A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc tang thương - Đoạn thứ nhất (IV)

làng ông Hàn có tên Trương-văn-Nhượng trước đã làm Phó-lý, sau vì tội lười biếng, không trông nom việc làng, phải cách. Từ khi về nhà nghèo túng cầm cả ruộng nương đất cát, tình cảnh rất nên khốn nạn. Hai vợ chồng tên Nhượng được có một đứa con gái tên là Thị-Hạnh tuổi ngoại hai mươi, da trắng trẻo, mặt mũi tròn trĩnh, miệng hơi rộng, người hơi cao, nhưng được hai con mắt tinh nhanh sắc sảo, vẻ mặt tươi tắn, kể cũng là mặn mà có duyên. Xinh thì xinh thật, nhưng ả cũng lại là một tuồng hạ-lưu vô giáo-dục, ngồi rỗi sinh hư, mấy năm trước ả theo một người lính chào-mào, ran ríu cùng chàng này hơn sáu tháng, giong giài ở Ha noi, trộm chửa với chàng ta được một đứa con, đến khi đẻ rồi, thì chàng lính lại vượt biển sang Pháp, đăng ngạch lính thợ. Một mình Thị-Hạnh bơ vơ giữa đất phồn-hoa, không nơi nương tựa, bèn đem đứa con bán cho nhà đạo được năm đồng bạc, rồi thu xếp lại quay về quê với cha mẹ. Vợ chồng tên Nhượng tự nhiên thấy con về, mừng mừng rỡ rỡ, vẫn tưởng con đã bị mẹ mìn quyến rỗ sang Tầu, bấy lâu chim cá vắng hơi nào ngờ đâu gió đưa lại, thích-hợp ngay vào lúc tên này định đem Thị-Hạnh bán lấy tiền. Nguyên tên Nhượng có đi lại luồn cúi hầu cửa ông Hàn, được ông tư-cấp luôn nên bụng vẫn rắp muốn đem con gái dâng ông cho làm hầu, hiềm vì con chưa về không biết đâu mà tìm. Nay Thị-Hạnh đã về nhà, Nhượng bèn đem việc ấy bảo con, thì ả bĩu mồm kêu:

“Con chả lấy người già gấp đôi tuổi con, lấy làm bố con thì được thôi, chớ lấy làm hầu mà chăn gối với người ta thì con xin kiếu!”    

Bố nghe con giả lời phản-đối như thế, giận quá. Cu cậu nhà cửa đã khánh kiệt, chỉ trông vào một đứa con mà sinh-nhai, nếu con không chịu lấy hầu, thì đến nguy mất. Liền cả tiếng nạt Thị-Hạnh rằng:

“Mày bảo người ta già, nhưng bạc của người ta có già không? Đồ ngu, không biết rằng đồng tiền là quí mà còn õng ẹo, kén cá chọn  canh, đến người bằng mấy mày còn muốn lấy ông già, huống chi mày!”

Vừa nói vừa dỗ:

“Nếu con bằng lòng để thày đưa con vào hầu cửa ông Hàn thì sau này con sẽ sung sướng, mà thầy u cũng được nhờ. Nhà người ta giàu thiên-ức vạn-tải, vợ cả thì hiền-lành có một con, may mà con khéo hầu hạ, được người ta yêu thì bao nhiêu cơ-nghiệp nhà ấy chả về tay con thì về ai ? Lúc bấy giờ tha hồ lên xe xuống ngựa. Vả lại người ta già rồi, chả mấy chốc nữa mà chết, con còn trẻ, lúc ấy sẵn của lo gì không kiếm được một thằng chồng đẹp trai trẻ trung. Đã có câu Phong-Giao rằng: “Giời mưa nước chẩy qua sân, lấy ông lão móm qua lần thì thôi, bao giờ ông lão chầu giời, thì tôi lại kiếm một người giai tơ”.

Thị-Hạnh nghe bố nói bùi tai, mười phần đã rịu hết chín. Vốn ả là một đứa con gái sinh trưởng vào một nhà đê-mạt,  còn có chịu  ảnh hưởng giáo-dục đâu mà phân-biệt lời nói ấy phải hay trái, chỉ nghĩ rằng có tiền là tiên, có tiền thì tha hồ ăn trắng mặc trơn, có tiền thì cũng quần lĩnh tía, khăn xa-tanh, vòng xuyến chíu chít. Hơi đồng đã bén, bạc trắng lóa mắt, nên ả liền thuận ngay, tức thì hỏi bố:

“Thế bao giờ cha định  đưa con vào hầu hạ quan Hàn?”

Tên Nhượng thấy con đã ưng chịu, mừng như bắt được vàng, mặt mũi nở nang:

“Để cha còn nói truyện với quan Hàn đã!...”

Rồi đó hắn nhân dịp một hôm bà Hàn, đi vắng, chỉ có ông ở nhà, lẻn vào chơi hầu ông, khi vào thì thấy ông Hàn đương nằm chơi ở nhà giữa, mặt có sắc buồn. Nhượng bèn lại gần chắp tay:

“Bẩm lạy quan lớn!

Ông nhìn ra thấy hắn liền hỏi đi đâu, rồi bảo bắc ghế ngồi gần ông. Ông bảo người nhà đun nước uống; nước vừa sôi, người nhà cầm khay chén, ấm chè lên, Nhượng ta đứng giậy đỡ lấy pha, rồi vừa pha vừa nói:

“... Lạy quan lớn, chúng con có một việc muốn thưa quan lớn, nếu quan lớn tha phép cho không bắt tội thì con xin nói!...”

Ông Hàn nghe thấy hắn nói ngạc nhiên không hiểu việc gì, nhìn tên Nhượng hỏi:

“Thày Phó định nói việc gì, thì cứ nói, chỗ bà con cả!”

Nhượng bèn đứng giậy, gãi đầu gãi tai làm ra bộ rất lễ phép:

“... Lạy quan lớn, chúng con đi lại hầu cửa quan lớn đã lâu, lại được nhờ cái dư-phúc của quan lớn cũng đã nhiều, không biết lấy gì tạ ơn quan lớn được nên gọi là có một chút...”

Chưa rứt câu ông Hàn đã hỏi:

“Có một chút gì?...”

- “... Lạy quan lớn chúng con có một chút cháu gái ạ!”

Ông Hàn nghe đến bốn câu “một chút cháu gái” đã hơi tỉnh táo vui vẻ, chính ông đương vì thế mà buồn, liền hỏi rồn ngay:

“... Thầy Phó định thế nào?...”

Nhượng ta lại gãi đầu giã tai:

“... Lạy quan lớn, chúng con định đưa cháu đến dâng quan lớn, nếu quan lớn không chê con nhà lều cỏ chiếu manh, thì chúng con xin đem cả nhà làm môn-hạ quan lớn!”

Ông Hàn nghe nói, bũng đã mừng thầm, liền hỏi:

- “Thế cô em năm nay bao nhiêu tuổi?”

- “Lạy quan lớn, cháu ngoài hai mươi.”

- Đã có chỗ nào dạm hỏi chưa?

- “Bẩm chưa ạ!”

Ông Hàn nghe đến câu “ngoài hai mươi” thích ý cười ran, ông thong thả bảo tên Nhượng: “Thày có bụng tốt như thế tôi rất cám ơn... Vốn bà Hàn nhà tôi đã già yếu rồi, công việc nhà thì bận nhiều, nên tôi cần có một người trông nom coi sóc, giúp đỡ cho bà nó... Thày đã muốn cho tôi cô em, thì xin để cho tôi xem người có được không?”

- “Bẩm quan lớn, thế là vạn-phúc nhà chúng con, vậy xin rước quan lớn rời gót ngọc đến thảo-lưu, để con bảo cháu nó ra lạy chào quan lớn!”

“Được thày cứ về sắp sửa mai tôi qua nhà...”

Tên Nhượng về nhà, mặt mày tươi tỉnh, đem hết đầu đuôi nói với vợ và con gái. Rồi bảo Thị-Hạnh rằng:

Mai quan Hàn sang nhà, con phải trang điểm lịch sự ra chào ngài, làm thế nào cho ngài ưng, ấy là số con đã đến ngày phát rồi đó!”           

Nói truyện lại ông Hàn được tên Nhượng nói xin dâng con gái làm hầu, trong mình khoan khoái vô cùng, ông tưởng ông nay còn trẻ lại, như người giai tân, mà ngày mai là ngày đi xem mặt vợ. Bao nhiêu cái buồn, cái vui, cái sướng, cái khổ của ông chỉ kết-cục thế nào trongbuổi ngày mai thì biết.

Ôi, cũng đêm hôm ấy không biết là đêm gì, mà bên nhà tên Nhượng, Thị-Hạnh đương soi vào hương, soi xong lại để xuống, chống tay lên lên mà nghĩ, rồi cả bên nhà ông Hàn này ông cũng đương nằm một mình trên giường, chốc lại giở mình cựa. Đêm giài cản vắng trống cầm canh thỉnh thoảng mới có vài tiếng, làm cho hai người này ngủ không yên giấc, cái trí tưởng-tượng chỉ hình-dung gặp nhau trong só tối bóng đen mà thôi...

Gà vừa gáy sáng, nông-phu vừa giắt trâu bò ra đồng, lúc ấy ông Hàn mới giở giậy rửa mặt. Xong đâu đấy, gọi một tên người nhà mang điếu tráp theo hầu ông sang nhà tên Nhượng. Khi đến nơi, Nhượng thân ra đỡ tráp điếu mời ông vào, thì vừa hay đâu Thị-Hạnh đã ở trong buồng nhìn ra, trông thấy ông râu dài, má hóp, hình dáng thấp nhỏ, bụng đã chán, nhưng lại trông thấy cha mình một hai bẩm quan lớn, thì chợt nghĩ ngay đến của cải giàu có; ả bèn ăn miếng giầu cau tươi rồi ngồi trong buồng chờ cha gọi thì ra.

Nước nôi đâu đấy, tên Nhượng bèn xin ông Hàn cho Thị-Hạnh ra lạy mừng, để ông xem mặt nhân thể, ông gật đầu:

“Được!...”

Nhượng vừa lên tiếng gọi, thì Thị-Hạnh đã đến trước mặt ông Hàn, hai tay chắp lại:

“Lạy quan lớn!...”

Tiếng nói thong  thả êm ái làm cho ông Hàn đã thú, ông liền sẽ nhìn Thị-Hạnh, thì vừa gặp ngay hai con mắt Thị-Hạnh cũng chăm chỉ nhìn ông,  mắt lóng lánh sắc như giao, nhìn một cái mà ông Hàn ta đã mê tít.

Cái con mắt kia! đôi má phấn kia! cái miệng nhai rầu tươi tắn kia! có thế-lực gì mà để cho ông Hàn này siêu hồn lạc phách đi rồi, nào có ngờ đâu cái làn sóng khuynh thành dễ làm cho đổ quán siêu đình như vậy, khiến cho bao nhiêu mặt tu-mi như si, như  ngốc, như cuồng, như điên, như lảo-đảo tâm-thần, như bị một cái giây điện nó rật ngang mình. Thị-Hạnh lúc này đứng trước mặt ông chẳng khác chi  người câu cá giong mồi tận miệng cá để rử, chốc ả lại liếc ông, mỗi cái liếc là cái giây ân-ái vô-hình đem mà chói buộc ông vậy; không thể ngồl lâu được nữa, vì ông đã váng đầu nhức óc, vì trông cái mồi của ả rử: ông ngồi trước mặt ả, mà người ông như đương ở cạnh ả, rơ tay ôm ả vào lòng. 

Ông bèn cố gắng gượng đứng giậy bảo tên Nhượng rằng:

“Thầy có bụng yêu muốn để cô em theo hầu tôi, chẳng hay thầy định đến bao giờ thì cho cô em sang bên nhà?”

Nhượng bẩm:

- “Lạy quan lớn, việc đó xin tuỳ quan lớn giậy bảo thế nào chúng con xin bái-lĩnh!”

- “Vậy thì đến rầm này tốt ngày, thầy sửa soạn cho cô em về bên kia, nhưng  thầy muốn tiêu bao nhiêu tiền?”

Nhượng nghe ông hỏi đến tiền, nghĩ một lúc rồi nói:

“Lạy quan lớn, chúng con được quan lớn cho cháu nó hầu thế là may rồi, còn truyện tiền nong, chúng con chỉ xin quan lớn 200p(1) để ăn uống với bà con thôi!”

Ông giả lời ngay:

“Ừ được, thế để đến rầm này thì thầy đưa cô em sang rồi tôi sẽ giao cho số tiền ấy nhận thể!”

...........................................................

Chiều hôm ấy ông về nhà đem truyện mua Thị-Hạnh nói với bà, thì bà kiếm lời can ông rằng:

“Ông ơi, ông đã già rồi, chẳng bảo còn trẻ trung gì mà mơ-tưởng những sự nguyệt-hoa, vậy thì vệc mua hầu ông quyết không nên, ông nên nghĩ đến con nó sau này, mà...”

Bà chưa nói rứt câu, ông đã gắt :         

“Sao bà lạl lạ thế, hễ tôi nói đến sự mua hầu thì bà lại can là nghĩa làm sao? Bà không biết làm tài giai phải lấy năm lấy bẩy à? Như tôi mới sắp mua có một đứa hầu mà bà còn can, thế thì bà muốn cho tôi, khổ suốt đời thế này rư?”

Bà cũng tức mình gắt lại ông:

“Thế cũng tài giai, nhiều vợ là tài giai à, thế thì những hạng giầu chôn của, hút máu người làm giầu mà nhiều vợ cũng là tài giai đáng khen nhất hay sao? Ông nhầm rồi, ông ơi! Còn ông bảo tôi can ông lấy hầu, là để ông khổ suốt đời, thì ông lại càng nhầm lắm...”

Ông trợn mắt nhìn bà:

- “Bà bảo tôi nhầm thế nào, bà thử nói tôi nghe. Bà há lại không biết sự lấy hầu là một sự thường ở xã hội này rư. Nói ngay như các quan, không mấy người là không có hầu thiếp, thế thì bà bảo người ta cũng nhầm cả đấy?...

Còn tôi giời cho tuổi cũng chưa đến năm mươi sáu mươi gì, mà không mong đường sinh-dục để sau này có nhiều con vui cửa vui nhà. Nói cho phải mà nghe, bà bảo tôi nhầm, mà chính bà lại nhầm nhiều lắm. Bà không biết rằng nghĩa-vụ bà làm vợ là phải tòng-phu, chiều chồng, thuận theo cái khuynh-hướng của chồng ư? Nếu bà biết thế là phải, thì bà phải vui lòng mà nghe tôi ngay, có lẽ nào bà lại muốn phản đối cái ý-tưởng rất đích đáng của tôi?”

- “Ý-tưởng ấy mà là ý-tưởng rất đích đáng!... Thôi ông ơi, phận tôi làm vợ thấy chồng có điều sai thì hết sức can ngăn còn ông chẳng nghe thì tôi cũng đành vậy mà thôi!”

Ông nghe bà nói rằng ông có điều sai, cơn giận đâu nổi lên đùng đùng, lại quát mắng bà:

“Tôi có điều sai gì?... Điều sai là vì lấy hầu, đụng cái ghen của bà có phải không?”

Ông nói đến tiếng ghen làm cho bà cũng tức, ông nói một bà lại nói mười:

“Lấy hầu đụng đến cái ghen của tôi lẽ đó đã đành như vậy mà là một lẽ hiển-nhiên rồi, vì ông có quyền được lấy hầu, thì tôi cũng có quyền được can ngăn giữ lại, cho cái quyền ấy khỏi làm nhạt cái ái-tình tôi đối với ông, ấy tôi làm vợ phải thế. Nhờ có sự ghen trong gia-đình, vợ chồng mới hết bụng yêu mến quý trọng lẫn nhau, dữ dìn cho nhau khỏi lỗi đạo. Chừ ra ghen quá mới có sự chia phôi tan cửa nát nhà. Nếu bảo rằng tôi đem bụng nhỏ nhen mà ghen  thì tôi cũng không dám can ngăn ông làm chi, vì phong-tục xã-hội đã rộng quyền để ông được tự-do có quyền-lợi làm giai lấy năm lấy bẩy, người đàn bà không được phép động đến cái đặc quyền ấy thì tôi cũng bằng lòng để ông lấy năm lấy bẩy, lấy bao nhiêu người cho thích thì thôi, nhưng mất của tìm người, ông cũng cho phép tôi kén trọn cho ông!...”

“Thị-Hạnh nó cũng là đứa nết na hiền lành, can chi phải kén trọn đâu nữa!...”

Bà nghe ông nói đến tên Thị-Hạnh đã ghét rồi, vì bà vốn biết ả là một đứa con gái, làng nước đã đồn nhiều tiếng tăm xấu chẳng ra gì, bèn nói với ông rằng:

“Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống, mua hầu tức cũng như bỏ tiền cưới vợ, chứ không phải là mua một con vật về để dùng, thì tất cũng phải cần người có đức-hạnh làm ăn được và hầu hạ ông nữa. Tôi xem ra Thị-Hạnh thật là một đứa mất nết, trước kia nó chửa hoang đã đẻ một lần ở Hanoi, hiện có người biết lại nói truyện với tôi, không phải là tôi nói không nói có...”

Ông đã mê Thị-Hạnh, nên bà nói  thì nói ông chỉ một mực: “Nói bậy, Thị-Hạnh như thế mà bảo đã chửa hoang nó còn con gái thơ thớ ra đã ai động đến, chẳng qua nó nhan sắc đứng đắn, những kẻ ve vãn không nổi, mới đặt truyện nói xấu nó, ở đời tiếng thị phi dẫu người thế nào cũng có ít nhiều, duy tai có nghe rõ mà mắt có trông thấy hẵng nên tin. Cứ mắt tôi trông thì Thị-Hạnh hãi còn gái tân!

Ông cố khen Thị-Hạnh, bà biết rõ Thị-Hạnh, ghét thì cố chê:

“Khen chê yêu ghét phải ở cái đức mới là phải; tôi không phải là có thù gì nó mà chê, chỉ vì cái đức nó không có mà chê đó thôi. Nhưng cái đức đời nay ai biết trọng, mà lấy để khen chê, phần nhiều chỉ khen chê yêu ghét ở những cái trang-sức hão, đàn ông yêu khen đàn bà phần nhiều chỉ yêu khen ở cái mặt đẹp, còn đàn bà yêu khen đàn ông cũng lại ở như tiền của, danh-giá rởm, cho nên tôi nói lấy đức mà khen chê, ông cho là nói ngược cũng có lẽ...

Nhưng ông bảo Thị-Hạnh còn con gái tân, thì tôi quyết không thực, nó thật là một đứa đã giang-hồ giở về; con ấy chính là một đứa chỉ giăng hoa đĩ bợm, trong truyện Kiều đã có câu: “Tuồng chi hoa thải hương thừa, mượn màu son phấn đánh lừa con đen.”

Bà chê bao nhiêu, ông càng lại khen bấy nhiêu, Thị-Hạnh đối với ông bà thành ra một vấn-đề khó giải-quyết:

“Bà chê Thị-Hạnh chỉ nghe người ta đồn, thực không trông thấy, chê nó ở lúc cùng khổ nghèo đói, thế là người không thực. Phàm chê người, không nên lấy những sự sấu nhỏ nhặt mà chê, phải chê ở cái bản-thân, cảnh ngộ con người ta bị thời-thế xoay chuyển mỗi lúc một khác, thì hành-vi sử-sự cũng phải tùy thời-thế mà biến đổi, không có ai vẹn toàn được cả ngũ-luân, không có ai tránh khỏi những sự khuyết-điểm nhỏ, thánh hiền còn có lúc phải người đời cười biếm, huống chi là người thường. Nhiều cơ-hội ở đời làm cho người ta không thể quản được sự khen chê của xã-hội, mà chỉ vụ lấy làm trọn cái nghĩa-vụ mình đối với mình mà thôi. Tỷ như cô Kiều ngày xưa, người không biết xét thời những chỗ phải vào lầu xanh, đem thân vàng giá ngọc mắc vào tay họ Mã mà chê là người thất tiết, nhưng lại phải xét chỉ vì một chữ Hiếu nặng quá, mà cô phải mười lăm năm phong-trần cay đắng, má hồng mày dạn, thế thì nên biết thương cô vì cảnh-ngộ bó buộc mà không vẹn được trinh-tiết, chỉ trọn được đạo làm con... Thân cô giang-hồ bạc-mệnh ai cũng phải ngậm ngùi; bà đã lấy hai câu truyện Kiều mà ví Thị-Hạnh, tôi cùng có thể bảo-toàn danh-tiết cho Thị-Hạnh mà khen: “tuy giầm hơi nước chưa loà bóng hương,” Thị-Hạnh ví làm sao được với cô Kiều, nhưng thấy nó cùng khổ nghèo nàn, thì nên thương mà không nên chê, nên dùng mà không nên bỏ, nên yêu mà không nên ghét. Nó phải đem thân đi hầu hạ, là nó muốn báo hiếu bố mẹ...”

Chưa rứt câu bà đã nói luôn:       

“Thôi, yêu thì vẫn là tốt, là hay, là đáng khen, đáng trọng, chẳng có thế mà vua Đường-minh-Hoàng ngày xưa yêu nàng Dương-quý-Phi quá, đến nỗi nàng đi lmột bước, vua khen rằng mỗi bước đi là nở ra một cái hoa sen; nay con Thị-Hạnh về đây, có lẽ mỗi một cái cười của nó là nở ra một cái hoa hải-đường hẳn!”

Vừa nói xong thì cậu Ngô-Tòng ở đâu đến cạnh bà, rồi thong thả nói với ông rằng:

“Mẹ con nói rất phải, cha nên nghe!....”

Ông lúc này đã tức giận sẵn, lại thấy cậu nói nữa, liền mắng chửi cậu thậm tệ:

“Mày không phải giậy tao! À mày muốn vào bè với mẹ mày để cấm tao hay sao? Con nhà bất hiếu bất mục ở đâu!...”

Cậu phải ông mắng chỉ ôm mặt khóc, bà thấy ông giận chửi con cũng thôi không nói gì nữa. Đâu đấy cơm chiều giọn lên, ba vợ chồng con cái điều ngồi ăn, coi sắc mặt người nào cũng buồn bực không vui. Canh tàn nhà vắng, ngọn đèn le lói như sui dục dạ buồn thêm buồn, nào hay đâu những tiếng cười nói, những truyện hàn-huyên bấy lâu đã tiêu-tán cả, lại gây nên cái quang-cảnh cốt-nhục sắp phân lìa, tình thân-ái đơn sơ lạnh nhạt quá như vậy.  

------------------------------------------

(1) “piastre” tiếng gọi “đồng bạc” thời Pháp 

                                                                                                            (Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu