A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo sư Trần Văn Khê: Tôi như chiếc lá được về với cội

Đầu tháng 1, Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM trao ngôi nhà số 32, Huỳnh Đình Hai, phường 14, quận Bình Thạnh, cho GS. Trần Văn Khê. Đây là nơi bảo quản, trưng bày hiện vật văn hóa, âm nhạc dân tộc mà ông đã sưu tầm và tích luỹ suốt một đời theo đuổi nghiệp âm nhạc...

- Gần 56 năm sống ở nước ngoài, quyết định về ở hẳn trong nước có ý nghĩa như thế nào đối với giáo sư?

- Bất cứ cuộc chia tay, dời chuyển nào cũng có rất nhiều lưu luyến, nhưng tôi đã quyết định về Việt Nam ở hẳn với tất cả lòng mong chờ của người con xa quê quá lâu rồi.

Ở Pháp, tôi được bảo hiểm xã hội 100%, lại có bổng hưu trí, đau bệnh không mất tiền, được chăm sóc, đãi ngộ tận tình. Nhưng sống bình yên thoải mái không có nghĩa là ngồi yên rồi ôm đống tư liệu bao năm mình đã tích cóp. Như vậy thì quá uổng công.

Tôi luôn mong ước được về Việt Nam, có một ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi để làm việc. Đó là nơi tập trung và giữ gìn những tư liệu mà cả đời tôi gom góp được, để sau này cho thế hệ trẻ Việt Nam đến xem, để các bạn có thể đối thoại với các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới. Sống ở nước ngoài, một năm dăm ba lần mới có vài sinh viên đến tìm gặp trao đổi. Thỉnh thoảng mới có dịp gặp gỡ những bạn trẻ, những gì tôi nghiên cứu được cứ giữ đó không có nhiều dịp để truyền đạt. 

Năm 2004, tôi rất vui mừng vì đã chuyển được về nước hàng nghìn cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video..., một khối lượng tư liệu mà dù bỏ ra cả mấy năm trời vẫn xem chưa hết. 460 kiện hàng văn hóa đã được hải quan hai nước Việt - Pháp hỗ trợ nhiệt tình, không làm khó dễ mà còn miễn cả tiền đóng thuế.

Về đến Việt Nam, Viện Bảo tàng TP HCM dọn sẵn một phòng để chứa tư liệu của tôi với điều kiện bảo quản rất tốt, cắt cử những bạn trẻ đến giúp tôi phân loại, sắp xếp đàng hoàng đâu ra đó. Tôi được hưởng tấm lòng, tình thương của mọi người. Đối với tôi, điều đó quá sức mong đợi. Tôi thấy mình như chiếc lá đã được rụng về cội.

- Thưa giáo sư, đón nhiều cái Tết tha hương, ông có cảm xúc gì khi năm nay về ăn Tết trên đất nước mình?

-  Sống ở nước ngoài nhưng tôi cũng đã có dịp về Việt Nam vài lần trong dịp Tết trước đây. Lần đầu là vào năm 1998, ở TP HCM. Năm 2002, đài truyền hình Việt Nam VTV1 mời tôi ra Hà Nội nói chuyện trong chương trình đêm giao thừa. Lần cuối cùng tôi ăn Tết ở Hà Nội là năm 1944. Đến năm 2002 mới trở lại nên có rất nhiều cảm xúc. Cái Tết đầu tiên tôi ở Hà Nội là năm 1941, đêm tôi đi hái lộc ở Hồ Gươm, mưa phùn lất phất nhẹ bay mơn man trên khuôn mặt, những cô gái xinh đẹp Hà Thành áo váy tha thướt. Người chủ nhà tôi đang ở cắt tỉa củ thủy tiên khéo đến nỗi đúng vào khoảnh khắc giao thừa hoa đồng loạt nở. Đẹp không cảm xúc nào diễn tả được, nên con gái đầu lòng tôi đã đặt tên là Thủy Tiên.

Hồi ở Pháp, ngày Tết thì cũng như ngày thường thôi. Có khi bạn bè đến cho một đòn bánh chưng, bánh tét, nem chua. Tôi cũng tự nấu một nồi thịt kho đông, cũng tự làm dưa giá. Tết năm nay có một ý nghĩa đặc biệt là tôi đã được thật sự "ăn" Tết trên nước mình, tại nhà của mình.



 Gs-Ts Trần Văn Khê trong căn phòng trưng bày những nhạc cụ truyền thống dân tộc tại nhà ông


- Kế hoạch đón năm mới của ông năm nay như thế nào?

- Một người bạn tặng tôi cội mai vàng đặt trước sân nhà, vài bữa nữa tôi lặt lá mai, chờ cây ra hoa.

Sáng sớm mồng 1 Tết, tôi thường khai bút đầu năm, rồi mở cửa xuất hành năm mới; sau đó về nhà uống rượu, uống trà, ngắm hoa. Tết năm nay, bạn bè đã hẹn sẽ gặp nhau trong dịp xuân, có người đã hứa cho bánh chưng, cho thịt kho, mắm chưng, bánh tét. Tôi cũng đã đổi tiền giấy mới loại 10.000, mua nhiều phong bao đỏ để lì xì các cháu nhỏ.

Tết này, ngày mồng 1, trên VTV1, VTV2, tôi sẽ nói chuyện về văn hóa ẩm thực Việt Nam.

- Giáo sư có thể nói qua về ngôi nhà này, món quà tặng năm mới của TP HCM dành cho ông?

- Tôi từng ở từ khách sạn này qua khách sạn khác. Về nước cũng chỉ ở một địa chỉ quen thuộc là căn phòng 326 của khách sạn Majestic. Căn hộ chung cư mà tôi ở bên Pháp vừa là một phòng thí nghiệm vừa là thư viện nhỏ, chứa đầy ắp những tư liệu hơn là nhà ở. Ước muốn có một ngôi nhà riêng với tôi là quá xa vời.

Cách đây vài năm, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM, Trương Ngọc Thủy, tình cờ đến thăm căn hộ của tôi tại Pháp. Năm 2001, gặp lại Ngọc Thủy tại Festival Huế, cháu nói đang cố gắng giúp đỡ tôi có một ngôi nhà để ở và lưu giữ tư liệu.

Ban đầu, ngôi nhà còn rất ngổn ngang, cỏ dại mọc đầy sân trước sau. Nhưng Sở Văn hóa Thông tin và UBND quận Bình Thạnh đã hỗ trợ sửa sang lại nhà cửa, cung cấp máy điều hòa để chuẩn bị phòng tư liệu.

Tôi nhớ có một lần trên đất Pháp, buổi đêm, sau bữa tiệc ở nhà một người bạn, tôi mở cửa bước ra vườn. Chợt nghe thoang thoảng mùi hoa dạ lý hương, tự nhiên ứa nước mắt, thấy lòng mình mênh mang nỗi buồn nhớ quê hương.

Bây giờ nhà tôi, cạnh cửa sổ phòng ngủ và phòng làm việc có trồng một cây dạ lý hương. Nhà người Việt thường "phía trước trồng cau, phía sau trồng chuối", nhà tôi cũng vậy. Trước sân, có một khu vườn nhỏ trồng những cây chuối, cây trúc tượng trưng cho người quân tử, hoa dâm bụt 3 màu, bông trang, hoa giấy, hoa mai. Đó là những món quà của một người bạn tặng tôi.

Rồi đây hoa sẽ nở, mỗi sáng, mỗi chiều tôi sẽ được thăm thú vườn hoa, tưới cây, lặt lá sâu. 

- Hiện nay công việc của ông tại Việt Nam như thế nào?

- Lúc còn ở hải ngoại, công việc của tôi là tìm tòi, sắp xếp, sưu tập, nghiên cứu tư liệu; còn hiện tại là gặp gỡ và truyền đạt cho những ai quan tâm, yêu thích đến âm nhạc, văn hóa dân tộc. Bây giờ tôi có nhà, địa chỉ rõ ràng, nhiều sinh viên, bạn trẻ trong ngoài nước đến thăm, trò chuyện rất vui. Có một nhóm sinh viên khi biết tôi dọn về nhà mới đã mang đến tặng một bức thư pháp đề chữ: "Nhạc Việt chi bảo". Tôi hỏi các bạn ở đâu, học trường nào. Các bạn trẻ ấy chỉ cười mà nói: "Chúng cháu tặng bác vì quý những việc bác đã làm cho âm nhạc dân tộc Việt Nam. Bác cứ xem như đây là món quà nhỏ của bạn trẻ thành phố mà không cần biết bọn cháu là ai đâu ạ". 

Về nước ở hẳn là quãng thời gian vui nhất của cuộc đời tôi. Tôi mong rằng sẽ mãi sống trong không khí thanh bình, vui vẻ như thế này cho đến lúc ra đi vĩnh viễn.

- Còn cuộc sống thường ngày của giáo sư thì sao?

- Ở Việt Nam, đi đâu cũng như gặp người quen, người thân. Ra đường bước lên xe taxi gặp nụ cười rộng mở của người tài xế. Vào quán ăn, đi bệnh viện kiểm tra sức khoẻ cũng vậy. Mọi người đều quý tôi, hỏi thăm sức khỏe, chăm sóc tận tình. Tình thương đó làm tôi quá xúc động!

Mỗi ngày, tôi thức dậy lúc 5h30, luyện khí công. Rồi sau đó ra vườn xem cây; lên mạng Internet đọc thư bạn bè khắp năm châu bốn bể. Xem TV, lướt qua trang văn hóa, thời sự của các báo mạng. Khi thư ký đến thì bắt đầu một ngày làm việc, ghi chép lại những suy tư trong ngày, những suy nghĩ về việc nghiên cứu âm nhạc, văn hóa.

Tôi có người bạn thân chơi với nhau đã 60 năm nay từ thưở còn học trường Trương Vĩnh Ký. Bây giờ, nhà bạn cách nhà tôi chỉ 300 thước, hằng ngày đều có người nhà của bạn đến nấu giúp thức ăn. Tôi ăn kiêng khem vì mang nhiều bệnh trong người, tất cả những "ngọt, bùi, béo" của cuộc đời giờ không được đụng đến nữa.

Tôi sống một mình, nhiều lúc cô đơn chỉ biết bầu bạn với tiếng nhạc, lời thơ. Tôi rất thích bài Lạc quan độc hành ca mà tôi từng họa lại bài Độc hành ca của thi sĩ Bùi Khánh Đảng, có mấy câu: "Vững bám hồn thơ xa thế tục/ Nhẹ nương cánh nhạc đến thiên thai/ Cuộc đời cô độc nhờ thơ nhạc/ Vui kém chi người vẹn trúc mai". 

Hiện tôi nghiên cứu và viết về "Âm và dương, xác và hồn trong âm nhạc truyền thống" với mong muốn nêu ra những khám phá giản dị nhất mà đôi khi người ta quên mất không nghĩ đến. Tôi và thư ký của mình sẽ lên kế hoạch viết tiếp hồi ký. Cuốn hồi ký thứ 5 của tôi kết thúc ở giai đoạn năm 2000. Cuốn thứ 6 được bắt đầu từ năm 2001, khi tôi chuẩn bị chuyển kho tài liệu về VN và có kế hoạch về hẳn quê nhà.

Anh Vân (VnExpress)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu