A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc tang thương - Đoạn thứ nhất (I)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tiểu thuyết thứ 2 "Cuộc tang thương" của Đặng Trần Phất. Tạp chí Quê Hương sẽ lần lượt đăng từng phần. Mời các bạn theo dõi.

Đoạn thứ nhất 

I

Cách tỉnh Phú-Thọ độ chừng ba kilomètres, có một khu đất bỏ hoang, chưa khai-khẩn gì, rộng ước chừng độ bốn mẫu, giữa có một cái chùa nhỏ, lâu ngày đã nát, tường vôi lở, mái nay trông đã sụt mất mấy hàng ngói. Trong chùa tượng Phật cũng đã sây sát cả, những bát hwong bụi cát đen sì, còn trông thấy có tàn hương làm di-tích. Dưới đất cũng đầy rặt gạch cát ở trên mái chùa rơi xuống, lẫn với tiền vàng rải rác sót lại.

Nguyên chùa này trước kia thuộc về của dân sở-tại đấy lập có ruộng công để đèn hương cúng Phật; sư-cụ giữ chùa đó vốn là một hạng tiểu-lại xuất-thân, nhưng trong khi tòng-sự phải can tội hà-lạm của dân, nên bị nhà nước cách về. Dân làng nghĩ tình người đồng-hương, lại thấy nghèo đói rách rưới, bèn cho ra giữ chùa thay dân. Chẳng ngờ cu cậu sẵn được ấm no, lại sinh lòng muông thú, cách đó ba tháng, nó quyến rũ mất một người đàn bà đã có chồng cơn trong làng, rồi thu sếp hành-lý bỏ chùa đi mất, không biết đi đâu. Lý-dịch làng ấy, có đem việc này lên trình quan tỉnh để phái trát tìm bắt, nhưng tên ấy đã đào-tẩu xứ nào rồi, bặt tin nhạn cá, không sao truy nã được nữa. Thành ra chùa đó từ đấy bỏ không, vả lại trong dân mấy năm mất mùa đói kém, nên bao nhiêu ruộng công để hương đèn thờ cúng Phật, đều thu cả về dân, phân phát mỗi người vài sào...

Lâu nay cảnh chùa tiêu-điều, chẳng ai lo sửa sang. Lại thêm đồn rằng đã hơn một năm nay, chùa đó vẫn có ma hiện ra, những lúc đêm khuya thanh vắng, có người trông thấy một người đàn bà mặc áo trắng, đầu bỏ tóc xõa, vẫn nhởn nhơ ở cửa chùa khi hát, khi đùa, khi cười khi khóc, hễ trông thấy ai thì lại biến ngất. Truyện lạ kỳ, thành ra đồn khắp mấy làng chung quanh đó, không ai dám bén bảng qua lại nữa...

Những khi chiều giời u-ám, cảnh vật một sắc đìu hiu, đàng xa thì mây xanh thảm đạm, trông gần thì đồng rộng đất hoang, tòa chùa ở giữa trông chẳng khác chi một cây cỏ mọc tron von giữa bãi xa-mạc mông mênh, rồi nghe tiếng quạ kêu lưng giời, tiếng chim ríu rít đàng xa, hòa với những dọng rì rào cành tre gió đập, nghe càng buồn, càng ai-oán càng ngậm ngùi hoài cổ, trông cảnh chùa tàn mà hồi-tưởng đến cuộc tang thương. Lại những đêm giăng không mọc, sao không lên, giời tối mây mờ, cảnh chùa đó trông lại hiu-hắt rầu rĩ vô cùng, tựa hồ như một túp lều gianh nơi Tân-thế-giới, đường đột ở giữa cảnh vũ-trụ cao xa, tịt mù thăm thẳm, khiến cho con mắt người du-tử phải bồn chồn, tự hỏi nơi chùa đó có phải hình-dung đức Phật Tổ, thừa lúc tối tăm này, hiện hồn lên mà than khóc với bãi cỏ khâu, thống-trách cái lòng đơn-bạc vô tín-ngưỡng của người đời, để đến nỗi sương lạnh, giăng mờ, chùa tàn vách đổ, từ đâu nên nỗi như nay ?...

Ký-giả đây, từ khi gánh tang-bồng đã xếp nhẹ hai vai lòng hổ-thỉ đã chán nản tê-mê thì chỉ giữ cái chủ-nghĩa an-bần lạc-đạo, sau khi nợ bút nghiên đã giả, bèn thôi không học lối khoa-cử, mà chỉ chuyên về câu ca, bài phú để di dưỡng tính-tình. Lại thêm đường đời ngang dọc, bụi tục lưng giời, cạnh-tranh sô-sát, bao nhiêu cái bi-kịch hài-kịch về thế-thái nhân-tình thường trình bầy luôn ở trước mắt, nên đối với thế sự thăng-trầm lắm lúc cũng buồn tênh chán ngán, đến nỗi thành ra con người Hoàng-Hy giữa buổi sinh-tồn lao-động này, trộm biết rằng mảnh hình hài dẫu sao cũng còn phải để trực-tiếp với sự-thế, chưa có thể dật-dừ trong cảnh mộng-thế thênh thang được, nhưng lại xin thú thật với ai rằng con mắt ký-giả đã khóc nhiều về nỗi đời thiết tha rồi, bao nhiêu nghị-lực cương-cường đã biến thành cái bệnh nhu-nhược đa-cảm mà đa-sầu, đa-tư mà đa-lự, không cười mà khóc, không vui mà buồn, khiến cho tấm hoài-cổ cùng với tấm cảm-tình lúc nào cũng ngang ngang trong dạ. 

Nên bình-sinh vốn ưa ngao-du các chốn danh-lam cổ-tích, con thuyền Tô-Thức, tay chèo Xích Bích, bầu rượu túi thơ, cuộc cờ núi Họa(1), tưởng cũng quên được cơn phiền-nhiệt nồng nàn mà khoáng-dật đôi chút.

Bấy lâu vẫn nghe chùa này bỏ hoang, cảnh-trí tiêu-sơ buồn bã, tuy đồn rằng có ma thiêng ẩn ở đó, nhưng không lấy làm tin, bèn cùng với bạn thân là Kim-Sinh, nhân ngày đầu tháng tám năm ngoái, khí giời trong sạch mát mẻ thẳng đường lên đấy... Đêm hôm ấy giăng sáng vằng vặc, trăm sao lóng lánh, cảnh-trí chẳng khác gì lúc bình-minh. Trông vừng mây cứ từ từ che lấp mặt giăng, chẳng khác chi một con Thanh-long lăn lộn, rồi nhìn xuống đồng thì một đàn đom-đóm đương bay lập lập lòe lòe, tựa hồ như nghìn bó đuốc soi xuống cảnh trần-gian... Tòa chùa nát vẫn sừng sững ở giữa khu đất bỏ không, tựa hồ như vẫn còn buồn phiền cho cuộc dâu bể soay vần... Chốc lại ngọn gió đàng xa thổi lại, rồi  tiếng run kêu, rế thét đồng-thanh, rền rĩ, âm thầm, như giọng hờn oán của người bạc-mệnh trong thâm-cung cùng-tịch. Nhìn trước nhìn sau, chẳng thấy chi cả, chỉ duy có một đám cỏ lan mọc trên khu đất với nóc chùa con. Cảnh đã thê-lương, người lại súc-cảnh hưng hoài, bèn ngâm rằng:

Tạo-hóa bầy chi cuộc đổi rời,

Bèo trôi sóng vỗ cánh hoa rơi.

Sông mê mù mịt người đâu vắng, 

Bến Giác mong chờ mấy khách chơi.

Hợp hợp ly ly từ mấy thủa?

Suy suy thịnh thịnh kiếp nào thôi?

Trăm năm giấc mộng phù-sinh hẩn,

Cảnh cũ người xưa vẫn nín hơi!

Ngâm rồi ngảnh lại thấy Kim-Sinh đứng gần bên cạnh, mặt có vẻ buồn rầu vô hạn. Chàng thấy tôi nhìn liền thở dài nói:

“Tôi trông thấy cảnh chùa này lại hồi tưởng vừa mới ngày nào được nghe câu truyện một người thiếu-niên chết ở đây, mà chết vì nỗi nhân-tình thế-thái đảo-điên kiêu-bạc!”

Ký-giả nghe thấy chàng nói, giật mình như người nghe phải tiếng sét. Chết vì nhân-tình thế thái! Ai chết?

Kim-Sinh thấy ký-giả mặt đã đổi sắc khác, bèn thong thả mà nói:

“Thời buổi này, nhân-tâm ấy, ai là người hữu-tâm mà không chua sót cho thói đời điên-đảo, đệ đây thật lấy truyện chàng thiếu-niên chết ở đây làm đau đớn thương sót lắm, biết đâu chúng mình sau này chẳng có một lần bị cái giây nhân-tình thế-thái ấy gò thắt? Nói ngay ở gia-đình, phong hóa đã suy-đồi....

Chàng chưa nói hết câu ký-giả đã gạt đi:

“Thôi thôi, phong-hóa suy-đồi, vô phương-pháp cứu-vãn, bất nhược ta bỏ qua nghĩ tới làm chi, chỉ xin nhân-huynh làm ơn kể cho tiểu-đệ nghe rõ câu truyện ấy duyên-do làm sao, mà sẩy ra cái bi-kịch tại đây?”

Kim Sinh giả lời:     

“Truyện dài lắm, nói ra chửa biết bao giờ hết. Vậy chúng ta ngắm cảnh rồi về, bấy giờ tiểu-đệ sẽ thuật kỹ cho ngô-huynh nghe”.

 Ký giả gật đầu khen phải, nhân đối với cảnh thê-lương, bụng buồn sẵn, liền lại ngâm câu của ông Lý Thái-Bạch rằng: 

Sử-thế nhược đại mộng(2)

Đêm đã khuya, canh đã hầu tàn, anh em mới giắt nhau về. Đến nhà rồi, ký-giả bèn lưu Kim-Sinh lại đêm hôm ấy để thuật truyện cho nghe...

(Xem tiếp kỳ sau) 

--------------------------------------------------------


(1) Ông Trần Đoàn là một ông tiên rất cao cờ ở núi Họa-sơn.

(2) Ở đời giấc mộng lớn.


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu