A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoa bưởi tháng giêng

Họ bên ngoại tôi ở làng Văn. Lúc nhỏ, tôi có về theo mẹ tôi vài lần. Mỗi lần về quê là tôi lại xin ở nán lại thêm vài ngày. Phong cảnh như tranh, những nụ cười niềm nở, hội hè, đình đám... đã in sâu vào trí óc của tôi những điều cực kỳ tốt đẹp và say sưa. Và chính chúng đã nảy nở trong tôi những mầm non nghệ thuật.

Làng Văn là một cái làng cổ xanh biếc, gồm 6, 7 xóm quây quần lại với nhau tại một khu vực hẻo lánh bên một nhánh sông Nhuệ. Tuy vậy, làng Văn được nhiều nơi biết đến. Những vùng xung quanh đều dành cho làng một sự kính nể ưu ái. Người làng Văn hiền lành, cần cù, xởi lởi, ăn ở với nhau như ngày xưa. Họ đối đãi với nhau rất thân tình. Còn một điều nữa là riêng làng Văn có cả chùa, đình, miếu thờ Mẫu Liễu Hạnh; chùa, đình, đền ở đây đều liệt vào hạng hoành tráng, cổ kính và thơ mộng nhất vùng. Khách thập phương tới đây đều trầm trồ quyến luyến. Nhà văn đến đây viết bài, các hoạ sĩ đến đây vẽ cảnh, vẽ người. Khách nước ngoài đến chụp ảnh cái cổng làng, cái cầu mái ngói...

Dân làng Văn cấy lúa, làm vườn, trồng rau và trồng cây ăn quả. Bưởi làng Văn ngon, thơm và để được lâu có tiếng. Nó ăn đứt bưởi Đoan Hùng. Nếu ai khéo tay hay làm, trông nom được chừng 40 gốc bưởi là có thể tạm đủ sống trong cả năm. Do đó, nhà nào cũng cố có lấy một mảnh vườn.

Họ bên ngoại tôi ở làng Văn. Lúc nhỏ, tôi có về theo mẹ tôi vài lần. Mỗi lần về quê là tôi lại xin ở nán lại thêm vài ngày. Phong cảnh như tranh, những nụ cười niềm nở, hội hè, đình đám... đã in sâu vào trí óc của tôi những điều cực kỳ tốt đẹp và say sưa. Và chính chúng đã nảy nở trong tôi những mầm non nghệ thuật.

Người làng Văn mà tôi được tiếp xúc sớm nhất và được tôi yêu quý nhất là cậu Hoạt. Cậu là con trai độc nhất trong gia đình. Cậu là con cầu tự nên chẳng ai dám làm cho cậu không hài lòng. Bà Cúc là mẹ cậu vẫn nhắc nhở: "Cậu giận là cậu về chùa, chứ không ở lại trần gian đâu...". Cậu Hoạt chỉ học hết tiểu học rồi sống tự do, vui chơi thoả thích, phóng túng. Cậu thường cùng một số bạn chơi đủ mọi trò. Cậu thổi ống xì đồng bắn chim. Lên tận vùng Ba Vì bẫy chim ngói, làm diều, thả diều. Chơi cá cảnh, cây thế, đánh cờ tướng... Trong mọi trò, cậu tỏ ra rất khéo và nhanh trí. Cậu lại đến nhà cụ Bích học đánh đàn nguyệt và kéo nhị. Chỉ trong hai năm luyện tập, tiếng đàn và tiếng nhị của cậu đã làm xôn xao cả xóm làng. Ai cũng thèm nghe cậu đánh bài Hành Vân và bài sa mạc bay bổng, réo rắt và sương khói của cậu. Cụ Bích là người khó tính cũng phải nói: "Thằng Hoạt này là một tài hoa hiếm có".

Cô bé Từ ở làng bên thỉnh thoảng sang làng Văn thăm bà dì là bà Tẻo. Cô chỉ quanh quanh mấy khóm tre xanh rồi qua cái cầu mái ngói là đến nhà bà Tẻo. Ngôi nhà ấy lại ở phía sau nhà cậu Hoạt. Cô sang giúp bà Tẻo làm vườn. Cô mê say tiếng đàn và tiếng nhị của cậu. Cô thấy những âm thanh kỳ diệu ấy bay lên cùng tiếng lòng của cô... Trong đó có cả búi tre xanh, đồng ruộng, tiếng chuông chùa, tiếng ru em... Nghĩa là có nhiều điều về cậu Hoạt. Có những điều mà nhiều người không hiểu về cậu Hoạt thì cô hiểu rõ. Mọi thú vui làng quê đều có trong con người cậu Hoạt vì cậu tôn thờ những vẻ đẹp và âm thanh muôn sắc muôn màu của quê hương.

Cậu Hoạt và cô Từ gặp nhau ở bờ ao nhà bà Tẻo, trong một đêm trăng khuyết. Họ mới gặp nhau mà đã hiểu biết về nhau rồi. Họ nhìn nhau đắm đuối lắm... Họ cùng nhau đi quanh làng, người nọ cách người kia chừng 5, 6 bước để giữ bí mật. Nhưng thỉnh thoảng họ gần sát lại với nhau, trao đổi vài câu rồi lại đi cách nhau một đoạn. Đêm tháng giêng, đâu cũng là mùi hoa bưởi. Cậu Hoạt bảo: "Bây giờ là tháng giêng, hoa bưởi thơm thoang thoảng, tháng hai thì thơm nức. Tháng ba cây bưởi đã có những quả xanh. Lúc đó là mùa sinh sôi...". Cô Từ áp sát vào cậu Hoạt, bảo: "Vâng... em hiểu và em nhớ cái câu nói rất hay này của anh...".

Hai hôm sau, cô Từ phải theo ông cậu ra Hà Nội. Cô Từ rất buồn, lẩm bẩm: "Chúng ta gặp nhau trong một đêm trăng khuyết". Ra Hà Nội không lâu, cô bị một tên vô lại có cỡ cưỡng hiếp. Cô thấy tủi nhục và xấu hổ, nhất là cô cho là mình đã phụ cậu Hoạt. Chuyện này không thể tha thứ được. Ngày hôm sau cô bé bỏ nhà ông cậu, lẻn ra đi lúc mới tờ mờ sáng. Cô sống cuộc sống vỉa hè nay đây mai đó, nếm đủ mọi chuyện cay cực, đau buồn. Hai năm sau, cô lấy một hàng binh người châu Phi tên Mohamad. Cô cùng chồng lên ở trại hàng binh Âu Phi ở Sơn Tây. Mỗi buổi Mohamad đi lao động, anh khoá cô trong buồng. Hết giờ làm việc Mohamad về, cô mới cùng chồng nấu ăn, giặt giũ. Tháng sau, cô cùng chồng về ngoại ô thành phố Alger mở một quán hàng cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, trà có sữa và gừng cùng một vài thứ lặt vặt. Hai năm sau, Mohamad luôn đau yếu và qua đời trong một cơn đau tim. Bà chủ quán Từ vừa trẻ vừa đẹp được nhiều người đến cầu thân; xin cưới làm vợ. Bà chủ quán một mực từ chối ngay cả với những bạn trai có nhiều tiền hoặc có quyền thế.

Một ngày cuối năm Rồng (2000), dân làng Văn đang chuẩn bị vào Tết. Một chiếc taxi trắng đỗ ngay gần cổng làng. Xuống xe là một bà khách xinh đẹp, gọn gàng. Bà đã ở tuổi 60, nhưng trẻ hơn thế nhiều. Bà mặc chiếc áo dài màu mỡ gà. Cổ đeo dây chuyền vàng. Bà đứng thẳng, nhìn quanh làng, ra chừng xúc động. Bọn trẻ chạy đến, vây quanh bà, hỏi chuyện:

- Bà hỏi nhà ai?

- Ta hỏi ông Hoạt.

- Ông Hoạt đánh đàn?

- Ông Hoạt trồng bưởi?

- Đúng.

Bọn trẻ cười nói, tranh nhau đưa bà Từ vào nhà ông Hoạt. Ông nhìn bà một lúc lâu rồi bảo:

- Mời bà ngồi. Ôi! Người bạn góc bể chân trời đã đến.

- Dạ. Đã về chứ ạ. Em chào ông anh.

- Cám ơn... cám ơn.

Bà Từ khóc lên nức nở. Ông Hoạt lại bảo: "Thôi bà đừng khóc nữa. Bà còn sống là đã tốt đẹp lắm rồi. Một kiếp người mà. Còn duyên mà... "Ông lại cất lên giọng chèo: "ới a - chúng ta đây... duyên nợ phải chiều i í ì..." Dáng diệu ông vui nhưng giọng hát lại rất buồn. Họ ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện của họ trong mấy chục năm trời lận đận, cứ đứt đứt, nối nối... Có điều họ nói ít, hiểu nhiều.

Đêm hôm đó là đêm trăng mờ, một số hàng xóm sang chơi với cậu Hoạt và bà Từ. Cậu Hoạt lấy đàn xuống, đi một khúc "Hành Vân" rồi cậu lại lấy nhị ra kéo bài "Xuông hời". Có đám mây trắng bập bềnh, đàn cò trắng, sóng lúa rập rờn trong im lặng.

Bà Từ mua một gian nhà cuối xóm. Bà mở vali ra. Bà đã sắm cho ông một bộ áo, mũ, hia để ông dùng trong những buổi tế lễ ở ngoài đình làng.

Đêm đã về khuya. Bà Từ bảo:

- Em biết là anh chưa lấy vợ. Tại sao, anh đợi em chăng?

- Một nghìn năm cũng đợi...

- Anh đã biết hồi sau khi em ra Hà Nội rồi lại... Em không xứng với lòng anh.

- Anh bất chấp cả nếu em có 2, 3 con với người nào đi nữa mà em còn yêu anh thì anh vẫn lấy em làm vợ...

Bà lại nhắc lại: "Tháng giêng vườn bưởi thơm thoang thoảng. Tháng hai thơm nức và tháng ba, cây bưởi kết quả. Đó là mùa sinh sôi. Tháng tám, quả bưởi có màu vàng bâng khuâng... Em nhớ mãi câu nói này của anh...".

Sáng hôm sau, họ rủ nhau đi thăm chùa, đình, miếu, cái cầu mái ngói, xóm tre, bến sông... Họ thuộc về nhau và có được niềm hạnh phúc thực sự.

Ngoài Tết, bà Từ lại ra Hà Nội rồi trở về Alger, thu xếp làm mọi thủ tục cần thiết để trở về làng Văn. Bà vốn vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Ông Hoạt và bà Từ sẽ làm lại cái câu chuyện duyên kiếp với nhau...

Lý Khắc Cung

 

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu