A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họa sỹ Vũ Quốc Chính với “Ngày trở về”

Ngày 16/1, triển lãm tranh mang chủ đề “Ngày trở về” của họa sỹ Vũ Quốc Chính được khai mạc tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm bao gồm 40 bức tranh, lần đầu tiên được khai mạc tại Hà Nội sau gần 20 năm họa sỹ sống và làm việc ở Cộng hòa Séc.

Đến dự buổi lễ có ông Đào Duy Quát, Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình, đại diện đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam và đông đảo các họa sỹ, bạn bè của ông. Cũng tại buổi lễ, họa sỹ Vũ Quốc Chính đã ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 15 triệu đồng.



 Ông Nguyễn Phú Bình chúc mừng hoạ sĩ Vũ Quốc Chính (thứ hai từ phải sang)

Họa sỹ Vũ Quốc Chính sinh năm 1945, quê ở Hà Nam. Ông đã được giải thưởng Mỹ thuật Quốc gia, Mỹ thuật Hà Nội, có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam, Ba Lan, CH Séc và trong nhiều sưu tập cá nhân ở Canada, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Thụy Điển, Việt Nam, CH Séc. Ông đã được trao tặng Bằng khen của Bộ Ngoại giao vì đã có nhiều năm đóng góp xuất sắc trong xây dựng cộng đồng ở CH Séc. 12 lần triển lãm cá nhân ở Praha, Cheb Morava và một số thành phố khác ở CH Séc.

Vũ Quốc Chính là họa sỹ của phong cảnh thiên nhiên và hoa trái bốn mùa trên những vùng đất mà ông đã ở hoặc đi qua, đặc biệt phong cảnh bên bờ sông Labe – nơi họa sỹ đã sống 17 năm được thể hiện rất nhiều. Cảm xúc ấm nóng, cây cối xanh tươi với từng vạt nắng của vùng nhiệt đới bên cạnh những bức vẽ ánh sáng xanh lạt của tuyết trắng châu Âu được thưởng thức cùng một lúc trong phòng tranh mang lại cho người xem nhiều cung bậc tình cảm. Hội họa Vũ Quốc Chính như đắm mình trong không gian tĩnh lặng, đầy chất thơ hoài niệm với những mảng mầu đạm nhạt, dù tươi tắn đến đâu vẫn cho ta cảm nhận về một thời ưu tư đạm bạc đã qua. Nét đẹp trong tranh ông là sự đôn hậu bình dị tưởng như không có gì đơn giản thế. Công chúng yêu tranh Vũ Quốc Chính cũng chính là biết tự nâng niu cái “bản ngã", yêu “cái đẹp” thường nhật quanh ta. Hy vọng họa sỹ Vũ Quốc Chính có bước phát triển mới trong nghệ thuật sau chuyến trở lại thăm quê hương lần này Mùa xuân 2006.

Thu Lê

Nhân dịp này, Tạp chí Quê Hương xin giới thiệu bài viết về họa sỹ Vũ Quốc Chính của Thái Chí Thanh.

Người họa sỹ Việt Nam trên đất Séc

 

Thời gian ở Praha không nhiều, nên tranh thủ lắm, chúng tôi mới có chuyến thăm anh Vũ Quốc Chính - người hoạ sỹ Việt trên đất Séc. Anh bạn làm việc tại Sứ quán Séc đã điện, hẹn hò cẩn thận, vậy mà đến nơi, chúng tôi bấm chuông mỏi tay vẫn chẳng thấy ai ra đón. Chẳng lẽ... hai chúng tôi đã vội vàng phóng xe hơn 50 km từ Praha đến thành phố nhỏ Pecky này lại phải về không? Đang bực mình thì cánh cổng sắt từ từ mở. Trước mặt tôi là người đàn ông tầm thước mặt sáng và phúc hậu, trạc tuổi lục tuần, vừa cười ngượng nghịu, vừa xuýt xoa xin lỗi. Thì ra, trong lúc chờ chúng tôi, sốt ruột, anh tẩn mẩn ngắm lại bức hoạ đang vẽ dở rồi máu nghề nghiệp nổi lên, xoá xóa, sửa sửa, quên luôn cả trời đất, mãi khi cô con gái từ tầng trên xuống nhắc, mới biết khách đến.

Rồi như quen biết từ lâu, anh hồ hởi mời chúng tôi vào “vương quốc” riêng của anh. Đó là một khuôn viên nhỏ, có căn nhà cổ hai tầng kiến trúc duyên dáng, một vườn hoa đang chuẩn bị nẩy lộc, đơm hoa và cả một thế giới tranh của anh treo kín tất cả những chỗ có thể treo được. Đó chỉ là một phần nhỏ trong số tranh anh sáng tác trong gần 20 năm ở Séc vì phần lớn anh đã bán, tặng cho bạn bè, khách chơi tranh. Rồi lại quên cả khách từ xa đến đang khát nước, anh lại dẫn chúng tôi vào thế giới hội hoạ của anh. Anh say sưa giới thiệu lai lịch những bức vẽ trên tường, nói về ý tưởng một bức hoạ phong cảnh đang phác thảo...

Tên tuổi anh, tôi đã nghe từ lâu, nhưng trực tiếp ngắm tranh anh, tôi bỗng thấy nao lòng vì vẻ đẹp rất hài hoà, ấn tượng, nhất là màu sắc của anh vừa tươi vừa ấm. Chất liệu chính là sơn dầu, anh vẽ nhiều tranh phong cảnh và tĩnh vật. Theo tiến độ thời gian, thấy rõ những bước tiến trên con đường nghệ thuật của anh. Càng về sau, tranh càng gợi cảm và ấn tượng hơn. Cũng theo thời gian, càng về sau, tranh của anh càng hài hoà hơn giữa chất “Á Đông” quê hương anh và chất “Tây tây” của xứ Châu Âu này. Chắc có nhiều ý kiến về vấn đề này, nhưng anh mong như thế, coi đó là sự thành công của mình, anh khai thác thế mạnh của hai nền hội hoạ, nhưng không hề bị lẫn... Và dù vẽ cảnh Tây hay cảnh ta, vẽ chân dung hay tĩnh vật, tranh anh đều phảng phất hồn quê, rất trong lành, đầm ấm.

Chờ cho khách khát khô cổ, anh mới sực nhớ là cần phải uống cái gì đó. Trông anh lóng ngóng pha trà, tôi lại phì cười nhớ đến một giai thoại về sự đãng trí của anh. Chẳng là có lần, khách từ xa đến, anh vừa say sưa chuyện trò, vừa lấy nước pha trà, loay hoay thế nào mà cho trọn cả chậu nước muối ngâm chân của anh vào ấm đun nước. Đến khi uống thấy lờ lợ, anh mới ớ người ra là mình nhầm.

Chuyện trò và xem những tập tư liệu lưu trữ của anh, tôi thực sự cảm phục anh, một hoạ sỹ vừa có nghị lực, vừa vô cùng mẫn cảm. Anh rất hay xúc động, khóc cười như trẻ nhỏ. Ngoài cái bệnh “đãng trí”, anh còn mắc một bệnh...cứng. Nhất là gặp chuyện gì vui quá, xúc động quá là lưỡi cứng đơ lại, ú ớ như bị ma nhập. Người không quen thì ngạc nhiên chứ ai quen anh cũng đều quý trọng anh vì những “bệnh” đó, bệnh của một nghệ sĩ có tài và quá mẫn cảm với cuộc sống: Có những cái đó mới tạo nên chất men của tâm hồn, mới có được những lúc “lên đồng”, làm nên những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng...

Anh từng là một công nhân nhà máy biến thế trước khi vào học Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tranh của anh từng đoạt nhiều giải thưởng quốc gia, Hà Nội và nhiều bức theo chân các nhà sưu tập đến một số nước trên thế giới. Ngay từ năm 1986, anh đã có hẳn phòng trưng bày tranh của mình tại căn nhà riêng ở phố Triệu Việt Vương.

Nhưng với anh, mơ ước khám phá luôn dục dã anh phải vượt lên, phải tìm đến chân trời mới của nghệ thuật. Xin đi học hồi ấy đối với anh là điều không tưởng, nên năm 1988, để tiếp cận với nền hội họa Châu Âu, anh có mặt trong đoàn công nhân lao động Việt Nam xuất khẩu sang Tiệp theo Hiệp định hợp tác lao động của hai nước. Và từ đó, anh luôn phải đối đầu với những thử thách rất nghiệt ngã.

Ban ngày, anh làm một công nhân... không mấy xuất sắc vì tay chân lóng ngóng lại luôn nhầm lẫn và sai sót. Trong sinh hoạt của anh cũng khác thường. Cứ liên tục “đãng trí” như nấu cơm lại cắm nhầm bếp người khác, nên cơm mình thì “sống nhăn răng” mà cơm người cháy khét lẹt. Hay như ăn tập thể, mải nghĩ, xơi nhầm sạch đĩa thức ăn của bạn mà không biết. Nhưng đêm đêm, anh lại sống với thế giới nghệ sĩ của mình. Nhiều hôm thức trắng đêm để vẽ tranh ngay tại hành lang ký túc xá anh ở. Chuyện “người thợ đãng trí” làm cho vị giám đốc nhà máy Tola quan tâm. Ông xuống tận nơi xem và không khỏi ngạc nhiên khi xem tranh của anh. Cảm phục tài năng của Vũ Quốc Chính, ông giám đốc vốn yêu nghệ thuật chuyển anh lên phòng hành chính của nhà máy với mức lương hậu hĩnh và chỉ để vẽ tranh... Tưởng cuộc đời đã thăng hoa, nào ngờ đến năm 1991, nhà máy hết việc làm, anh lại phải lang thang vừa bán hàng rong kiếm sống, vừa tranh thủ vẽ. Đây là những ngày vô cùng khó khăn của người hoạ sĩ. Không có tiền thuê nhà, anh tìm đến ở trong một túp lều nhỏ, vốn là nhà nghỉ bỏ hoang, không lò sưởi, không điện nước, trơ trọi giữa mùa đông mênh mông tuyết trắng. Ngày đi bán rong, đi vẽ, tối về chui vào lều, trùm kín chăn, có hôm uống cả bát nước mắm chống lạnh mà vẫn không tài nào chợp mắt được. Chính dấu ấn những ngày cơ cực đó đã cho anh chất sống vẽ nên bức hoạ “Mùa đông năm ấy” rất nổi tiếng của anh đã ra đời mấy năm sau đó.

Biết bao buồn vui theo chân người hoạ sỹ lang thang kiếm sống để vẽ tranh. Nào là có hôm, ngồi bán hàng, thấy phong cảnh đẹp quá, lại đang vắng khách, nổi hứng bày ra vẽ. Mải mê vẽ quá, đến nỗi kẻ gian cuỗm sạch mớ hàng bán rong mà không biết. Lại còn có lần, mấy viên cảnh sát thấy anh vừa lủng củng đồ vẽ lại nhếch nhác kéo xe hàng rong trên quảng trường thành phố, trông rất... khả nghi. Và họ đã không lầm khi bắt giữ anh vì trong người không có giấy tờ hợp pháp. Tưởng chuyến này “đi đứt”, phải bỏ xứ trời Âu khi anh chưa đủ thời gian để cảm nhận và thể hiện vào tranh. Nào ngờ, trong cái rủi có cái may, chuyện đến tai ông thị trưởng Karem. Rồi như số anh có quý nhân phù trợ, ông này cũng rất mê tranh, nên cấp giấy tờ hợp pháp cho anh sống và kinh doanh với một yêu cầu rất nghệ sĩ: một năm sau anh phải có tranh triển lãm. Đúng một năm sau, Vũ Quốc Chính có hẳn một phòng tranh triển lãm, có ngài thị trưởng chứng kiến. Cuộc triển lãm tranh đầy kỷ niệm đó, phần lớn tranh anh tặng mọi người, có cái bán được hơn 1000 USD, anh hiến cho nhà trẻ và những người cô đơn.

Cho đến nay, một mình anh có 10 cuộc triển lãm tranh trên đất Séc. Đam mê hội hoạ đã giúp anh vượt qua được tất cả. Những gặt hái trên con đường nghệ thuật vốn lắm chông chênh, trắc trở đưa anh trở thành người hoạ sĩ Việt Nam nổi tiếng trên đất Séc. Bà con mình tại Séc rất tự hào về anh. Người thành phố Pecky cũng tự hào về anh, luôn mến mộ yêu mến anh...

Mải xem tranh, chuyện trò cùng hoạ sỹ, trời sẩm tối lúc nào không biết. Uống trà nhiều, bụng đã cồn cào, tôi chủ động mời hoạ sỹ ra nhà hàng thành phố. Đến lúc này anh mới: “Ôi chà chà... quên...” rồi rối rít mời hai chúng tôi sang phòng ăn đã được chuẩn bị khá thịnh soạn. Bữa tối, có thêm chất men, chuyện trò càng rôm rả. Trong bữa tối còn có hai cô gái. Một người còn rất trẻ, mới 16-17 tuổi, trông rất xinh xắn và dịu dàng. Đó là cháu Vũ Hoàng Thanh Thảo, con gái anh Chính. Cháu từng tham gia triển lãm tranh cùng bố và đạt rất nhiều giải thưởng thi vẽ tranh trong các trường phổ thông tại Séc. Năm 2002, cháu đạt giải nhất thi đơn ca tuổi từ 11 đến 15 các trường phổ thông cơ sở miền Trung CH Séc. Vui nhất là vừa qua, cháu vượt qua hơn 400 thí sinh cả nước đỗ thủ khoa thi tuyển vào trường năng khiếu nghệ thuật CH Séc. Đây là một hạnh phúc lớn của gia đình anh. Thật đúng là “cha nào, con nấy”. Còn cô gái nữa trông rất duyên dáng và vui tính là cháu gái của anh, từ Hải Phòng sang lập nghiệp và giúp đỡ bố con anh. Thế còn... Thấy tôi nhìn anh dò hỏi. Anh hiểu ý, khẽ khàng: “Chắc anh hỏi... vợ tôi đâu chứ gì? Khi tôi quyết định sẽ sống ở Séc để vẽ tranh, cô ấy tuyên bố: Một là em, hai là những bức tranh. Anh hãy chọn đi? Anh muốn cả tranh và em... nhưng em không chờ được thì đành chịu... Thế là cô ấy bỏ tôi thật, theo bạn tình sang Đức, mang theo cháu Thảo lúc ấy mới 6 tuổi. Nhưng ở Đức, họ gặp rất nhiều khó khăn nên đã sang Séc. Tôi đã xin nhận nuôi cháu Thảo và còn hỗ trợ ít tiền, đỡ đần họ lúc khó khăn... Đấy, vợ chồng chúng tôi chia tay nhẹ nhàng như vậy đấy...”

Bao chuyện buồn vui đã và sẽ còn đến với anh. Nhưng rồi, mọi cái sẽ qua đi, điều anh gửi gắm cả đời người họa sỹ là những tác phẩm nghệ thuật. Dẫu đã gặt hái nhiều thành công, nhưng ở anh, sức vẽ, sức sáng tạo vẫn còn sung mãn lắm. Đỉnh cao giá trị nghệ thuật tranh của anh vẫn đang nằm ở phía trước. Anh tin như vậy. Chúng tôi cũng hy vọng như vậy.

Praha, 4/2005
Thái Chí Thanh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu