A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học trò phố huyện

Cô hiệu trưởng gỡ cặp kính cận đặt lên tờ giấy. Trên trần nhà, chiếc quạt máy vù vù chém gió. Không khí hầm hập, bức bối. Một cơn mưa nữa đang xầm xì kéo mây đen kịt đằng tây.

Tờ giấy quằn quại dưới chiếc kính cận, muốn bay vụt về phía cửa. Ông Hàm lén nhìn vào tờ giấy khổ A4 đánh máy vi tính, mặt sau chi chít chữ ký, mong sẽ không có chữ ký của cái Huệ con gái mình.

- Tình hình là như thế bác Hàm ạ! Tôi muốn thông báo với ban phụ huynh học sinh lớp 12E để xin ý kiến các vị về việc này. Phiền bác báo giúp mọi người đầu giờ chiều mai sẽ họp tại văn phòng. Tôi sẽ mời cả thầy Lạc chủ nhiệm lớp cùng dự.

Ông Hàm quen tác phong quân đội, tự nhiên lần này lại lúng túng "dạ... dạ" luôn miệng, trán đổ mồ hôi hột. Ông vừa nhìn thấy chữ ký của cái Huệ. Con bé này cũng phát rồ, phát dại lên thế này ư? Vội vàng bắt tay từ biệt cô hiệu trưởng, ông nhảy phắt lên yên xe đạp, guồng mạnh chân.

Ông Mạnh đang chăm mấy chậu cây cảnh, vứt oạch chiếc kéo tỉa cây xuống sân, mặt bạc như tờ giấy trắng. Bà Hiền bỏ mặc hai con lợn réo đòi ăn, vơ vội chiếc áo khoác ngoài. Tất cả nháo nhào lên y như những năm chiến tranh, mỗi lần có tiếng còi hú báo động máy bay Mỹ tới. Loạn thật rồi! Bọn trẻ ranh bây giờ không biết chúng mọc nanh, mọc sừng từ đâu mà to gan thế. Lại dám làm đơn tố cáo và đòi thay giáo viên chủ nhiệm. Còn có hai tháng nữa là thi tốt nghiệp, chúng nó làm thế này là tự vứt bỏ công sức 12 năm học hành rồi còn gì. Láo toét! Ông Mạnh hầm hầm bật ra câu chửi khi cả ba thành viên ban phụ huynh ngồi vào bàn nước nhà ông Hàm.

- Con với chả cháu! Thế là chúng mày cướp công bố mẹ rồi.

Bà Hiền rên rỉ, mắt đẫm nước.

Chỉ có ông Hàm là bình tĩnh đôi chút. Chẳng gì cũng là cựu tiểu đoàn trưởng, từng giáp mặt bao lần với tử thần mà còn tìm được đường sống, huống hồ chuyện trẻ con này. Nhưng mà…cũng gay thật. Báo đài có nói đến tính cách của bọn trẻ thời "a còng a què" gì đó khác biệt với cha anh lắm, ông chưa hiểu ra khác ở chỗ nào thì việc hôm nay đã chứng minh điều đó. Phải nghĩ ra cách giải quyết thỏa đáng, vừa giữ được danh dự địa phương, vừa cứu được mấy chục bọn con cháu khỏi bị đuổi học trong nay mai.

- Các vị có ý kiến gì không? Theo tôi thì ta nên tập họp lũ ranh con lại nẹt cho một trận, bắt chúng nó rút đơn và phải xin lỗi thầy Lạc chủ nhiệm. Ở đây bao nhiêu năm qua có ai không biết tiếng thầy Lạc dạy văn giỏi nhất huyện?

Thế mà…

Bà Hiền nghe ông Hàm gợi ý như vậy, vội chùi nước mắt, cướp lời:

- Phải đấy ạ! Em đề nghị chúng ta tìm ngay lớp trưởng, lớp phó, bí thư chi đoàn để răn đe...

- Còn cô hiệu trưởng thì sao? Lá đơn của lớp, cô ấy đang giữ. Tôi thấy ban phụ huynh nên trích quỹ lớp mua chút quà, rồi cả ba chúng ta đến nhà xin lỗi hiệu trưởng trước. Bà ấy xuôi xuôi thì ở lớp cũng ổn thôi.

Ông Hàm gườm gườm nhìn ông bạn cây cảnh. Chỉ được cái cầm đèn chạy trước ôtô. Gì chứ việc quà cáp biếu xén lão này nhọn lắm. Nhưng việc đầu tiên là phải đi tìm lũ con cháu nhà mình hỏi cho rõ đầu đuôi xuôi ngược đã. Hừm! Nứt mắt mà đã sính kiện cáo. Chẳng lẽ chúng bay học xong đều thi cả vào trường luật?



 Minh họa của Lê Tiến Vượng

Cả phòng học im phăng phắc. Tiếng giảng bài của người giáo viên trẻ trầm bổng, có lúc thao thao như nhập đồng.

 - Các em chú ý điểm này. Nếu như ở khổ thơ đầu, thơ của Huy Cận như nỗi buồn trải dài, mênh mang rợn ngợp, thì khổ thứ hai câu thơ lại mở ra một khung cảnh hoàng hôn tráng lệ: "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa/ Lòng quê rờn rợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà..". Khung cảnh chiều tà bỗng bừng sáng trong thơ Huy Cận. Chữ đùn nhắc ta nhớ đến một câu thơ của Đỗ Phủ "Mặt đất mây đùn cửa ải xa"…

Trong phòng có chừng ba chục học sinh. Đây là những em học sinh yêu văn, giỏi văn của khối 12. Phía cuối phòng có thể nhận ra tốp học sinh hơn 10 người của lớp 12E. Nhóm học sinh nữ tay chống cằm, mắt chữ A, mồm chữ O nghe thầy Tiến giảng bài, vẻ thích thú hiện ra ngời ngợi trên từng khuôn mặt. Thầy Tiến hai mươi bảy tuổi, mới về trường được nửa năm nay, là giáo viên dạy văn vào loại "siêu" như lũ trò lớn kháo với nhau. Người cao nhưng gầy. Cặp kính cận dày cỡ đít chai và ánh mắt lúc nào cũng mơ màng của thầy Tiến khiến bọn trò cảm tình. Cái cách giảng bài và đối xử với trò của thầy cũng không giống ai. Toàn xưng mình và gọi học sinh là bạn, các bạn. "Mình giảng như thế các bạn có nghe kịp không nhỉ? Nghe chứ không phải ghi chép nhé. Học văn quan trọng là cảm nhận được bài giảng và tự tiếp thu, đừng quá chú trọng vào việc ghi chép. Nói thật với các bạn chứ hồi còn là sinh viên, mình chẳng mấy khi ghi chép…". Bọn trò gái coi thầy Tiến như "sao" của trường, có đứa còn nói "mê" thầy như thần tượng. Huệ lớp trưởng 12E bỗng giơ tay xin phát biểu. Thầy Tiến như cỗ xe chạy nhanh bị phanh đột ngột:

- Bạn muốn ra ngoài à? Chẳng lẽ mình giảng dở quá?

- Không ạ! Thầy giảng quá hay. Em chỉ xin thầy giảng kỹ chi tiết bài thơ nhắc đến nỗi sầu và nó ảnh hưởng đến cảnh vật như thế nào ạ.

- A! Mình xin cám ơn lớp trưởng 12E. Ngày xưa Thôi Hiệu viết Hoàng Hạc Lâu chỉ nhờ khói sóng mà gợi được nỗi sầu. "Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu". Nhưng trong Tràng giang, Huy Cận để cho nỗi sầu tự chất chứa trong lòng, tự bật ra mà không cần khơi gợi. "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà", đó là cái tài của một nhà Thơ Mới, vận cổ mà không nệ cổ. Bây giờ mình ngồi xuống đây, đề nghị bạn Huệ thử bình giảng mấy phút được không? Nghe thầy Lạc khoe, có trò Huệ học giỏi văn lắm. Tiếc là mình không được dạy môn văn ở 12E.

- Thưa thầy! Em nghĩ rằng nỗi buồn mỗi buổi hoàng hôn tuy giống nhau về khung cảnh nhưng khác nhau về tình cảnh, hoàn cảnh, tùy theo tâm trạng và tài năng của nhà thơ. Ví dụ trong thơ Đỗ Phủ thì ảm đạm; trong thơ Lý Bạch thì hùng tráng, khoáng đạt "Chúng điểu cao phi tận", hoặc trong Bà huyện Thanh quan thì vời vợi, da diết "Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi"…

- Tuyệt vời! Có bạn nào tham gia diễn đàn này?

Thầy Tiền ngồi xuống một chiếc ghế cùng ba bạn trai, vỗ tay ra hiệu mọi người vào cuộc. Bỗng có tiếng động loạch xoạch bên ngoài. Tiếng chân chống xe đạp bật mạnh, vội vàng. Một cái đầu đội chiếc mũ dạ sĩ quan ló vào. Cặp mắt chân mày chổi xể soi mói nhìn khắp lượt. Cuối lớp Huệ buột miệng hốt hoảng:

- Bố!

Thầy Tiến vội đứng dậy bước ra.

- Chào bác! Bác hỏi ai ạ?

- Các anh các chị tụ bạ làm gì ở đây?

- Cháu đang cho các em học thêm…

- Ai dạy mà thêm với nếm. Cái Huệ và mấy đứa lớp 12E có trong này không?

- Có ạ! Lớp này tôi dạy mà. Bác cần gì?

Hình như thầy Tiến khó chịu vì thái độ của ông Hàm. Vừa lúc đó Huệ chạy ra, kéo tay bố.

- Bố thế nào thế? Ăn nói cứ như mấy ông buôn lợn. Đây là thầy Tiến, đang dạy chúng con học thêm môn văn.

Ông Hàm choáng váng. Bỏ mẹ tôi rồi! Lại đụng thầy giáo của con gái. Mà cái nhà cậu này, thầy bà gì mà mặt non choẹt y như học sinh, làm sao mình biết được. Ông vặn vẹo hai bàn tay gân guốc vào nhau.

- Thôi chết! Xin lỗi thầy giáo! Tôi cứ ngỡ…

- Không sao ạ! Ai cũng có lúc lầm lẫn, nhưng nếu bác đừng vội vàng quá thì...

- Thưa thầy! Tôi muốn gặp cháu Huệ và mấy đứa… À quên mấy cháu lớp 12E có việc gấp ạ. Xin phép thầy.
Cả nhóm 13 đứa, sáu nam, bảy nữ bị ông Hàm áp tải về thẳng nhà. Bà Hiền thấy có thằng Hiếu trong số đó thì chồm tới tát cho một tát. Cậu thanh niên cao ngồng không hiểu vì sao bị đánh, ôm má đứng ngẩn ra. Bọn bạn nhao nhao hỏi: "Sao bác đánh bạn ấy?". Ông Mạnh hầm hầm: "Còn chúng bay nữa. Sẽ đến lượt. Ai cho phép cả lớp làm đơn kiện thầy Lạc, lại còn đòi thay giáo viên chủ nhiệm?".

Theo đề nghị của ban phụ huynh học sinh, ngay sáng hôm sau cô hiệu trưởng cho họp lớp 12E và tổ chức đối chất ba bên giữa nhà trường, học sinh và ban phụ huynh. Chiếc bàn kê trên bục giảng đủ chỗ cho hiệu trưởng, thầy chủ nhiệm và ba thành viên ban phụ huynh. Ông Hàm ngồi ở giữa, tay nhăm nhăm bút giấy ghi biên bản, mắt không ngừng chiếu xuống áp đảo 37 cặp mắt nhâng nhâng của lũ trò lớp 12E. Thầy Lạc mở đầu cuộc đối chất với lời lẽ buồn bã, khác hẳn chất giọng sang sảng khi giảng văn. Thầy quay sang nói với ban phụ huynh rằng thời gian qua tập thể lớp 12E có nhiều biểu hiện đáng lo. Một số thành phần cá biệt tác động không tốt trong lớp, làm ảnh hưởng tới ý thức của học sinh. Đặc biệt các em rất hỗn với thầy chủ nhiệm, tự ý tổ chức học thêm với người khác mà không báo cáo giáo viên chủ nhiệm. Cãi lý với thầy giáo để bênh vực những học sinh lười học...v..v..

- Tôi thật đau lòng khi biết cả lớp đã làm đơn kiện tôi với Ban giám hiệu trường. Nhưng tôi tin rằng không phải tất cả các em đều muốn thế. Sự việc xảy ra là do một số học sinh hư xúi giục. Đề nghị Ban giám hiệu cho hướng chỉ đạo xử lý. Lời thầy Lạc trầm hẳn xuống, dưới lớp có mấy đứa con gái cúi gằm mặt nức nở. Cậu Thành - Bí thư chi đoàn lớp là người duy nhất không ký tên vào lá đơn, đứng dậy có ý kiến. Ông Hàm gật gật đầu nghe Thành nói. Thằng bé này ăn nói chững chạc ra phết, nếu vào bộ đội cho đi đào tạo chính trị viên được đây. Thành nói rằng lớp 12E vẫn học tập tốt, vẫn ngoan ngoãn nghe lời các thầy cô. Từ sau tết, khi xảy ra vụ hai bạn Hòa và Quân liên tiếp đi học muộn, bị thầy Lạc cấm vào lớp, cứ giờ văn là lại lang thang ngoài quán Internet. Một số bạn gái xin thầy Lạc cho hai bạn vào lớp thì bị mắng là "nối giáo cho giặc". Sau nữa, khi thầy Tiến mở lớp dạy học thêm môn văn miễn phí cho học sinh nghèo thì các bạn bỏ lớp học thêm của thầy Lạc.

- Tại sao các em không học thêm ở nhà thầy Lạc? - Cô hiệu trưởng hỏi lớp trưởng.

Cái Huệ đứng dậy, mặt mũi đỏ như uống rượu, lúng túng mãi rồi mới nói được:

- Thưa thầy cô giáo! Thưa các bác trong ban phụ huynh học sinh! Thầy Lạc dạy văn tốt lắm ạ. Chúng con tranh nhau đến học đấy chứ ạ. Bạn nào cũng lo đi sớm không thì hết chỗ. Thầy Lạc tổ chức học thêm tại nhà buổi tối, còn buổi học thêm ở trường chỉ là phụ. Mỗi buổi thầy chỉ nhận 50 bạn, không có danh sách học sinh đâu ạ. Cứ vào lớp, cô Lan vợ thầy ra thu mỗi bạn mười nghìn mỗi buổi. Ai đến sau đứng ngoài cổng, không được vào ạ. Từ khi thầy Tiến mở lớp phụ đạo miễn phí cho học sinh nghèo nên bọn con chuyển qua bên ấy học. Với lại thầy Tiến dạy cũng hay lắm ạ. Chúng con xin lỗi thầy chủ nhiệm vì đã bỏ lớp học thêm của thầy.

- Có phải thầy chủ nhiệm làm nhục cả lớp và từ chối quà tặng ngày 20 tháng 11? - Cô hiệu trưởng chỉ tay vào Thành Bí thư, hỏi.

- Thưa… chuyện này là lỗi của chúng em ạ. Tặng thầy cái gì chả tặng lại tặng bộ ấm chén…

Cái Chúc có biệt danh "bà la sát" vụt đứng dậy:

- Thưa cô và các bác. Thầy chủ nhiệm bảo chúng em chỉ cần tặng thầy một bó hoa tươi thắm là được. Chúng em đến nhà thầy, thấy bộ ấm chén bị sứt sẹo bèn trích quỹ lớp mua tặng thầy bộ ấm chén mới. Gần hai trăm bạc của lớp mà thầy chê, trả lại chúng em, còn nói: "Giá trị của tôi chỉ đáng bộ ấm chén thôi à?". Rồi thầy bảo chúng em là "bé mà đã học thói lưu manh. Nhìn mặt các cô cậu là tôi biết cha mẹ các cô cậu thế nào rồi". Chúng em nhục lắm. Cha mẹ chúng em làm gì mà thầy lại sỉ nhục. Hôm ấy nửa lớp khóc vì tủi thân đấy ạ.

"Bà la sát" thở dốc, ngồi xuống. Còn cả lớp thì thở phào như trút được gánh nặng. Có vấn đề nhạy cảm nhất cái Chúc nói hộ rồi. Cô hiệu trưởng bảo, nếu sự việc em Chúc phản ảnh là đúng, ai đồng ý thì giơ tay lên. Hàng loạt cánh tay giơ thẳng. Ông Hàm đếm được 30/37 nhất trí. Bảy đứa kia hoặc là sợ thầy chủ nhiệm, hoặc là sợ cha mẹ.

- Cám ơn cả lớp. Việc này ngay chiều nay tôi và thầy chủ nhiệm sẽ làm việc cụ thể với ban phụ huynh học sinh. Còn việc của các em bây giờ là phải tập trung vào học tập, không được phân tán tư tưởng. Phải dành mọi sức lực cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Chỉ còn chưa đầy hai tháng, cô mong các em hãy cố gắng.

Hiệu trưởng rót ly nước lạnh đưa tận tay thầy Lạc, ánh mắt đầy xót xa.

- Phải thú thật với anh là tôi vô cùng đau lòng. Đây là trường hợp duy nhất xảy ra suốt 40 năm qua từ khi thành lập trường. Học sinh lớp 12E tuy hành động sốc nổi nhưng chúng hoàn toàn có lý. Anh đã sai khi báo cáo với tôi theo nguyện vọng của phụ huynh để mở lớp dạy thêm ở trường, nhưng lại giấu giếm mở thêm lớp tại nhà. Cách dạy học của anh hoàn toàn phản giáo dục, mang nặng tính thị trường. Những việc khác thì không phải nhắc tới nữa. Tôi sẽ đích thân đứng ra xin lỗi các phụ huynh học sinh vào thứ hai tuần tới. Còn anh, tạm thời tôi cho anh nghỉ dạy ít ngày rồi chờ ý kiến của lãnh đạo Sở. Lớp 12E sẽ giao cho thầy Tiến chủ nhiệm.

Thầy Lạc cảm thấy buốt nhức suốt từ cổ xuống thắt lưng. Hình như bệnh viêm thần kinh tọa lại tái phát. Run run cầm chiếc hộp nhỏ đưa về phía hiệu trưởng, thầy thở mệt nhọc:

- Mong chị tha thứ cho tôi lần này. Tôi chỉ còn ba năm nữa là về hưu, xin chị hãy cứu tôi, cứu lấy danh dự 40 năm làm nghề thầy giáo của tôi..

Cô hiệu trưởng mở nắp chiếc hộp nhung đỏ, bỗng rụt tay như chạm phải than hồng. Đôi vòng tai bằng vàng nặng trĩu và bỏng rãy.

- Thật xấu hổ khi trong đội ngũ trồng người của chúng ta lại có những giáo viên như anh. Xin lỗi anh. Thôi mời anh về. Sắp tới giờ tôi hẹn gặp ban phụ huynh học sinh rồi.

Ba thành viên trong ban phụ huynh và nhóm phụ trách lớp của Huệ bước vào phòng hiệu trưởng. Giữa bàn là bình hoa cúc vạn thọ vàng rực như nắng. Cô hiệu trưởng nụ cười rạng rỡ. Giơ tay nắm chặt bàn tay từng người, từ ông trưởng ban phụ huynh đến cô trò tóc cắt ngắn. Ông Hàm e hèm ba bốn lần, giơ tay nắn cổ áo mấy bận, không biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng ông đánh mắt ra hiệu cho con gái. Huệ mạnh dạn đứng dậy.

- Thưa cô hiệu trưởng, thưa ban phụ huynh. Con xin đại diện cho tập thể lớp 12E thành thật xin lỗi vì những hành động xốc nổi và việc làm không phải vừa qua. Chúng con xin rút lại lá đơn, mong cô hiệu trưởng đừng chuyển về Sở Giáo dục ạ.

Bà Hiền bất kể cái lừ mắt ngăn cản của ông Mạnh, đứng lên xoa tay.

- Đúng đấy ạ! Thưa cô, thôi thì con dại cái mang, mong cô và thầy Lạc tha thứ cho các cháu. Để các cháu thi cử xong rồi hãy kỷ luật gì thì kỷ luật.

Cô hiệu trưởng giang rộng hai tay.

- Sao các bác và các em học sinh lại nghĩ thế. Chúng tôi dạy các em học tập, học làm người, vậy những gì sai chúng tôi phải sửa chứ. Các bác phải bảo ban động viên các em học tập cho tốt. Vụ việc đáng tiếc trên tôi xin thay mặt ban giám hiệu trường và toàn thể giáo viên nhận khuyết điểm trước phụ huynh và các em học sinh.

Cô rút từ bình một bông hoa đưa cho Huệ:

- Tặng lớp trưởng vì lòng dũng cảm. Từ tuần sau thầy Tiến sẽ thay thầy Lạc chủ nhiệm lớp 12E. Mong thầy trò hợp tác thật tốt.

Phố huyện chiều thoảng gió. Những hàng cọ nghiêng đầu ven đường rì rầm câu chuyện học đường. Một cánh diều ai thả vừa bay vút lên, loạng choạng một chút rồi no gió đứng im. Tiếng sáo ba từ cánh diều vi vu…vi vu.

Phùng Phương Quý (VNCA)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu