Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng quê hương

Đảng và Nhà nước đã khởi xướng và phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay, cuộc vận động đã được gần 3 năm. Xa hơn nữa, tôi đề nghị Bộ Công Thương nên lập ra phương án và chính sách rõ ràng hơn để ra nước ngoài tổ chức phát động phong trào này được rộng rãi hơn. Vì công tác này sẽ khác với phong trào đã phát động trong nước, như mình thường gọi là “có yếu tố nước ngoài”.

Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại nước ngoài
“Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cơ hội để doanh nghiệp sản xuất trong nước kết hợp với doanh nghiệp người Việt ở hải ngoại trong tìm hiểu, hợp tác tìm kiếm nhiều phương pháp khả thi để trao đổi  thương mại thành công, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ dân tộc, phối hợp chặt chẽ chất xám giữa doanh nhân trong nước và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và xuất khẩu hàng Việt Nam”, Hà Nội, tháng 10/2011

Như đã biết, Việt Nam đã đổi mới sang kinh tế thị trường từ năm 1986. 25 năm qua, con số đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong nước đã tăng vọt đáng mừng, thế nhưng nếu chỉ biết sản xuất mà không có biện pháp hữu hiệu trong lập kế hoạch hướng dẫn phát triển thị trường, thì các nhà sản xuất sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng mà họ đã sản xuất và có thể gặp thất bại nếu không biết cách tự phát triển thị trường cho mặt hàng của họ, đặc biệt là sau khi Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế, là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ tháng 1/2007.
Trong vài năm qua, những con số đầy ấn tượng trong phát triển sản xuất và đầu tư vào Việt Nam đã nhảy vọt gấp nhiều lần. Nhưng đằng sau đó là nỗi lo âu về việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ra quốc tế - đã có một sự cạnh tranh rất khốc liệt với các nước xuất khẩu Đông Nam Á nhất là Thái Lan và Trung Quốc. Thực tế, hiện nay hàng sản xuất tại Việt Nam đã bị tồn kho chậm tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Việc xây dựng chiến lược mới để tìm đường tiêu thụ hàng xuất khẩu cần phải khẩn cấp đưa vào để tạo công ăn việc làm cho công nhân trong nước ta. Và Đảng và Nhà nước đã khởi xướng và phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay, cuộc vận động đã được gần 3 năm. Xa hơn nữa, tôi đề nghị Bộ Công Thương nên lập ra phương án và chính sách rõ ràng hơn để ra nước ngoài tổ chức phát động phong trào này được rộng rãi hơn. Vì công tác này sẽ khác với phong trào đã phát động trong nước, như mình thường gọi là “có yếu tố nước ngoài”.
Tôi mong rằng tiêu đề phong trào phát động kiều bào ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam sản xuất, phải trực tiếp và đánh vào tâm lý, để đẩy mạnh công tác quảng bá hàng xuất khẩu từ Việt Nam tiêu thụ ra nước ngoài, trước hết là huy động sự ủng hộ của kiều bào ta. Tôi đề nghị tiêu đề có sức hấp dẫn phải là: “Người Việt Nam - ưu tiên dùng hàng quê hương”.
Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hàng xuất khẩu Việt Nam
Là người đã có chút ít kinh nghiệm trong phát triển hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Canada trong cuối thập kỷ 80, cũng như đã được tin tưởng tổ chức nhiều lần giao lưu doanh nghiệp và hội thảo của doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Toronto - Canada, theo tôi, có ba điều các bộ - ban - ngành chuyên môn trong nước nếu muốn thúc đẩy hàng Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế nên làm.

 Đoàn kiều bào thăm xưởng gốm Chu Đậu, Hải Dương, tháng 4/2011

Trước hết là phát động kiều bào các nơi trên thế giới tiêu dùng hàng quê hương, xuất phát từ kiều bào tại quốc gia sở tại, “mỗi người một sức” quảng bá đến công dân nước mình đang cư trú. Phát động và phổ biến một phong trào có tên tương tự, nhưng phải ấn tượng để kêu gọi kiều bào khắp thế giới ưu tiên dùng hàng Việt Nam như: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng quê hương”, trọng tâm gọi là “Một liều thuốc, hai cách trị”. Để thấy được hiệu quả công tác tổng thể của liều thuốc phát triển hàng sản xuất tại Việt Nam tiêu thụ tại nước ngoài, dĩ nhiên phải bỏ chất thuốc mạnh hơn. Một liều thuốc trước hết tập trung trọng tâm vào công tác hiệu quả hơn đối với doanh nghiệp kiều bào và công ty thương mại nước ngoài. Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam phải vào cuộc thành lập một “Tiểu ban” hỗn hợp thúc đẩy hàng Việt Nam xuất khẩu, phối hợp liên ngành với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư của các tỉnh, thành phố, địa phương trong nước, phối hợp chuyên trách làm ngoại giao và kỹ thuật thương mại, trước hết tập trung thường xuyên tổ chức tham dự và quảng bá trong các cuộc triển lãm tại các nước có dân số đông, tầm tiêu thụ hàng xuất khẩu Việt Nam cao.
Có phương án chọn lọc, đào tạo và giúp đỡ bằng mọi phương tiện cho doanh nghiệp kiều bào hoặc công ty môi giới nước ngoài có khả năng cao trong hoạt động tìm hợp đồng thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam vào nước sở tại của họ.
Phát động và đặt ra giải thưởng trong hợp đồng xuất khẩu hàng Việt Nam; Trưng cầu các ý kiến của chuyên gia thương mại trong và ngoài nước để cải tiến thiết kế mẫu mã và sản xuất hàng hóa tại Việt Nam thích hợp với từng địa phương tiêu dùng; Huấn luyện, đào tạo kỹ thuật và kiến thức chuyên môn cho các cán bộ, kỹ thuật viên phụ trách phổ biến phong trào này tại nước ngoài, có phương pháp hấp dẫn để liên lạc và thắt chặt mối quan hệ hàng hóa xuất khẩu với doanh nhân kiều bào hoặc công ty môi giới nhập khẩu với các nước có dân số đông (nhất là có nhiều kiều bào), mới có sức tiêu thụ hàng Việt Nam cao.
Ở đây, tôi muốn nêu ra một số chi tiết cụ thể cần phải làm.
Công tác giới thiệu hàng xuất khẩu Việt Nam đến người kinh doanh và người tiêu thụ chưa có hiệu quả, cần thường xuyên tổ chức tham gia triển lãm tại nước ngoài (nếu chi phí cho phép). Trong những cuộc triển lãm tầm trung và lớn trên thế giới, Bộ Công Thương cần tổ chức tham dự để giới thiệu rộng rãi hàng Việt Nam.

Đại biểu kiều bào dự Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài thăm gian trưng bày hoa tươi mãi mãi của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, tháng 11/2011

Hàng Việt Nam với giá bán cao, thiếu cạnh tranh là yếu tố không bán được hàng. Hàng Việt Nam khó bán ra thị trường quốc tế với số lượng lớn vì không làm quảng cáo rộng rãi, chất lượng giới hạn và lại không phổ biến mặt hàng; bên cạnh đó giá không cạnh tranh được thì nhà kinh doanh sẽ không mua hàng Việt Nam để bán cho người tiêu dùng tại nước sở tại. Nếu Bộ Công Thương có chính sách ưu đãi, những tác động khả thi, hy vọng hàng Việt Nam sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu và có thể bán rộng rãi tại quốc tế. Có như vậy mới tác động được: “Thương hiệu Việt Nam - Thế giới của chúng ta”.
Tôi có đọc được một bài viết trên báo Thể Thao và Văn hóa, nhóm cổ động viên mang ra một vòng chữ lớn: “Việt Nam Champion”, blog bóng đá dịch là “Việt Nam vô địch”, lời viết cho rằng bốn chữ này “tạo mối liên kết, khơi gợi tự hào xứ sở”. Tôi cũng cho rằng rất đúng, liên tưởng sang lĩnh vực này, chúng ta muốn đạt đến hàng sản xuất “Việt Nam vô địch” trên thế giới phải hỏi lại trong hàng sản xuất, chúng ta có bỏ công phu làm tốt mọi mặt về: Thiết kế mẫu hàng, cải thiện sản xuất, chất lượng tin tưởng, giá bán hợp lý và phát triển thị trường tiêu thụ có thành công chưa?

Thanh niên kiều bào dự Trại hè Việt Nam 
tham quan và tìm hiểu nghề thêu truyền thống

Đối với bên ngoài, chúng ta phải giương cao ngọn cờ cổ vũ tinh thần, nhưng bên trong chúng ta phải thẳng thắn “Tự phê bình và phê bình” để không ngừng cải thiện sao cho xứng đáng với câu quảng bá sản phẩm của mình là: “Hàng Việt Nam - chất lượng cao”, đem lại hiệu quả lớn trong khâu tiêu thụ hàng.
Chúng ta “Đừng vì chuyện nhỏ mà không làm/ Đừng vì chuyện lớn mà sợ không làm được” Chuyện nhỏ, chuyện lớn đều quan trọng như nhau. Người Việt Nam ở nước ngoài từ giúp đỡ bà con ở quê nhà, làm từ thiện giúp đồng bào trong nước có hoàn cảnh khó khăn, đến đem tài sản về quê hương làm kinh tế chính đáng, đã đóng góp cho quê hương Việt Nam trên đà phát triển, gửi tấm lòng đến đồng bào thân thương đã trải qua nhiều gian khổ của chiến tranh. Nói cho cùng, mỗi đồng bào Việt Nam cũng đều là bà con ruột thịt của kiều bào sinh sống ở nước ngoài. Đất nước Việt Nam được cường thịnh, sẽ bảo vệ được cộng đồng kiều bào ở nước ngoài và ngược lại, cộng đồng ta sinh sống ở nước ngoài có đoàn kết và thành đạt tại nước ngoài, sẽ giúp ích về cho đất mẹ Việt Nam. Đây là một bản hòa tấu anh hùng ca tác động tích cực đến “con Rồng cháu Tiên” chúng ta.
Hơn thế, nếu 85 triệu đồng bào trong nước, gần 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, mỗi người đóng góp một sức trong xây dựng đất nước, đất nước Việt Nam sẽ có 90 triệu sức mạnh. Với sức mạnh dời non lấp biển này, đất nước ta chắc chắn cường thịnh và có thể tiến đến một đất nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa trước năm 2020.
Tôi tin rằng dân tộc Việt Nam có tính dân tộc rất đáng tự hào, đã đoàn kết trong thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước, cũng như có chí sáng tạo và năng động trong lao động sản xuất của thời kỳ “Đổi Mới”. Tiến bước hơn nữa, chúng ta hãy cố gắng xây dựng một đất nước giàu mạnh: “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập- Tự do - Hạnh phúc” của thế hệ chúng ta.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế mùa Xuân ở London, Anh 

Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài cùng có cái “Tâm” đối với quê hương Việt Nam thân thương thì cả đất nước Việt Nam sẽ vô địch, cả dân tộc sẽ phồn vinh.
Ngoài ra, tôi cũng mong rằng Đảng và Nhà nước nên có thêm biện pháp và chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc Việt Nam, trọng tâm tác động nâng cao tính ưu thế dân tộc của doanh nhân người Việt ở trong nước và nước ngoài, trong đó Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ hoàn thành sứ mệnh lịch sử này nhằm góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Như vậy sẽ đưa đến sự quy tâm của cộng đồng kiều bào với đại gia đình dân tộc Việt Nam anh hùng trong phong trào “Đoàn kết doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước”.
Đỗ Trác Bàng (Canada)

Các tin khác

Tin tiêu điểm