A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người đưa thư

Mai vừa chạy ra vườn định hái thêm lá thuốc dịt vào vết thương cho chồng thì Ba ngồi bật dậy. Miệng anh vẫn luôn nhắc hai tiếng: “Chiềng Ơn”, sau đó lại nằm vật xuống vì cơn sốt làm anh đau nhức toàn thân. Mai chạy vội trở lại, lấy khăn ướt ấp lên trán chồng rồi dỗ: - Em đã nói rồi. Sắp khỏi mà. Con chữ ấy sẽ về được tới bản Chiềng Ơn mà.

Sau thời gian ngấm thuốc, mặt Ba hồng hào trở lại. Mai cứ thế ôm lấy đầu chồng, mắt ngấn lệ. Biết không ngăn được chồng đang sốt ruột muốn lên đường đưa những bức thư nhận từ trạm về tối hôm qua, nhưng Mai vẫn chưa chịu, vì vết thương trên tay chồng đã lành hẳn đâu.

Nửa tiếng sau, dường như Ba đã khỏe lại, vết thương trên tay do bị ngã ngựa cũng không làm Ba nản lòng. Không biết sao lần này, Mai cố ngăn lại:

- Thì anh cứ chờ nước lũ rút rồi đi cũng được. Thư chậm một ngày thì có sao.

- Không được! Anh đã hẹn mế Hồng rồi. Mà đường lên bản Chiềng Ơn phải vượt qua đỉnh Kéo Pia xa lắm lắm mà. Ngựa lại không leo qua được.

Thấy vợ ngồi góc giường cứ thút thít, Ba  không cầm lòng được, bèn giải thích:

- Anh đã hai mươi năm làm nghề đưa thư này rồi. Anh hiểu lắm sự mong mỏi của bà con đối với mình. Nhất là mế Hồng. Mấy hôm trước mế cứ khóc hoài, mong thư con trai ở ngoài hải đảo gửi về…

Mai ôm lấy chồng, nói trong nước mắt:

- Dạo này mình gầy quá. Liệu còn đeo đuổi nghề được mấy năm. Mà cả đời cứ đi bộ hoài thế?



 Minh họa của Lương Xuân Đoàn


Ngoài kia, con ngựa hý vang như muốn tung vó trên đường dài với ông chủ. Lúc này, Mai biết không giữ nổi chân chồng, đành dặn:

- Gần đây lũ hay về bất ngờ, anh nên cẩn thận khi qua suối.

Ba vừa cười vừa sắp xếp lại các bức thư theo thứ tự đúng tuyến đường cần đi rồi nói:

- Em cứ lo, hai mươi năm lội suối băng rừng, anh thuộc nó trong lòng bàn tay ấy chứ!

Mai đi tìm mấy cái túi nilông cho chồng bọc thư tránh ướt, trong lòng vẫn áy náy:

- Mà con Bon dạo này cũng giống tính anh. Hôm nào không đi đưa thư nó chả chạy lồng lên và hý điếc cả tai.

Ba không để ý vợ nói gì mà chỉ lấy giấy ra ghi lại những dòng chữ cần thiết khi đi đường: Thung lũng Pha Khinh 5 thư, bản Sa 2 thư, bản Cút 1 thư, mường Giôn 5 thư, Chiềng Ơn 1 thư (mế Hồng) của người con chiến sĩ ngoài hải đảo.

Anh nhét vội vào túi nilông, cho vào xắc rồi cầm tay vợ nói:

- Anh đi đây, yên cái bụng nhé. Tối anh về!

Mai quay mặt đi cố giấu nước mắt. Ba vỗ vai vợ rồi đi nhanh ra vườn. Anh  buộc tất cả các thứ quanh người rồi nhảy lên yên ngựa.

...Đi qua thung lũng Pha Khinh đã gần trưa. Ba ăn vội miếng cơm nắm đem theo, xin bà con bát rượu lá uống vội vàng, rồi lại lên đường ngay. Anh tính, nếu nhanh thì gần chiều mới đến chân dốc Hán cho ngựa ăn rồi buộc nó lại, sau đó còn phải đi bộ vượt đỉnh Kéo Pia để vào bản đưa thư cho mế Hồng. Từ đó đi tắt rừng về nhà cũng phải tối mịt. Anh đang mải nghĩ thì bất ngờ con ngựa tung vó trước lên, tỏ ra sợ sệt. Ba nhìn về phía trước thì từ bìa rừng trước khi vượt qua con suối có những hàng cây bị đổ xuống lấp con đường vẫn đi. Ba ghìm cương ngựa, mặc cho vết thương cũ vẫn còn nhức. Con ngựa bỗng quay đầu lại. Dường như thấy chuyện chẳng lành, anh vỗ vào cổ con ngựa Bon để trấn an rồi nhảy xuống đất. Anh biết nó cũng đã thấm mệt. Đây là con ngựa thứ sáu mà trạm bưu tá đã mua cho anh để giúp anh đưa thư cho nhanh. Nhưng quả là năm con ngựa trước đã bỏ anh mà đi, bởi chúng không chịu được đường xa vạn dặm liên tục không ngơi nghỉ thế này. Anh biết lắm chứ. Sức người, sức ngựa đều có giới hạn của nó. Con ngựa thứ sáu này ở với anh được ba năm, đã thấy quen. Lần lũ quét năm ngoái, thấy anh bị dòng nước xiết cuốn đi, nó đã phi vào bản gần nhất mà hý vang. Thấy ngựa là người ta biết anh đang gặp nạn. Dân bản hô hào ra cứu anh khỏi chết đuối khi anh đang bị mắc kẹt ở giữa ngầm. Nó tình nghĩa và nhạy bén lắm nên Ba vẫn gọi nó với cái tên thân mật bằng cái tên con suối mà anh bị mắc nạn là Bon. Chủ là Ba, ngựa là Bon, dân khắp bản ba năm nay đều gọi nó như thế. Bởi đến bất cứ bản nào là nó đều hý lên gọi người ra lấy thư. Thấy mọi người vây quanh Ba là nó vui lắm, cứ chạy lồng lên một vòng trên bãi cỏ rồi mới quay về.

Lần này, Bon quay đầu lại. Ba chắc là nó lại chợt nhớ đến cơn lũ quét năm ngoái đây. Anh đến bên trò chuyện:

- Mày lại sợ cái lũ chứ gì? Đừng lo, ông Giàng chưa cho cái lũ về mà.

Hai chân trước con Bon cứ thay nhau gõ móng trên đá. Dường như nó muốn quay trở lại con đường cũ. Ba hiểu ra, bèn dỗ nó:

- Cái bụng tao không yên khi chưa đưa thư về bản cho mế Hồng. Phải vượt qua ba con suối, bảy cái dốc nữa mới tới. Rồi tao cho mày nghỉ.

Nghe những lời ấm áp của ông chủ, con Bon không hắt ra phì phì như trước nữa, có lẽ phải tiếp tục lên đường thôi. Vừa lúc đó, có một tay thợ săn hốt hoảng chạy tới. Vừa chạy, anh ta vừa hét lớn:

- Chạy ngay! Có con lợn lòi đang đuổi tới!

Ba nhảy đại lên yên ngựa rồi giục anh ta nhảy lên theo, nhưng khẩu súng trên vai anh ta văng ra đất. Vừa hay một con lợn lòi xuất hiện ở bìa rừng. Nó định hướng rồi lao tới chỗ hai người. Ba nhanh nhẹn lăn người về phía trước rồi nhặt khẩu súng lên. Anh vội hỏi:

- Còn đạn không?

- Còn.

Dường như thấy chủ gặp nguy hiểm, con Bon phi đại về phía trước. Nó xông thẳng tới trước mặt con lợn rừng, hý dữ rồi bất ngờ quay lại tung hai vó sau đạp thẳng vào má con lợn làm nó ngã lăn ra, rồi con Bon lấy đà chạy ngược lại. Ba lên cò súng nhằm vào bụng con lợn lòi đang đuổi theo Bon. Bon càng chạy càng nhanh theo một vòng tròn rồi lại theo đường dích dắc làm con lợi lòi nhỡ đà ngã vật ra đất mấy lần. Bất ngờ, khi ngã đến lần thứ ba con lợn đã thấm mệt không chồm lên nhanh được nữa. Thế là đúng lúc Ba nổ súng. Một tiếng nổ đanh sắc găm viên đạn vào giữa bụng con lợn lòi. Nó ngã vật xuống giãy dụa và rít lên nghe đến thảm hại. Ba sững người khi thấy những thanh niên dân bản ở gần đó đã quay cả lại. Ai cũng tay súng, tay dao chạy đến để cứu Ba. Nhưng mọi chuyện đã an toàn. Họ trói ghì con lợn rừng rồi khênh về bản. Ba chào mọi người rồi nhảy lên yên ngựa tiếp tục đi. Anh biết rằng lúc này đây mế Hồng đang mong lá thư của con trai trở về. Ba vội thúc ngựa phi nhanh qua dốc Hán. Bản người H'mông hiện lờ mờ trên cao.

Trời đã ngả sang chiều, những đám mây âm u kéo đến. Ba thúc ngựa chạy nhanh thêm tới chặng đường cuối cùng. Chẳng mấy chốc đã đến chân dốc Tà Khuổi. Anh vội buộc con Bon vào lán ở chân dốc rồi dặn nó:

- Đợi nhé, tao vượt qua dốc này rồi tới đỉnh Kéo Pia là tới thôi. Mày mà đi qua đỉnh Kéo Pia thì ngã mất. Không đi được đâu, tao đi bộ mà.

Anh ôm lấy cổ nó rồi mặc áo mưa vào, phòng tới đỉnh dốc trời đổ mưa. Hơn nữa mây ở trên đỉnh Kéo Pia bao giờ cũng đậm đặc, ẩm ướt hết tài liệu, thư từ. Bốn năm trước, con ngựa thứ năm đã trượt móng ở dốc trơn mà rơi xuống vực. Anh thương nó lắm, nhưng biết sao được, mọi chuyện đã rồi, nên đến con Bon này, không lần nào anh dám cho nó lên dốc Hán đá trơn. Ba vội vàng chống gậy lên dốc.

Lúc này, đám mây thêm dày hơn. Gió thổi u u. Từ xa những cây to ngả nghiêng mỗi khi cơn gió mạnh ào tới. Ba buộc lại dây quấn quanh áo mưa rồi bấm chân giày bước theo những bậc đá quen thuộc mà anh đã từng đi qua hai chục năm nay. Mặc cho mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Mặc cho gió thổi tới mạnh hơn. Anh đã quen với nó và nhanh nhẹn bước lên dốc. Bất ngờ có tiếng đá lở. Anh nghiêng người nấp gọn trong một hốc đá ở lưng dốc. Một lát sau, những mảnh đá vụn đã rơi dầy trên đường đi. Ba nhanh nhẹn nhảy qua rồi vội vã rảo bước. Vượt gần hết con dốc, đỉnh Kéo Pia đã xuất hiện, anh chợt nhớ tới vợ ở nhà đang mong mình về nên quyết chí vượt nhanh lên đỉnh dốc. Không hiểu sao lúc này anh lại nghe thấy tiếng con Bon hý lên. Nghe chừng nó lo trời đổ mưa to, anh vội che tay rồi hét to cho nó nghe thấy:

- Bon ơi! Chờ nhé...!

Bất chợt Ba thấy cánh tay mình đau nhói vì đột nhiên một tảng đá nhỏ từ trên cao văng tới trúng vết thương còn chưa lành. Cánh tay tê dại. Ba thấy ngấm lạnh. Anh cố ôm chặt túi thư vượt nhanh qua đỉnh dốc. Nhưng không ngờ ở sườn dốc bên kia, đường trơn hơn mà cái gậy trong tay anh đã bị văng đi lúc nào không biết nữa. Anh trượt chân ngã lăn xuống chân dốc bên kia. Ba chỉ còn biết ôm đầu để giữ cho khỏi va đập và chỉ kịp nhận ra túi thư vẫn còn ở bên mình trước khi ngất đi.

Nhưng thật kỳ lạ. Như linh cảm thấy sự bất trắc khôn lường của ông chủ, con Bon cứ thế hý vang. Nó đạp liên hồi vào dây buộc làm xổ tung tất cả rồi phi nhanh lên dốc Tà Khuổi. Dốc trơn, nó quỵ xuống mấy lần nhưng lại đứng dậy, từng bước leo lên tới gần đỉnh đồi rồi cứ hướng về phía bản Chiềng Ơn mà hý vang. Tiếng hý của con Bon thảm thiết làm cả bản Chiềng Ơn thức dậy. Ban đầu là tiếng chiêng gọi trai làng. Rồi tiếng trống dồn dập gọi dân bản. Ai cũng gọi nhau vì biết con Bon đã hý là có chuyện. Đêm tối đã sáng lên qua những ngọn đuốc. Con Bon như tỏ rõ sự mừng rỡ, cất tung vó trước lên hý vang một lần nữa, nhưng hai chân sau của nó không đứng vững được nữa. Nó trượt chân ngã tuột xuống dốc và giãy lên trong cơn đau trước khi bị lăn xuống vực. Những giây phút cuối cùng nó vẫn cố rít lên để kêu dân bản ra cứu ông chủ.

Quả nhiên, già bản Páo đã dẫn đoàn thanh niên trẻ ra khênh Ba về. Ai cũng biết và rất yêu quý Ba nên hầu như nhà nào cũng cho người ra nhà dài để chăm sóc Ba. Lúc này chỉ còn bức thư duy nhất của mế Hồng còn ở trong túi của Ba. Ánh lửa bập bùng sưởi ấm Ba. Khi tỉnh dậy, anh muốn mọi người đưa bức thư đến tận tay mế Hồng. Lúc này mế Hồng cũng có mặt ở đây và nhờ Ba đọc hộ lá thư của con trai mình. Mế không biết cái chữ mà. Những hòn than đỏ rực làm ấm gian phòng. Giọng Ba chậm rãi đọc rõ từng chữ một cho mế Hồng nghe. Mế Hồng vừa lấy khăn chấm nước mắt, vừa nghe thư của con trai, vừa mỉm cười sung sướng. Mế cầm lấy bàn tay Ba nói yếu ớt:

- Mế cảm ơn con. Mế đã mong nghe thư của nó mấy tháng nay rồi. Thế là hôm nay mế ưng cái bụng lắm đó.

Ai cũng bảo, giờ đã tối và giữ Ba lại mai mới cho về. Nhưng bất ngờ Ba ngồi nhỏm dậy nói:

- Còn con Bon đang ở bên kia chân dốc!

Lúc này già bản mới nói:

- Nó đã cứu con đó. Nó vượt đỉnh dốc rồi hý lên gọi dân bản ra cứu con đó. Nó ngã xuống vực rồi.

- Giàng ơi!...

Ba kêu lên một tiếng tuyệt vọng, rồi nằm vật xuống sàn khóc rưng rức vì nhớ con ngựa tình nghĩa của mình. Nó đã cứu sống mình ở con suối Bon, giờ đây lại cứu sống mình một lần nữa. Giàng ơi! Vậy mà nó lại ra đi. Nghĩ rồi anh lại khóc tức tưởi như đứa trẻ. Già bản và mế Hồng cứ để Ba khóc cho thỏa lòng thương nhớ. Vì ai cũng biết con Bon đã gắn bó với Ba như như thế nào trên những con đường đưa thư, đã bao ngày đêm xuyên rừng, băng suối qua đèo, vượt dốc. Ba, người đưa thư, người con yêu quý của hàng chục dân bản quanh vùng rừng núi hiểm trở này. Nhìn Ba thiếp ngủ trong ánh lửa hồng đang bập bùng cháy, mế Hồng biết rằng, Ba cũng như con trai mế, mỗi khi ngủ là đều mơ một giấc mơ thần tiên. Nó thường kể, đó là một vườn hoa đua chen trăm sắc phủ kín mọi con đường trong bản, và các cô gái xinh đẹp đang múa hát những bài ca về tình yêu. Những con đường hoa ngát hương. Mế Hồng nhìn Ba và thốt lên:

- Con trai của mế!

Mắt mế Hồng sáng lên khi nhìn những dòng chữ trong lá thư đang phập phồng trên tay. Mế Hồng cười nhìn Ba và không cầm được nước mắt đang trào ra...

Vương Tâm (Văn nghệ Công An)


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu