A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tranh thủ nguồn lực cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước

...công tác vận động kiều bào cần được đẩy mạnh ở mọi ngành, mọi cấp, từ trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước đặc biệt thông qua các mối quan hệ thân nhân của họ, các hội đồng hương, hội liên lạc, các giới khoa học, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước.

Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN và Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, Hà Nội, ngày 13/10/2011
Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN và
Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, Hà Nội, ngày 13/10/2011

Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN): Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước”.   
           
Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta chủ trương huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực của cộng đồng NVNONN, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng hơn 4 triệu kiều bào ta đang sinh sống, lao động, học tập ở trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số lượng NVNONN có xu hướng tăng lên do hàng năm có thêm hàng trăm nghìn người ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình, hình thành các cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn mới ở Châu Á, Trung Đông, Châu Phi… Cộng đồng ngày càng có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội ở nước sở tại, có ảnh hưởng ở mức độ khác nhau tới mối quan hệ giữa các nước đó với Việt Nam và là đại diện văn hoá Việt Nam ở các nước, giới thiệu văn hoá, truyền thống, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn gặp gỡ sinh viên, giáo viên
 và trí thức người Việt tại Melbourne, Úc, tháng 5/2012

Cộng đồng NVNONN có thế mạnh về nguồn lực chất xám, tri thức: ước tính hiện có khoảng 300 - 400 nghìn chuyên gia, trí thức có trình độ từ đại học trở lên, chủ yếu ở các nước phương Tây, làm việc trong các ngành, lĩnh vực từ kinh tế xã hội đến khoa học công nghệ; trong các ngành công nghệ cao điện tử, tin học, y học, sinh học, vật liệu mới đến hàng không, vũ trụ, hạt nhân…; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo của nước sở tại, các công ty xuyên quốc gia và tổ chức quốc tế.


Đồng thời, tiềm lực kinh tế của cộng đồng ngày càng lớn, số lượng vốn, doanh nghiệp ngày càng tăng, có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, có ảnh hưởng với cộng đồng và đối với chính quyền sở tại, quan hệ kinh tế với trong nước ngày càng được tăng cường.

Với lực lượng và tiềm năng ngày càng lớn mạnh, cộng đồng người Việt Nam, trước hết là lực lượng trí thức và doanh nhân kiều bào, có thể tham gia đóng góp với đất nước trên các mặt sau:

- Về chính trị, ngoại giao: Tiếp cận với nền văn minh, khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại, nắm bắt xu hướng phát triển mới của thế giới, kiều bào ta có thể đóng góp ý kiến, kiến thức về xây dựng pháp luật, thể chế, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế…, và với ảnh hưởng ngày càng tăng của cộng đồng đối với chính quyền sở tại, kiều bào có thể vận dụng thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước; tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.

- Về kinh tế: Kiều hối gửi về nước gia tăng hàng năm, trong những năm gần đây đạt mức cao: năm 2009 là 6.283 tỷ USD, năm 2010 là 8.6 tỷ USD, năm 2011 là 8.854 tỷ USD. Từ chỗ trước đây tiền gửi về chỉ để giúp đỡ thân nhân, nay chuyển sang góp vốn kinh doanh qui mô gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tham gia phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và là nguồn bổ sung ngoại tệ cho đất nước.

10 doanh nhân kiều bào tiêu biểu được vinh danh tại
Hội nghị NVNONN lần thứ nhất, Hà Nội, tháng 11/2009

Kiều bào đầu tư nhiều hơn tham gia phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ. Doanh nhân VNONN hiện có mặt ở hầu hết các nước, vùng lãnh thổ, có hàng chục trung tâm thương mại của người Việt, nhiều hội doanh nhân NVNONN được thành lập là lực lượng nòng cốt kinh tế của cộng đồng và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động đầu tư, thương mại xuất khẩu của Việt Nam, tham gia vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, đến nay có 51/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của NVNONN với 3.546 doanh nghiệp, số vốn đăng ký kinh doanh và vốn đóng góp của Việt kiều đạt khoảng 8,4 tỷ USD, chủ yếu là từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, CH Séc, Nhật Bản, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, du lịch), bất động sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản, dịch vụ dầu khí, sản xuất điện, công nghệ phần mềm… Các dự án của NVNONN phân bố không đồng đều tại các địa phương tập trung ở các thành phố lớn, có quy mô vừa và nhỏ, hiệu quả chưa lớn, tuy nhiên đã thu hút thêm khách du lịch, tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực trình độ cao: Quá trình chuyển giao tri thức thông qua nhiều hoạt động phong phú như tham gia trực tiếp giảng dạy tại các trường đại học, Viện nghiên cứu, biên soạn giáo trình; cung cấp thông tin, tài liệu, kinh nghiệm; làm việc trong các dự án hợp tác với nước ngoài, phối hợp với các chuyên gia trí thức trong nước thực hiện các chương trình nghiên cứu, triển khai ứng dụng; làm cầu nối, mở rộng hợp tác quốc tế giữa các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam với sở tại; làm tư vấn cho các bộ ngành, các cơ quan quản lí nhà nước trong hoạch định chính sách đặc biệt các ngành, lĩnh vực phát triển mới…

Trong những năm gần đây, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, các cơ sở khoa học, hàng năm đã có khoảng 200-300 chuyên gia trí thức NVNONN chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật,… trở về tham gia giảng dạy, hợp tác nghiên cứu, hội thảo, trong các dự án hợp tác quốc tế với các cơ quan chuyên ngành, trường đại học, các viện nghiên cứu, bệnh viện. Đóng góp của họ tập trung chủ yếu tại các lĩnh vực: Kinh tế, Công nghệ hạt nhân, Toán học, Y tế, Giáo dục, Công nghệ thông tin, Quy hoạch kiến trúc, Nông nghiệp, Sinh học…

Đoàn đại biểu doanh nhân VNONN đi thăm cửa hàng trưng bày sản phẩm
của Công ty Gỗ mỹ nghệ Hưng Long tại Đồng Kỵ, Bắc Ninh, tháng 10/2011

- Văn hoá: Kiều bào chính là lực lượng tuyên truyền, quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất về văn hoá, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hoá cộng đồng và hỗ trợ, tham gia các triển lãm, hội chợ quảng bá văn hoá thương mại, du lịch của Việt Nam tại các nước.

- Từ thiện, nhân đạo: Kiều bào ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo hướng về quê hương, giúp đỡ đồng bào trong nước có hoàn cảnh khó khăn (ủng hộ đồng bào bị bão lụt, thiên tai, đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo...).

Tóm lại, công tác vận động kiều bào cần được đẩy mạnh ở mọi ngành, mọi cấp, từ trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước; đặc biệt thông qua các mối quan hệ thân nhân của họ, các hội đồng hương, hội liên lạc, các giới khoa học, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước. Chúng ta cần thường xuyên thông tin đến kiều bào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các địa phương, hỗ trợ các doanh nhân, trí thức kiều bào về nước hợp tác đầu tư làm việc, tiếp xúc, trao đổi, thiết lập quan hệ với các cơ quan trong nước; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khiếu nại của kiều bào trong quá trình hợp tác đầu tư, làm ăn tại Việt Nam; đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng kiều bào, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của kiều bào tại Việt Nam... Từ đó, chúng ta mới có thể thu hút được tình cảm, nguồn lực chất xám, nguồn lực kinh tế, vị trí ảnh hưởng của cộng đồng đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước. 

Đặng Trần Phong
Phó Vụ Trưởng Vụ Quan hệ KT – KH và Công nghệ
Uỷ ban Nhà nước về người VNONN
 


Các tin khác

Tin tiêu điểm