A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cành hoa điểm tuyết - Đoạn thứ ba

Đoạn thứ ba

Thỏ bạc ác tà, cánh chim bằng vùn vụt, ngựa lồng qua cửa sổ, nghĩ cái thời giờ trong thế gian một ngày một nhanh, mặt giời mọc lúc nào, xế chiều lúc nào, đêm lúc nào là mỗi lúc cái tuổi xuân xanh của con người ta đi một độ vào cái cảnh già cỗi, hồi tưởng đến lúc này thời lòng dạ lại thê lương, ngẫm cái quá khứ thời xiết nỗi buồn rầu, tưởng tượng cái tương lai thời xiết bao kinh hoàng... Non xanh nước biếc, mây đen mà cái quang cảnh trời thu cũng làm cho ủ dột chúa xuân, cỏ cây rầu rĩ dưới sắc trời thảm đạm, bạn thiếu niên như chúng ta, ai là người có sẵn lòng ký ức, nghĩ tới cái quá khứ mà không bồi hồi lo sợ than vãn cái tương lai? Lòng cảm hoài, tấm cảm tình vẫn là mang-nhiên một mối cảm động như thế, huống hồ là một người nhi nữ, có văn chương, sẵn sầu cảm, nhiều nỗi ưu tư như Chúc Lan (là mợ cả) đây, cái cảnh ngộ đã lịch lịch trên bàn tay, dòng lệ trắng đã hai hàng đầm đìa nơi khóe mắt, mỗi khi trông trời nhớ cảnh, tưởng tượng non sông như một chốn giang-hồ lữ-thứ của con người bạc mệnh...

Hỡi ôi, như cô Chúc Lan  tuổi mới ngoài hai mươi, hoa xuân làm chi đến nỗi giã nhị phai mùi, mày liễu ủ dột, nửa tình, nửa cảnh đã như tắm gội giọt nước cành Dương, tưởng như cô, đầu xanh có tội tình gì mà thân phận đã lầm than đến thế... Kể từ lúc cô bước chân vào xóm Bình Khang, thật là ăn không biết mùi, ngủ không biết ngon, đêm năm canh hồn bướm phất phơ, ngày sáu khắc bâng khuâng giấc điệp, nghĩ những lúc có khách khứa đến nhà mà lấy làm lo sợ, bụng phập phồng như người sắp phải cái nguy gì vậy... Cô vốn rất sợ phải chào mời vồn vả các quan, vốn rất không ưa cách lả lơi kề hoa tựa nguyệt, quàng vai bá cổ, vốn không quen cách khéo léo đưa đẩy của các cô nhà nghề, vì cô vốn con nhà giáo dục từ bé đến lớn, không ra khỏi ngoài vòng nữ tắc, thời làm sao hiếu biết và quen được những cách của các chị em xóm Bình Khang? Hôm ý là hôm thứ bảy Cửu Má bèn gọi mấy cô nhà nghề cùng cô Chúc Lan mà bảo rằng:

“Hôm nay có ba ông khách sang trọng hẹn đến tối lại hát nhà ta thì các cô phải sắm sửa ăn mặc cho lịch sự mà tiếp đãi, bọn này nghe nói hát chầu nào cũng chi sang lắm”. Mụ nói xong tức thì sai một thằng nhỏ con dải một cái chiếu cạp điều ra giữa nhà, đê tráp dầu, khay  thuốc lá, khay chè sẵn sàng cả ra giường, giữa ngọn đèn điện dủ cái  a-ba-dua (abat-jour) bằng ren sáng tỏa khắp một góc nhà. Trông rõ thì thấy cạnh giường có kê một cái tủ gụ, ngoài hai mặt kính trong có mấy bao chè tàu, vài cái ảnh... Trong buồng gần đó là phòng ngủ, diềm màn đỏ, chăn cạp sanh gối bông...

Chăn ấm, gối mềm, đàn hay, riệu ngọt, miếng ăn ngon, gái lịch, cuộc vui nào phong nhã cho bằng nữa, nhân sinh còn có cái thú gì hơn cái thú hoa kề nguyệt lả nữa...

Các cô nhà nghề thì khi nghe Cửu Má nói vội vàng chậy vào trong buồng để trang điểm, cô thì lấy áo hoa hiên mặc, cô thì ca-sơ-mia đen, cô thì áo xuyến quần lĩnh mới, khăn sa tanh mới, trâm vàng cài, bao nhiêu bộ cánh để dành dở ra hết, nào vấn khăn đánh phấn, bôi môi, một lúc mà trông các cô khác cả đi... Cô nào có nhân tình sang trọng, thời có vòng có hột đeo chíu chít cả cổ lẫn tay, nào nhẫn mặt, nhẫn ma-dê trông chói lòa sắc vàng ở trên mấy ngón tay nuồn nuột...

Duy có cô Chúc Lan là không mặc gì cả, cứ ngồi xem các chị em mà thôi. Đương lúc các cô ăn mặc thời có một cô ý hẳn có nhân tình kéo cho một hai đôi xuyến, ngắm nghía mãi rồi hỏi cô bên cạnh:

“Thế nào, chị xem hôm nay tôi có khá không? Hay là để tôi đi mượn cái áo sa-tanh của chị S vậy?

“Thôi chị còn ai hơn được nữa, còn khéo vờ vĩnh, có chúng tôi thì...

“Không thật, tôi dám đâu bì kịp với các chị...”

Đương nói thì nghe tiếng Cửu Má gọi:

“Nào các cô đâu cả, ra chào các quan đi!”

Mụ vừa nói xong, thời mấy cô ở trong buồng chậy cả ra tranh nhau nói: “Chào ba quan” Rồi ngồi cả ở giường.

Ba ông này đến hát nhà nay lần này là lần thứ năm rồi cho nên đi lại với các chị em quen thuộc lắm. Một ông mặt hơi đen, trán cao, mũi to, mồm rộng, dưới cằm hơi để râu, đầu đội khăn xếp, mặc áo sa tanh, đi giầy vàng, mắt đeo kính gọng vàng, tác chừng ngoài ba mươi, một ông thì ăn bận quần áo tây, đầu rẽ vắt cả lên, chải mượt, mặc bộ laine mùi hơi xam xám, ngoài khoác cái áo tơi (imperméable) chân đi giày hai mùi trên trắng dưới đen, mặt mũi nhẵn nhụi, chưa có râu độ tuổi 25, 26. Hai ông này cũng có nhân tình với các chị em nên đến lúc đến nhà, thời nào vào đôi ấy: cô P... thì ngồi cạnh ông ăn mặc ta, còn cô Đ... thời tựa vào ông mặc quần tây, nhời tan hợp, nỗi hàn huyên của hai cặp nhân tình thật vui hơn tết, tiếng cười khanh khách... Còn mấy cô kia, cùng cô Chúc Lan thấy các ông không hỏi đến, thì cứ ngồi thừ ra, cô nọ thì thầm với cô kia, một lúc rồi tan hết... Cô Chúc Lan lúc này thấy các chị em lảng cả, cũng muốn đứng giậy đi, thì thấy ông thứ ba cầm tay kéo lại nói:

“Chả mấy khi tôi đến, chưa gặp cô lần nào, vậy cô ở đây truyện trò với tôi”.

Cô toan đứng giậy không chịu nhưng nhác nhìn ông này thấy người ăn mặc nho nhã, phải dạng con nhà thi lễ, tiếng nói nhỏ nhẹ, mặt mũi sáng sủa, mi-thanh mục-tú, thật là người lương thiện nên không có ý sợ hãi, bèn vội vàng ngồi ngay xuống đấy...

Nguyên người này tên là Bùi Sinh là con một nhà phú hộ ở chốn tỉnh thành, thuở nhỏ có theo đòi chốn cửa Khổng sân Trình mấy năm, nhưng công danh không gập, mấy phen trường ốc, vậy ông thân sinh mới cưới vợ cho về để buôn bán trông nom nhà cửa ruộng nương. Từ ngày ông thân sinh mất đi thì chàng ta buôn bán ngày một phát đạt, gia tư ngày một phong túc, lại nhờ được vợ khôn ngoan, nên trong nhà ăn sung mặc sướng, vợ chồng lên xe xuống ngựa không ai bằng.

Người vợ họ Hà... là con một ông đồ giậy học, ông mất sớm còn mẹ già cày cấy buôn bán ở nhà quê, nàng ta là người rất khôn ngoan, công việc tề-gia-nội-trợ lo liệu đâu vào đấy, trên có ngăn nắp dưới có thứ tự, thật là một người rất đáng khen. Ở chốn phồn hoa là đất ăn tiêu xa phí mà nàng một niềm tiết kiệm, gắn bó từng li không như các bà khác chỉ quen chơi bời ăn mặc, lấy cách trang điểm làm cái mộng tưởng một đời người phụ nữ. Bùi Sinh thấy vợ thế nên cũng kính phục, những lời nàng khuyên nhủ thường không dám sai, cho nên từ ngày hai vợ chồng lấy nhau đến bây giờ đã được đến 5, 6 năm, con cái được đôi ba đứa rồi, mà trên thuận dưới hòa, vợ chồng không bao giờ to tiếng với nhau...

Hà thị vốn biết chồng là người hiền lành, nhưng tuổi còn trẻ, cái lòng dục đương hăng hái, chi cho khỏi vướng chân vào vòng hoa nguyệt, cho nên đã hết sức ngăn cấm chồng không hề cho đi đâu,  như thế cũng được vài năm, hễ động chồng định đi đâu là nàng là mặt giận, cho nên chàng kiêng nể lại thôi. Nhưng lấy điều làm bực tức lắm, vì ăn ngày hai bữa lại ở nhà ro ró, không có lẽ lúc nào vợ chồng cũng bám chặt lấy nhau, cũng có lúc phải mua vui cảnh ngoài, chơi bời hát xướng cho thơ thái tinh thần chứ!

Chàng vốn cùng ông ăn bận áo sa tanh là Trần Quân, cùng người ăn mặc quần áo Tây là Mỗ Sinh là ba người bạn đồng học thuở nhỏ, cho nên tình anh em đi lại chơi bời thân thiết lắm. Trần Quân cũng có cửa hàng buôn to bán lớn, nên kể cũng là một nhà phú gia ở đất Hà thành, cách chơi bời thạo lắm. Chàng vốn ưa chốn Hồng lâu cho nên một hôm đã cố kéo Bùi Sinh cùng đi với mình. Bùi Sinh vốn xưa nay chưa hề ra khỏi nhà, nay được bước chân vào một chốn chơi bời phong nhã thế này, lẽ nào chẳng hám chẳng mê, thật là mừng như chim sổ lồng, lại được bay liệng tự do trên chốn trời rộng mênh mông...

Từ đấy đã biết cái thú xóm Bình Khang là thế nào, cho nên lăm le nhiều lần đã muốn đi, nhưng lại bị Hà Thị giữ riết nên không được đi đến đâu...

Một hôm Hà Thị có việc phải về quê nhà, liền giao thìa khóa hòm tủ cho chàng và dặn chàng rằng:  

“Tôi có việc phải về quê mấy hôm, thì cậu ở nhà trông cửa ngõ, bảo ban chúng nó coi sóc cho cẩn thận, kẻo độ này trộm cắp nhiều lắm, sểnh ra thì mất đồ mất đạc ngay. Vậy cậu nên giữ gìn, tiền chợ búa tôi xin giao cả cho người nhà nó giữ, nó mua bán còn thừa bao nhiêu, tôi về nó sẽ tính mấy tôi, còn cậu cần tiêu pha việc gì thì cứ mở tủ mà lấy tiền, thìa khóa tôi giao cho đấy”.

Bùi Sinh nghe vợ nói phải đi những mấy hôm mới về, thì bụng mừng rỡ lắm, vì không có ai ngăn cấm mình nữa, bèn cho người mời Trần Quân và Mỗ Sinh đến nhà đánh chén. Trong lúc ba anh em đương chén tạc chén thù, thì Trần Quân gợi lên nói: 

“Tôi nghĩ như anh em mình giời cho có của, có con, gia tư cũng khá, đồng tiền cũng rư rật, thế mà không nhân lúc này chơi bời cho phỉ chí thì cũng là uổng lắm. Vậy hôm nay đông đủ, ta kéo nhau lên hàng Giấy, tôi nghe nhà số ... mới có một cô-đầu người rất phong nhã, lại con nhà trâm anh, thi thư giỏi, ta thử đến đó xem sao!”

Bùi Sinh và Mỗ Sinh nghe nói, liền nhận lời đi ngay. Ba người liền gọi ba cái xe cao su kéo thẳng đến nhà cô đầu.

Vì lẽ đó cho nên Bùi Sinh mới thừa dịp mà biết được cô Chúc Lan (tức là mợ cả khi xưa); chàng vốn là người đã nhiễm cái thú tửu sắc rồi, cho nên đến lúc trông thấy cô ta mặt hoa da phấn lưng ong, mình mẩy mềm mại tiếng nói ôn hòa thì phải lòng ngay, bụng đã muốn cùng cô tính cuộc trăm năm, lấy làm tiểu-thiếp rồi...

Kịp đến lúc lại nghe cô than vãn với mình những nguồn cơn bỏ cậu cả, lấy Bạc Sở bị lừa, cho nên mới phải đem mình vào nơi ca quán, thời Bùi Sinh lại càng ái ngại thương tâm lắm...

Chàng liền nói với cô Chúc Lan rằng:

“Tôi nghe truyện cô nói, thật lấy làm thương xót lắm, muốn hết sức đùm bọc cô, dẫu rằng vợ cả có rồi, nhưng nếu cô ưng thuận mà biết cảm cái bụng tôi quý hóa cô thì tôi xin lấy cô để một chỗ, tiền nong mỗi tháng xin đưa cô đủ tiêu, ăn mặc may vá gì tôi xin chịu. Nếu cô bằng lòng thế thì tôi sẽ nói với Cửu Má một tiếng là xong ngay...          

Cô Chúc Lan nghe chàng nói, bụng còn ngần ngại chưa biết ra làm sao, không biết chàng nói thật hay nói dối, là người tử tế hay lại như Bạc Sở ngày xưa, bụng bảo dạ:         

“Nếu thật được như thế thời ta cũng nên nghe”

Bèn giả lời Bùi Sinh rằng:

“Vâng cậu nói thế tôi sẽ biết vậy, xin để hai ngày nữa, tôi nghĩ thế nào, sẽ thưa lại cậu biết”.

“Vậy thì hai ngày nữa tôi sẽ đến đây”

“Vâng!”

Khi Bùi Sinh về rồi thời cô liền hỏi thăm bạn là Huệ Lan về gốc tích chàng ta, thấy Huệ Lan nói chàng là người đứng đắn tử tế thời cô mừng lắm.

Hai hôm sau Bùi Sinh quả nhiên y hẹn đến, thời cô Chúc Lan ra chào hỏi và tỏ ý xin nghe... Bùi Sinh mừng rỡ, vội vàng nói truyện với Cửu Má, và cho mụ 50$ tạ lại cái công mụ nuôi nấng cô mấy tháng. Cửu Má được tiền mừng rỡ, thuận ngay. Thế là từ đấy cô Chúc (tức mợ cả) lại lấy lẽ Bùi Sinh... 

Bùi Sinh nguyên có Hà thị ở nhà rồi nên không dám đem cô về, phải thuê nhà ở phố ... cho cô ở... Cô nhân dịp bèn đánh giấy tìm đứa bé con gửi người nuôi ở nhà quê ra, rồi hai mẹ con thu xếp đồ đạc ở đấy... Bùi Sinh lại cấp cho cô 300$ bạc vốn để mở ngôi hàng tạp hóa... Chàng thường mỗi tuần lễ vài ba lần lại thăm cô, như thế được hơn một tháng, không có tiếng tăm gì... Chàng nói dối Hà Thị rằng mới vào cái hội buôn to, mỗi tháng phải đóng 50 đồng, trong 5 năm thời thu lãi được vài trăm, và mỗi tuần lễ chàng lại phải hội ba lần để tính toán sổ sách. Trò liền bà nhẹ dạ dễ tin, lại nghe thấy nói buôn bán có lờ có lãi, thời còn nghi ngại gì nữa, nên mặc ý để cho Bùi Sinh đi sớm về trưa. 

* * * 

Đoạn thứ ba (II) 

Đây lại nói truyện Trần Quân tuy từ ngày cùng Bùi Sinh chơi bời quen biết với nhau, tiếng gọi rằng bạn bè cùng học với nhau ngày bé, nhưng chàng là người không tốt chơi bời chỉ muốn cầu tư lợi, mà không muốn thiệt thòi của mình... Chàng thấy Bùi Sinh từ ngày đi hát với chàng không chịu bỏ tiền ra thết chàng được chầu nào, cho nên đã có ý không bằng lòng... Đến nay lại thấy chàng lấy cô Chúc Lan thời chàng định bụng ton hót với Hà thị để nhân dịp vay mấy chục...

Một hôm chàng biết Bùi Sinh đã đi chơi lại nhà cô Chúc Lan, liền lẻn vào chơi tìm Hà Thị để nói truyện, nhằm lúc Hà Thị đương ngồi một mình khâu. Chàng thấy Hà thị ngồi đấy có một mình thì đã biết Bùi Sinh đi vắng, nhưng cũng còn giả bộ không biết, hỏi:

“Thế nào, anh tôi đâu mà chỉ có một mình ở nhà?”

“Ấy, thưa chú, nhà tôi vừa đi lại hội, tính sổ sách, độ nửa đêm mới về”.

- Thế mà tôi không biết, chẳng hay anh tôi đi lại hội nào thế chị?

Hà Thị nghe hỏi chưng hửng người ra không biết nói lại làm sao, chỉ nói: “Không biết, thấy nói chơi hội buôn, thì biết thế mà thôi!”

Trần Quân nghe Hà Thị nói, liền cười mà đáp lại:

“Thôi, anh ấy nói dối chị đấy chớ có hội nào đâu!”

“Vậy chớ nhà tôi đi đâu chú có biết không?”

... Đi...

Hà Thị lại hỏi luôn: “Đi đâu?... “

Trần Quân thấy hỏi riết, liền khẽ thủng thẳng nói:

“Đi một chỗ, nhưng chị thuê tôi gì, tôi mấy nói!”

- Chú cứ nói, rồi chú muốn gì thì tôi sẽ giúp cho.

- Chả nói dấu gì bà chị, em nay túng tiêu mấy chục vậy xin bà chị cho em vay!

- Chú cứ nói lôi thôi, thôi chú có nói thì nói đi, chớ tôi chả có tiền đâu cho chú vay!

Trần Quân thấy nói, liền làm mặt giận, đứng phắt ngay giậy:

“Tôi tưởng chị là người biết điều, can ngăn chồng cho khỏi chơi bời hại tiền tốn của, và tôi cũng nghĩ vì tôi với anh ấy là chỗ quen thuộc thân mật, cho nên tôi mới muốn cho hay, mới bảo chị, chớ người khác ai hơi đâu mà nói.

Nghĩa là chỗ tử tế, tôi mới hỏi vay chị, chị đã nói thế thì thôi, rồi sau này chị sẽ biết anh ấy mất có bạc-nghìn chớ không?”

Hà Thị nghe nói đến câu mất có bạc nghìn, thời ruột nóng như lửa, muốn cho Trần Quân nói ngay, liền mở tủ lấy tiền rồi đưa cho Trần Quân vay 50$, xong dục:

“Đây tôi cho chú vay, vậy chú nói đi”

Trần Quân được tiền rồi nhưng còn dùng dằng, để cho Hà thị dục mãi mới nói:

“Tôi nghe có người nói truyện với tôi rằng anh ấy mới lấy một người vợ cô đầu để riêng một chỗ, thuê nhà ở phố... nhưng không biết có phải không? Vả người cô đầu này tôi biết, thật là một ả giang hồ, nhiều tay mất bạc nghìn về nó, tôi e cho anh ý lắm, nên mới bảo cho chị biết, chị liệu mà ngăn cấm anh ý sao cho bỏ được nó ra, không thì còn khổ về nó”.

Hà Thị nghe nói mặt mũi tái mét ngay đi, lâu lâu mới nói:

“Thảm nào, từ ngày ấy đến giờ, không mấy đêm là không đi!” Lại thở dài: “Hừ! Chồng như thế, có thảm không, mẫu thế này thì tôi cũng đến...”

Trần Quân lại tiếp:

“Thật đàn ông lắm người không biết nghĩ, làm khổ cho vợ!”

Hà Thị lúc này ngồi yên, ruột tợ giao cắt, càng nghĩ càng tức, chỉ muốn mau mau cho chóng đến giờ chồng về, để mà cấu xé một thôi cho bõ. Trần Quân ngồi một lúc, chán cũng kiếm lời từ chối mà về ngay. Còn một mình Hà Thị ngồi buồn, bèn lấy thúng mụn ra vá chờ chồng về... Chán chê mãi đến 12 giờ đêm, mới nghe tiếng chồng gõ cửa. Hà Thị liền gọi một đứa người nhà ra mở cửa. Bùi Sinh vừa vào thấy Hà Thị liền hỏi:

“Sao mợ thức khuya thế, chưa đi ngủ?”

Hà Thị cứ ngồi im, chẳng nói đi nói lại..., thấy hỏi đến 2, 3 tiếng lúc bấy giờ mới lườm chồng:

“Thôi đừng có hỏi vờ làm gì, đi theo đĩ thì đi đi, đừng có về đây mà gọi mợ với cậu cậu làm gì”.

- Ai đi theo đĩ, nói mới lạ chứ!

- Lại còn được mồm mà chối, không biết thiệt hại bao nhiêu về con đĩ rồi, giời ơi!

Bùi Sinh biết truyện đã lộ, nhưng cũng cố cãi:

“Ai bảo mợ thế, nói cho tôi biết để tôi lôi nó đến đây cho tường minh bạch. Người ta đi làm đã vất vả, về nhà lại được bà vợ hay eo sèo, chịu sao được”.

Mồm thì nói, nhưng liệu vợ đã biết rõ. Liền lẳng lặng một mình đi ngủ trước, còn mợ cả nhân giận chồng cho nên ngủ giường khác, nằm chung với người vú em trong buồng...

Lúc này, trong nhà yên lặng, chuông đồng hồ đánh 2 giờ rồi mà hai vợ chồng nằm không yên giấc, tựa hồ như bị cái bóng nó đè, vợ cũng chỉ trông cho mau sáng, chồng cũng cho mau sáng để thi hành cái công việc, cái diệu kế của mình...

Bùi  Sinh nằm một mình trên gác, không sao ngủ được, lòng lo sợ cho cô Chúc Lan không yên, sợ rằng sáng mai vợ mình tìm đến làm rầy rà cô, lo lắng không được ở cùng cô nữa, nghĩ đi nghĩ lại nghĩ tới nghĩ lui, không biết liệu làm sao. Không biết ai nói? Không biết làm sao mà Hà Thị biết được? Đó cũng là một điều rất lạ, vì trong mấy anh em đi với mình, không có Iẽ mách với vợ mình như thế!

Nhưng thôi, câu truyện đã lộ rồi, thời ta cũng nên lo liệu làm sao cho yên.... Bây giờ biết nói làm sao cho Hà Thị khỏi nghi? Biết bảo Chúc Lan làm sao? Không có lẽ để nàng phải khổ vì sự Hà thị đánh ghen với nàng! Làm thế nào bây giờ? Bùi Sinh nghĩ quẩn quanh mãi thế, cả đêm mà ngủ không được, vừa lúc sáng sớm, nhằm lúc Hà Thị đương ngủ, liền bảo đày tớ đun nước uống, rửa mặt mũi xong đi... Chàng đi được độ nửa giờ rồi, thì Hà Thị giậy, hỏi đầu đuôi, biết chồng đã đi từ sáng sớm, tức thì nàng cũng ăn mặc, xong thuê xe đi luôn...  

* * * 

Đoạn thứ ba (III) 

Giời mới sáng, mặt giời mới mọc đàng xa, ngoài đường còn vắng, thỉnh thoảng có ít người đi lại, nhà nhà còn đóng cửa, chỉ có một vài hàng cháo sôi rao các phố, những nhà buôn bán thời chỉ có một vài nhà là đương sắp mở cửa, cònh những nhà khác thì cửa ngõ vẫn đóng chặt, kẻ ra người vào chưa thấy ai... Hà Thị nghe thấy Trần Quân bảo rằng Bùi Sinh thuê nhà cho Chúc Lan ở phố hàng N. thời bây giờ thuê xe đến đến phố ấy, chớ cũng không biết số nhà bao nhiêu mà tìm... Nàng còn đương phân vân đứng giữa phố, thời chợt trông thấy một người ở trong cái nhà tây to trước mặt đi ra, liền chậy lại hỏi: “Thưa ông, ông làm ơn chỉ giùm cho tôi nhà cô Chúc Lan là cô đầu ở hàng Giấy mới lấy Bùi Sinh ở đâu?”

Người ấy nghe hỏi dừng chân lại nhìn Hà Thị rồi bảo:

“Có phải nhà cô đầu mới lấy ông họ Bùi được hơn một tháng nay, thời nhà kia kìa, ngoài có mành mành treo cửa ấy”.

Miệng nói, tay chỉ, Hà Thị nom theo, thì thấy cái nhà tây hẹp, hai tầng, ngoài có cái mành mành cạp điều treo kín cả, nàng liền lại đấy, thì thấy đóng cửa, bụng nghĩ thầm có nhẽ Bùi Sinh sợ ai biết cho nên đóng cửa, bây giờ làm thế nào gọi cửa mà vào được, vả tiếng mình thì chồng biết, vậy liệu làm sao. Nàng bèn nghĩ một kế, giả làm tiếng người láng giềng sang mượn đôi thùng gánh nước, nghĩ lấy làm đắc kế, liền lên giọng khác:

“Mở cửa.

Thì nghe trong nhà có hỏi: “Ai đấy?” Tiếng hỏi rõ giống tiếng Bùi Sinh. Thời chẳng còn nghi ngại gì nữa. Hà Thị lấy làm sốt ruột lắm, nhưng cũng phải giả  lờ đáp:

“Tôi ở bên láng diềng sang mượn cô đôi thùng gánh nước!”

Vì làm sao mà Hà Thị lại nói thế? Là bởi vì nàng thường khi có qua phố này, thấy nhà cô Chúc Lan đây cùng nhà bên cạnh thỉnh thoảng vẫn có con đỏ đi lại mượn đồ đạc, cho nên mới nghĩ cái mưu ấy, ai ngờ lại trúng. Hà Thị vừa nói buông lời, thời thấy cửa mở, trông rõ ngay thấy Bùi Sinh, còn người đứng đằng sau là Chúc Lan, xuân xanh trạc độ ngoài 20, mình ngọc tóc mây, óng ả một người có nhan sắc. Hà Thị trông thấy Bùi Sinh giận đà tái người đi: “Còn già mồm mà chối nữa thôi, đẹp mặt cho cậu, người như thế mà đi phải lòng con đĩ!”

Nói xong lại nhìn cô Chúc Lan, thật quả là sắc nước hương giời, trách nào mà chồng mình chẳng ưa, đen so mình với người thật là hai đàng cách xa, nên nàng càng nhìn cô lại càng giận, càng tức. Còn cô Chúc Lan khi thấy Hà Thị thời đã sợ run, không dám nhìn lên, chỉ cúi đầu đứng im một chỗ.

Hà Thị mặt mày đỏ như gấc, hoa chân hoa tay mắng:

“Con đĩ kia, mày cướp chồng bà, mày bòn rút của chồng bà bao nhiêu rồi! Bước ngay đi con đĩ, bà không chứa mày nửa ngày!”

Bùi Sinh thấy vợ mắng Chúc Lan thế, cũng không dám can, chỉ đứng  mà nhìn. Cô thì vừa tủi thân, nghe những lời Hà Thị nhiếc móc mà hạt châu lai láng, như cánh hoa đầm thấm những sương móc sáng mùa đông.

Hà Thị mắng chán chê một lúc rồi kéo Bùi Sinh về.

Hai vợ chồng đi rồi, còn một mình Chúc Lan, lúc này cô trong người bàng hoàng, tinh thần phảng phất như mê như tỉnh, càng nghĩ đến thân thể mình bao nhiêu, càng cám cảnh duyên ôi phận hẩm bấy nhiêu. Đóa hoa tươi, khi giãi gió, khi dầm mưa, trách chi mà chẳng chóng tàn!... Cách năm thỏ bạc ác tà, đoạn-tràng lúc ấy nghĩ mà buồn tanh!

Hà Thị ghen tuông như thế, mà Bùi Sinh là người sợ vợ, còn có thể làm chi được mà che chở cho cô nữa? Ở sao yên, mà đi thì đi đâu? Bây giờ chỉ còn cách có vốn đi buôn bán, kiếm lấy mà ăn, nhưng bao nhiêu vốn Bùi Sinh cho đã hết từ bao giờ, hàng họ bán không chậy, ăn tiêu một ngày một nhiều, có để dành được đâu đến bây giờ?

Nghĩ lui nghĩ tới, thật rất khó khăn, bốn phương non nước quê người, chân mây mặt bể ai người đoái thương?

Vậy thì đi đâu, ở với ai, ai nuôi, ai quen biết?...

Hay lại đâm vào xóm Bình Khang, nhưng cô vốn là người không quen nghề nghiệp, không thạo các khóe tình mà lả lơi như các chị em, thời làm sao được?

May sao ở bên láng giềng có một bà lão, thường có đôi khi đi lại truyện trò với cô, hôm nay thấy cô bị Hà thị rầy rà làm khó, thời đã biết rõ, bèn sang mà bảo cô rằng:  

“Đến nông nỗi này thì cô cũng không thể ở được đâu, thôi đành phải bỏ Bùi Sinh không thì không yên với Hà thị. Nếu cô bằng lòng nghe lời tôi thì tôi sẽ đưa cô lại ở may vá cho bà Án T. ở phố M. ăn bà ta nuôi, còn tiền tháng bà ta cũng cho mươi mười hai đồng, lần hồi như thế cũng xong.

Chớ hoài công đâu mà bám chặt lấy Thúc Sinh, lại mắc tay Hoạn thư thời chẳng khổ lắm sao?”

Chúc Lan đã cùng kế, được bà cụ bảo mấy điều, khác nào như người mở mắt cho ra chỗ sáng sủa lập tức xin nghe và dặn bà cụ rằng:

“Cụ có lòng thương tưởng đến con, muốn cho con được yên thân, thời con cảm tạ cụ vô cùng. Vậy cụ để con thu xếp ít quần áo, đến chiều xin mời cụ sang bên nay, rồi cùng đi mấy con”.

Bà cụ về rồi, Chúc Lan liền lấy bút mực viết ngay một phong thư, niêm phong tử tế, để trên bàn gửi Bùi Sinh.

Thơ rằng:

Cậu Bùi Sinh,

Tôi được gặp cậu là người thủy chung tử tế, được nâng khăn sửa túi, nương nhờ dưới bóng tùng quân, thân bồ liễu đã mấy phen dãi dầu với nắng mưa, mà lại gặp duyên lành, thật nghĩ lấy làm cảm tạ ơn cậu, ví dù phải làm thân trâu ngựa đền bồi cũng cam.

Như ngày nay nên nông nỗi thế này, cũng là vì Hà Thị ghen tuông, tôi tự xét chút phận con con, không có thể cùng cậu vẹn cuộc trăm năm, cũng biết rằng là người phụ bạc, sao nên, nhưng thôi, lòng tôi ăn ở cùng cậu đã có giời xét soi.

Vậy xin cậu đừng đoái tưởng đến thân hèn này làm chi nữa, để cho hai mẹ con tôi đi tìm nơi trú ngụ, kiếm ăn mà nuôi lẫn nhau. Giấy ngắn tình dài, duyên hội ngộ xin dành kiếp sau. Xin cậu soi xét cho phận tôi được yên nơi đất khách.

Nay thơ: Chúc Lan

Cô viết xong, giao cả thìa khóa cửa cùng các đồ đạc trong nhà cho con nhài ở mấy cô, xong, đến chiều cùng bà cụ bên láng diềng, lại nhà bà Án T....  

Mãi đến sáng hôm sau Bùi Sinh mới đến, tiếp được giấy, bụng buồn rầu không xiết, hỏi không biết cô đi đâu. Chàng lấy làm thương cảm vô cùng, muốn tìm cô cho ít tiền lộ phí, nhưng không biết cô đi đâu. Nên đành phải về nhà, Hà Thị từ đấy giữ riết không cho bước chân ra khỏi nhà. 

* * * 

Đoạn thứ ba (IV) 

Nhà bà Án T... ở đầu phố hàng M... nhà làm theo kiểu nhà tây, cao hai từng, trên gác dưới nhà rộng rãi.

Bà lớn vốn là con nhà thi-thơ, thuở nhỏ cụ ông cụ bà mất sớm, năm 18 tuổi mới lấy quan Án, lúc ấy ngoài hãi còn học trò.... Cách năm năm sau ngài thi đỗ Cử nhân được bổ làm Giáo Thụ, lần lần làm mãi tới Án Sát, tất cả ngài làm quan mất hơn hai mươi năm, Kinh lịch một vài phủ huyệ, am hiểu dân tình phong tục cho nên nhà nước cũng khen ngài là một tay giỏi về Chính trị. Ngài vốn cũng là một bực phú-gia-công-tử cho nên đến lúc xuất-chính làm tới đường quan, lại nhờ được phu nhân là người đảm đang nên chả mấy lâu mà ngài giầu có, phu nhân  một tay gánh vác công việc trong nhà, tậu ruộng, buôn ngô, mỗi năm xuất nhập tiền nong có kể bạc vạn. Phu nhân có tậu được 4, 5 cái nhà ở Hà Nội cho thuê... Quan Án thất lộc sớm, kể từ ngày ấy nay đã hơn 10 năm rồi, mà phu nhân một lòng thủ tiết nuôi con. Phu nhân người trông đậm đà phúc hậu, năm nay tuổi ngoài 40, người sinh được một cô con gái đặt tên là Bảo Tuệ tuổi 18, 19. Hai mẹ con ở với nhau rất mực yêu thương nhau, cảnh gia đình như thế mà phu nhân vẫn lấy làm buồn, vì rằng người không có con giai, muốn kiếm một chút rể cho vui vẻ trong nhà, thời nhiều chỗ đã dạm hỏi Tiểu thơ mà phu nhân xét ra không được xứng đáng, nên cô Bảo Tuệ vì thế chưa lấy ai. Phu nhân nghĩ mình đã già, nghĩ cái cảnh một mẹ một con hiu quạnh thời lấy làm buồn, mới định mượn người đến ở may vá giúp và bầu bạn với tiểu thơ, trông nom đỡ việc nhà. Hôm ý hai mẹ con vừa ăn cơm chiều xong, còn đương xỉa răng uống nước, thời thấy người nhà nói có bà cụ phố hàng N... đưa người đến ở may vá. Phu nhân gật đầu bảo cho vào, một lúc thấy bà cụ đưa cô Chúc Lan  đến chào phu nhân. Phu nhân mời ngồi đâu đấy, lấy giầu nước khoản đãi, một lúc mới hỏi truyện cô Chúc Lan. Cô cũng đem hết đầu đuôi kể hết phu nhân nghe, phu nhân nghe rõ, vội vàng chạy lại vỗ vai cô, mừng mừng rỡ rỡ mà nói rằng:

“Chết nỗi, thế ra cô là con gái bà Giáo ... Ai ngờ bây giờ đến nỗi thế này, giá mà tôi biết sớm thời đâu đến nỗi phải đi như thế. Vốn tôi với bà giáo thân sinh ra cô là chị em bạn rất thân, vì lâu ngày, mỗi người ở một nơi, cho nên không đi lại chơi bời được mấy nhau đó thôi!

Ai ngờ ngày nay, lòng giời dun dủi, cô lại gập tôi là chỗ bà con quen biết, vậy thì hay lắm, cô ở đây bầu bạn với em nó, chị em gập nhau còn vui gì hơn. Để ít lâu nghe ngóng tin tức cậu cả sang tây thế nào, tôi sẽ nói cho mợ được đoàn viên hội họp với cậu như xưa.

Phu nhân nói xong liền bảo cô Bảo Tuệ trông nom làm cơm cho cô ăn uống, xong đâu đấy bà cụ về, còn một mình cô, tay ẵm đứa bé, ngồi hầu truyện phu nhân. Phu nhân là người chung hậu, có lòng thương cảm người nghèo khổ cơ cực nên khi nghe cô thuật truyện đầu đuôi, thì thở dài than vãn hoài... Truyện trò độ 1 giờ, thời chuông đồng hồ đánh 11 tiếng. Phu nhân bèn dặn dò con dọn dẹp chỗ ngủ cho cô, chăn chiếu mùng màn dũ quét sạch sẽ. Bảo Tuệ tiểu thơ thấy cô người dung mạo đoan trang, ăn nói dịu dàng, đi đứng tề chỉnh nên đem lòng yêu mến lắm, mới gập một lần mà xem ý hai người đã thân mật quyến luyến nhau. Chị em truyện vãn một lúc, rồi cô Bảo Tuệ đi nghỉ, còn một mình cô Chúc Lan cả ngày lo sợ rầu rĩ, người vốn đã yếu, nên nằm trên giường không sao ngủ được.

Lúc này đã nửa đêm, trong nhà ngủ hết, ngoài đường kẻ đi người lại cũng hơi vắng, thỉnh thoảng mới nghe tiếng xe chạy, còn chung quanh thời phẳng lặng, canh khuya chó sủa, dế kêu, cảnh êm đêm tịch mịch chốn cô phòng làm cho cô ngậm ngùi chua xót không tài nào ngủ được. Liền ngồi giậy, mở cửa ra đằng sau, là cái vườn rau của phu nhân mới làm, giồng toàn các thứ rau, cùng một vài cây hoa-hồng.

Hương nga vằng vặc, hào quang chiếu rọi, cảnh trên không rộng rãi mênh mông, làn mây từ từ kéo che phủ, mặt giăng lúc sáng lúc mờ, đứng dưới mà nhìn lên cao, thời trông thấy bầu giời cảnh vật như bao bọc cả Vũ Trụ, hàng trăm hàng nghìn vì tinh tú vằng vặc giữa khoảng trời xanh, trông như mấy ngọn đèn pha lê lập lòe trên chốn sầu thành u uất... Có lúc ngọn gió đưa lại, thoảng một cái rồi im, trông mấy cây hoa ở vườn thấp thoáng dưới bóng giăng, rõ ràng muôn nghìn sắc lịch vẻ tươi nghĩ cảnh trời đất lúc này, đối với cảnh buồn của Chúc Lan, thời chẳng là làm nặng nề ảo não cho cô lắm tá?

Ôi, vừa mấy năm về trước, cũng giăng, cũng gió này mà cảnh ngày xưa là cuộc hàn huyên vui vẻ, mẹ con vợ chồng sum họp, đến ngày nay là cảnh tử biệt sinh ly của con người hồng nhan, những lúc này Tử Phần muôn dặm, thơ cá tin nhà vắng vẻ, một vùng cỏ thảm hoa sầu nơi đất khách, cả cái cảm tình, cái sầu tình, cái ái tình chẳng thà đem phó mặc với non sông, nhưng non sông đã phụ khách hồng quần, nghĩ nguồn cơn chẳng đau lòng lắm ru? Nào những lúc còn mẹ con sum họp, nào những lúc gặp gỡ duyên lành, nào những lúc lo nghĩ, nào những lúc bỏ nhà ra đi, muôn dặm xa xôi, đường trường quãng vắng tấm thân gột rửa bao giờ cho xong? Tạo hóa có hiềm chi khách má đào, ghét chi kẻ tài sắc, mà mỗi lúc trong mình như vướng cái giây oan nghiệt, gỡ không sao dứt...

Thương ôi, non nước quê người, quê người một thân. Tình xưa nghĩa cũ bây giờ còn đâu. Chúc Lan cô ơi, những lúc này, tơ lòng đòi đoạn ra làm sao?

Lúc này cái tư tưởng cô quay cả về cái ký vãng. Đã hay rằng cô bây giờ gặp bà con, có chỗ nương thân được yên rồi, nhưng hồi tưởng đến lúc nào, cùng cậu cả vợ chồng còn đoàn viên hội ngộ mấy nhau, mà bây giờ một thân lẩn núp, một mẹ một con, còn cậu cả thời từ ngày ấy đến nay không biết lưu lạc nơi nào? Còn sống hay đã chết rồi? Có còn họ hàng thân thích gì hay không? Nghĩ bao nhiêu lại ngậm ngùi bấy nhiêu. 

* * * 

Đoạn thứ ba (V)

Giời cao thăm thẳm, bể rộng mông mênh, con thuyền nan một lái giữa dòng sông, con người ta ở đời còn có cảnh gì khổ hơn cảnh giang-hồ lưu-lạc, một mình trên khách-địa tha-hương, nhưng bực anh hùng sẵn tấm lòng hồ thỉ, thời bốn phương non nước cũng là quê nhà, nhưng lại còn những bực anh tài, vì cảnh tử biệt sinh ly mà phải đem thân đi đó đi đây, thời lòng sầu thảm biết bao?

Kể từ khi cậu cả bỏ mợ ấy mà đi đến giờ, một thân cùi cụi không họ không hàng, phần thì một đồng một chữ không có, cơn nghiện lắm phen làm cho nửa chết nửa sống, nhưng cũng may nhờ cậu biết đôi ba chữ, nên được làm thơ ký cho một nhà phú hộ ở tỉnh H.D, lương tháng cũng được ngót 20$. Nhờ đó nhà cậu được đủ ăn, lắm lúc nghĩ tới nhà cửa thời tấm lòng thổn thức không an.

Xuống tầu rồi trông xa chốn ven giời, mây xanh che phủ, một màu nước lóng lánh, xa là núi, gần là mấy rặng tre hiu hắt, chiếc tầu cứ từ từ đi, ngoảnh mặt lại trông Đồ Sơn càng ngày càng xa... Quê cha đất tổ, lòng xa bao xiết nhớ nhung!

Cậu cả vốn người yếu nên khi ở trên tàu say sóng, người lắc lư, rức đầu, được mấy ngày thì phát bịnh sốt rét, may nhờ có người bạn cùng đi với cậu là ông M. cũng là người làng cậu, hết lòng săn sóc thuốc thang cho, nên được ít lâu bệnh thế cũng nhẹ dần, cách vài hôm sau thì khỏe hẳn, nhưng vốn cậu yếu mà sóng bể làm nghiêng ngửa chiếc tàu, cho nên người nào cũng lảo đảo, còn cậu thì như người mê man, đầu lúc nào cũng rức như búa bổ...

Đêm hôm một mình, trông ra ngoài đầu tàu một khoảng trời rộng rãi, tối um, xa xa như một vùng hắc khí bao bọc mấy ngọn núi, thỉnh thoảng lại nghe tiếng sóng ùa vào tầu, chiếc tàu nghiêng hẳn đi... những lúc bấy giờ lại nghĩ đến nhà đến cửa, đoái thương mấy hàng cách trở, cảm cái cảnh người tựa cửa mong con nay đã đi về cảnh tiên!

Đi bẩy ngày tới Singapore, 12 ngày tới Colombo, nghỉ độ một đêm xong lại qua Hồng Hải (mer rouge), hơn một tháng trời ròng rã, làm bạn với sóng gió, may cũng bình an vô sự.

Mãi đến ngày 36 vọi xa thấy tỉnh Marseille, cậu cả cùng các người bản xứ lúc này đua nhau ra đứng mũi tàu để xem dần dần tàu tới nơi, trông ra khác hẳn với bến tàu ở xứ ta, thật là bến to tàu bè như mắc cửi, phố xá rộng rãi, lâu đài san sát, xe đi ngựa lại như bươm bướm, ngắm cái quang cảnh một chốn thành thị âu tây, mà lượng biết cái văn minh một nước phú cường là thế nào...

Cậu cả cùng các người bản xứ lúc này ngắm quang cảnh tỉnh, không hề nháy mắt, nhưng họ vui vẻ, mà cậu thì buồn rầu, tấm lòng lại tưởng nhớ đến nỗi nhà khi xưa, thôi bây giờ gánh tình đã sẻ, thời còn chữ công danh mong sao cho trọn vẹn...

...

Kịp đến lúc hồi hương rồi, thời cậu cả chưa được bổ, cho nên phải thuê nhà ở riêng một mình, vốn cậu người đã yếu, cho nên trong một năm xa nước, phần thì lao nhược, phần thì đi tầu say sóng, phần thì thương cảm lo nghĩ quá mà người sút hẳn đi, thỉnh thoảng lại thổ ra huyết. Các anh em thấy cậu thế, thường khuyên cậu nên giữ gìn thân thể chớ nên quá lo nghĩ, sợ rằng không thọ được thì cậu chỉ thở giài mà nói:

“Như tôi có chết, cũng cam tâm chả còn ước mong gì nữa, tôi cũng là người đã biết trọn nghĩa vụ của tôi. Nam nhi chi chí khí, thế cũng là đủ rồi, tang bồng hồ thỉ, cần chi phải công danh hiển hách, sống lâu mà làm chi!”

Những người cùng đi với cậu thấy cậu thế, biết căn bệnh cậu sắp lúc nguy vong rồi, song không hề nói ra, sợ cậu lo rầu sinh hại.

Tin tức những người sang Pháp, về đến xứ Bắc, ngay ngày hôm tàu đỗ Hải Phòng thời các báo đã đăng rõ tường tận tên những người hồi hương, cho nên khi cô Bảo Tuệ xem nhật trình thấy có nói rõ tên họ chồng cô Chúc Lan (là mợ cả) thời vội vã bảo cô lập tức.

Cô lấy làm mừng rỡ lắm, mừng là mừng cậu còn, chưa mất, lân la hỏi dò la chỗ cậu ở, mãi mới tìm thấy liền viết cho cậu một cái thơ tự sự như sau này:

“Cậu cả

Từ ngày vợ chồng xa cách, xong rồi mỗi người một nơi, tôi hằng hỏi thăm tin tức cậu, bấy lâu bặt tin nhàn cá, tôi lấy đều làm lo sợ, không an, đêm năm canh nghĩ những lúc vợ chồng sum họp, xiết bao tình nặng, nghĩa sâu, mà không ngờ cảnh đoàn  viên nên cảnh phân ly, chữ chung tình đôi ngả luống lênh đênh.

Lắm phen tôi nghĩ, biết mình lỗi lầm, vì chút tài lợi mà phụ phàng cùng cậu, nhưng hối thì đã muộn lắm, dẫu cậu có lượng tình cũng là con người đơn bạc rồi, nói sao cho lại... Thôi thôi, lòng tôi cay đắng, bây giờ chỉ còn mong đợi ngày quyên sinh, một giây oan nghiệt cho hết má đào...

Nhưng trộm nghe: con người ta hiếu tình không vẹn, thời dẫu có chết cũng thẹn mặt dưới cửu tuyền, nên từ đấy đến nay, tôi một mình hết lòng săn sóc con thơ, mong chờ sau này nó trưởng thành để nối dõi cậu, cùng là gặp mặt cậu một phen, giải hết nguồn cơn cay đắng, thời dẫu nhắm mắt cũng đành tâm.

Than ôi, gương vỡ khó lành, nhưng giây tình ràng buộc, tôi cùng cậu nay phải lìa nhau, há chẳng phải là một cái khổ cho đôi ta lắm ru?        

Sau khi cậu tiếp được thơ này, nên giả lời cho tôi biết.

Nay thơ: Bạch Thủy(1)

Cái thơ này viết bỏ giây thép, cho nên hôm sau mới đến nhằm lúc cậu cả Liễu Oanh đương nằm xem sách, nhận được thơ giở ra xem, xem đi xem lại, nước mắt chứa chan. Cậu cũng tưởng mợ đã tuyệt mệnh rồi, ai ngờ còn sống đến bây giờ, những truyện năm xưa, bây giờ cậu hồi tưởng đến khác nào như một cơn gió to làm lạnh lẽo nỗi lòng, càng nghĩ càng lấy làm thảm thê trong bụng. Lỗi ấy bởi vì ai, chẳng phải là tại cậu quá chơi bời hút sách, công nợ be bét ư? Đến nông nỗi phải giả hết nợ cho chồng, nếu mợ cả không bíu lấy Bạc Sở, không nghe lời Bạc Sở, thời chết rồi còn gì, biết lấy ai mà gửi thân cho được?

Ôi con tạo hóa éo le, con ma cờ bạc, ông thần dục tình, đã làm khổ ta, đã làm cho ta vợ chồng khổ sở vì ngươi, thôi nói làm chi nữa thêm buồn!

Bây giờ thơ mợ gửi đến cho cậu, không lẽ cậu không giả lời cho mợ để mợ đến giáp cậu. Cậu nghĩ thế nên viết gửi cho mợ, trong thơ nói rằng:

“Tiếp được thơ mợ, tôi lấy làm động lòng thương cảm lắm, thôi lỗi xưa xin bỏ, mời mợ lại chơi ngay, cho tôi được gặp. Nay thơ”.

Mợ cả tiếp được thơ vội vàng ăn mặc thuê xe lại phố... là nhà cậu cả Liễu Oanh mới thuê, tìm vào nhà, thời thấy cậu đương nằm trên giường, mặt mũi buồn bã võ vàng, trông kém xưa nhiều lắm. Cậu thấy mợ vào liền ngồi ngay giậy, xem chừng mệt nhọc lắm. Hai hàng nước mắt lúc này chứa chan, mợ thấy cậu thế không cầm lòng được cũng giọt lệ tuôn rơi lã chã... Mợ với cậu lúc này chỉ nhìn nhau là khóc, không nói được nữa, một lúc cậu cả mới nức nở ôm lấy mợ rồi nói:

“Mợ ơi, như bây giờ tôi gập mợ đây, thật là giời còn thương tôi, muốn cho tôi còn được trông thấy mợ lần này nữa... Để cho mợ phải đem thân lưu lạc, cũng là tại tôi. Tôi nghĩ như tôi là một đấng nam nhi, không làm gì cho vợ được sung sướng, để cho vợ vì mình phải khổ, thời chữ tình khuyết, để cho cha mẹ vì buồn phiền về con, đến nỗi sớm ly trần là một tội rất bất hiếu.

Làm người mà hiếu tình không trọn vẹn thời là người bỏ đi, không nên mở mặt đứng trên đời nữa...

Bây giờ gập mợ đây, tôi xin tạ lỗi cùng mợ và xin mợ chớ nên nghĩ tới những truyện năm xưa tôi đã quá phụ bạc với mợ mà cho tôi được dành tâm nhắm mắt dưới suối vàng, ấy là lòng mợ đã thương tôi.”

Nói đoạn kêu to lên một tiếng, hộc ra một cục máu, rồi tắt hơi, năm ấy cậu mới có 38 tuổi. Mợ cả ôm lấy chồng mà khóc, xong nhờ cậy bà Án T. lo giúp việc làm ma cho cậu, để thằng con Bạc Sở mà mợ nuôi ngày nay giữ giòng họ Nguyễn.

Chiều hôm sau, ngoài đường từ phố ... một cái đám ma rất đông người đi đưa có đủ cả các quan tây, quan ta, người đi buôn, người làm việc đều đi nghiêm chỉnh giữa đường sau cái nhà táng... Đám ma đi về lối Cầu Giấy Hà Đông là quê Liễu Oanh công tử..

Sông sầu núi thảm, cảnh quê hương đón khách về tiên....

Ma chay cho cậu cả xong rồi, thời mợ cả ở thủ tang chồng ở nhà bà Án T... Đoạn tang, thời cô Bảo Tuệ lấy chồng, bà Án T cũng mất ngay năm sau. Cái nhà phu nhân vẫn ở nay thuộc về vợ chồng cô Bảo Tuệ...

Nhờ được tiền vốn ít nhiều mà mợ cả tảo tần để ra trong mấy năm cư tang chồng ở chung với bà Án T cho nên bây giờ mới thuê nhà riêng nuôi con may thuê vá mướn lần hồi cũng đủ ăn tiêu. ...

Người xe nói xong thở giài: “Câu truyện này nghe rất bi thương, thầy nên chép làm truyện để ghi tích lại đời sau! Thôi giã thầy, tôi đi kéo chỗ khác”.

Người xe đi rồi, tôi đứng lại hồi lâu, bụng thương cảm vô cùng, nhìn người đàn bà ấy, nước mắt cũng phải chứa chan, mãi nửa đêm mới về nhà, nghĩ cuộc đời mà ngao ngán.

Phú Thọ, 12 Janvier – 17 Avril 1921 

----------------------------------------------------

(1) Khi trước tên cô là Bạch Thủy, mãi đến lúc vào xóm Bình khang mới cải tên là Chúc Lan

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu