A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người đi chân đất

Lão Bồng buồn lắm. Trước đây lão mày mò lai ghép hy vọng tạo ra giống hồng mới chỉ vì sự đam mê và sự trả thù cho một mối hận bí mật nào đó luôn đeo bám trong lão. Nhưng từ lúc nhìn thấy những nụ hồng to lạ khác thường thì lão tin tưởng lão sẽ thành công. Cái ý nghĩ giúp người nông dân quê lão làm giàu từ cây hồng cũng mới chỉ vụt ra từ sáng nay. Lão hăm hở ra Ủy ban xã, những tưởng người ta sẽ cảm kích trước tấm lòng của lão, nào ngờ...

Lệ thường, năm rưỡi sáng, trời còn tối om om, lão Bồng đã dậy. Việc đầu tiên là lão bắn một điếu thuốc lào rõ dài rồi đi ra mảnh vườn trước nhà, tỉ mẩn xem xét từng cây hoa hồng mà bao năm qua lão mày mò chiết chiết, ghép ghép. Sau đó lão lững thững vác cuốc ra đồng, tháo nước vào hai sào ruộng lúa của nhà mình rồi thực hiện cái việc "thứ nhất quận công, thứ nhì...". Nhẹ nhõm cả người, lão Bồng trở về nhà vào lúc sáu rưỡi, cơm nước xong, nếu không có việc gì ở làng như đám cưới, ma chay, giỗ chạp là lão lại ra vườn hoa hồng hoặc chúi mắt vào đọc mấy quyển sách kỹ thuật trồng hoa.

Nhưng hôm nay thì không, ngay từ lúc bốn giờ rưỡi sáng lão Bồng đã bật dậy sau một giấc mơ tuyệt đẹp. Lão mơ thấy những cây hoa hồng nở ra những bông hoa đỏ thắm, to bằng cái bát ăn cơm. Lão lao ra vườn, trời tối không nhìn thấy gì, lão quay vào nhà lấy chiếc đèn pin ra soi. Những cái nụ hoa hồng to mập khác thường đang hé mở, lão sung sướng hét lên:

- Thành công rồi!

Lão chạy vào trong nhà, lay vợ:

- Bà nó ơi!

- Cái gì?- Vợ lão cắm cảu.

- Cây hồng đã có nụ hoa, to, to lắm!

Vợ lão ngáp ngắn ngáp dài, tưởng gì chứ lại mấy cây hồng chết tiệt. Đàn bà, con gái bén tí hơi đàn ông vào đến ngày đến tháng còn có nụ có hoa huống hồ là cây! Nghe vợ càu nhàu, lão bỏ ra ngoài, hết rít thuốc lào lại ra ngắm những nụ hồng cho tận đến lúc trời sáng bạch, quên cả đi tháo nước và thực hiện cái việc kia.

Lưng lửng trưa, lão Bồng ra Ủy ban xã gặp Chủ tịch Trịnh Hào, lão nói:

- Đồng chí chủ tịch à, xã mình đất chật người đông, bình quân đầu người một sào ruộng, một năm giỏi cũng chỉ thu được hai tạ rưỡi thóc, ăn cũng không đủ chứ đừng nói gì đến xây nhà, ma chay, cưới xin.

Thấy mặt Chủ tịch Trịnh Hào đã có vẻ khó chịu, sợ chủ tịch bỏ ra ngoài hay đuổi khéo mình, lão Bồng trình bày ngay kế hoạch cả xã làm giàu từ cây hồng mà lão đã hao tổn bao công sức, tiền của để lai ghép.

Chủ tịch Trịnh Hào xua tay lia lịa như thể lão Bồng đang bị nhiễm vi rút H5N1:

- Thôi, thôi, tôi xin bác, dân tuy nghèo nhưng ổn định. Tưởng bác phát minh ra được giống lúa mới năng suất cao hoặc lợn gà ăn chóng lớn chứ cái thứ hồng chết tiệt ấy thay lúa mà thất bại, dân đói, họ kiện tụng thì chết!

Lão Bồng buồn lắm, vác bộ mặt đưa đám ra về. Trước đây lão mày mò lai ghép hy vọng tạo ra giống hồng mới chỉ vì sự đam mê và sự trả thù cho một mối hận bí mật nào đó luôn đeo bám trong lão. Nhưng từ lúc nhìn thấy những nụ hồng to lạ khác thường thì lão tin tưởng lão sẽ thành công. Cái ý nghĩ giúp người nông dân quê lão làm giàu từ cây hồng cũng mới chỉ vụt ra từ sáng nay. Lão hăm hở ra Ủy ban xã, những tưởng người ta sẽ cảm kích trước tấm lòng của lão, nào ngờ...


 Minh họa của Hà Trí Hiếu

Lão Bồng không bỏ cuộc mà dốc công nhiều hơn nữa vào chăm bón hoa hồng. Mấy chục ngày sau, những bông hoa hồng đỏ thắm lớn dần, to như cái bát ăn cơm, đặc biệt là mùi thơm cứ ngan ngát quyến rũ đến mê hồn. Một anh chàng con nhà giàu có thấy hồng đẹp đến mua năm bông tặng sinh nhật người yêu, chẳng cần phải trả giá, chàng thanh niên móc ví rút soạt ra một tờ năm mươi ngàn dúi vào tay lão Bồng. Lão ngẩn tò te ra một lúc rồi tủm cười nịnh đầm: "Cậu đúng là dân sành chơi hoa!". Bán được hoa hồng với giá cao lại càng thổi bùng lên ý chí làm giàu của lão Bồng. Lão ngắt một bông bọc và nilon cẩn thận rồi đạp xe lên phố huyện. Lão đi chào hàng? Ồ không, lão vào Phòng Nông nghiệp huyện. Lão nghĩ cấp trên chắc sẽ có cái nhìn xa trông rộng hơn cấp dưới xã. Tiếp lão là trưởng phòng Lê Bầu - bác sĩ thú y, cử nhân tại chức kinh tế, cử nhân chính trị chuyên tu.

Vừa nghe lão Bồng giới thiệu ở thôn Đông, làng Lăng, xã Thắng Lợi, Trưởng phòng Lê Bầu đã cắt ngang:

- Chắc bác lại lên kỳ kèo xin cho xã được công nhận là xã văn hóa chứ gì? Tôi đã nói với tay Chủ tịch Trịnh Hào rồi, xã có tới 20% hộ đói ăn, 40% hộ nghèo nên Phòng Nông nghiệp không thể chứng thực để Ủy ban huyện công nhận là xã văn hóa được!

Lão Bồng xua tay:

- Ấy, không, không, tôi đến đây vì chuyện này.

Lão Bồng cẩn trọng tháo mảnh nilon ra, đặt bông hồng lên bàn, trình bày ý tưởng của mình. Trưởng phòng Lê Bầu khen ngợi:

- Trước hết thay mặt Phòng Nông nghiệp huyện, tôi xin biểu dương tinh thần hăng say nghiên cứu, tìm tòi của bác.

- Dạ, thật ra là tôi chỉ mày mò nghiên cứu thôi chứ không có phương pháp  khoa học như các anh - Lão Bồng phân bua.

- Xin lỗi bác, thế ngày xưa bác có đi du học ở xứ sở hoa hồng Bungari không?

- Dạ, không!

- Thế chắc bác đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp?

- Chả nói giấu gì anh, gia đình tôi nghèo, không có điều kiện nên tôi mới chỉ học hết lớp ba.

Trưởng phòng Lê Bầu mắt nhìn lơ đễnh ra ngoài cửa sổ, miệng nói:

- Thế thì càng biểu dương tinh thần hăng say nghiên cứu của bác. Nhưng đây là vấn đề khoa học, bác cứ để đây chúng tôi sẽ nghiên cứu rồi trả lời bác sau.

Lão Bồng vừa đi khỏi, Trưởng phòng Lê Bầu cầm bông hồng vứt vào sọt rác rồi đi sang phòng nhân viên oang oang:

- Đúng là một buổi sáng dở hơi!

- Có chuyện gì vậy sếp?

- Đang ngồi viết báo cáo thì có một lão nhà quê đến định thay các nhà khoa học và chính trị phá lúa trồng hồng, mà hình như lão đi chân đất thì phải?

- Đầu óc lão có vấn đề rồi!

- Nghe nói trại tâm thần Cầu Dừa vừa sổng chuồng một bệnh nhân; không khéo là lão cũng nên.

Lão Bồng đợi đến gần một tháng mà không thấy tin tức gì, lão lại đạp xe lên Phòng Nông nghiệp hỏi thì được một kỹ sư trả lời đây là vấn đề khoa học nên phải nghiên cứu hàng năm chứ không thể một sớm một chiều mà kết luận được! Lão Bồng vặn hỏi, thế bông hồng to bằng cái bát ăn cơm ấy chả nhẽ lại chưa đủ để kết luận hay sao? Thì lại được anh kỹ sư giải thích rằng, chỉ cần bón một ít thuốc kích thích thì có thể tạo ra được bông hoa hồng to bằng cái rá đãi gạo chứ bằng cái bát đã ăn thua gì!

Lão Bồng thất vọng lắm, bao nhiêu hy vọng vào cấp trên thế là tiêu tan. Lão nghĩ chắc biết lão không có học hành gì nên người ta không tin lão, bây giờ kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư đầy ra đấy mà chẳng còn làm nên cơm cháo gì huống hồ lão chỉ là một nông dân thất học! Thì ra không có học là một nỗi nhục nhưng lão Bồng cũng nghĩ có học mà chẳng làm nên trò trống gì thì cũng chẳng vinh quang cái quái gì! Hừ, đã thế ta cứ thử làm xem sao! Thế là lão Bồng quyết tâm thực hiện trồng ghép hồng đại trà thay lúa trên mấy sào ruộng nhà mình cho vụ tết sang năm. Nhưng lão không có vốn, đi vay người thân, hàng xóm đều bị từ chối. Người ta bảo lão sắp điên, trồng gì chả trồng lại đi trồng hồng - cái thứ xa xỉ chỉ người thành phố mới cần. Hễ cứ ra đường là lão lại được nghe những lời dè bỉu: "Lão Bồng này, tết tới bà con dân làng chúng tôi không gói bánh chưng nữa mà dành tiền mua hoa hồng của lão đấy nhé!"; "Tỉnh sắp mở Hội nghị khoa học quốc tế, lão Bồng đã nhận được giấy mời chưa?"; "Lão Bồng đấy à, trại tâm thần Cầu Dừa cho mời lão lên đấy, họ đang thiếu biên chế!".

Lão Bồng đành đi vay ngân hàng. Phải có thế chấp. Lão thế chấp nhà nhưng vợ con lão không cho, lại chửi cho lão một trận kịch liệt, vợ lão còn tuyên bố nếu lão đem trồng hồng thay lúa thì sẽ làm đơn ly dị lão. Lão đành phải chia tài sản trước rồi lấy phần của mình đem thế chấp vay được mười hai triệu đồng.

Vụ sau lão Bồng không cấy lúa trên mấy sào ruộng khoán nữa mà đem trồng chính cái thứ hoa hồng mà lão lai ghép được, lão trồng hơn một nghìn cây. Không một ngày nào, nắng cũng như mưa người ta không thấy lão Bồng trên ruộng hồng.

Giáp tết năm sau, ruộng hồng của lão Bồng đỏ rực bởi hàng ngàn bông hoa hồng đỏ thắm. Lão ngắt mấy chục bông lên tận Hà Nội chào hàng. Ngay hôm sau người ta kéo về, trông thấy vườn hồng của lão, ai cũng tranh mua, cuối cùng lão Bồng bán tất tật cho một người với giá bình quân năm ngàn đồng một bông, cả thảy lão thu được năm mươi hai triệu đồng.

- Những năm mươi hai triệu!

- Hình như hơn, lão ấy giấu!

- Nhà tôi có ba sào ruộng, cấy lúa một năm thu hoạch chín tạ thóc, nếu bán được giá cũng chỉ có triệu rưỡi!
Cứ thế, cái tin lão Bồng bán ruộng hồng được những năm mươi hai triệu gây chấn động cả làng. Khắp làng trên xóm dưới đâu đâu người ta cũng bàn tán về sự kiện có một không hai này. Có ai ngờ cái lão Bồng trông cục mịch, cả ngày chả nói lấy một câu ấy thế mà tự mày mò lai ghép được giống hồng vừa cho hoa to, đẹp, thơm lừng lại vừa giữ được lâu. Nhiều nhà sang nhà lão Bồng xin mua giống, lúc đầu thì lão cho không, sau nhiều người xin quá lão đành bán với giá rẻ. Lão còn viết cả kỹ thuật trồng, chăm bón, đem thuê đánh máy, phôtô rồi phát không cho những ai muốn trồng giống hồng của lão. Chỉ trong vòng bốn năm, bộ mặt của làng Lăng vốn đìu hiu với những mái nhà tranh, vách đất đã lột xác. Nhà ngói, nhà cao tầng san sát mọc lên nhờ hoa hồng.

Lão Bồng đã trở thành người nổi tiếng. Người ta chuyền nhau tờ báo có cái tít "Người đi chân đất". Ái chà chà! Thì ra lão Bồng trồng hoa hồng là xuất phát từ mối tình đầu. Hồi còn thanh niên lão lên Hà Nội thăm bà cô, cạnh nhà có vườn hồng rất rộng. Sáng sáng lão thường thấy một cô gái ra vườn cắt hồng đi bán, lão hay sang giúp cô bó hoa rồi đem lòng yêu cô. Thấy lão đẹp trai, hiền lành, cô đáp lại tình yêu của lão nhưng bố mẹ cô không đồng ý vì nhà lão ở quê, lại nghèo. Tướng lão trông cục mịch, mẹ cô bảo người như lão thì chỉ về quê, bì bõm theo đít trâu là phù hợp. Lão uất ức lắm, ngay hôm sau khăn gói về quê, cưới luôn cô gái đẹp nhất làng chính là vợ lão bây giờ. Bài báo còn nói, dù đã trở thành triệu phú làng nhưng lão Bồng toàn đi chân đất, khi ra đồng cũng như ở nhà, khi tiếp khách cũng như ngồi một mình rít thuốc lào. Điều tai hại là ở chỗ bài báo chỉ tả lão Bồng đi chân đất mà không nói nguyên nhân nên ngay sau khi bài báo đăng được vài ngày, người ta nườm nượp phi xe máy về làng. Việc đầu tiên là tìm đến nhà lão Bồng ngắm chân lão rồi sau đó mới đi ngắm và mua hoa hồng.

- Người lão cao to thế mà hai bàn chân lại nhỏ nhắn như chân con gái, đúng là chân của quí nhân, khéo mà một, hai năm nữa lão lên chủ tịch xã chứ chả chơi!

- Nhà giàu, nhất là ở quê họ keo kẹt lắm!

- Sờ vào chân lão lạnh như đồng, giới khoa học cần phải nghiên cứu, biết đâu lại chả phát minh ra điều gì huyền diệu về bàn chân con người?

"Kính gửi Ngài nông dân chân đất! Tôi là một chuyên gia Nhật Bản, hiện đang nghiên cứu về nông thôn và nông nghiệp Việt Nam. Tôi thấy ở đất nước ngài có rất nhiều kỹ sư, tiến sĩ làm lãnh đạo hoặc ngồi bàn giấy nhưng lại thiếu những chuyên gia và công nhân tay nghề cao vì vậy tôi rất trân trọng và cảm phục trước ý chí và sự tìm tòi sáng tạo của ngài. Tôi hy vọng ngài sẽ trở thành một chuyên gia về hoa hồng và hoa của ngài sẽ được xuất khẩu ra khắp thế giới. Người phương Tây có câu: "Bánh mỳ và hoa hồng ", ngài đang dùng hoa hồng để làm ra "bánh mỳ - đôla". Chúc ngài thành công!

Nhân đây tôi cũng xin lưu ý với ngài rằng, hồi mới sang đây, tôi cũng hay đi chân đất để lội ruộng cho tiện và tôi đã bị cảm lạnh phải đi viện. Vì vậy ngài cũng không nên chủ quan đi chân đất vào những ngày giá rét..." (trích thư).

Khổ! Chân lão Bồng nào có phải của quí nhân, lão cũng chẳng keo kiệt đến mức không mua nổi đôi giày, lại cũng có huyền diệu huyền diếc gì đâu, lão cũng sợ cảm, sợ ốm lắm chứ! Chả là ngày xưa nhà lão quá nghèo, toàn ăn rau má, củ chuối, áo cũng chỉ có một manh thì tiền đâu ra mà mua giày với chả dép! Mấy mươi năm đi chân đất quen rồi đến khi mua được giày, dép, hễ cứ xỏ vào là mồ hôi lại đổ ra, ngứa ngáy khó chịu thế là lão quẳng đi.

Việc lão Bồng, triệu phú làng đi chân đất tưởng cũng chỉ ầm lên một tí rồi quên ngay, nào ngờ lại trở thành vấn đề hệ trọng của xã. Chính Chủ tịch xã Trịnh Hào đích thân  đến nhà lão Bồng:

- Bác Bồng à, xã tặng bác đôi giày mới.

- Có việc gì thế đồng chí chủ tịch?

- Việc quan trọng lắm bác ạ! Nó là uy tín, danh dự, là niềm vinh quang, tự hào cho xã ta.

- Sao? Vinh quang? Tự hào?

- Vâng! Vâng! - Chủ tịch Trịnh Hào hổn hển - Đúng chín giờ sáng hôm sau đích thân đồng chí chủ tịch tỉnh sẽ dẫn đồng chí bộ trưởng về thăm xã ta. Trong chương trình có thăm cánh đồng hồng và thăm nhà bác. Có rất nhiều đài, báo, truyền hình của Trung ương, của tỉnh đi cùng. Lại có cả các nhà khoa học nữa. Cả nước sẽ biết về xã ta chứ không chỉ riêng bác! Bác biết đấy, từ trước đến nay đến phó chủ tịch huyện cũng chưa bao giờ ghé đít đến xã ta vì đường đất ôtô con khó đi. Thế mà bây giờ, bộ trưởng về thăm, vì vậy bác không thể đi chân đất tiếp bộ trưởng được!

- Đồng chí thông cảm, tôi quen đi chân đất rồi. Hễ cứ xỏ giày vào là...

- Không được - Chủ tịch Trịnh Hào cắt ngang lời lão Bồng - Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ xã giao cho bác. Mà đồng chí bộ trưởng cũng không có thời gian đâu, thời gian của họ là vàng bạc nên cũng chỉ độ mươi, mười lăm phút thôi. Ngứa mấy bác cũng phải cố.

Vấn đề đi chân đất không còn là của riêng Bồng nữa mà trở thành vấn đề của xã, lão Bồng dù chỉ mới nhìn thấy đôi giày, chân đã râm ran cả lên, nhưng không thể từ chối trước thái độ kiên quyết của chủ tịch xã. Lão nghĩ, lúc ấy đông người, lão tập trung vào trả lời câu hỏi của bộ trưởng và cánh đài báo thì còn đâu nghĩ đến cái chân nữa! Lão nhận đôi giày, kèm đôi tất từ tay chủ tịch Trịnh Hào. Vừa ra đến đầu ngõ, bỗng Chủ tịch Trịnh Hào dựng xe máy vội vã quay vào:

- Tôi quên mất, cái chân ổn rồi nhưng cái đầu cũng cần phải ổn.

- Sao? Cái đầu tôi có vấn đề gì? - Lão Bồng hỏi, cái mồm dẩu ra toàn răng là răng.

- À không, ấy là tôi nói khi tiếp chuyện đồng chí bộ trưởng, bác ăn nói phải có khuôn phép chứ không thể bỗ bã nông dân được.

- Hừ, tôi phải nói thế nào?

- Ví dụ đồng chí bộ trưởng có hỏi: "Bác thấy đời sống của nhân dân xã ta từ khi chuyển đổi cây trồng, từ lúa sang hồng như thế nào?" thì bác phải nói: "Kính thưa đồng chí bộ trưởng! Nhờ có sự đổi mới tư duy sáng suốt của  lãnh đạo xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trồng lúa thành trồng hồng nên đời sống của bà con nông dân chúng tôi ngày một văn minh, giàu có".

Lão Bồng ậm ờ cho qua chuyện, cốt để tống khứ Chủ tịch Trịnh Hào ra khỏi nhà.

Sáng hôm sau, lão Bồng dậy rất sớm, lão đi ra cánh đồng hồng, đến ruộng hoa của mình, chọn những bông hoa đẹp nhất cắt thành một bó đem về tặng bộ trưởng. Ăn xong bát cơm rang, uống xong bát nước chè xanh nóng hổi, rít xong điếu thuốc lào, lão Bồng mặc quần áo chỉnh tề, xỏ tất vào chân rồi đi giày. Y như rằng vừa đút chân vào giày được một tẹo là mồ hôi đã thi nhau đùn ra. Ngứa, chao ôi là ngứa! Lão tháo giày, tháo tất ra gãi, soàn soạt, soàn soạt. Cũng chẳng hết ngứa, lão quay sang  cách trị ngứa "kinh điển" mà lão vẫn thường áp dụng mỗi khi bị nước ăn chân. Lão xuống bếp đốt một mồi rạ rồi hơ chân lên. Cơn ngứa dịu dần, mười phần giảm còn ba, bốn.

Lão đi ra ngoài, thấy thằng cháu nội đang chơi tha thẩn chơi ở cạnh bể nước, lão gọi:

- Thằng Bài, lại ông bảo.

- Dạ, ông bảo cháu cái gì ạ?

- Cháu ra ngoài đường hễ thấy có đám đông đi về phía nhà ta thì chạy nhanh về gọi ông nghe chưa!.

Thằng bé gật đầu rồi đi ra đường làng, gặp mấy đứa bạn, nó mải chơi nên suýt quên nhiệm vụ quan trọng mà ông giao. Đến khi đám đông đến tận đầu ngõ nó mới sực nhớ lời ông, vụt chạy vào nhà hét toáng lên:

- Ông ơi! Họ đến rồi!

Lão Bồng không kịp xỏ tất, quáng quàng đút chân vào đôi giày bóng lộn rồi nhao ra ngoài sân. Lão đứng sững người, đôi mắt căng ra nhìn ông bộ trưởng và đoàn người đi theo, ai ai cũng xắn quần, giày xách trên tay. Thì ra lão quên mất, đêm qua trời đổ gió mùa Đông Bắc, trận mưa đã làm cho đoạn đường làng gần ngõ nhà lão nhão nhoét, ngập đến mắt cá chân...

Vũ Đảm


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu