A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chậu hoàng lan

Khi tôi ra mảnh sân nhỏ nhà mình, vươn vai, hít thở chút khí trời, dẫu rằng rất ngột ngạt thì có chiếc tắcxi Mai Linh đỗ trước cổng nhà tôi. Cánh cửa xe bật mở. Tôi nghĩ, hẳn khách nhà mình nên mở ngay chốt cửa ngõ. Một cậu thanh niên chừng mười tám đôi mươi từ trong xe bước ra. Trông cậu thật cao ráo, trắng trẻo. Cặp lông mày rậm đen ánh. Ria mép lún phún rất bắt mắt...

Buổi chiều mùa hè ấy thật oi nồng. Bầu trời tối đen, vần vũ như sắp sập. Vậy mà tịnh chả có hạt mưa nào. Lại thêm cái vạ mất điện. Ở nhà hộp, nhà tầng, ở thành phố, mất điện thì quá tội bị nhốt kín trong hầm lò. Tôi ra mảnh sân nhỏ nhà mình, vươn vai, hít thở chút khí trời, dẫu rằng rất ngột ngạt. Chợt có chiếc tắcxi Mai Linh đỗ trước cổng nhà tôi. Cánh cửa xe bật mở. Tôi nghĩ, hẳn khách nhà mình nên mở ngay chốt cửa ngõ. Một cậu thanh niên chừng mười tám đôi mươi từ trong xe bước ra. Trông cậu thật cao ráo, trắng trẻo. Cặp lông mày rậm đen ánh. Ria mép lún phún rất bắt mắt. Cậu lễ phép hỏi tôi:

- Thưa ông, đây có phải nhà nhà văn... không ạ?

- Tôi đây. Có việc gì đấy cháu?

Cậu quay lại cửa xe, lễ mễ bê ra một chậu địa lan.

- Ông nội cháu bảo đem biếu ông chậu hoàng lan ạ.

Tôi vội đỡ chậu lan trên tay cậu thanh niên.

- Ông nội cháu đã viết thư gửi ông đây ạ. Cháu xin phép ông cháu đi về ạ.

Tôi chỉ kịp nói:

- Cháu cho ông gửi lời cám ơn ông cháu nhé.

Tôi kéo ghế, đeo kính, ngồi giữa sân đọc thư dưới ánh sáng đen mờ ngoài trời chứ không thể chờ đến khi có điện.

Chữ cụ nghiêng nghiêng về một phía, thật đều, thật đẹp. Nếu cụ không giới thiệu cụ đã ở tuổi tám mươi bảy thì chả ai nghĩ đó là chữ của người cao tuổi. Tuyệt nhiên không có nét ríu, nét run. Cụ viết vắn tắt tên cụ là Nguyễn Đức Vân. Cụ mê địa lan từ khi còn trẻ tuổi. Tình cờ được đọc mấy truyện tôi viết về địa lan, cụ rất thích. Do vậy cụ biếu tôi chậu hoàng lan. Nếu có gì đường đột mong được tôi thông cảm. Cụ chân thành mời tôi lên chơi nhà cho khỏi văn kì thanh bất kiến kì hình.

Tôi xúc động đến nghẹt thở, rơm rớm nước mắt. Cái tuổi bảy mươi chưa lấy gì làm già mà sao dễ khóc thế?

Theo số điện thoại bàn cụ ghi trong thư, tôi gọi cám ơn cụ bằng giọng hồi hộp, đứt quãng. Tôi hứa vào ngày một, ngày hai sẽ lên thăm và biếu sách cụ. Cụ đáp:

- Tôi mong sớm được gặp ông.

Cụ Đức Vân tiếp tôi ở phòng khách tầng hai. Đó là ngôi nhà cổ ở phố cổ. Nhà lợp ngói mũi chỉ có hai tầng, sàn gỗ, cầu thang gỗ. Đồ thờ gia tiên, hoành phi, câu đối, sập gụ, bàn ghế tiếp khách đều mang màu thời gian, sơn tróc, véc ni không còn màu. Cụ Vân cao và gầy như hạc. Bộ pi-gia-ma cộc tay bằng vải sồi rộng thùng thình. Gân tay nổi chằng chịt từ khuỷu đến bàn. Cụ chỉ hai chậu lan ngoài hiên nhà, giới thiệu:

- Tôi mê thứ cây này từ lúc còn ít tuổi. Đến Tết lan mới ra hoa. Mà hoa cũng không hẳn đẹp, không rực rỡ sắc màu. Còn quanh năm chỉ có lá. Đã vậy ngày nào cũng phải lau lá, ấy thế mà nó hút hồn mình. Thoạt đầu là mùa đông tháng giá theo bố tôi đi về các đồng quê chọn đất. Cha tôi bảo về mùa hanh khô, ruộng cày nỏ nhiều, vừa dễ chọn đất vừa đỡ công phơi. Rồi chặt đất, phơi lại đất, lau lá lau chậu. Thế rồi nó hút vía mình tự lúc nào, lạ quá. Tôi đi dạy học về là phải ngồi ngắm lan, sờ mó, lau chùi cái lá rồi mới ngồi vào bàn soạn bài, chấm bài được. Đi đâu xa mấy ngày chỉ mong về. Chỉ lo thiếu bàn tay mình chăm sóc, lan sẽ gầy yếu, cái cuống lá khô, cái mặt lá xám đen. Vậy mà mình chỉ tưới tắm, gội dầu, rửa mặt cho nó hôm trước, hôm sau trông nó đã tươi tỉnh ra ngay. Cái mặt lá cứ xanh bóng, trông rõ là hớn hở như trẻ nhỏ được chia quà. Cụ nói tiếp:

- Có lần bà ấy nhà tôi đã nổi đóa. Người đâu có người như ông. Giời ơi! Vợ chả lo. Con cái chả lo. Chỉ đi lo mấy chậu địa lan. Tôi là tôi vứt hết vào sọt rác. Lúc giận gào lên như thế. Lúc vui lại tủm tỉm, nếu không có mấy chậu lan nhà mình cũng vắng vẻ ra phết đấy nhỉ?

Bây giờ anh em trẻ chơi lan hàng chục, hàng trăm chậu, căng lưới bày đầy trên sân thượng. Còn tôi, bao nhiêu năm nay, vẫn chỉ có ba chậu. Một chậu mặc, hai chậu hoàng. Thân nào già, tách bỏ. Nhiều người hỏi tôi, ông có lan quý sao không gây thêm? Tôi nghĩ gây thêm dăm bảy chậu thì dễ. Nhưng như gia đình đông con, nuôi dạy chăm sóc ra sao đây? Đấy mới là điều khó. Tôi ví von có thể không chính xác. Tôi chỉ nói ý nghĩ của tôi thôi. Cha tôi kể, thoạt đầu chỉ có chậu hoàng lan. Như vợ chồng trẻ sinh đứa con gái đầu lòng. Chả hiểu sao, khó nuôi quá, nó cứ bỏ mình nó đi. Sau có người bạn mách, ông trồng hoàng lan riêng không được đâu. Phải trồng mặc lan nữa. Bởi hoàng lan thuộc phái âm còn mặc thuộc phái dương. Đất trời và vạn vật đều phải có âm có dương mới tồn tại. Bấy giờ cha tôi mới đi kiếm mấy thân đại mặc. Chậu mặc nhà tôi thuộc loại đẹp nghiêng ngửa ở đất Hà thành. Cánh to, đen, trán đỏ, lưỡi vàng nhất điểm hồng. Chỉ thua có mỗi mặc Phúc Xuyên ở Sơn Tây thôi. Mặc Phúc Xuyên cánh cũng to, đen nhưng hoa nọ nối hoa kia, cánh nở trước nối cánh nở sau gác vào cần. Anh em trẻ bây giờ gọi là "nối vòng tay lớn". Cánh đã đẹp mà trán và lưỡi đều một màu đỏ. Đỏ như màu gì nhỉ? Ấy cái tuổi già chán thế đấy. Nó cứ thoắt nhớ thoắt quên.



 Minh họa của Lê Trí Dũng


Tôi nhớ ra rồi. Tôi tạm ví nó đỏ như màu bao thuốc lá Rubi. Nhưng cái lưỡi mặc Phúc Xuyên cũng không đỏ hết đâu. Nó vẫn bớt lại một cái viền vàng. Thế mới tuyệt. Thế nên ông cụ Phú Gia mới cay. Mới cử người sang tận Giang Tây bên Tàu sắm chiếc chậu hai lớp. Chậu độc bản. Lại ôm cả tráp tiền lên Sơn Tây. Ông ấy cứ nghĩ có tiền mua tiên cũng được. Không ngờ bị nhà cụ Phúc Xuyên từ chối. Ông ấy ức quá! Đứng trên tầng hai chửi đổng mấy câu rồi ném luôn cái chậu xuống đường. Ông cụ bên Hàng Trống hay tin tiếc rẻ, sai người nhà ra quét hết mảnh to mảnh nhỏ đem về. Ông cụ cứ tỉ mẩn, kiên trì chắp nối, ghép lại. Cái chậu vỡ, trở thành chậu vô giá. Dân sành chơi địa lan ở Hà Nội không mấy người không biết. Ông Phú Gia giàu có thật. Nhưng có phải cái gì cũng dùng tiền mà mua được đâu. Có khi còn để cho thiên hạ mỉm cười ấy chứ.

Theo lời cụ giáo Nguyễn Đức Vân, tổ tiên mình quý nhất là lan đại mặc. Đại mặc là quân chủ, là vua một nước. Trong vườn lan không có đại mặc chỉ có hoàng lan, thanh lan có khác gì nước không vua, nhà không chủ, vợ không chồng.

Tôi đã loáng thoáng nghe chuyện này vài lần. Bữa ấy, tôi quyết định làm một cuộc du khảo. Bạn chiến đấu cũ với tôi ở thành Nam. Anh kinh doanh lan hoàng vũ. Có năm anh bán được tới năm trăm triệu. Tôi không tin vào tai mình, sợ tiếng nọ xọ tiếng kia. Tôi hỏi lại:

- Ông vừa nói bán hoàng vũ có năm được năm năm triệu à?

- Năm trăm triệu. Ông xem, cả cái cơ ngơi này của tôi chỉ có bảy trăm triệu thôi.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao rẻ thế?

- Thành phố này bây giờ là cái thành phố lặng. Chỉ có mỗi đường tàu đi qua. Đỗ dăm mười phút ở ga. Còn toàn thành phố buôn gì, bán gì để sống ngoài mấy cái chợ. Do vậy nhà mặt phố cũng bằng thừa. Năm qua tôi có ý định chuyển vùng. Định bán cơ ngơi này lên Xuân Mai mua đất. Tiện cho mình, tiện cho cả các cháu. Học hành xong chúng đều bám chặt lấy Hà Nội. Đứa lấy vợ, đứa lấy chồng. Chả đứa nào chịu về Nam Định nữa. Hỏi ra mới biết đất Xuân Mai, dọc đường Việt Nam - Cu Ba đắt quá. Mình chưa đủ lực đành chịu ông ạ. Chịu tạm thời thôi, chứ trước sau cũng phải chuyển vùng. Ở trên đó trồng địa lan, bán địa lan cũng dễ hơn. Khỏi phải chở từ Nam Định lên.

Tôi thấy chậu đại mặc có đến mười lăm thân, đẹp quá. Tôi vờ hỏi mua.

- Mua cho ông hay mua hộ ai?

- Cho tôi chứ.

- Sao ông không mua vũ?

- Vũ, một triệu đồng một thân tôi lấy đâu ra tiền.

- Với ông, tôi nói thật, chậu đại mặc ấy, mười hai mười ba triệu tôi cũng không dám bán đâu.

- Tại sao thế?

- Bán chậu mặc đi là cả trăm chậu vũ lụi hết.

- Lại thế kia.

- Bởi mặc là chủ. Là "đàn ông" duy nhất ở vườn lan. Mất chậu mặc, đám hoàng vũ thành gái hóa cả lũ à? Nó đánh lộn nhau. Nó buồn rũ ra mà chết. Còn cây mặc thì chậu vũ nào cũng hy vọng được chồng yêu và cạnh tranh nhau ghê lắm. Cho nên những chậu vũ đặt xung quanh chậu mặc, lâu lâu tôi phải đổi chỗ đấy.

- Cái anh địa lan này khiếp nhỉ?

- Khiếp chứ.

Tôi kể lại truyện trên với cụ giáo Đức Vân. Cụ giáo cười phô hai hàm răng còn chắc và đều. Cụ bảo:

- Không ở trong cuộc, nói chả ai tin. Người ta bảo, các ông cứ quan trọng hóa địa lan. Nó chỉ là một thứ cây cảnh thôi chứ có gì lạ đâu.

Cụ giáo Vân bảo, các con cụ ai cũng thích lan: "Cô con gái út làm ăn liên doanh liên kết với nước ngoài. Đón khách Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc thể nào nó cũng bê một chậu lan về. Khách tấm tắc khen. Họ cũng có người sành lan lắm. Trông lá lan, sờ lá lan, họ biết ngay là lan quý. Họ đòi đến thăm tôi. Dĩ nhiên nó khước từ. Khách đi rồi, nó bỏ chậu lan cả tuần chả hỏi đến chi. Tôi thương lan phải gọi tắcxi đến nhà nó bê về. Còn anh trưởng, cháu đích tôn, ngày Tết chấm chậu hoàng nào đẹp là đưa xuống phòng khách dưới tầng một. Còn chậu mặc phải để trên này, để giữa cái sập gụ kia để thờ các cụ. Cô em cười cười, biết là chậu lan anh và cháu đã chấm vẫn bê luôn lên xe. Anh và cháu đứng chưng hửng. Chẳng lẽ tranh nhau với em, với cô. Tôi và bà lão cười ngất. Vui quá ông ạ. Tuổi già rất quý trọng những giờ phút ấy, phải không ông?".

Tôi bảo:

- Cô nào có biết chậu nào đẹp hơn chậu nào đâu. Nó lười. Nó thấy tiện thì bê luôn thôi. Cháu lên bê hộ ông chậu hoàng trên nhà xuống vậy.

- Sang năm nay, tôi thấy gân cốt oải lắm, không còn xoay nổi chậu lan nữa. Tôi gọi các con đến bảo, ở tuổi bố, dấn thêm từng giờ từng ngày mất rồi. Con nào cháu nào thích chậu lan nào thì bê đi. Cô con gái tôi lè lưỡi, lắc đầu: "Địa lan đẹp thật, quý thật, sang thật đấy. Nhưng chăm sóc cầu kì như vậy, con chăm thế nào nổi. Lấy đâu ra thời giờ hả bố?". Anh con trai trưởng bảo: "Mất chậu lan cũng trống vắng lắm, buồn lắm. Nó gắn bó với nhà mình mấy chục năm rồi. Tuổi lan còn hơn tuổi chúng con. Nhưng chúng con không biết chăm và không có thì giờ chăm nó". Tôi buồn quá ông ạ. Không yêu lan không thể trồng nổi. Lan của tôi đâu phải để bán. Vừa rồi xem báo, thấy ông viết về địa lan, tôi đọc rất xúc động, rất tâm đắc. Phải yêu lan, hiểu lan nhiều lắm mới có thể viết được những trang văn như thế. Do vậy, tôi đã điện hỏi bên Hội Nhà văn địa chỉ của ông và đường đột biếu ông một chậu lan gọi là chút lòng của người yêu lan với người yêu lan.

Một lần nữa tôi chân thành cám ơn cụ đã cho tôi chậu hoàng lan tuyệt đẹp. Cụ bảo:

- Mấy năm nay, người chơi lan rộ lên lan cánh bằng, cánh bay. Họ ra sức tìm kiếm. Họ bị lây cái bệnh lan cánh bay, cánh bằng của nhà ông lan học bên nước Tàu ấy mà. Chứ chúng tôi chơi lan cứ thấy lá đẹp, hoa đẹp, hương đậm, thơm lâu, thơm xa là trồng. Chả ai để ý đến vai bay, vai bằng cả. Tuy vậy, tôi xin thông báo nhỏ với ông hoàng lan nhà tôi thuộc loại vai bằng đấy. Đẹp lắm!

Tôi ngồi lặng vì xúc động. Tôi không thể nói mãi câu cám ơn cụ, cám ơn cụ được nữa.

Cụ nói tiếp:

- Tôi dặn gia đình rồi. Nếu tôi có mệnh hệ gì thì hai chậu lan này đem biếu ông chứ không được bán.

Hai tay tôi ôm chặt bàn tay chỉ có xương bọc da nổi đầy gân cốt của cụ mà sống mũi cay sè, nước mắt lại ứa ra.


Dương Duy Ngữ (VNCA)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu