A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc tang thương - Đoạn thứ hai (V)

Cậu Ngô-Tòng từ ngày tòng-sự tại sở Kho-Bạc, thì cứ ngày hai buổi đi làm, tối lại về ngồi một mình trên gác, không giao thiệp chơi bời với ai, chỉ có chàng Lê-Cần là thường thường đi lại truyện trò với cậu, ngoài ra gác rộng, thân cô, chẳng khác chi thày tu khổ-hạnh ngồi trong cnốn thuyền-lâm tịch mịch. Cậu đây cũng như người tu tại gia tâm-giới đối với cảnh-ngoại đã thấy phản-đối, không lấy gì làm ưa, vì cảnh-ngộ cậu điên-bái lưu-ly như thế, cái sầu đã chất thành gò núi trước mắt, lúc nào cũng trông thấy. Người mà đến mấy năm hết buồn này, đến khổ khác, sống ở trong cảnh gia-đình tang-thương, không được biết cái vui xum họp gia-đình là gì, thì còn ham muốn gì nữa? Con người ta sinh ra, bước đường thứ nhất mình đi là chốn gia-đình, nay cái bước đường thứ nhất của cậu đã thất-lạc, thân cậu bây giờ như một cây cỏ mọc cheo leo giữa giời, không bám bíu vào đâu, cảnh ấy nguy-hiểm biết là đường nào, đáng buồn đáng lo biết là bao nhiêu? Cảnh-vật tuy có vui mà cũng là nơi thành sầu bể thảm của con người ưu-hoạn như cậu, đường thân-thế tuy đã có mục-đích mà bước tương-lai còn xa lăng lắc, suy chẳng tới nghĩ chẳng nên, thuyền ai một lá cánh buồm bên sông, nghĩ lòng lại sót xa lòng đòi phen. Ai đánh mà đau, ai bắt mà sầu, chẳng qua cỏ nội hoa hèn vứt bỏ, mà mây ngàn mờ khuất, giăng tà chiều hôm, bức tranh Vân - Cẩu ngàn dâu hiu hắt, nhìn đất giời con mắt đăm đăm. Tạo-hóa có thù chi khách hồng-quần mà bắt phong trần cũng phong-trần như ai. Sự đời đã bất thường khe khắt như thế thì đời phồn-hoa cũng là đời bỏ đi. Chàng Lê-Cần thấy cậu lúc nào cũng ủ rột như cánh hoa thu, vừa buồn lại vừa thương, cảnh chàng cũng buồn, nhưng chàng là người kiên-tâm nhẫn-nại, có tư-tưởng, bao nhiêu sự đau khổ tự-nhiên đều bỏ hết được, mà một niềm làm lụng cho khuây. Lê-Cần trông cậu rầu rĩ thái quá, bèn khuyên rằng:

“Anh buồn mà chi, sầu nữa mà có ích gì? Chẳng qua ở đời tạo-hóa tuần-hoàn, người ta sinh ra thường trong mười phần vừa ý, thất ý đến  tám chín phần, không ai là không phải đau khổ, nhưng sống ở đời phải hoạt-động, phải có công-việc, phải có lo toan, nếu anh cứ thế mãi thì sau ra làm sao?”

Nhờ những lời chàng khuyên cậu, nên cậu đỡ buồn; lúc rảnh rang chàng liền lấy lẽ phải khuyên cậu lấy vợ, cậu chỉ giả lời:

“Lấy vợ! Lấy vợ mà làm gì?”

Lấy vợ, lấy vợ mà làm gì, đó là một cái luận-đề mà cậu đương suy nghĩ, suy nghĩ vẩn vơ chưa ra nhẽ phải.

Cảnh cậu ngày nay quạnh quẽ vắng vẻ đã chẳng khác cái một bãi xa-mạc mông mênh, không có vết chân lạc-đà bước qua, mây sầu khỏi tỏa chân giời, tịt mù nào biết ai người đồng-tâm, không có lẽ lỗi việc  đền trông cậy ở cái thịnh-tình của chàng Lê-Cần hay sao? Đành rằng phải lấy vợ, nhưng vấn đề lấy vợ này thế mà khó giải-quyết, giải-quyết làm sao? Biết lấy ai? Ai lấy? Lấy con nhà giầu có buôn bán chăng, e không có nết! Lấy con nhà thế-phiệt nho-gia chăng, e không phải là người làm ăn? Lấy con nhà hàng phố buôn bán chăng, e đức-hạnh không phải là người đứng đắn. Huống chi con gái đời nay, phần nhiều mắt cậu trông, tai cậu nghe, đều không phải là người có thể cậu lấy được.     

Tối hôm ấy.... giời ấm áp, cận trong bụng bứt rứt không yên, bèn mặc áo chít khăn, dặn thằng nhỏ trông nhà rồi đi. Nghe những người đi đường nói truyện với nhau rằng Quảng-lạc độ rầy hát nhiều vở tuồng hay lắm, bèn quyết-ý định vào xem tuồng.

Đến ngõ Sầm-công, thì rạp hát đương giáo-đầu cậu lấy vé hạng nhất, đưa người xé vé, rồi vào, thì các ghế ngồi trong rạp hát đã đông cả, từ trên gác xnống dưới nhà đen nghịt, những người. Vé cậu có số, nên không ai tranh được, tìm mãi mới thấy, vừa ngồi được một lúc, thì người ra đóng vai giáo-đầu đã rở vào, màn đã hạ, đèn điện đã sáng. Trong rạp hát ồn ào những tiếng nói cười, huyên-náo quá chợ Đồng-Xuân. Một  giẫy ghế hạng nhất gần chỗ cậu, ghế nào cũng có người, trông ra toàn là các ông, các bà, các chàng thiếu-niên bận tây rất choáng, các cô nữ-trang ăn mặc rất, mĩ-miều, có thầy thì áo tây khuy có đính cái hoa hồng con đỏ chói, có cô thì tay đeo đồng hồ bracelet vàng, lại có cô thì ngồi cắn hạt rưa; những mùi thuốc lá sực nức mũi, ở giữa rạp hát đông người bay lên trên không như một đám khói trùng trùng, rồi những tiếng cắn hạt rưa nghe cũng chẳng khác chi tiếng tích-tắc máy đồng hồ hỏng nghe ban đêm thanh vắng. Mặt nọ ngoảnh nhìn mặt kia, mắt kia liếc nhìn mắt nọ, người nọ trông người kia mỗi người như có cái gì lạ trong mình, làm cho người khác phải nhìn rút lại quần áo phô-phang, dục-tình chọi với dục-tình mà thôi.        

Cậu Ngô-Tòng tuy ngồi nhà hát, nhưng trí-não mộng-du trong cảnh người với người, càng trông cái cảnh-tượng huyên-náo này càng lấy làm khó chịu....

Mới lấy chương-trình xem diễn vở tuồng gì, thì là tích Dự-nhượng đả, long bào, xem xong vội vàng gập lại để vào lòng, chẳng may chỗ ấy đông quá, người ngồi chật hai bên, cậu vô ý thế nào tay đụng ngay vào cái đuôi gà lõng thõng ra sau ghế trước, thì thấy một cô con gái ngoảnh lại, cậu biết mình sơ ý liền nói tạ lỗi cô, nhác nhìn cô diện-mạo đoan-trang, mày thanh, má phấn môi son, khổ mặt trái xoan, cái khăn xa-tanh hoa vấn trông rất xinh sắn tròn trặn, hai còn mắt trông sắc mà không lẳng lơ, không vô-duyên, càng nhìn càng thêm yeu mến. Lần này là lần thứ nhất cậu được trông thấy một người có sắc, mà đáng mến như cô, thật là một sự tình cờ, tự nhiên mà sui cho cậu có một cái cảm-tình vô hạn đối với cô. Cô là ai? Có duyên gì với cậu mà đã làm cho cậu quyến-luyến rồi.

Cô con gái ấy nghe cậu tạ lỗi, không nói gì nữa, quay đầu lại. Bên cạnh cô có một bà cụ độ năm mươi tuổi, chừng là bà đẻ cô, một lúc thấy bà cụ bảo cô: “Đưa cho mẹ miếng dầu!”, rồi thấy cô lấy dầu để trong cái khăn mù-soa lụa trắng đưa ra. Cậu ngồi dưới có ý nhìn cô, càng nhìn càng đáng yêu. Trông người cô vừa vặn thanh-tú, mình mặc một cái áo đoạn chơn, mỗi bên tay có hai đôi xuyến chạm, tuổi độ 19, 20 là cùng....

Lạ thay, con mắt cậu trông người cũng nhiều, mà chưa được người nào như cô vừa có vẻ phong-lưu yểu-điệu, lại vừa có vẻ chín chắn nết na. Tình cờ mà trông thấy cô, chắc là một cái duyên may, không nên bỏ qua. Có lẽ cô là người mà cậu đương băn khoăn tìm hỏi đó chăng?                   

Một hồi lâu, còn hai cảnh nữa mới hết, thì đã thấy hai mẹ con cô con gái ấy đứng giậy ra về, bà cụ bước ra trước, còn cô vội vàng bước theo sau, lúc đứng giây, bỏ quên mùi-xoa đựng dầu rơi trên ghế, cậu bèn nhặt lấy, gọi cô lại đưa giả. Cô cầm mùi-xoa nói: “Giã ơn cậu!”

Tiếng nói thanh-tao, như sui dục lòng cậu thêm cảm-tình quyến-luyến, hình như có cái động lực gì phát-khởi trong mình cậu, cậu lúc này chẳng khác chi miếng sắt bị đá nam-châm hút; cô đi, cậu cũng theo sau. Ra đến cửa, thấy bà cụ gọi xe mặc cả hai xu về đầu hàng Bạc; cậu muốn biết rõ chỗ cô ở, bèn cũng gọi xe theo sau, một lúc xe bà cụ và cô con gái đỗ gần đầu phố có máy nước ngay bên cạnh cột đèn, chỗ sáng, nên cậu xem rõ được số nhà, liền quay xe về....

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu