A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề nghị xem xét lại nguyên tắc một quốc tịch

Đây là vấn đề được tranh luận khá sôi nổi tại Hội nghị Tổng kết 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 15/2 tại Hà Nội.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề này cần được qui định mềm dẻo hơn để đáp ứng nhu cầu của đông đảo kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên, kèm theo đó cũng phải làm rõ các vấn đề liên quan như việc bảo hộ công dân, các quyền và lợi ích của người mang quốc tịch Việt Nam trong đầu tư, kinh doanh, sở hữu bất động sản, đi lại… Theo đại diện Ban soạn thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi) thì có 2 phương án sửa đổi Điều 3 Luật Quốc tịch về nguyên tắc một quốc tịch. Đó là vẫn công nhận một quốc tịch Việt Nam, nhưng linh hoạt chấp nhận 2 quốc tịch đối với một số trường hợp đặc biệt hoặc phương án công nhận 2 quốc tịch. Trong 2 phương án này, phương án một quốc tịch “linh hoạt” nhận được nhiều ý kiến đồng tình hơn cả.
 
Tổng kết 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp cho biết, tính từ tháng 1/1999 đến tháng 12/2007 đã có 61.460 người xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài. Trong khi đó, số người xin nhập quốc tịch Việt Nam chỉ là 674 người (đã giải quyết 231 người). Gần đây, số người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cũng như xin cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam cũng đang tăng lên. Hạn chế rõ nhất của pháp luật về quốc tịch hiện hành là thời gian giải quyết các hồ sơ về quốc tịch còn kéo dài quá thời hạn qui định của pháp luật, gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, việc xử lý hồ sơ về quốc tịch chưa tập trung vào một đầu mối nên công tác quản lý về quốc tịch chưa được thống nhất. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất về quốc tịch của toàn quốc… Các đại biểu dự Hội nghị cũng bày tỏ sự đồng tình với nhiều đề xuất của Bộ Tư pháp trong việc đơn giản thủ tục hành chính khi tiếp nhận và giải quyết các việc về quốc tịch như rút ngắn thời gian, bỏ giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt, phiếu lý lịch tư pháp cho một số đối tượng và qui định linh hoạt nơi người dân nộp đơn xin giải quyết các việc về quốc tịch./.

(CAND)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm