A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức họa cuối cùng

...Một luồng gió lạnh thổi qua cánh cửa như có người vụt chạy trốn vậy. Bà không thể khóc được nữa, mặc dù bà biết rằng đây là giây phút thăng hoa nhất và chính là hơi thở cuối cùng của ông... Bà nghẹn ngào cố nén tiếng khóc đang trào lên trong ngực mình, ôm ghì lấy chồng, không hay từ bức tranh cuối cùng ông thực hiện trước khi giã biệt cuộc đời, có người phụ nữ đang ngước đôi mắt trong veo nhìn bà. Người phụ nữ mang gương mặt trẻ trung nhưng mái đầu thì... bạc trắng!

Sự bỏ đi đột ngột của sinh viên Thanh Huyền làm Giáo sư Minh hụt hẫng khác thường. Ông đã phải xin phép nghỉ lên lớp mấy hôm nay bởi tâm trí không ổn định. Nhiều lúc ông đang nói bỗng ngưng lặng nhìn đâu đó qua cánh cửa sổ. Sinh viên ghé tai nhau thì thào:

- Đúng là kẻ thất tình.

Lại có tiếng nhỏ nhẹ:

- Ừ, thì khác gì khi cậu bị người yêu bỏ rơi.

- Đằng ấy chẳng thế à?

- Này, đừng nói nữa, tao cũng đang nẫu ruột đây này.

Thế là tiếng cười khúc khích lại vang lên làm động lòng Giáo sư Minh. Ông nghe thấy tất cả. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, ông da diết nhớ về cô học trò đáng yêu ấy. Những nét phấn lóng ngóng của ông như vẽ lên bảng những dấu khuyên của trái tim chứ không còn là những nét chữ tròn và gọn gàng bấy lâu nay quen thuộc với cánh học trò. Ông run rẩy khi nhìn tới chỗ ngồi trống vắng bóng dáng Thanh Huyền. Ông đứng lặng trước hàng trăm con mắt đang hướng tới và bày tỏ lời xin lỗi vì lý do sức khỏe, phải khất bài giảng quan trọng của mình vào dịp khác.

Cả lớp tản ra ngoài hành lang. Một số bạn trẻ tỏ ra khó chịu với sự bi lụy của vị giáo sư. Nhưng nhiều bạn nữ lại xúc động vì mối tình sét đánh ấy giữa Giáo sư Minh và Thanh Huyền.

- Trời! Tôi chỉ mong người yêu tôi có được một nửa sự đam mê của thầy Minh.

- Sao thế? Muốn có mối tình sét đánh hả.

- Ai được như cái Huyền chứ?

Có đứa tặc lưỡi:

- Tại cái duyên cái số cả đấy. Ông ta đã ngoài năm mươi. Còn cái Huyền mới bước sang tuổi hai ba. Chả cái số là gì?

Có đứa ồ lên:

- Ừ, thảo nào, cả hai một già một trẻ làm gì có sự đồng cảm trong sáng tác tuyệt vời đến thế nếu không có tình yêu. Đúng là cái duyên cái số trời cho chẳng sai.

Các bạn trẻ chuyển sang đề tài bàn tán về phòng tranh của thầy Minh với cô học trò yêu Thanh Huyền. Có người còn khẳng định:

- Còn lâu chúng ta mới có dịp gặp lại những bức tranh kỳ lạ như vậy. Đó là những bản tình ca về cõi yêu bất tử.

*

Chẳng biết Giáo sư Minh ngồi im lặng ở phòng vẽ bao lâu rồi. Ông hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Ông đóng cửa và yêu cầu người nhà hãy để cho ông yên tĩnh. Ban đầu ai cũng nghĩ là ông tập trung để vẽ, chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh toàn quốc sắp tới. Nhưng đến khi ông chểnh mảng chuyện ăn uống thì người quan tâm đầu tiên tới ông là bà Hạnh, vợ ông. Bà để ý đến thái độ trầm lặng, hay nén tiếng thở dài trong đêm của ông. Thi thoảng bà chợt nghĩ, hay chính mình đã trở thành nguyên nhân gây nên sự suy sụp tinh thần của người chồng. Có thể bà là một chiếc "barie" già nua cản trở bước tiến và sự tự do của chồng. Nhưng cuối cùng, bà cũng phải tự nhận ra rằng, chưa bao giờ mình nhắc đến - chứ chưa nói là lên án - mối tình sét đánh của chồng. Bà cứ im lặng trong khi đọc được mọi diễn biến về tình cảm của chồng. Bà tôn trọng sự sáng tạo của hai người. Bà tin, mọi trật tự của gia đình sẽ trở về sau sự xáo trộn bất thường. Bao giờ chả vậy. Cuộc sống nửa thế kỷ trôi qua đã làm cho bà trở nên lịch lãm và biết im lặng. Ngay cả bức thư xin lỗi của cô sinh viên Thanh Huyền cũng vậy.  Bà giấu không cho chồng biết Thanh Huyền đã gửi thư cho mình. Với tất cả mọi người trong gia đình, trừ bà, không ai biết chuyện gì đang xảy ra đối với Giáo sư Minh.

Nhưng đến nay, sự chia tay đơn phương của Thanh Huyền với sự im bặt không một lời từ biệt, như một cuộc chạy trốn đã làm Giáo sư Minh hụt hẫng. Khi bà Hạnh vào phòng vẽ, bà giật mình nhận thấy khắp nơi mạng nhện giăng đầy. Tấm voan dựng trên giá đã hai tháng nay bị bụi phủ vàng như lên mốc vậy. Khói thuốc nghi ngút lan tỏa u ám, bà  kêu lên:

- Anh cần giữ gìn sức khỏe.

 Nói rồi, bà bước đến ngồi lên chiếc ghế đệm da đối diện chồng. Đôi mắt hiền từ của bà  làm Giáo sư Minh chợt tỉnh và cảm thấy ngượng ngập. Bà chậm rãi nói:

- Anh đang có điều gì buồn bực trong lòng?

 Ông ngước nhìn bà với ánh mắt chân thành, tỏ ý thú nhận. Bà nhìn ông âu yếm, khẽ khàng hỏi:

- Em có lỗi gì trong chuyện này không?

Giáo sư Minh buồn bã lắc đầu, rồi trầm giọng khẩn khoản:

- Cứ để anh yên. Cám ơn em!

 Bà Hạnh thở dài và bỗng thấy lúng túng trước không khí nặng trĩu trong phòng. Bà đi ra với nhiều ý nghĩ xáo trộn trong đầu. Bà có cảm giác như ngọn lửa sáng tạo của chồng mình đang tàn lụi. Bà lo sợ sự tiêu hủy của một bản ngã mãnh liệt ở người nghệ sĩ nơi ông đã từng được phát sáng bấy lâu nay. Sự lo sợ ấy làm bà dẫn tới một quyết định bất ngờ.

*

Một buổi chiều, sau khi từ giảng đường về, Giáo sư Minh trở lại với không gian của riêng mình để trầm tư mặc tưởng, miên man nhớ lại những điều ngọt ngào mà cô sinh viên Thanh Huyền đem lại cho mình. Chính tình yêu ấy đã làm ông sống lại với không khí bừng sôi của tuổi trẻ. Những hình tượng đẹp về thiên nhiên cứ ồ ạt hiện lên một cách nồng nhiệt trước mắt ông. Những giây phút lãng mạn nhất đã làm ông say mê sáng tạo bằng những đường nét thanh tao và màu sắc tươi rói đầy ắp niềm vui sống. Ngay những lúc gối đầu lên cánh tay nõn nà của Thanh Huyền, ông cũng phát hiện ra những nỗi niềm bay bổng tiềm ẩn trong giai điệu mộc mạc của cỏ cây, hoa lá. Những nụ hôn nồng nàn của tuổi trẻ đã ban tặng cho ông bởi niềm hân hoan sáng tạo. Thanh Huyền là thế, mỏng manh như ánh sáng và líu lo như chim sáo vây quanh ông…

Bất chợt có tiếng gõ cửa làm Giáo sư Minh giật mình thoát khỏi những phút giây kỷ niệm. Bà Hạnh nhẹ nhàng đến bên:

- Anh có thư!

Bà trao phong thư tận tay ông rồi lặng lẽ lui ra:

- Thư của Thanh Huyền?

Giáo sư Minh bất ngờ thốt lên và vội vàng xé phong bì. Ông run lên khi gặp lại nét chữ thân quen của cô học trò đáng yêu này. Ông đeo kính và nhìn những dòng chữ đang lung linh hiện lên:

"Anh thân yêu!

Xin anh thứ lỗi cho sự ra đi của em. Bởi em thấy xấu hổ và bất lực trước tình yêu của mình. Anh có một gia đình yên ấm mà em và anh không thể vượt qua. Những lo toan về sự rạn vỡ mái ấm gia đình luôn luôn thường trực bên anh, chứng tỏ anh là một nhân cách đáng tôn trọng. Em là người có lỗi với anh và với mọi người trong gia đình. Cuộc chạy trốn của em là tất yếu. Xin anh tha thứ cho cô bé học trò cuồng dại ngày nào. Chỉ mong anh hãy lấy nghề nghiệp làm trọng. Sáng tác thật nhiều. Em cũng vậy. Và biết đâu sẽ có ngày anh và em, thầy và trò mình lại cùng bày chung một triển lãm trong một dịp không xa. Chỉ có làm như vậy, sáng tạo và sáng tạo mới là cách để chúng mình nhớ về nhau và sống với những kỷ niệm sâu sắc bên nhau.

Phương xa - ngày đầu năm

Kính chào người thầy đáng yêu của em

Thanh Huyền".

Bức thư làm Giáo sư Minh như bừng tỉnh cơn mê bấy lâu nay ông chìm đắm như một kẻ mộng du. Ông đọc đi đọc lại lá thư không địa chỉ rồi cất kỹ vào túi áo. Vậy là, mọi cái không mất đi như ông tưởng. Đâu đây, tình yêu vẫn gần gũi bên ông. Ngọn lửa cuộc sống như đang bắt đầu lóe sáng. Ông bật bản "Sônát ánh trăng" của Bettoven mà đã bao ngày lãng quên.

Bữa cơm chiều hôm đó, ông ăn rất ngon miệng. Thỉnh thoảng, ông còn nhìn vợ với vẻ lúng túng như muốn giấu điều gì đó đang rộn ràng trong lòng. Bà Hạnh chỉ mỉm cười, nhìn ông thật dịu dàng và chính bà cũng tỏ ra thật bình tĩnh vì cũng muốn giấu ông một niềm vui thầm kín… Từ đó, thỉnh thoảng ông lại nhận được thư của Thanh Huyền cùng sự khơi gợi về những kỷ niệm say đắm một thời…

Ông bắt đầu cầm cây cọ vẽ với sự phấn chấn rạo rực trong lòng. Suốt đêm, ông trăn trở với những màu sắc làm rối rít tâm can mình. Dần dần chúng được định hình lại, tươi tắn và duyên dáng làm sao. Những nét bút bay bổng nhưng vẫn khắc khoải nỗi chờ mong. Và bức tranh đầu tiên đã hình thành, một cánh chim bơ vơ lạc đàn, nhưng đang được hoa lá cỏ cây che chở. Và những ngọn rơm vàng rộm từ bàn tay ai đó khoanh lại ấm áp dưới chân con vật đáng thương kia. Một tâm trạng xót thương nhớ nhung đến thảng thốt làm xao xuyến lòng người. Ông run rẩy đề tên cho bức tranh "Nỗi em".

Từ đó, phòng tranh của Giáo sư Minh đã sáng bừng sức sống với muôn ngàn màu sắc thấm đẫm hơi thở tình yêu. Phải nói rằng ông vẽ như lên đồng. Ngồn ngộn những hình tượng, màu sắc và suối cảm xúc dâng trào. Vừa vẽ ông vừa nhớ lại làn tóc mơ màng của người đẹp trẻ trung đang nhẹ nhàng bay trước làn gió. Có lúc đang vẽ, ông chợt ngây mặt dừng tay khi nhớ về hơi thở ấm áp hồi hộp trên gò má khô gầy của mình. Rồi có lần  khi bản Sônát lên tới cao trào thì ông gục đổ trong cơn mê sảng. Vào một đêm, ông lên cơn sốt li bì.

Thật lạ lùng sao, đúng vào cái đêm ấy, ông lại nhận được một lá thư nữa của Thanh Huyền. Những lời lẽ chan chứa tình yêu thương của người đẹp lại làm con tim ông rạo rực. Cơn sốt qua mau, ông lại căng toan phết màu. Lại thâu đêm suốt sáng. Dường như, những giây phút êm đềm Thanh Huyền luôn luôn hiện về cùng ông. Vẽ cùng ông. Trò chuyện với ông về màu sắc, về đường nét. Lại cười, lại khóc và quấn quýt bên nhau. Ông say sưa vẽ và sống như bị ma ám. Bà Hạnh luôn luôn thức cùng ông những đêm trắng. Bà biết lắm chứ, khi con sóng của cảm xúc trào dâng. Người họa sĩ  vẽ như thế nào cũng không vừa ý. Bản thân bà cũng từng là một họa sĩ nghiệp dư nên rất hiểu điều này. Bà khuyên bảo ông thế nào cũng không được nữa.

Lần này thì ông lịm đi trong chiếc ghế bành bằng song. Người ông cứng đơ. Bà Hạnh gỡ mãi những ngón tay ông mới lấy được cây bút lông, rồi dìu ông lên giường. Bà xoa dầu khắp lưng ông, rồi đắp lên tấm thân khô héo ấy một cái chăn mỏng. Người ông ấm dần và tiếng ngáy đều đặn nghe rền trong giấc ngủ sâu.

Bà Hạnh lặng lẽ vào phòng vẽ dọn dẹp những thứ mà ông quăng vứt khắp nơi. Nhiều cây bút đã bị ông bẻ gãy mỗi khi phát hiện ra một bố cục mới lạ. Bà treo cẩn thận những bức tranh vẽ chân dung Thanh Huyền vào cái giá trên tường. Bà muốn tất cả những hình ảnh này, với cái tiêu đề nồng nhiệt và cháy bỏng tâm hồn ông, được dăng lên bốn bức tường. Hãy để nơi nào ông cũng có góc nhìn những ánh mắt u hoài nhớ mong của Thanh Huyền.

Nhìn ánh mắt rạo rực sức sống của chồng, bà Hạnh biết rằng, những đêm ấy, ông luôn luôn sống với hình ảnh Thanh Huyền trong tưởng tượng. Tâm hồn ông còn trẻ lắm. Đúng là tình yêu không có tuổi. Hay như bà đã cảm nhận qua các tác phẩm của ông, đó là sự thanh xuân bất tử.

Bà nhìn những nét bút run rẩy khi ông đề tên cho hàng loạt tác phẩm với một tiêu đề chính. Đó là những "Nỗi em", "Khát khao" và "Nồng nàn". Nhưng bà lại có cảm giác rằng ông đã dần dần quá xa xôi với bà. Bởi lẽ tình cảm của ông đã siêu thoát với hình tượng người thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp. Bà bỗng dừng lại giữa bức tranh con sông lớn đang tuôn trào. Những làn sóng tình cảm của người chồng thân yêu ấy đang cuồn cuộn chảy ra biển khơi. Mỗi lúc một xa.

Đến lúc này bà bỗng thảng thốt với cảm giác đã mất hẳn ông và bà cũng tự oán trách mình khi nghĩ ra cái phương thuốc chữa bệnh tinh thần trầm uất cho ông bằng mẹo viết những lá thư đứng tên Thanh Huyền gửi cho chồng mình. Bà nhủ thầm:

- Thì ra, cả đời vẽ của mình cũng chỉ làm nổi mỗi việc là bắt chước nét chữ của người khác để viết thư hộ cho người ta.

 Bà Hạnh loay hoay xếp lại bức vẽ thứ năm mươi còn dở dang của ông. Đó là những giọt nước mắt nồng ấm đang trào ra từ những chiếc lá vàng. Bà hiểu rằng ông đang khóc cho mối tình của mình. Một giọt còn đọng trên hình tượng chiếc lá như con mắt già nua kia làm bà như người mất hồn. Đúng lúc đó có tiếng kẹt cửa. Bà quay lại thì thấy chồng đang đắm đắm nhìn mình. Bất chợt ông kêu lên:

- Trời! Sao tóc em lại bạc trắng hết cả thế này.

Thì ra đến lúc này ông mới chú ý tới bà. Trước mắt ông, bà Hạnh đã già khọm như một bà cụ nhỏ bé lọt thỏm giữa phòng tranh với mái tóc bạc trắng. Ông khóc rưng rức như một đứa trẻ vậy. Bà Hạnh rùng mình thấy gai hết chân tóc. Bà biết, mình đã "xuống dốc" nhiều rồi. Không chỉ mái tóc bạc thôi đâu, mà gương mặt hiền hậu của bà cũng đã đan dày những nếp nhăn hằn sâu trên trán.

 Nhưng để giấu đi những nỗi buồn dâng trào lên mi mắt, bà Hạnh cố gượng cười, vỗ nhẹ vào lưng chồng:

- Dào ôi! Thì cũng đã đến tuổi rồi còn gì. Mà anh vẫn còn đang mệt đấy. Nghỉ thôi anh ạ!

- Không! Anh muốn hoàn thành nốt bức tranh đang vẽ dở. Đừng ngăn anh trong lúc này.

Nói rồi, Giáo sư Minh nhanh tay căng lại tấm toan. Bà Hạnh cố nén lòng mình, lặng lẽ bật máy mở CD nhạc Bettoven để ông nghe. Ông kỳ cạch pha màu và cầm lấy cây cọ đang nóng hổi với những ý nghĩ chất chứa trong đầu. Có lẽ lại một đêm trắng sẽ trôi qua.

Lúc này ánh trăng vằng vặc của đêm rằm đang soi tỏ trước hiên nhà. Bà Hạnh lặng lẽ đổ đầy phích nước sôi để pha trà cho chồng. Không thể nào chợp mắt được, Giáo sư Minh không biết được rằng bấy lâu nay bà đã thức trắng bao đêm cùng ông. Và những lá thư tình cảm của Thanh Huyền kia, bà viết bằng tất cả tình yêu thực sự của mình bởi ông đáng yêu và đáng kính trọng biết nhường nào. Bà không muốn để ông suy sụp vì cô độc. Nỗi cô độc cay đắng khi mất những gì quan trọng nhất trong đời, đó là tình yêu và sự đồng điệu của tình yêu trong sáng tạo nghệ thuật. Điều đó giữa bà và ông không có.

Bà hiểu rằng Thanh Huyền là tình yêu, là tuổi trẻ của ông sống lại. Đó là một cuộc đời thứ hai, cuộc đời sáng tạo của ông đã được chắp cánh từ khi gặp Thanh Huyền. Bởi thế, những bức thư mà bà viết thay cho Thanh Huyền là một phương thuốc "cấp cứu" cho chồng bà trong những chuỗi ngày đau khổ còn lại. Nhưng đến khi ông càng say sưa làm việc, càng đam mê trong thế giới nghệ thuật - thế giới tình yêu thật sự của ông, thì bà lại trở nên cô độc và thấy như mất hẳn ông trong đời.

Bà Hạnh rưng rưng với những ý nghĩ rối loạn. Bà vừa đứng trước gương để nhìn lại mái tóc bạc trắng của mình thì nghe thấy có tiếng động mạnh trong phòng tranh. Bà hấp tấp đẩy cửa bước vào thì thấy chồng ngã vật trên chiếc ghế bành. Đầu ông ngoẹo sang bên trái. Dường như những giọt nước mắt của chiếc lá vàng trên tấm toan kia còn rơi xuống chân ông. Chiếc bút lông còn đang chảy những giọt màu xuống sàn. Một luồng gió lạnh thổi qua cánh cửa như có người vụt chạy trốn vậy. Bà không thể khóc được nữa, mặc dù bà biết rằng đây là giây phút thăng hoa nhất và chính là hơi thở cuối cùng của ông... Bà nghẹn ngào cố nén tiếng khóc đang trào lên trong ngực mình, ôm ghì lấy chồng, không hay từ bức tranh cuối cùng ông thực hiện trước khi giã biệt cuộc đời, có người phụ nữ đang ngước đôi mắt trong veo nhìn bà. Người phụ nữ mang gương mặt trẻ trung nhưng mái đầu thì... bạc trắng!

Vũ Quang Lộc (VNCA)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu