự nợ nần. Ai mà chả nợ? Không nợ vật chất cũng nợ tinh thần. Những người giàu sang, những ông to bà lớn có khi càng lắm nợ. Giàu như nước Mỹ còn nợ tiền Liên hợp quốc, sá gì cái khoản nợ bèo nhèo dăm triệu của anh. Ấy là mới tính chuyện anh nợ người, chưa tính chuyện người nợ anh. Nợ đổi nợ, có khi anh phải đòi nợ toàn nhân loại. Văn chương là chuyện của cả nhân loại. Tư tưởng, tinh thần là một phạm trù vô giá, không thể tính bằng tiền bạc. Ðem cân đo đong đếm, dứt khoát anh phải là chủ nợ. Ðương nhiên, nàng - cái bóng vĩ đại - cũng phải là chủ nợ. Nàng còn đòi gì nữa?

Anh không hiểu, không thể hiểu. Có lẽ ngồi đến bạc tóc anh cũng không thể hiểu. Anh - con người chuyên sáng tạo, xử lý và phán quyết những số phận - nhưng những trang văn của anh chưa hề có tình huống tương tự, tình huống căn nhà trống hoác, cánh cửa khép chặt và nàng đã ra đi...



Vậy là chị đã dứt khoát, dứt khoát với những sợi dây vướng víu, lùng nhùng của sai lầm quá khứ. Chị - người thiếu phụ ba lăm tuổi - có học thức, nhan sắc không đến nỗi nào, chị sinh ra đâu phải chỉ để làm một thứ phục trang, hay một cái bệ phóng. Cái bệ, dù to lớn đến đâu vẫn chỉ là cái bệ. Không ai quan tâm đến cái bệ. Người ta chỉ quan tâm đến cái đặt trên bệ, cái đang chuẩn bị chắp cánh bay vụt lên bầu trời xa xăm kia. Ba lăm tuổi đời, dẫu muộn, nhưng chưa phải mọi sự đã chấm hết. Chị cần khẳng định, cần minh chứng cho sự tồn tại của mình, một cảm giác tồn tại tự thân, độc lập không cần bấu víu...

Công bằng mà nói, chị vẫn yêu anh, nhưng chị không yêu nổi cảnh sống với anh. Anh có học thức, và anh luôn cư xử như một người có học. Anh không là kẻ vũ phu, trái lại luôn nói năng nhỏ nhẹ và nhịn thua mỗi lúc chị to tiếng. Có lần, chị thử nặng lời xúc phạm, anh cứ im lặng xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ðiều ấy làm chị sôi tiết, thà anh cứ vũ phu, cứ nặng lời... có khi còn dễ chịu hơn. Trong những trận chiến gia đình, chị luôn là kẻ chiến thắng, một chiến thắng đầy cay đắng, bởi cuối cùng, bao giờ chị cũng nhận ra mình chỉ là kẻ chiến - thắng - thua - cuộc. Còn anh, anh mới đích thực là người thua - cuộc - chiến - thắng. Anh vĩ đại trong sự ngạo nghễ nhẫn nhục, không cần đếm xỉa đến chung quanh, từ tốn, bình thản đi đến mục đích - cái mục đích ngày xưa chị yêu và bây giờ chị căm thù...

Anh bảo: "Anh chỉ vì vợ con...". Chị cay độc: "Vì vợ con, hay vì bản thân anh?". Anh khổ sở: "Em hiểu cho anh...". Chị chua chát: "Hiểu anh à, rồi ai hiểu cho tôi?". Anh im lặng, im lặng vì không muốn tiếp tục cãi vã. Nhưng chị biết anh không hiểu. Anh không bao giờ hiểu nỗi khổ của người đàn bà khi thiếu tiền mua một hộp mỹ phẩm, hay phải mặc chiếc áo lỗi mốt ra đường. Chị - người đàn bà ba mươi lăm tuổi tràn đầy sinh lực - chị cũng cần phải được vui chơi, được quan tâm chăm sóc, sự chăm sóc chỉ tìm được từ tay người chồng hay người yêu. Chị không thể chỉ lầm lũi với những công việc nội trợ tẻ nhạt đến kinh người. Chị không thể cứ thức suốt đêm vò võ chờ anh xong công việc, những công việc kéo dài đến nửa đêm hay hai ba giờ sáng. Và kết cục, chị chỉ còn mỗi việc ngán ngẩm nhìn anh lăn đùng ra giường ngủ say như chết...

Bạn bè bảo: "Chồng mày nổi tiếng như cồn, sướng nhé!". Chị cười như mếu: "Vâng! sướng...". "Không đúng sao? Làm gì mặt như đưa đám thế?". Chị muốn hét to vào mặt chúng: "Còn tệ hơn đưa đám ấy chứ! Người đưa đám chỉ khổ một ngày, một tuần, một tháng, hay một năm. Còn tao, tao đã khổ mười năm, và còn khổ không biết đến bao giờ...".

Cạnh nhà, bên trái là nhà một đôi vợ chồng lao động. Bà vợ chạy chợ, ông chồng đạp xích-lô. Sáng, ông lụi cụi dậy sớm, chở vợ ra chợ trước khi đi làm. Trưa, đến đón về, dứt khoát không cho đi bộ. Chủ nhật, thỉnh thoảng vợ chồng con cái lại chất nhau lên xe đi chơi công viên ăn phở hay hát ka-ra-ô-kê. Họa hoằn họ cũng choảng nhau, nhưng liền sau đó lại huề, anh anh, em em loạn cả lên. Hôm qua, thấy bà vợ mặc chiếc váy mới. Chị hỏi, bà tươi cười khoe: "Ông xã chị mới tặng ngày 8-3...". Chị giật mình. Từ lâu, chị quên mình là phụ nữ. Chị không còn ý niệm gì về cái ngày dành cho tất cả mọi người phụ nữ.

Hình như có một đôi mắt đang nhìn chị. Lạ lắm. Ðôi mắt cháy rực một niềm khao khát. Chị đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt ấy như đang đọc niềm khát khao của chính mình. Những cuộc gặp gỡ tình cờ như một sự xếp đặt. Những món quà nho nhỏ, những lời khen nhẹ nhàng... Và đóa hồng nhung trao tay vào một buổi chiều nơi góc quán, nơi có những giọt cà-phê chảy chậm và tiếng hát trầm buồn: "cô đơn, cô đơn nỗi đau, cõi lòng lạc lõng như vô tình...". Ðiều ấy anh không biết, không bao giờ biết...

Mẹ chị thường bảo: "Phận gái mười hai bến nước. Trong nhờ, đục chịu...". Ðó là chuyện thời xưa, chuyện rất xưa. Cái thời ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ là thời của anh chị, thời của những con người trí thức...



Bé không thể hiểu nổi bố mẹ. Quả tình, có lúc bé rất tự hào về bố mẹ. Ra đường ai cũng khen bố mẹ đẹp đôi. Ðến trường bọn bạn bè thèm muốn, ghen tị vì bé có bố nổi tiếng. Chúng luôn mồm bảo: "Nhất mày đấy!". Kể cũng sướng thật. Nhưng cái sướng ấy vụt tắt ngấm khi về đến nhà, khi nhìn thấy bố đi biền biệt, khi nhìn thấy bố lảo đảo trong cơn say, nôn thốc tháo ra sàn, khi nhìn mặt mẹ cũng nào cũng âm thầm, cau có... Còn nữa, còn những trận cãi vã. Hình như bố mẹ chỉ rình cơ hội để cãi vã, cãi vã chỉ vì lý do rất không đâu, còn trẻ con hơn bọn trẻ con như bé...

Bé học giỏi văn nhất lớp. Cô giáo bảo bé giống bố, thừa hưởng "gen" bố. Bé có vẻ hài lòng với điều ấy. Nhưng còn mẹ, xem ra mẹ chẳng vui vẻ gì. Có lần, được điểm 10 tập làm văn, bé hý hửng khoe với mẹ. Mẹ cau mặt gắt: "Lại văn, văn... giỏi văn cho lắm vào rồi ăn cám con ạ!". Bé gân cổ: "Bố cũng là nhà văn, nhưng nhà mình vẫn ăn cơm, có ăn cám đâu?". Mẹ dài giọng: "Chưa đến lúc đấy thôi...". Ðem chuyện hỏi bố, bố cười: "Mẹ đùa đấy mà!". Nhưng bé biết mẹ không đùa. Không ai có thể đùa với một bộ mặt cau có như thế.

Bố bảo bé cố gắng đọc, viết, viết nhiều hơn nữa để phát triển khả năng văn chương. Thú thật, bé cũng muốn làm nhà văn nhưng bé nhớ đến lời phán của mẹ. Nếu đúng như lời mẹ nói, có lẽ bé phải bỏ giấc mộng làm nhà văn.

Chưa bao giờ bé thấy mẹ đọc sách bố. Thỉnh thoảng bố có chìa ra một cuốn, mẹ cũng xua tay, lắc đầu quầy quậy: "Thôi, thôi! lại chuyện mấy ông chồng nghiêm túc theo đuổi lý tưởng, chuyện mấy bà vợ đảm đang hy sinh vì sự nghiệp... Tôi còn lạ gì! Tốt nhất nhà xuất bản có trả đồng nào, anh đưa tiền cho tôi trả nợ...". Mặt bố ỉu xìu, nom thật tội nghiệp. Bé thì khác mẹ, bé thích đọc sách bố, những cuốn sách thiếu nhi bố viết về thế giới thần tiên, nơi mọi ước mơ đều có thể thỏa mãn bằng phép màu, nơi người tốt bao giờ cũng hạnh phúc, không có những ông bố say xỉn và những bà mẹ suốt ngày cau có...

"Có thế giới thần tiên không hở mẹ?". "Chuyện bịa, làm gì có!". "Có thế giới thần tiên không hả bố?". "Có đấy con ạ!". "Thế sao... ta lại không dọn nhà qua đấy ở, có hơn không?". "Thế giới thần tiên ở xa lắm, đi xe đến đó tốn nhiều tiền, bố không có tiền...".

Bé mong sao mình có nhiều tiền. Bé quyết định nhịn ăn sáng để dành đến khi nào có đủ tiền, bé sẽ đưa cả nhà đến xứ sở thần tiên. Trong suy nghĩ của bé, bố là người tốt, nơi ấy chắc bố mẹ sẽ hạnh phúc, sẽ không còn cãi vã nhau.

Nhưng từ giờ đến lúc ấy còn xa lắm. Khi mà bé chưa để dành đủ tiền cho một cuộc đi xe đến thế giới thần tiên thì bé đã bị mẹ lôi xềnh xệch ra khỏi nhà, mặc kệ những lời nài nỉ của bố. Thật tình bé thương bố lắm, nhưng bé sợ mẹ. Từ lâu, bé đã quen làm theo lệnh của mẹ. Bố ở lại một mình, ai đi chợ, nấu cơm, ai giặt đồ cho bố? Tội bố quá. Bé vừa đi vừa thút thít, đưa ống tay áo chùi nước mắt. Mẹ quát:

- Có im đi không? Muốn sống tử tế thì đi với mẹ. Mẹ hất tay bé ra - Mặc xác! Tao không thiết...

Bé đứng giữa đường, giẫm chân thình thịch gào lên:

- Không con muốn ở nhà với cả bố mẹ cơ...

Y Nguyên (Nhân Dân)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu