Báo cáo tổng kết Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai
Tại Lễ Bế mạc “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Thế Hùng đã đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến của bốn Hội nghị chuyên đề. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản báo cáo.
Kính thưa Đoàn chủ tịch, thưa các vị khách quý và các quý vị đại biểu,
Sau hai ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Hội nghị của chúng ta đã hoàn thành các nội dung, chương trình làm việc đã đề ra.
Hội nghị đã vinh dự đón tiếp các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc:
- Đ/c Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
- Đ/c Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ hỗ trợ và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
- Đ/c Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Đ/c Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Đ/c Trương Mỹ Hoa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ hỗ trợ và vận động cộng đồng NVNONN.
Cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố có đông kiều bào
Hội nghị đã được tiến hành với sự tham dự của hơn 750 đại biểu kiều bào tiêu biểu đại diện cho gần 4.5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và gần 250 đại biểu đại diện các cơ quan, bộ, ban, ngành trung ương và các sở, ban, ngành ở một số tỉnh, thành trong cả nước; các vị Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện VN ở một số địa bàn có đông kiều bào, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn hóa, v.v; cùng nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước đã đến dự và đưa tin về Hội nghị.
Hội nghị đã nhận được lẵng hoa, thư chúc mừng, điện chúc mừng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội người Việt Nam tại nhiều nước.
Đại lão Hòa thượng Dai-chi Yo-shi-mi-zu, người đã có đóng góp quan trọng cho tình hữu nghị Việt-Nhật và hỗ trợ phong trào kiều bào ta tại Nhật Bản đã tới dự và chúc mừng Hội nghị.
Hội nghị đã nghe ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Hội nghị cũng nghe ý kiến phát biểu của đ/c Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tham luận của Lãnh đạo Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Công thương, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng nhiều ý kiến phát biểu của các kiều bào tiêu biểu tới tham dự Hội nghị.
Tại 4 Hội nghị chuyên đề: “Tương lai của cộng đồng – Những vấn đề của hội nhập và phát triển”, “Bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc - Động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó với đất nước”, “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Từ tiềm năng đến hiện thực” và “Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước”, Hội nghị đã nghe hơn 100 ý kiến phát biểu, tham luận của các cơ quan đồng chủ trì và đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà thông tin – truyền thông cùng các ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết của các kiều bào đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khắp nơi trên thế giới. Do thời gian có hạn, nhiều kiều bào không có điều kiện phát biểu tại Hội nghị, Ban Tổ chức rất trân trọng các ý kiến đóng góp và sẽ đưa các tham luận vào Kỷ yếu của Hội nghị.
Ngày mai, 4 Hội nghị chuyên đề sẽ được tiếp nối bằng chương trình tham quan thực tế tại các cở sở kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông và phát triển đô thị tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Đây là những minh chứng rõ nét cho quá trình phát triển năng động của TP. HCM, tỉnh Bình Dương nói riêng cũng như các tỉnh phía Nam và cả nước nói chung, trong đó có phần đóng góp quan trọng của các trí thức, nhà đầu tư kiều bào.
Thưa các quý vị đại biểu,
Dưới chủ đề bao trùm là “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”, bên cạnh các phiên họp toàn thể, các đại biểu đã trình bày tham luận và thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc về các vấn đề liên quan tới cộng đồng NVNONN. Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin tóm lược những vấn đề lớn, quan trọng, nổi bật đã được thảo luận tại Hội nghị:
Thứ nhất, Hội nghị đã điểm lại những kết quả đã đạt được trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 2009 đến nay trên tất cả các mặt, bao gồm công tác tham mưu, xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến NVNONN; công tác thông tin tuyên truyền và hỗ trợ cộng đồng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc; công tác hỗ trợ cộng đồng ổn định cuộc sống, nâng cao địa vị pháp lý cho bà con, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết, hỗ trợ cộng đồng NVNONN phát triển, hội nhập vững chắc vào xã hội sở tại; công tác vận động kiều bào hướng về đất nước; đấu tranh với các hoạt động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và đất nước; công tác bảo hộ công dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NVNONN; phát huy vai trò của cộng đồng NVNONN, nhất là đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân… góp phần phát triển đất nước.
Thứ hai, bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, trong đó phải nói đến vai trò chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác rất hiệu quả của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị cũng đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại vì những lý do khách quan và chủ quan, kể cả trong nội bộ lãnh đạo cộng đồng, cần được tập trung giải quyết như: cuộc sống của kiều bào ở không ít nơi còn gặp khó khăn, địa vị pháp lý còn thấp. Từ sau Hội nghị NVN ở NN lần thứ nhất đến nay, nhiều chính sách tạo thuận lợi cho cộng đồng đã được ban hành nhưng việc triển khai còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, nhất là ở các địa phương, cần sớm được rà soát, bổ sung, sửa đổi; đặc biệt trong việc cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục thực hiện thống nhất ở mọi cấp. Công tác thông tin – văn hóa, hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt và bản sắc dân tộc tuy đã được quan tâm thúc đẩy nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của kiều bào. Công tác xây dựng và phát triển hội đoàn gặp không ít khó khăn, tính gắn kết trong nhiều khu vực cộng đồng không cao. Việc huy động nguồn lực kinh tế của cộng đồng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, những chính sách, biện pháp nhằm kêu gọi và tạo điều kiện hỗ trợ cho trí thức kiều bào về làm việc ở trong nước còn chưa được hoàn thiện và triển khai đồng bộ ở các cấp, các bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, Hội nghị thống nhất nhận định: Trong thời gian qua và những năm sắp tới tình hình thế giới diễn ra nhiều biến động, đang chuyển biến hết sức nhanh chóng, phức tạp. Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tạo ra cả những cơ hội và thách thức mới đối với đất nước ta và với sự phát triển cộng đồng người VN ở NN. Bên cạnh đó, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và hội nhập quốc tế toàn diện như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đề ra đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng, không thể thiếu của cộng đồng NVNONN, đặc biệt là lực lượng trí thức, doanh nhân kiều bào. Tình hình mới đặt ra những yêu cầu, thách thức và cũng là cơ hội mới cho cộng đồng NVNONN nói chung cũng như bản thân mỗi hội đoàn và từng cá nhân kiều bào.
Thứ tư, trên cơ sở đó, Hội nghị đã đưa ra những khuyến nghị, đề xuất cụ thể, tập trung vào 5 nhóm vấn đề:
1. Về vấn đề chính sách và bộ máy làm công tác đối với NVNONN:
Đối với cấp trung ương:
+ Các đại biểu nhất trí kiến nghị Nhà nước tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách liên quan đến NVNONN. Cần tập trung thúc đẩy, phối hợp xây dựng và hoàn thiện các chính sách về đăng ký giữ và xác nhận quốc tịch Việt Nam, gia hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tạo điều kiện để bà con mua và sở hữu nhà ở trong nước; nghiên cứu đề xuất hướng để bà con được hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi hồi hương về Việt Nam.
+ Đề nghị Nhà nước đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các Hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương và tác động ở cấp cao trong quan hệ với các nước có đông người Việt nhằm hỗ trợ bà con có vị trí pháp lý ổn định để bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú. Tập trung quan tâm hỗ trợ các cộng đồng kiều bào nghèo và gặp nhiều khó khăn như ở Lào, Campuchia, Thái Lan, châu Phi…
+ Kiến nghị Đảng và Nhà nước nâng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lên cấp Bộ để có đủ tầm giải quyết các vấn đề liên quan đến NVNONN. Thành lập Ban tư vấn gồm một số kiều bào tiêu biểu đại diện cộng đồng NVNONN do Ủy ban NN về NVNONN chủ trì, được Quốc Hội, Ủy ban NN về NVNONN, và các cơ quan tham vấn về các chính sách, pháp luật liên quan đến người VN ở nước ngoài.
Đối với các địa phương:
Các đại biểu đề nghị các sở, ban, ngành làm công tác đối với NVNONN tiếp tục đơn giản hóa và minh bạch thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai các chính sách liên quan đến NVNONN nhằm đảm bảo sự thống nhất, thông suốt trong việc triển khai chủ trương, chính sách từ trung ương đến địa phương.
2. Về vấn đề xây dựng cộng đồng vững mạnh, hướng về đất nước:
+ Các đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài phối hợp trong công tác quản lý lao động và du học sinh, ngăn chặn các hoạt động đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo trong xuất khẩu lao động, trong vấn đề nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, hỗ trợ đảm bảo an ninh cộng đồng; cung cấp thông tin và trang bị các kiến thức, kỹ năng cho người lao động, du học sinh, cô dâu... trước khi ra nước ngoài để giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống; góp phần giảm bớt những vụ việc phức tạp nảy sinh trong cộng đồng.
+ Cần có chiến lược đồng bộ hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, tăng cường liên kết các tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam tại từng địa bàn và cả trên quy mô tất cả các nước có người Việt sinh sống. Chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt các hội đoàn; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ làm công tác hội; có chính sách ưu đãi, khuyến khích cán bộ làm công tác này; Quan tâm hỗ trợ hoạt động của các Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, làm việc.
+ Kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách khen thưởng, đãi ngộ đối với kiều bào có công, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, củng cố cộng đồng cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc khen thưởng cần đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng để góp phần động viên, khuyến khích bà con.
3. Về công tác thông tin tuyên truyền và hỗ trợ cộng đồng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các ý kiến nổi bật bao gồm:
+ Đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ và phát triển báo chí tích cực của cộng đồng; thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về tình hình trong nước và các sự kiện lớn của đất nước; tạo điều kiện cho phóng viên báo chí NVNONN về nước tác nghiệp, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng NVNONN thông qua các hình thức như tăng cường cung cấp các sản phẩm văn hóa phù hợp với cộng đồng; xây dựng thêm các trung tâm, nhà văn hóa mới tại nước ngoài; tăng cường tổ chức đoàn văn nghệ biểu diễn cho cộng đồng; tổ chức các festival, ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá văn hóa Việt đến nước sở tại.
+ Kiến nghị Nhà nước xem xét tăng cường hơn việc hỗ trợ kinh phí cho các hội người Việt Nam ở nước ngoài để hoạt động, tổ chức các hoạt động văn hóa và dạy tiếng Việt nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhất là tại các địa bàn khó khăn.
4. Về công tác vận động trí thức Việt kiều đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước:
+ Các đại biểu đều cho rằng để phát huy được tiềm năng trí thức rất lớn của kiều bào cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt phải xây dựng được một “cơ chế đặc biệt” mang tính đột phá trong lĩnh vực này. Trước mắt, cần xem xét ban hành ngay Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước”.
+ Cần xác định tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài, xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình sàng lọc để lựa chọn được những cá nhân xuất sắc nhất trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho họ. Đặc biệt, cần phải có chính sách ưu tiên cho giáo dục, đào tạo trí thức trẻ kiều bào để trở về phục vụ cho đất nước.
+ Nhân rộng một số mô hình thành công bước đầu trong việc tập hợp, thu hút trí thức kiều bào trong thời gian qua. Xây dựng cơ chế, mạng lưới tập hợp, giải quyết các ý kiến đóng góp của chuyên gia, trí thức kiều bào.
5. Về phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào, một số ý kiến nổi bật bao gồm:
+ Phát huy sức mạnh của lực lượng và mạng lưới doanh nhân người Việt, xây dựng và củng cố các tổ chức, hội doanh nhân VN ở NN làm đầu tàu kết nối kinh tế VN với các nước, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ về nước; mở thị trường và hỗ trợ đầu tư của VN ra NN.
+ Nhà nước cần có những chính sách mới mang tính đột phá; tạo hành lang pháp lý thông thoáng và thuận lợi hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào; rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư, giải quyết những vướng mắc trong thủ tục kiểm soát môi trường, bản quyền, bảo đảm tiền gửi của doanh nghiệp Việt kiều…; đảm bảo quyền lợi chính đáng của kiều bào có đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam trong kiện tụng, tranh chấp, thi hành án.
+ Ngoài ra, các đại biểu cũng đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có việc tổ chức triển lãm và hội thảo thường kỳ để làm bàn đạp phát triển hàng hóa Việt Nam giao thương với quốc tế, tạo môi trường cọ xát của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam với thị trường và tiêu chuẩn quốc tế.
Thưa quý vị đại biểu,
Những ý kiến đóng góp quý báu của các vị tại Hội nghị lần này, đại diện cho tiếng nói của gần 4.5 triệu kiều bào trên khắp thế giới, sẽ được ghi nhận và chuyển tải đầy đủ, chi tiết trong báo cáo của Hội nghị gửi các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng. Đây sẽ là cơ sở cho việc điều chỉnh, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách liên quan đến NVNONN và công tác vận động NVNONN nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, hội nhập thành công vào xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam và góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Với những kết quả đạt được trong hai ngày qua tại các phiên thảo luận, Hội nghị của chúng ta đã thành công tốt đẹp, thể hiện cao nhất tinh thần đại đoàn kết dân tộc, phản ánh ý chí và nguyện vọng của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới cùng hướng về đất nước.
Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Ban Tổ chức xin chân thành cám ơn lãnh đạo các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp, hợp tác rất hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công Hội nghị này. Xin chân thành cảm ơn các phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông, báo chí đã tới dự, đưa tin, phóng sự, tuyên truyền cho Hội nghị.
Ban Tổ chức cũng xin chân thành cám ơn Ban quản lý Hội trường Thành ủy TP. HCM và các cán bộ, nhân viên đã nhiệt tình giúp đỡ công tác tổ chức Hội nghị. Xin cảm ơn Quỹ hỗ trợ và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ngân hàng Quân đội và tập đoàn Imex Pan Pacific đã tài trợ cho việc tổ chức thành công sự kiện này.
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ tình cảm chân thành nhất tới các quý vị đại biểu kiều bào đã sắp xếp thời gian, vượt hàng ngàn dặm về đây hội ngộ trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc, đóng góp những ý kiến quan trọng, tâm huyết, thể hiện tình cảm của những người con xa xứ luôn hướng về quê hương đất nước.
Với tinh thần đó, thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị NVNONN lần thứ 2.
Xin kính chúc tất cả các vị khách quý, các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.