A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc tang thương - Đoạn thứ nhất (II)

Đoạn thứ nhất 

II 

“Nguyên chàng thiếu-niên này tên là Ngô-Tòng là con một nhà phú-gia ở nhà quê, thuộc tỉnh Thái-Bình, người khôi-ngô tuấn-nhã, có vẻ thông minh hoạt-bát, nếu chàng được chịu ơn gia-đình giáo-dục của cha mẹ, thì dẫu chẳng sớm muộn, cũng phải thành người. Nhưng chỉ vì ông thân-sinh ra chàng là người phóng khoáng tửu-sắc thái quá, không hết nghĩa-vụ làm người tộc-trưởng trong nhà, nên mới gây cái bi-kịch thảm hại mà ta sắp kể sau đây....

Ông tên là Ngô-Văn, tuổi mới ngoại bốn mươi, người bé nhỏ, trước có theo đòi cửa Khổng sân Trình mấy năm hoạn-lộ rủi ro, lao đao trường ốc, ông chán bèn về ở nhà quê, mượn tửu-sắc làm vui. Cũng may được bà là người siêng năng tần tảo, công việc làm ăn đảm đang, xốc vác giỏi, cho nên gia-nghiệp cứ một ngày một khá, chẳng mấy lúc mà giầu có ngay...  

Ông thấy cửa nhà sung túc, ruộng vườn cũng nhiều, thì lấy làm mừng lắm, chỉ còn tức một nỗi đường công-danh ngoắt ngoéo, khiến cho ông những ước ao mà không được, vẫn là người bạch-đinh; lúc rảnh rang ông thường nói với bà: 

“Đời nay cứ có nhiều tiền là có danh-giá thế-lực, có tiền cũng được người ta gọi là quan lớn, vậy thì vợ chồng ta, giời cho cũng có cơ-nghiệp kha khá, không nhân dịp này mà mua lấy chút danh vọng, tội gì mà khư khư giữ hai tiếng trọc-phú để cho làng nước người ta khinh cho!

Bà cũng giả lời:

“Ừ, ông nói rất phải, xem ngay như ông bà hai Đ. bây giờ, ai cũng gọi là quan hàn, bà hàn, ông quan lớn, bà cũng bà lớn, ngồi cả với ông phủ bà phủ, nghĩ như người ta giầu còn kém mình, mà lại danh-giá hơn mình bao nhiêu? ... Sướng thật! 

Ông thấy bà gãi ngay vào chỗ ngứa, thích ý quá, cười vang cả lên:

“Trước kia tôi đi học, chủ-ý cũng để thi, may ra có đỗ, thì cũng làm được tý quan lớn cho có chút danh giá với đời. Chẳng may số phận chẳng ra gì, cho nên sôi hỏng bỏng không, chữ lại giả chữ... Bây giờ thấy người ta đắc-chí; quan-hoạn hiển hách mà thèm... Vậy làm thế nào tôi cũng phải bỏ tiền ra mua lấy một cái hàm, gọi là cũng làm quan lớn tắt được... “

Hai vợ chồng bàn định xong, rồi đó ông lo mượn thày thợ, bỏ ra ba nghìn mua được hàm hàn-lâm-viện điện-bạ. Từ đấy rở đi, trong làng ai cũng gọi ông là quan lớn; ông đi đâu thường hay mang điếu tráp. Thỉnh thoảng có việc gì, ông lại vào hầu các quan tỉnh, cho nên nội nha-lại với cai lệ dinh quan Tuần, quan Án đều biết ông, chúng đều tâng bốc ông mà đều gọi là quan cả. Hoặc có tên lính mới nào, mới đăng ngạch, không được biết ông, một đôi khi có giáp ông, thì anh em lại bảo nó:

“Quan lớn đây thân với quan nhà lắm đấy! Lần sau ngài có lên tỉnh anh phải bẩm ngay để ngài vào chơi!”

Ông nghe nói lấy làm thích lắm, bèn trọng thưởng cho chúng. Trong bụng ông nghĩ: “Ngày nay ta cũng quan, chớ có kém gì đâu, hà tất phải thi-cử đỗ đạt mới làm được.

Trong tư-tưởng ông lúc bấy giờ đã nở ra như trăm hoa hớn hở; trong tưởng-tượng ông lại mới mô-phỏng ra một cuộc đời khác... Lạ gì cái phong-lưu là cái cạm trên đời, nó thường đánh bẫy con người phồn hoa, cho nên người ta ở đời, phú-quí dễ sinh hư-hỏng là thế. Như ông hàn này giời cho cửa nhà sang-trọng, ruộng vườn nhà cửa chẳng thiếu gì, sung-sướng kể đã nên sung-sướng, tuy cũng cỗ cao mâm đầy, lầu son gác tía, mà ông vẫn không lấy làm tự-túc... Như người khác ao ước cái cảnh như ông, được như ông tất bụng lấy làm mãn-nguyện lắm, nhưng đến lúc hy-vọng đã thành rồi, lại muốn hi-vọng cái này cái nọ nữa. Cho hay con người ta sinh ra, chỉ dồ dại vì cái lòng tham sống tham vui quá, mà đến nỗi đắm đuối vào những cảnh-tượng rất éo le, có vui sướng mà không được bao lâu. Thế mới biết một người đã quen ở cảnh thị-dục đào-hoa như ông hàn đây, lúc qua cảnh ấy rồi, hồi-tưởng đến vẫn còn ký-ức rất mạnh. Cái hoa thơm kia, dẫu nay hương tàn nhị rữa, mà vẫn còn bay mùi chung quanh mình ta, lúc nào cũng  có hình ảnh ở trong tưởng tượng, làm cho ta mỗi lúc nghĩ đến, lòng còn cảm-súc đến bây giờ, ta muốn rơ hai tay mà cầm lấy, hứng lấy, nhưng than ôi nó chỉ là một giấc mộng tràng-xuân vô-hình vô-ảnh đó thôi... Ấy thế mà dại dột thay là lũ người, vẫn biết rằng giấc mộng tràng-xuân ấy dài ngắn chẳng được là bao nhiêu, mà tinh-thần thường vẫn phảng-phất cái khí-vị êm đềm. Ngán thay!

Cái hạnh-phúc nhà ông hàn đây kể cũng không phải là không có, nhà cửa như thế, vợ chồng con cái xum họp vui vẻ, ông còn ước ao chi nữa. Song ông là người không phải lấy cái hạnh-phúc một gia-đình thế làm vui, làm sướng; tư-tưởng, cảm giác lại mộng du ra ngoài cái phạm-vi gia-đình lạc-thú, trong những cảnh  mộng-thế xuân sắc tươi cười của những kẻ đa-tình đa-tứ, lấy gió giăng làm kho vô-tận để tận-hưởng cái thú vật-chất kỳ khôi. Ông hồi-tưởng lại mười năm về trước, lúc ông còn trong vòng ba mươi, thôi thì bôn-ba trên đường hành-lạc, cùng chúng bạn câu cười suốt tháng, chén rượu cung đàn, dịp phách, khi cùng mấy ả hồng-lâu truyuện-trò tri-kỷ, cảm tình biết bao nhiêu? Ông nhớ như vừa mới ngày nào, cũng vào hồi tháng chạp, ông cùng ông cả Bi... hai anh em rủ nhau ngược Hanoi chơi, lên số nhà 70 phố hàng Giấy là nhà cô đầu Thi uống rượu. Cô đầu Thi này là một bực giai-nhân có nhan sắc ở phố hàng Giấy, khách làng chơi đã từng nghe tiếng, ai ran ríu cũng phải tốn hàng nghìn, thế mà ông mới biết cô có một lần duyên giời xui khiến, cô đã đem lòng quyến-luyến ông ngay, lúc ngồi chiếu rượu, cô hãm cho ông rằng:

Thuyền-quyên vừa biết anh-hùng,

Dặn lòng xin chớ phụ lòng làm chi.

Sớm đã tương-tri,

Thôi thì sớm đã tương-tri,

Cùng ai biết có duyên gì hay không?

Tạc một chữ đồng...

Ông nghĩ đến mấy câu hãm này, lại hồi-tưởng như được trông thấy cô đầu Thi trước mắt, đêm hôm ấy cùng ông ở trên một cái gác kín, ngoài thì gió thổi rét run, lúc bấy giờ đêm khuya chỉ có ông với cô ta còn thức nói truyện; những lời cô ta cảm-động thấm thía, ông nghe thấy, nay hãi còn trong lòng, mà cô đầu Thi bây giờ thì đâu... Ông lại nhớ như vừa độ nào, ông đương cùng với mấy ông bạn học, rủ nhau về Đông-Ngạc (Làng Vẽ thuộc tỉnh Hà-Đông) đánh trống, canh tàn lặng ngắt, ngồi trong nhà lá mà tai chỉ nghe tiếng phách chen tiếng đàn, hòa với câu hát, rịp rịp ràng ràng, thánh thót mà êm đềm như xui dục người du-tử mến cảnh giang-hồ, rồi mà, khúc hát Tỳ-Bà vừa não ruột vừa réo rắt, tay ông cầm roi chầu, cũng phải rời rạc... Chính cũng hôm ấy, ông cùng cô đầu Hanh là một người danh ca ở Đông-Ngạc đã hẹn hò sau trước, định trăm năm tính cuộc vuông tròn, nào ngờ đâu, qua đến năm sau ông hỏi thăm cô thì cô đã rơi ngọc trầm châu rồi, để cho ông thương tiếc..... Bây giờ dẫu cô đã ra con người Đạm-Tiên, mà cái hình-dung, cái tiếng thanh-tao của cô còn phảng-phất ở bên ông, ông nhớ đến cô, nghĩ như lại được trông thấy cô hát ở trước mắt. Cách năm mây khói mịt mù, vườn đào ướm hỏi ai là chủ-nhân? Thì sự đời đối với ông có lúc thường, có lúc biến, xưa kia vui vẻ bao nhiêu, thì nay lại buồn bã bấy nhiêu. Thấm thoắt mà nay ông đã ngoài bốn mươi tuổi đầu, da dăn, tóc đã hơi bạc, bao nhiêu cái xuân-sắc, xuân-tình, xuân-tứ thủa xưa nay đâu đâu cả, mà cả những sự mắt trông, tai nghe ngày xưa cũng tiêu-tán đâu hết. Ngoảnh đi ngoảnh lại, xuân rồi lại hạ, hạ lại sang thu, mà thu tàn, cảnh vắng, lá rụng, hoa rơi, tức là cái biểu-hiện cuộc đời ngày nay của ông, vì ông đã già rồi...

Ông đã già rồi nếu thật có phải, thì ông cũng chưa lấy chi làm già, ông còn tiếc cái chơi, ưa cái xuân tàn biết thú cái xuân-tình xuân-tứ kia mà... Thôi thì thôi, người dẫu có già, mà bụng ông chưa già; ông còn muốn có vừng mây xanh cản mảnh nguyệt sáng lại, cho bao nhiêu cảnh non nước hữu-tình còn rực-rỡ ở trước mắt ông. Nhưng sức ông đã kiệt, bao nhiêu ý-khí hăng hái lúc còn trẻ cũng không còn, dẫu có muốn chơi như ngày xưa cũng không được nữa... Vả lại bao nhiêu những sự hành-lạc của ông ngày trước, bấy giờ đối với ông cũng không đậm mấy, tinh-thần ông đã thấy mệt mỏi. Nhiều lúc nghĩ muốn cưỡng mà chơi, nhưng thân thể đã nhu-nhược không tài nào vượt qua được cái giới-hạn đã nhất-định, chỉ có ngồi nghĩ mà tiếc mà buồn thôi... Càng buồn, càng tiếc bao nhiêu, càng thấy như thèm nhạt khát khao. Bà cũng khéo chiều ông, cơm hầu canh dẫn, không để cho ông phải nói, nhưng bà đối với ông chẳng qua như một bức tranh tạo-vật về mùa thu, không còn có cái vẻ sán-lạn xuân-sắc nữa, như thế thì tuy bà chiều ông, yêu ông, mà ông vẫn chỉ coi bà như một thứ hoa giấy để một chỗ, cho đẹp cửa nhà, không khả dĩ đem ra để ngoạn-thưởng. Bao nhiêu sự cảm-giác của ông quay cả về cảnh xuân đầm ấm tươi tốt. Ông thấy các anh em bà con ông, lắm người già hơn ông mà còn lấy ba bốn vợ lẽ, nàng hầu đẹp đẽ trẻ trung, ngồi ăn thế này cũng hai ba cô ra hầu hạ, thì ông lại nghĩ đến ông, ví với các người ấy, sự sung-sướng thật cách xa, một giời một bể. Người ta thì hơi yếu đau, cũng hai ba cô hầu đấm bóp thuốc thang, mà mình giá có làm sao, thì chỉ có một vợ già cả lẫm cẫm hầu; người ta hơn gì mình mà được sung sướng thế; mình của có, danh-giá có mà vẫn khổ, là nghĩa làm sao? cũng chẳng qua người ta được vợ cả hiền-đức biết chiều chồng, mà không ghen tuông ! Đã nhiều lần ông ngỏ ý muốn mua hầu, thì bà lài kiếm truyện gạt đi, tức mình chẳng biết làm thế nào, chỉ ngày đêm thở ngắn than giài, bực rọc vô cùng, công việc trong nhà từ đấy ông bỏ cả, giao cho bà, còn cậu Ngô-Tòng là con ông, ông cũng chả nhìn gì đến.... ông vốn biết bà tin lễ bái, số tướng, mới bảo bà rằng:  

“Tôi xem số, thánh có dậy rằng phải lấy vợ lẽ, nếu không thì sát vợ cả, bởi vậy tôi lo cho bà lắm!...

Nói rồi cố ý nhìn bà xem bà có đổi sắc sợ hãi gì không, nhưng mặt bà vẫn như thường. Bà cũng biết rõ rằng ông nói dối như thế để dễ được lấy hầu, song không hề nói ra, vì bà cũng không muốn để phiền quá cho ông, e rằng ông vì bà mà lo rầu thái quá. Thói thường đàn bà ai cũng có tính ghen, yêu chồng mà ghen, quí chồng mà ghen, muốn đem hết một cái ái tình làm vợ đối riêng với chồng, ngoài ra không muốn có một cái ái tình khác nào gián-tiếp vào nữa, sự ghen đó tình rất nên yêu, mà thế rất nên thương. Vả lại như bà đây, cũng không phải là một người hãn-phụ, thật là có tam-tòng tứ-đức từ khi  lấy ông chiều ồng hết mực án họ Mạnh ngang mày khép nép, gánh giang-sơn thu xếp một tay, không một câu gì ông phải nói. Nay vì làm sao mà bà muốn phản đối ông việc mua hầu lấy lẽ? Chỉ vì bà biết ông nhiều thị-dục, xưa kia đã quá si mà hại của về cô đầu, chi cho khỏi ngày nay lại sẩy ra cái hại nữa về hầu thiếp? Những kẻ đào non liễu thắm, chịu đem thân lấy lẽ làm hầu, đã không có cái địa-vị làm vợ, gối phượng chăn loan ôm ấp, ngọt bùi san sẻ làm đôi, thì chắc chỉ mơ màng no ấm thân hèn, tiền của cho nhiều mà thôi, mấy kẻ có đức hạnh tốt? Con nhà bần tiện, vì bén hơi đồng, bán mình vào cửa giầu sang làm chi có giáo-đục, mà hòng biết đạo nghĩa. Ông thì tuổi cũng đã cao, cậu Ngô-Tòng cũng đã mười ba mười bốn, hai vợ chồng được có mụn giai là cậu, nếu nay ông không lo dậy bảo cậu thì sau này nhớn lên ra làm sao? Con có cha như nhà có nóc, nóc mà rột hỏng, phỏng có ở được nữa không? Ông mà không nghĩ gì đến việc cửa việc nhà nữa, thì gia-đình tất phải suy-đồi, cậu Ngô-Tòng tất mất trông cậy ơn giáo dục, cho nên khi bà nghe ông nói thế, thì bà giả lời:

“Có phải ông đã muốn mua hầu, thì để thong thả tôi xem có món nào xinh xắn tôi mua cho ông một người. Nhưng tôi tưởng bây giờ ông cũng đã ngót năm mươi tuổi đầu, việc lấy hầu dẫu sớm muộn cũng chẳng làm chi, chỉ cốt ông lo liệu dậy bảo trông nom con nó cho khỏi đến nỗi hư hỏng....” 

- “... Trông nom dậy bảo con nó à! Việc đó bà không phải lo, để sang năm tôi xin cho nó vào học trường tỉnh....”

- “Đã hay rằng thế, nhưng nó còn ở nhà, ông cũng phải dậy bảo nó một tí mới được chứ!”

Ông thấy bà nói lắm, chỉ vắn tắt một câu:

“Nó cũng ngoan ngoãn, chả cần phải dậy bảo lắm cũng được!”

Bà nghe ông nói, chán như cơm nếp, bụng buồn bực, than thầm:

“Hỏng mất, ông như thế thì gia-đình hỏng mất!” 

(Xem tiếp kỳ sau)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu