A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gió về cù lao

Lại thêm một chuyện lạ, dân cù lao được mời đóng phim vào vai quần chúng. Thím Hai Tỵ vui lộ ra mặt: "Mèn ơi, đóng phim thiệt sướng! Có cực miếng nào đâu, ai biểu gì làm đó, vậy mà mỗi người lại được ba chục ngàn. Biết vậy hồi còn trẻ đẹp, tui xin đi đóng phim luôn rồi". Bà con nghe nói, ai cũng cười: "Cái bà, nói chuyện như giỡn chơi, đóng phim mà làm như thò tay ngắt cọng cải trời, rau má hay rau trai, thấy người ta rồi bắt chước làm theo là được".

Chú Năm ngồi uống trà, nghe gió chướng đỗ líu ríu trên những đọt bần mà nhớ đứa con gái xa nhà. Cản không được, chú sợ nó bị vật chất chốn phồn hoa làm mê muội rồi đâm ra mù quáng.

Nó tên Nhớ, cái tên chú đặt cho con để nhớ hoài người vợ sao vội nhắm mắt xuôi tay khi đứa con vừa mới lọt lòng. Lúc đó nhà nghèo, chú chỉ cho con uống toàn nước cơm khuấy đường. Mấy bà trong xóm thấy thương tình nên cho bú thép. Nhưng bú hoài sao được, còn con của người ta nữa. Tội cho con nhỏ, thèm sữa, hễ thấy vú là ôm riết lấy. Người mà bé Nhớ bú thép nhiều nhất là thím Ba. Thằng Ẩn lúc đó vừa tròn thôi nôi, thím nghĩ con mình đã lớn, thôi ráng cho nó ăn dặm nhiều nhiều để dành sữa cho con bé.

Chú Năm than thở: "Con Nhớ được người ta mời đi đóng phim, đáng ra tui mừng, nhưng sao tui lại thấy lo quá". Ẩn cũng vậy, anh nghe nỗi buồn đang chấp chới trong lòng. Hồi nhỏ, hai đứa uống chung bầu sữa, thân nhau như anh em ruột thịt.

Có bữa thấy hai đứa ngồi chơi nhà chòi, chú Năm nói với má anh: "Chị Ba à, hồi đó nếu không có chị chắc tui đem con nhỏ ra gò chôn mất tiêu rồi. Nó sống là nhờ chị, giờ thấy hai đứa chơi thân vầy, mơi mốt mình ngồi sui, tui gả con Nhớ cho thằng Ẩn để nó trả hiếu cho chị, nghen?".

Thím Ba cười: "Ơn nghĩa gì anh Năm, chỗ láng giềng, hồi nào tới giờ tui coi nó như đứa con rứt ruột đẻ đau, tui thương nó như thương thằng Ẩn".

Nghe nói, Ẩn mắc cỡ, day mặt chỗ khác: Người lớn nói gì kỳ muốn chết! Nhưng chiều nay, nghe gió chướng rong ngọn, anh lại nhớ hoài, nhớ mãi câu nói đó.

Cơ sự đều do đoàn phim. Từ ngày có đoàn làm phim "Hương quê" về thì cái xóm nghèo ở cù lao này có nhiều thay đổi.

Bữa bấm máy quay cảnh đầu tiên, người ta kéo nhau đi coi, đông còn hơn lễ cúng Miễu Bà. Tay đạo diễn có cái bụng bự mà mấy đứa con nít hay nói đùa giống như ông địa đoàn lân, cặp chân mày rậm ri, kéo con mắt hơi xếch lên một chút. Ấy vậy mà bụng dạ lại hiền khô. Diễn viên diễn tốt, ổng cười. Có khi diễn trớt quớt, ổng cũng cười, biểu nghỉ chút xíu, quay lại. Chuyện gì giận lắm ổng mới đổ quạu, vò tai, bứt tóc, mà mái tóc thì chỉ loe hoe mấy cọng trên trán, chắc bứctnhiều nên nó rụng hết! Còn anh thợ quay phim thì hàm râu xuôi xị khi hết nghe cắt, lại nghe quay tiếp làm mồ hôi rớt lộp độp… Dân quê mê nhất là diễn viên điện ảnh, những người hồi nào tới giờ họ chỉ được thấy trên tivi.

Lại thêm một chuyện lạ, dân cù lao được mời đóng phim vào vai quần chúng. Thím Hai Tỵ vui lộ ra mặt: "Mèn ơi, đóng phim thiệt sướng! Có cực miếng nào đâu, ai biểu gì làm đó, vậy mà mỗi người lại được ba chục ngàn. Biết vậy hồi còn trẻ đẹp, tui xin đi đóng phim luôn rồi". Bà con nghe nói, ai cũng cười: "Cái bà, nói chuyện như giỡn chơi, đóng phim mà làm như thò tay ngắt cọng cải trời, rau má hay rau trai, thấy người ta rồi bắt chước làm theo là được".

 



 Minh họa của Lương Xuân Đoàn


Người vui nhất có lẽ là Thêu và Nhớ, hai cô được mời đóng vai phụ có được mấy lời thoại đâm sướng rân trong bụng. Dân cù lao nghe hãnh diện: quê nghèo có diễn viên điện ảnh rồi! Còn một chuyện thấy ngộ lắm, hai cô chỉ việc ra bộ rồi nhép miệng theo tiếng của ai đâu nghe lạ hoắc.

Thím Hai Hiện cứ lẽo đẽo hoài theo ông đạo diễn để nài nỉ: "Mơi mốt giới thiệu con Thêu nhà tui trên tivi cái tên đẹp đẹp, Thanh Xuân, Lệ Hằng gì cũng được, ai đời diễn viên điện ảnh lại tên Thêu, nghe kỳ thấy mồ. Nó còn đứa em là con Thùa, ông coi vai nào được, giao cho nó, tui cám ơn nhiều lắm!". Ông đạo diễn cười, gió làm mấy cọng tóc loe hoe phất phơ trên trán. Bà con lối xóm nghe thím Hai nói, thấy sượng trân: "Cái bà, kỳ thiệt, người ta cho đóng vai nhỏ, có chút xíu mà làm như diễn viên nổi tiếng không bằng".

Lại thêm có nhiều cái lạ. Cảnh ở quê, cái gì cũng bình thường vậy mà vô phim coi đẹp hết ý. Bác Tư cho mượn chái bếp cũ mèm, ám khói, nồi chảo đầy lọ nghẹ để quay phim, vậy mà cũng được người ta trả cho một trăm năm mươi ngàn. Tới mấy đứa con nít cũng có tiền. Mấy chú biểu nó trèo lên cây dừa, phóng xuống sông giỡn, tắm, đứa lớn mặc đồ, mấy đứa nhỏ ở truồng tồng ngồng. Trời đất, nhảy xuống sông tắm là chuyện thường ngày, bây giờ được lên phim rồi lại được tiền. Tụi con nít khoái chí, nói để dành mua tập cho năm học tới. Cũng may, đang lúc nghỉ hè, nếu không, chắc tụi nó mê tiền, mê coi đóng phim mà bỏ học hết. Thậm chí, thằng Bảy Lát chăn vịt cũng có tiền. Nó cho mượn chiếc xuồng ba lá, dạy anh diễn viên giả bộ mặc áo rách ngồi trên, tay quơ quơ cây bẹo lùa bầy vịt…

Sau mấy tháng, bộ phim đã hoàn tất. Bữa đưa tiễn, bà con đem tới đủ thứ, nào bầu, bí, mướp... Người ta nhận, chắc miễn cưỡng. Cũng phải, vì xe của đoàn phim chật chội như ghe gánh hát cải lương. Ông đạo diễn nói lời cảm ơn, chắc xúc động nên ổng nói mà con mắt đỏ hoe.

Bây giờ, cái xóm nghèo lại trở về với cuộc sống thường nhật. Tối, tụi con nít ngồi nghe người già xứ cù lao uống trà quạu, nói chuyện đời. Thím hai Hiện thì hãnh diện, nói con Thêu mới gởi về mấy triệu bạc, vài bữa chắc cho con Thùa đi theo luôn để nó tiến thân. Nhìn thím mê tiền hơn con, nhiều người thấy xót: Tội cho bả, hồi nào tới giờ nghèo quá, có bao giờ cầm được số tiền lớn vậy đâu.

Ngày cô Nhớ đi theo đoàn làm phim, Ẩn nghe buồn. Hồi đó, con trâu không nói, biểu cái cọc nói, nói sao được. Ẩn biết vậy, nhưng trước đây, mỗi lần nghĩ tới cái chân của mình thì anh đành im lặng.

Chuyện hồi năm mười bảy tuổi, Ẩn cỡi trâu, bị con trâu trở chứng bất tử quăng té nhào xuống bờ mẫu. Cũng may, chú Chín đi ruộng ngang qua phát hiện kịp nhưng vụ đó để lại cho Ẩn một cái chân cà nhắc cho tới bây giờ. Lúc đó, mỗi lần Nhớ đem cháo qua cho, thấy cái chân bó bột trắng phếu cứ thủ thỉ: "Anh Hai đau hôn? Ráng hết mau mau, em dắt anh đi coi gánh hát cải lương. Mơi mốt lớn lên, em hổng lấy chồng đâu, ở vậy hoài nấu cháo cho anh ăn, hen?". Ẩn húp một muỗng: "Í, đâu có được, con gái lớn phải có chồng, chớ ở vậy, ở hoài sao được". Đó là lúc con trâu phải nói, sao hổng nói? Khờ quá! Mà, cũng phải, lúc đó mới mười bảy, biểu nói, mắc cỡ thấy mồ.

Nhớ lúc mười chín tuổi, bọn thanh niên trong xóm hễ gặp Ẩn là cứ xí phần kêu anh Hai này, anh Hai nọ nghe mắc tức. Bọn chúng chết mê chết mệt vì Nhớ. Phải, Nhớ là cô gái đẹp, nhưng người ta coi mình là anh ruột mà, nói gì bây giờ? Thiên hạ thương nhau nói ra dễ ợt, giống như mỗi bữa bưng chén cơm mà ăn. Còn cái chân của mình… Ẩn ơi, Ẩn à, cái chân bị có chút xíu mà sao cứ mặc cảm, muốn nói hoài mà sao không nói?
Thêu đi làm diễn viên. Diễn viên gì không biết, chỉ thấy hơn một năm sau về quê thì cái bụng đã lùm lùm. Thím hai Hiện cười: "Con Thêu lấy chồng ở Sài Gòn, bây giờ nó sướng lắm, chồng cưng như trứng mỏng". Trời đất! Con Thêu có chồng? Đám cưới hồi nào? Thím biết mọi người sẽ dị nghị nên chống chế: "Bây giờ nó là dân thành thị, sống theo Tây, kêu bằng sống thử gì đó… Mà, như vậy cũng hay, không hợp thì chia tay". Sống thử? Nghe ngộ thiệt! Làm vợ chồng mà thử như người ta đi mua giày, mua dép, mang thử hổng được thì bỏ, mua cái khác. Mấy bà trong xóm nghe nói mắc ghét, nguýt ngang: "Con gái như vậy mà đi khoe oang oang cả xóm, thiệt hổng biết mắc cỡ!".

Hôm Nhớ về quê, chú Hai giận, viện cớ vác cuốc ra đồng rồi ngồi khóc một mình. Gặp Nhớ, tụi con trai trong xóm chỉ dám đứng trân mà ngó: Trời, con Nhớ bây giờ đẹp hơn diễn viên của đoàn làm phim "Hương quê" nữa. Nhớ qua nhà, Ẩn hồi hộp, nghe đánh lô tô trong bụng. Anh muốn cản, biểu đừng đi mà không biết phải nói sao bây giờ.

- Về chuyến này em thấy má Ba ốm hơn trước. Anh cũng vậy, ráng ăn nhiều nhiều để giữ gìn sức khỏe, còn lo cho má Ba nữa.

- Nhớ cũng vậy, ở trển… Ờ mà, mơi mốt nghe gió chướng thổi thì nhớ về quê để kịp mùa cá linh. Má tui đãi Nhớ món cá linh chiên giòn, cá linh nấu canh chua bông súng, nghen.

Ở Sài Gòn, nhà lầu cao chót vót, gió tứ phương, biết gió nào là gió chướng mà biết đường về. Mà, biết người ta còn thèm cá linh hôn. Trước mắt Ẩn bỗng hiện ra một mùa gió, anh cùng cô bé hàng xóm bơi xuồng, gỡ những con cá linh mập ú trong lưới. Má anh dạy con bé chiên giòn, làm nước mắm cay, nó vui sướng nói, mơi mốt con nấu hoài món này cho má Ba ăn, hen. Má anh còn dạy nó nấu canh chua cá linh với bông súng, nêm cơm mẽ. Nước canh coi đục như nước cơm vo vậy nhưng đã làm biết bao người dân quê xa nhà nhớ da nhớ diết. Bây giờ, chiếc xuồng năm xưa đã cũ, hai bên be sờn như cá rô rỉa, nằm buồn thỉu như ngóng đợi người xa trở về.

Ẩn ngoắc đò, phụ Nhớ mang cái vali xuống bến. Anh bần thần nghe nước chảy dưới chân, đưa chiếc đò chở đứa em gái rời xóm nghèo. Xóm cù lao vẫn xanh xanh những hàng bần, vẫn còn đó những kỷ niệm mà không giữ được chân người. Anh nghe đắng đót trong lòng: Tiếc làm chi? Mình có giữ đâu mà người ta ở lại.

Thím Ba từ nhà nhìn xuống bến thấy thằng con tay vịn nhánh bần, ngóng theo chiếc đò. Thím kêu:

- Người ta đi mất tiêu rồi, sao cứ đứng hoài đó chi con?

- Dạ, má, để con lên. Bữa nay gió nhiều làm rát con mắt quá!

Thấy thằng con lấy tay quệt mấy giọt nước đang lăn dài, thím Ba biết nó đã âm thầm để bụng thương con Nhớ rồi. Thím hỏi:

- Có nói gì với người ta chưa?

- Nói gì? Ờ… có, nói nhiều lắm, nào là ráng giữ gìn sức khỏe, nào là nhớ tranh thủ về thăm bác Năm,…

Trời đất, nó nói dông dài kiểu vậy làm sao người ta biết.

- Thôi, mơi mốt má dắt mầy đi coi vợ, nghen. Ai đời, con trai gì nói tới vợ thì sợ  hơn sợ cọp, thể nào mầy cũng ế vợ cho mà coi.

- Con ở vậy hoài với má. Ai biểu con xấu trai vầy, ai thèm ưng mà lấy.

Ẩn cười. Nhìn thằng con cười nhưng thím biết lòng nó đang đau. Nụ cười không còn hồn nhiên như hồi nhỏ, mỗi bận thím đi chợ về, nó chạy xuống bến mừng húm với mấy cái bánh cam hay một nắm xôi vò.

Tối, chú Năm kêu Ẩn qua nhà uống trà. Dạo này, chú có vẻ già và ốm đi nhiều.   Chú bần thần kể:

- Hồi hôm tui chiêm bao thấy con Nhớ. Mà, lạ lắm nghen, tui thấy nó còn nhỏ xíu, chạy lửng tửng theo tui ngoài đồng cùng với con vện đi bắt chuột. Nó cười nói, ba ơi mình ráng bắt nhiều nhiều đem qua biếu má Ba, hen. Giọng nó nghe thấy cưng lắm. Vía tui trả lời, ừ con phải coi má Ba như má ruột, còn anh Ẩn là anh Hai của mình. Nó cười, tui cũng cười. Vậy mà khi tỉnh giấc thấy nước mắt chảy thườn thượt xuống gò má, lòng đau như ai rứt khúc ruột mình ra vậy.

Chú Năm kể mà mắt chú ầng ậng, đầy nước, vai chú run run. Lời của chú làm Ẩn cũng nghe xót, lòng nặng như đeo đá.

- Bác Năm ơi, hổm rày có tin tức gì của Nhớ hôn? Lâu quá hổng thấy cổ về thăm… nhà?

- Có, mới hôm qua nó gọi điện thoại về quán bà Năm, tui giả bộ giận không thèm nghe nhưng thật ra tui sợ nghe rồi khóc, nghe rồi nó ít chịu về đây thăm ông già này, thăm má Ba của nó. Nói thì nó cãi, nhưng con mà, ai lại đang tâm bỏ nó. Nhắc tới, tui lại thấy giận cái đoàn làm phim, đến đây chi để con Thêu, con Thùa tay ẳm, tay bồng mà thằng chồng đâu hổng thấy. Còn con Nhớ… thôi, thôi, đừng nghĩ chi hoài ba cái chuyện đó.

Ẩn nhìn xuống bến thấy giề lục bình đang trôi đêm thong thả, bên kia con rạch là cây bần cụt đọt mới đâm thêm mấy chồi xanh. Xóm cù lao thì bao đời vẫn vậy, còn lòng người cù lao thì đang thổn thức. Thổn thức từ tiếng gà nhà ai eo óc, tiếng chó sủa rân đầu vàm đến tiếng gió thổi trên đầu, thườn thượt như những tiếng thở dài ngán ngẩm. Chỉ có thím hai Hiện là cứ bô lô, ba la chuyện con Thêu, con Thùa với túi tiền rủng rỉnh. Thím cười vậy mà hổng biết lòng thím có nghe đau mỗi khi thấy trời trở gió, cuống rún nó chôn ở đất này mà nó thì biền biệt phương xa, vì tiền mà lắm khi phải vắt kiệt sức mình như tàu lá chuối khô mùa hạn.

Lụi hụi mà đám con nít ở truồng tồng ngồng trong bộ phim "Hương quê" đã lớn. Chúng ôm riết lấy xứ cù lao mà sống, ngửi mùi khói bếp bằng củi bần, đâm ghiền mà không muốn xa quê. Gió chướng về, chúng hăm hở quăng chài, thả lưới bắt cá linh. Người già tiếp tục dạy chúng làm món cá chiên giòn, làm nước mắm cay, nấu canh chua bông súng. Chỉ có thím hai Hiện là hay than, lúc này già cả rồi, nhà tường rộng rinh vầy mà ở có một mình, trời gần sáng đêm nào cũng nghe đau nhức mình mẩy. Bây giờ chắc lòng thím đang thấy thương đắng thương đót chị em con Thêu, con Thùa.

Chiều nay, Ẩn ngồi ở bến sông nghe gió chướng đang rong ngọn, chạy loằn ngoằn trên những đọt bần mà nhớ người con gái xa quê. Chướng rong ngọn báo hiệu mùa cá linh sắp hết. Xóm cù lao yên ắng, mơ màng trong khói bếp.

Nguyễn Linh


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu