A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cành hoa điểm tuyết - Đoạn thứ hai (VI)

Một hôm chiều mát, mợ cả đương ngồi trong săm, mở của sổ nhìn ra ngoài đường, thì thấy Bạc Sở ở đâu đi về, tay có cầm một cái hộp con. Khi thấy mợ cả, thì Bạc Sở mừng rỡ, cười mà bảo mợ rằng:

“Này là hộp nước hoa thơm nhất hạng 35 quan tôi mua cho mợ, còn đây là cái nhẫn vàng tây tôi làm su-vơ-nia (souvenir) cho mợ. Mợ cất và giữ lấy!”

Mợ cả mừng lắm, ngắm nghía hộp nước hoa và cái nhẫn vàng tây, rồi cất vào tủ, song cười mà bảo Bạc Sở:

“Cậu mua làm gì cho mất nhiều tiền thế!”

Bạc Sở thấy mợ cười, liền ôm lấy mợ rồi nói:

“Tôi mới thuê được một cái gác ở phố Hàng Cót đồ đạc tôi có mua sẵn cả rồi, chiều hôm nay tôi sai người đến đón mợ và đưa mợ đến”.

Chiều hôm ý mợ cả dọn dẹp đến ở nhà mới. Cái gác này cũng rộng rãi sạch sẽ, trên gác có kê một chiếc lò xo có bánh xe, một cái tủ đựng quần áo, một cái bàn kiểu đời Louis XV và bốn chiếc ghế dựa bằng mây, một cái hương to treo giữa, và một cái bàn la-va-bô để mợ cả soi hương rửa mặt, nào phấn, nào xà phòng ca đum, nào sáp bôi đầu, nào lược đồi mồi gài đầu, nào lược ngà chải đầu, đủ cả không thiếu chi. Cạnh giường lại có kê một chiếc bàn viết, nào lọ mực, nào quản bút, nào hộp giấy viết thơ, nào truyện Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Song Phượng Kỳ Duyên để mợ cả dùng, khi nào muốn gửi thơ từ cho ai hoặc xem truyện giải muộn. Mợ cả trông thấy chỗ ở sạch sẽ và đồ đạc sang trọng như thế, nhìn mà choáng mắt.

Thấm thoắt được một năm, mợ cả trong mình có mang, đến kỳ sinh được một cậu con giai. Bạc Sở lúc này thấy mợ mới sinh-sản, mặt mày xanh lét, người gày gò, da mặt bủng, tinh thần mệt mỏi, lại nuôi con lấy, nên đêm ngày bận bịu, lúc ru ngủ, lúc cho bú, khi thuốc thang mụn nhọt lở ghẻ, cái nhan sắc khi xưa thay đổi thành bẩn thỉu gớm ghê, cổ yếm cáu ghét, áo quần nhem nhuốc, mặt mũi bơ phờ đầu tóc rũ rợi, nên chàng ta có ý chán.

Lại thêm từ ngày lấy mợ ta về thì tiêu pha sắm sửa tốn kém, mỗi tháng Bạc Sở phải cho mợ ta ít ra cũng hơn một trăm, thì làm gì cho đủ, vì chàng ta nguyên không phải có đi làm lụng gì mà có lương, chẳng qua chỉ ăn cắp tiền của vợ mà chơi bời phóng túng thôi. Nay cu cậu nghe chừng sạt về mợ ta mất nhiều nên có ý không mặn mà như trước nữa, bởi thế mà tiền nuôi vú nó cũng không cho mợ cả nữa, thành ra mợ cả bây giờ phải mẹ con nuôi lấy nhau, tình cảnh rất nên thê thảm. Trước thì bữa cơm ăn, bữa nào cũng thịt quay, thịt gà, đồ nấu, sáng dậy thì sữa bò, cà phê, tối đến chè mạn ướp sen uống, ra đến cửa thì gọi cao su, khi rạp hát, khi chớp bóng, sung sướng kể sao cho xiết...

Đến nay thì không được như thế nữa, quần sồi áo vải, ăn rau uống chè hột, ba xu xe sắt xin cũng khó, huống hồ còn tiền bạc cho nhiều mà đi chơi như trước nữa. Lắm lúc thằng bé con sài ghẻ, mợ cả có hỏi xin Bạc Sở tiền mua thuốc, thì Bạc Sở lại mắng không cho, tình cảnh mẹ con rất nên khốn khổ. Đồ đạc sang trọng khi trước Bạc Sở cũng lần lần khuân đi hết, chỉ để lại một cái giường gỗ soan, một bộ bàn ghế thường và vài cái hòm tạp nho nhỏ thôi.

Chàng cứ khi đi khi về, có khi đi chơi đến ba bốn hôm mới thấy về đến nhà, hễ về thì gắt gỏng om sòm, mợ cả có hỏi thì chàng quắc mắt nhìn...

Từ đó xem chừng Bạc Sở nhạt nhẽo với mợ ta lắm. Có khi hàng một tuần lễ chàng đi đâu không thấy đến, mẹ con mợ cả cùi cụi một mình, đêm hôm cửa ngõ trống không, mẹ con chỉ ôm nhau nằm trên giường, con còn nhỏ nằm phục bên nách mẹ mà ngủ, còn mẹ thì mặt ủ mày rầu, nhìn ngọn đèn tờ mờ để giữa nhà, mạch sầu chan chứa, canh khuya một bóng, tơ lòng đòi đoạn, nữa lại xa nghe tiếng giun, tiếng dế, cái cảnh tình như gợi bao mối ưu tư nghĩ than thân, lại trách giời, rồi mà chuông đồng hồ tí tách đánh 12 giờ, tắt đèn đi nghỉ, lúc này Bạc Sở nơi nao, mà mẹ con dần dọc suốt đêm, cảnh-ngộ luống thương người bạc mệnh, đành mang cái tài sắc mà chỉ theo chiếc thuyền bào-ảnh! Ôi thôi!

Cũng cùng một cái nhà thuê ấy, dưới nhà có nhà bà Phán Soay, chồng làm việc ở phủ Thống Sứ, bà ta cũng quen biết với mợ cả, thỉnh thoảng cũng có lên gác trò chuyện với mợ ta. Một hôm bà Phán lên chơi mợ cả, ngồi nói chuyện được giây phút, khi nghe mợ cả nói rằng Bạc Sở đi chơi đã bẩy tám hôm chưa thấy về, mà  độ này xem ra tính nết hay gắt gỏng lắm, thì bà Phán Soay ngạc nhiên bảo mợ rằng:

“Thế ra mợ không biết gì ư? Tôi nghe thấy nhà tôi nói chuyện cậu ý sắp lấy một cô vợ tây đấy?”

Mợ cả nghe bà phán nói cả kinh. Lấy ai? Cô vợ tây nào? trong bụng mợ cả trước cứ chắc rằng chàng ta là người chung tình thương hoa tiếc ngọc lắm, ai ngờ bây giờ vỡ lở mới biết là đứa bạc nghĩa. Nhưng chót mình đã sa cơ nhỡ bước, dại rồi còn biết khôn làm sao đây, bây giờ có hối cũng không kịp nữa. Huống chi mợ cả bây giờ chỉ còn trông cậy vào có Bạc Sở, nếu bỏ mà ra đi thì đi đâu, lại quay về chồng cũ, thì mặt mũi nào, và biết chồng cũ có thương mình nữa chăng? Thôi nước đã đổ xuống đất, thì làm sao mà bốc lại cho đầy, âu là cứ nhắm mắt mà đưa chân, tới đâu hay đó. Mấy nhời bà phán Soay nói làm cho mợ cả ngày đêm lo nghĩ, mặt mày ủ rũ. Lúc này tinh thần mợ lung tung phảng phất, nằm không yên, lúc nào cũng giật mình máy mắt hình như cả cái linh hồn đã sắp mộng du ra bãi tha ma mà gặp chồng cũ. Chồng cũ bây giờ đâu, con của chồng cũ bây giờ còn sống hay đã nhớn bằng nào?

Ấy cứ mỗi lần mợ mở mắt mà trông ngọn đèn, hoặc nhắm mắt mà ngủ, thì là nghĩ như thế, đêm hôm canh dài, tiếng sáo vo vo, nào hay đâu bể thảm mênh mông, cái khổ đã đến cực điểm, tài sắc những lúc này thì có làm gì?… Nghĩ vẩn vơ, vơ vẩn thế, thành đêm nào mợ ngủ cũng không ngon giấc, lắm lúc buồn, giở cái hương con ra soi, thì than ôi, cái da trắng nay đã sạm, nào mắt, nào mồm, nào tóc, nào chân tay bây giờ nhìn kỹ lại thì xấu xa và kém xưa nhiều lắm. Mợ ngạc nhiên lấy làm lạ:

“Ta chưa già mà... mới ngoài hai mươi sao đã hết xuân”?

Ôi, cái xuân của mợ nay đã hầu như là già lắm rồi.

Ngọc lành nhiều vết, hoa thơm dã nhị, ong bướm ra vào từ đây còn mấy?... Thôi thì thôi, “nhất-phiến-u-tình-nan-tận-hoại, thời-huy-thanh-lệ-phốc-chu-lan”, mong chi cái phận hồng nhan, duyên kiếp từ nay còn màng chi tới nữa!…

Mợ cả càng nghĩ nguồn cơn bao nhiêu, càng than thân chách phận bấy nhiêu.

Một hôm nhằm ngày rằm, mợ gửi con bà Phán Soay ẵm, xong đi lên chùa Quan Thánh xin một quẻ thẻ, đi mãi đến chiều mới về, lúc về đến nhà thì thấy bà phán Soay chạy tất tả ra đưa thằng bé cho mợ ẵm, rồi bỏ mợ rằng:

“Lúc mợ mới đi được một chốc thì tôi thấy cậu ấy đi về lên gác giây lát rồi đi ngay?”

Mợ cả vội vàng lên gác, đặt con xuống giường, vừa mở cửa để hóng mát, thì nhác thấy một cái phong bì thơ để trên bàn, nhìn kỹ thì chính là chữ Bạc Sở viết cho mình. Thơ rằng:

Mợ Cả,

Tôi phải lên Phú Thọ đòi nợ, độ bẩy tám hôm thì tôi về, nếu đến hôm ấy không thấy tôi về, thì mợ đi tàu lên đó vào hàng cơm gần nhà la-ga (gare) mà tìm tôi.

Nay thơ: Bạc Sở.

Mợ Cả đọc đi đọc lại cái thơ Bạc Sở, lẩm bẩm một mình:

“Lạ quá, nếu có đi sao không chờ bảo cho biết, lại viết vắn tắt có thế, là làm sao?” Song mợ cũng nán mà  chịu khó chờ đợi, nghi nghi, hoặc hoặc, mấy ngày ngồi đứng không yên. Đến ngày thứ tám, quả không thấy Bạc Sở về, qua ngày thứ 9 cũng thế. Mợ Cả lo sợ, vì nếu Bạc Sở đi mất thì mợ biết trông cậy vào ai? Liền xuống vay bà Phán dưới nhà 10$ để lấy tiền lộ-phí lên tỉnh Phú Thọ. Rồi ẵm con thuê xe ra ga Hà NộI, lấy vé xong, lên ngồi trên toa hạng tư, thì hành khách đã thấy chật ních trong ngoài. Mợ Cả vừa lên ngồi được một lát thì tàu chạy, đồng hồ ngoài ga vừa đúng 9 giờ 30 phút. Ngồi dòng dã trên tàu, mãi đến gần một giờ tầu mới đến ga Phú Thọ, bước chân xuống đất bỡ ngỡ, chỉ trông thấy hành khách người tay nải, người gồng gánh, chen chân chật ních, len nhau mà đi vào trong tỉnh.

Mợ Cả hoảng hốt, trông chẳng biết đâu vào đâu, thấy người ta đi vào, thì cũng bắt chước đi vào. Giời nắng nực, mình mẩy bồ hôi nhễ nhại, mặt mũi nhem nhuốc, nước mắt nước mũi đầm đìa, trên da ngặt lấm tấm đen những than tầu, còn thằng bé con mợ ẵm ở trên tay thì đầu đầy cứt trâu, ruồi đậu đầy cả, ánh nắng chiếu vào trông rõ những mụn nhọt, mủ mê gớm chết. Mợ Cả vừa đi đến cửa ga thì thấy người đội xếp đứng đó, liền lên tiếng hỏi:

“Thưa thầy ở đây có hàng cơm nào gần ga không?”

Người đội xếp nhìn mợ cả, nhăn nhăn nhở nhở nói:

- Có đi đi!…

Mợ cả bước chân đi vào trong thì thấy một đám phu xe đã để xe chực cả ở bờ hè đón khách về tỉnh. Khi thấy mợ thì chúng đổ xô lại mời lên xe:

- Đây, đây, cô đi xe vào tỉnh!!

Mợ cả dùng dằng chưa muốn lên xe vội, người xe lại mời:

- Cô lên xe vào tỉnh!...

Mợ cả nghe người xe mời, liền mặc cả:

- Hai xu vào hàng cơm gần ga!

Khi xe đỗ ở hàng cơm, mợ cả xuống xe, giả tiền xong thì thấy trong nhà hàng có bà cụ ra mời:

- Cô về buổi trưa chưa xơi cơm sáng, xin mời cô vào xơi chén nước... rồi ăn cơm!...

Mợ cả nhìn bà cụ, chào xong, mợ liền hỏi bà:

- Thưa bà, bà có thấy ông phán nào ăn mặc quần áo tây, người trạc độ 30 vào trọ đây không?

- Không, không có ai!...

Mợ cả liền đi sang nhà hàng cơm khác, hỏi đến bốn năm nhà nữa, cũng chẳng thấy đâu, lúc bấy giờ mới chưng hửng người ra. Bạc Sở nhà cửa thế nào? Quê quán ở đâu? Mợ cả từ ngày theo nó cũng không rõ ... cho nên bây giờ mới tỉnh ngộ mà hơi chột dạ, bèn kể đầu đuôi cho bà lão bán hàng cơm gần đấy, thì bà lão nói:

“Ai biết đâu người vu vơ mà tìm được, các hạng người như thế ở Hà Nội cũng không phải là ít, cô ạ!”

Ấy mới chết! Mợ cả nghe bà cụ nói điếng cả người!...  Nhưng biết làm sao? Ðành phải chờ đến chuyến tầu 2 giờ lấy vé xong, lên tầu về Hà Nội.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu