A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thời sinh viên và hành trình về nguồn của tôi

Số phận đã đưa chúng tôi ra khỏi đất nước, nhưng quê hương lúc nào cũng có sức hút kỳ lạ kéo chúng tôi trở về đất mẹ. Gia đình chúng tôi đã trở về và rất hạnh phúc được sinh sống tại quê nhà...

Một ngẫu nhiên thú vị

Tháng 09 năm 1960, sau khi đỗ Tú tài, tôi ghi danh vào ban Toán Lý trường đại học Khoa học Sài Gòn. Tháng 10 năm đó, tôi bị gọi đi kiểm tra sức khỏe để đi quân dịch tại quận Tân Bình. Hôm đi nhận kết quả được xếp vào hạng “Chiến đấu”, tôi tình cờ gặp người bạn cùng học lớp đệ nhất (lớp 12) ở trường Chu Văn An năm trước, anh Nguyễn Đăng Hưng (Hiện là GSTS đại học Liège, Bỉ). Hưng cho biết đã nhận học bổng của chính phủ Bỉ và đang làm thủ tục để du học tại Bỉ. Tôi tò mò hỏi Hưng xin học bổng ở đâu và được biết là Nha kế hoạch (chính phủ miền Nam cũ) thường xuyên niêm yết các học bổng du học nước ngoài. Tôi cưỡi mô bi lét lên Nha Kế hoạch thì tất cả các học bổng của Âu Mỹ có chế độ nhập học vào tháng 09 hàng năm đều đã hết hạn tuyển chọn, chỉ có học bổng của chính phủ Nhật vì nhập học vào tháng tư năm sau còn niêm yết, mà ngày hôm sau là ngày hết hạn nộp đơn. Tôi vội vàng gom góp giấy tờ, rồi nộp đơn lúc 16:30 ngày hôm sau!

Vào đầu năm 1961 khoảng Tết âm lịch, gia đình tôi nhận được giấy báo từ Đại sứ quán Nhật Bản viết bằng tiếp Pháp, rằng tôi đã được tuyển chọn là sinh viên nhận học bổng của Bộ Giáo dục Nhật Bản, mời tôi lên sứ quán để biết chi tiết. Gia đình tôi mở hội đồng gia tộc, phần lớn không muốn cho tôi du học vì tôi là con trưởng, có trách nhiệm làm trưởng tộc trong tương lai. Có lẽ gia đình tôi sợ tôi ra đi sẽ không có ngày về chăng? Mong ước của tôi và gia đình tôi là thi vào đại học sư phạm ban Toán rồi đi dạy học vì hồi đó giáo viên trung học có cuộc sống ổn định và khá giả. Dù vậy, vì chịu ảnh hưởng các tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của Lê Văn Trương, và tiểu thuyết võ hiệp, tôi đã quyết chí sang Nhật du học.

Vào trung tuần tháng 4 năm 1961, chúng tôi gồm sáu sinh viên được học bổng của chính phủ Nhật, giã từ Sài Gòn, lên đường sang Tokyo, tới sân bay Haneda (thời đó chưa có sân bay Narita), tôi cứ ngỡ mình đã đến Thượng Hải vì tên sân bay và các bảng chỉ dẫn đều viết bằng chữ Hán! Tuy đã vào mùa Xuân, nhưng trời rất lạnh vì chúng tôi đến từ vùng nhiệt đới. Năm đó tuyết rơi muộn, lần đầu tiên trong đời, chúng tôi đã thấy tuyết rơi. Chúng tôi chơi ném tuyết và làm tượng tuyết như trẻ con! 

Biểu tình chống chiến tranh xâm lược của Mỹ

Cuộc đời du học của chúng tôi rất suôn sẻ, sau ba năm học tiếng Nhật và khoa trình tổng quát, Trần Đình Tưởng (hóa học), Lê Văn Tâm (công nghệ hóa học) và tôi (kinh tế) đỗ vào trường đại học Tokyo, Võ Văn Nhuận và Đinh Văn Phước vào trường đại học công nghiệp Tokyo, Bùi Mạnh Đức vaò trường đại học Nagoya.

Cuộc đời sinh viên của chúng tôi chỉ biến động mãnh liệt khi Mỹ bắt đầu phong tỏa vịnh Bắc Việt và thả bom vào miền Bắc đất nước từ tháng 02 năm 1965. Hàng ngày trên truyền hình, chúng tôi phải chứng kiến cảnh máy bay Mỹ tàn phá đất nước Việt Nam, sát thương đồng bào Việt Nam, chúng tôi rất uất hận, một số nữ sinh đã bật khóc! Tôi đã điện thoại tới Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo phản đối hành động dã man của quân đội Mỹ. Ngày 13 tháng 2 năm 1965 ([1]), sinh viên chúng tôi cùng nhiều bạn bè Nhật Bản đã tổ chức biểu tình “Vì hòa bình Việt Nam” tại trung tâm Tokyo và trước sứ quán Mỹ. Tôi cầm micro đọc tuyên ngôn phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ. Báo chí và truyền hình Nhật Bản đã lên tiếng, và hai tháng sau, tổ chức “Liên hợp thị dân vì hòa bình cho Việt Nam” (Gọi tắt là Beheiren, do ông Oda Makoto làm đại diện) đã được hình thành. Cuộc tranh đấu vì hòa bình cho Việt Nam tại Nhật Bản đã bắt đầu. 

Bị chính quyền miền Nam cắt hộ chiếu

Tháng 04 năm 1966, tôi lên Đại sứ quán miền Nam Việt Nam để xin gia hạn hộ chiếu thì bị từ chối vì có lệnh triệu hồi tôi về Sài Gòn. Mặt khác, viện lý do hộ chiếu hết hiệu lực, bộ Tư pháp Nhật Bản không gia hạn visa cho tôi. Tháng 03 năm 1967, Bộ Tư pháp Nhật thông báo lệnh “cưỡng chế xuất cảnh” đối với tôi. Thông báo này của Bộ Tư pháp đã tạo một vấn đề xã hội lớn. Các bạn sinh viên đại học Tokyo cùng với sinh viên các đại học khác tại Tokyo đã đứng ra tổ chức “Hội bảo vệ anh Vũ” (Vu-san wo mamoru Kai, người Nhật dùng họ để gọi). Hội bảo vệ lan rộng ra toàn quốc Nhật Bản và chỉ trong một thời gian ngắn, đã thu thập được hơn 100 ngàn chữ ký yêu cầu Bộ Tư pháp từ bỏ lệnh cưỡng chế xuất cảnh. Thêm vào đó GSTS Ogochi Kazuo, Hiệu trưởng Đại học Tokyo đã gặp Bộ trưởng Tư pháp, ông Tanaka Isaji, yêu cầu cho tôi được lưu trú tại Nhật để tiếp tục học tập nghiên cứu. Nhờ vậy lệnh “Cưỡng chế xuất cảnh” đã được bỏ qua. Tuy vậy mỗi tháng một lần tôi phải đến Cục xuất nhập cảnh Tokyo để gia hạn giấy “Tạm tha” (Kari shakuho) vì tôi cư trú bất hợp pháp tại Nhật, lẽ ra tôi phải ngồi tù, nhưng nhà chức trách “tạm tha” để tôi tiếp tục nghiên cứu cao học tại đại học Keio (Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế học tại đại học Tokyo tôi chuyển sang đại học tư thục Keio để học cao học). Tháng tư năm 1968, Bộ Tư pháp Nhật cho tôi được cư trú dài hạn với tư cách người không có quốc tịch! 

Hội người Việt Nam tranh đấu cho Hòa bình và Thống nhất đất nước 

Tháng 06 năm 1969, “Hội người Việt Nam tranh đấu cho Hòa bình và Thống nhất đất nước” (Beheito) ra đời, kịch liệt phản đối chiến tranh và công khai đả kích chính sách xâm lược của Mỹ. Chính phủ miền Nam đã ra lệnh “triệu hồi về nước nhập ngũ” đối với ba người trong ban lãnh đạo là các anh Lê Văn Tâm, Nguyễn An Trung và Nguyễn Hồng Quân. 

Năm 1973 khi Hòa đàm Paris kết thúc, đài truyền hình Asahi đã nhờ tôi thông dịch buổi họp tuyên bố thỏa hiệp hòa bình trong buổi truyền hình trực tiếp, tôi vừa cảm động vừa run vì tôi không đủ khả năng thông dịch đồng thời, họ nhờ tùy viên văn hóa của đại sứ quán Pháp tại Tokyo ngồi cạnh tôi, viết ra những điều nghe được, tôi vừa nghe vừa nhìn memo của anh ta rồi diễn tả ra tiếng Nhật! Kỷ niệm này thật là khó quên. Quá vui vì đất nước sắp hòa bình, quá lo vì sợ không làm tròn nhiệm vụ thông dịch. 

Ngày 30 tháng 04 năm 1975, đất nước được giải phóng, anh chị em trong “Hội người Việt Nam tranh đấu cho Hòa bình và Thống nhất đất nước” đã tiến chiếm Đại sứ quán miền Nam tại Tokyo. Chúng tôi bị cảnh sát Nhật bắt giam vì tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Hôm sau nhờ Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Nhật can thiệp, chúng tôi được trả lại tự do và không bị truy tố. Dù phải ăn cơm tù và ngủ một đêm trong tù, chúng tôi hầu như thức trắng đêm vì quá cảm động và vui mừng trong những ngày lịch sử đó. 

Trở về làm việc và sinh sống tại quê nhà 


Hạnh phúc khi trở vềTừ đầu thập kỷ 1990, tôi được biết về chính sách Đổi mới của nước nhà khi làm Tổng đại diện Âu châu của Isuzu có văn phòng tại Frankfurt, Đức. Tôi đã cảm nhận sự Đổi mới là một yêu cầu tất yếu của thời đại. Có thể nói rằng từ đầu thập niên 1990, hệ thống chính trị kinh tế của Việt Nam đã đi trên một quỹ đạo không thể chuyển ngược (irreversible). Hệ thống này chỉ có thể từ tự do hóa. Đây là lý do chính giúp tôi quyết định lên kế hoạch trở về quê hương làm việc và sinh sống từ năm 1992.

 

Từ tháng 04 năm 1988, tôi làm Tổng đại diện Âu châu của công ty Isuzu, làm việc tại Bruxelles, chỉ cách Liège, chỗ anh Nguyễn Đăng Hưng dạy học khoảng hơn 100 km. Nhưng lúc đó tôi mất liên lạc với Hưng, không biết anh còn ở Bỉ. Tôi chỉ gặp lại Hưng sau khi đã về nước làm việc, trong một buổi tiệc mừng Xuân tại TP Hồ chí Minh do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Và tháng 08 năm nay, tôi lại tái ngộ với anh trong Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng quê hương” tại Hà Nội. 

Nhật báo Asahi số ra ngày 21/09/2005 có đăng bài phỏng vấn anh Nguyễn Đức Hòe - Hiệu trưởng trường Nhật ngữ Đông Du - TP HCM, GSTS Huỳnh Mùi - nguyên Hiệu trưởng Đại học tư thục Thăng Long - Hà Nội và tôi về những năm tháng xuống đường biểu tình chống chiến tranh của thập kỷ 1960. Nhìn ảnh chúng tôi trên mặt báo, thấy tóc đã điểm sương, chúng tôi đều đã ngoài lục tuần. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hăng say làm việc trong lĩnh vực của mình, nhằm đóng góp một phần nhỏ vào sự nghiệp phát triển đất nước. Gia đình chúng tôi rất hạnh phúc được sinh sống tại quê nhà. 

Số phận đã đưa chúng tôi ra khỏi đất nước, nhưng quê hương lúc nào cũng có sức hút kỳ lạ kéo chúng tôi trở về đất mẹ. 

Vũ Tất Thắng

 

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Quyển “Người nước ngoài tại Nhật Bản” (Zainichi gaikokujin) của GS Tanaka Hiroshi do nhà xuất bản Iwanami Shinsho xuất bản năm 1995, tái bản lần thứ 19 năm 2005, trang 19-21 có tường thuật cuộc biểu tình, kể lại hoạt động của “Hội bảo vệ anh Vũ” và Beheito.

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu