A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp cảnh nhớ người

Không một ai sống trong cõi nhân gian này không phải đối mặt với thời gian hàng ngày. Thời xưa cũng vậy, thời nay vẫn thế. Ngày nào chúng ta cũng phải xử lý các vấn đề của hôm nay, ngày qua và ngày mai. Có ai sống trên cõi đời này không có quá khứ. Quá khứ có thể là thế này, thế nọ nhưng tuyệt đối không phải là xác chết.

Cắc cớ gì đâu, có người tò mò hỏi: “Những người trải qua chiến tranh ác liệt có gì khác hơn so với những người không biết sự khốc liệt của chiến tranh?”. Tiện miệng, tôi bảo: “Cái gì giống vẫn cứ giống, cái gì khác vẫn cứ khác”. Lại “lên cơn” bày tỏ trí thức, giải thích: “Cũng như người ta sống trên cõi đời này, ai cũng có vân tay riêng. Ai cũng giống ai nhưng chẳng ai giống ai”…

Tôi là người đã trải qua 5 năm ở chiến trường ác liệt. Một thứ lính đánh trận từ binh nhất đi lên. Đến tuổi tri thiên mệnh, đi đây đi đó nhiều, “ngộ” ra một điều, cứ thấy cảnh là thấy người. Người là chính, cảnh là phụ. Cảnh mờ đi, người rõ lên.

* * *


Lần nào qua sông Gianh trên đường số 1, tôi cũng nhớ tới hình ảnh hai nhóm lính đi B chuẩn bị xuống sà lan đi ngược dòng sông Gianh lên trạm 5 ở biên giới Việt - Lào.  

Một chiều tháng 12/1970. Khói núi, khói sông mờ ảo, âm u. Gió lạnh thổi se sắt. Chúng tôi thuộc nhóm lính bộ binh, tuổi đời mười tám đôi mươi. Có đứa mới 17 tuổi. Hầu hết đều từ quê đi. Hầu hết đều thấp, bé. Đứa nào nặng nhất cũng chỉ được 42kg. Quần áo số ba vẫn rộng thùng thình, thắt “xăng-tuy-rông” ngang bụng trông dúm dó như một bó vải. Sống chết gian khổ ngày mai thế nào dường như không đứa nào nghĩ tới. Suốt ngày trêu chọc, đùa giỡn và cãi nhau om xòm về chuyện con có hình dáng giống tôm nhỏ xíu là tôm hay tép. Ai cũng ra vẻ ta đây hiểu biết đầy mình, oai phong lẫm liệt. Ngực lép xẹp vẫn cứ mở cúc áo phanh ra. Đơn vị tôi phải nhường cho một đơn vị lính đặc công đi trước.
Chúng tôi nằm ngồi ngổn ngang hai bên lối mòn. Một đại đội lính đặc công rầm rập đi theo hàng một qua mặt chúng tôi. Tất cả đều to, cao lực lưỡng, hừng hực khí thế. So với họ, chúng tôi không khác gì lũ trẻ con chăn trâu ở ven đê. Họ oai vệ sang trọng hơn chúng tôi nhiều. Ba lô to đùng, mũi mềm kiểu sĩ quan gắn sao vàng. Người nào cũng dao găm Trung Quốc, thắt lưng Liên Xô, AK báng gấp. Không có ai mang nồi niêu xoong chảo như tụi tôi. Lính đặc biệt tinh nhuệ có khác. Sức mạnh của họ thể hiện rõ ở bước đi. Rất ít người trong số họ để ý đến đám lính bộ binh chúng tôi. Dường như họ chỉ có nhìn thẳng, không hề nhìn ngang. Rút cục cũng có người nhìn sang phía chúng tôi. Một chàng trai lực lưỡng hồng hào, tuổi cũng chỉ ngang chúng tôi thôi, giơ tay kiểu lãnh đạo chào, cười hề hề nói với chúng tôi: “Chào các em, các em phải mạnh mẽ lên!”. Tính tự ái vặt nổi lên trong chúng tôi. Ai đó trong chúng tôi thò chân ra ngáng. Gã lính đặc công ngạo mạn ngã lăn trên lối mòn. Chúng tôi cười hể hả, đồng thanh hô to: - Đứng lên, cố lên… Gã đặc công đứng bật dậy hét: - Thằng nào ngáng chân tao?

Tôi phân bua trần tình: - Ông anh cao to như vầy, đứa nào dám ngáng chân. Tụi này ngồi lâu mỏi chân nên duỗi ra. Ông anh vô ý vấp phải thôi… Nhóm lính đặc công dừng lại, nhìn chúng tôi xét nét. Có ý gây sự. Lúc đó, đại đội trưởng của chúng tôi nhảy ra, xởi lởi: - Hiểu lầm, hiểu lầm thôi! Không có gì! Xin lỗi… Gã lính đặc công bị ngã cũng tỏ ra rất độ lượng, vui vẻ bảo: - Không sao, không sao, các em nghịch ngợm cho vui thôi!

Nhiều năm qua đi. Biết bao nước chảy qua cầu. Sông Gianh dường như hẹp lại. Dòng nước chảy ra biển dường như nhanh hơn. Không biết người lính đặc công năm xưa ở đâu trong thế gian này. Anh có biết không, lần nào qua đây, tôi cũng nhớ tới anh, xin lỗi anh.

* * *

Lần nào về quê, thấy những khóm tre còn sót lại, tôi đều nhớ tới tầm vông ở Củ Chi. Giống như tre ở đồng bằng Bắc bộ, tầm vông ở Củ Chi cũng vang lên tiếng kẽo kẹt trong nắng trưa, cũng có tiếng cu đất rù rì lúc chiều tắt nắng. Cái tên tầm vông ngay lập tức gợi cho tôi nhớ đến một người. Ông là người sinh ra ở Xóm Thuốc, xã An Phú, Củ Chi. Ông lớn lên ở đất ấy. Sống chết với đất ấy.

Giữa năm 1972, trong chiến dịch Nguyễn Huệ, đơn vị chúng tôi từ Bến Cát vượt sông Sài Gòn sang bám trụ tại vùng sát mé rạch Xóm Thuốc, phục vụ cho trận đánh Phú Hòa Đông. Ông từ trong bụi tầm vông đi ra chỉ cho chúng tôi chỗ đào hầm lập căn cứ. Một người nhỏ nhắn chắc nịch như cây gậy tầm vông đã ngâm trong bùn đất nhiều năm. Không bao giờ thấy ông nói đủ câu. Thường chỉ là một, hai từ. “Đây!”, là ông chỉ cho chúng tôi chỗ đào hầm, chỗ lấy nước, chỗ làm bếp, chỗ cảnh giới… “Rồi!”, là lời ông chấp thuận các việc làm của chúng tôi.

Ông bảo, ông chỉ là dân thường nhưng trước đó có chân trong đội du kích An Phú. Ông trụ ở đây vì đây là đất của cha, ông để lại. Nghe người ta kể lại, năm 1964 khi ngụy quyền Sài Gòn gom dân An Phú đưa về ấp chiến lược Trung Hòa, ông không đi, nhất quyết ở lại. Vợ ông dẫn con ông bỏ đi. Giặc càn quét liên miên, ông “chém vè” ở mé sình sông Sài Gòn. Tự trồng lúa, trồng mì, bắt tôm cá, hái rau để sống. Hai lần bị thương ông đều tự chữa trị. Một ở bắp chân, một ở mạn sườn. Mảnh bom lấy ra, thuốc rê đắp vào. Thế là xong.

Những ai đã từng ở Củ Chi những năm chiến tranh đều biết vùng “đất trắng” ven lộ 15 khốc liệt như thế nào. Trong đó, khốc liệt nhất vẫn là đất An Phú. Người ta bảo, đến kiến cũng không sống nổi. Vậy mà ông sống mạnh giỏi ở đó suốt gần chục năm trời. Ông chỉ cho chúng tôi xem mảnh đất nhà của ông. Toàn là hố bom. Có cái mới chồng lên cái cũ. Bốn hố bom được bao bọc bằng các bụi tầm vông. Ông bảo: “Thứ này trường sinh bất tử…”. Ông nói về cây tầm vông, hàng rào xác định đất thổ cư của ông. Thứ cây ấy không sợ bom đạn, không sợ thuốc độc khai quang, không sợ gì cả, chỉ sợ không có đất. Có đất, tầm vông chết đi sống lại. Có thể nói, ở ông cái gì cũng gây ấn tượng tốt đẹp. Ấn tượng nhất vẫn là tên gọi đồng âm khác nghĩa. Ông thứ chín, gọi tên “No” cũng được, tên “Lo” cũng không sai. Cha mẹ đặt tên “No”, muốn đời ông no đủ mọi bề. Lớn lên, với cái tính hay lo xa, mọi người gọi ông là “Chín Lo”. “Biết lo mới no”. Khi chia tay, ông khuyên nhủ chúng tôi như vậy. Câu nói từ bụi tầm vông ấy đã theo tôi từ đó đến giờ. Xin gửi tới mọi người để cùng suy ngẫm.

* * *

Người ta nói: “Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông”. Thời gian như nước chảy. Đã qua đi, vĩnh viễn qua đi, không bao giờ trở lại.

Không một ai sống trong cõi nhân gian này không phải đối mặt với thời gian hàng ngày. Thời xưa cũng vậy, thời nay vẫn thế. Ngày nào chúng ta cũng phải xử lý các vấn đề của hôm nay, ngày qua và ngày mai. Có ai sống trên cõi đời này không có quá khứ. Quá khứ có thể là thế này, thế nọ nhưng tuyệt đối không phải là xác chết. Hơn ai hết, những người lính đã trải qua chiến tranh hiểu rất rõ điều này. Quá khứ luôn sống trong hiện tại và tương lai. Nó sống như một thực thể sống trong thiên nhiên, trong con người, luôn gợi cho người ta biết nhớ, biết quên…

Trần Văn Tuấn/ Theo SGGP
 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu