A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông tiến sĩ ĐH Lyon đam mê “làm sạch” môi trường

Ẩn chứa đằng sau ánh mắt thông tuệ là một phong cách khoa học và chuyên nghiệp. Ông là GS -TSKH Đại học Lyon (Cộng hòa Pháp) Giám đốc Đại học Đà Nẵng Bùi Văn Ga.



 GS Ga và chiếc xe chạy bằng gas đầu tiên

Nổi tiếng từ thành công với những ý tưởng táo bạo, thế nhưng, ông vẫn khiêm tốn với những đóng góp của mình là “chẳng có gì đáng nói”.

GS- TSKH Bùi Văn Ga sinh 1957 tại Quy Nhơn (Bình Định), hiện là Giám đốc Đại học Đà Nẵng, tốt nghiệp TSKH về ngành Động cơ nhiệt tại ĐH Lyon (Cộng hòa Pháp), đã hoàn thành 12 đề tài NCKH các cấp, 4 giáo trình đại học, hướng dẫn nhiều NCS Tiến sĩ, thạc sĩ... cùng hàng trăm bài báo, báo cáo khoa học về đề tài giảm ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.

Ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Huân chương Hàn lâm hạng Ba (2001), hạng Nhì (2005) của Chính phủ Cộng hòa Pháp,... cùng nhiều huân, huy chương khác vì những cống hiến đặc biệt cho sự nghiệp Giáo dục, Khoa học và nghiên cứu”.

13 năm và những trăn trở trên đất Pháp...

Một lần tình cờ đọc được ở một tạp chí nước ngoài nói về công nghệ sử dụng khí gas thay cho xăng trong công nghệ sản xuất ôtô ở châu Âu, TS Bùi Văn Ga – khi ấy đang là cán bộ trẻ giảng dạy ở trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đã thai nghén ý tưởng về một thành phố Đà Nẵng và xa hơn nữa là đất nước Việt Nam sẽ không còn khói bụi từ động cơ xe máy.

Thế nhưng, trong điều kiện lúc bấy giờ việc bắt tay nghiên cứu đề tài ấy được xem là “viển vông”. Năm 1986, giảng viên Bùi Văn Ga, lúc này đã là thạc sĩ, lên đường sang Đại học Lyon nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ trong đầu vẫn nung nấu ý tưởng ôtô chạy bằng gas ở Việt Nam.

Năm 1989, ông trở về Việt Nam, ngoài tấm bằng tiến sĩ, còn là nỗi ấp ủ về môi trường sạch cho đất nước, không còn khói bụi thải ra từ xe gắn máy– phương tiện lưu thông chủ yếu tại các thành phố lớn, có đến trên 13 triệu chiếc trên toàn quốc.

Nhưng phải đến lần thứ hai trở lại Pháp để làm đề tài tiến sĩ khoa học về ngành Động cơ nhiệt (1991 – 1994) tại Đại học Lyon, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các giáo sư, tiến sĩ ở đây, những nội dung cơ bản của việc chuyển đổi cơ cấu từ sản phẩm động cơ dùng gas ở ô tô sang xe gắn máy mới được hoàn thành.

Trở về nước, mất thêm 2 năm nữa để hoàn chỉnh cho cái đề tài mà nhiều đồng nghiệp khi nghe qua đã lắc đầu hoài nghi, thậm chí còn cho đó là chuyện viễn tưởng. Năm 1999, chiếc xe máy chạy bằng gas đầu tiên ở Việt Nam được ra đời, tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (Đại học Đà Nẵng).

Thế là sau 13 năm trăn trở với hành trình con thoi Đà Nẵng – Lyon, cuối cùng, ước muốn “làm sạch” môi trường cũng thành hiện thực ...

Xe máy chạy bằng gas, Tramway vươn ra thế giới

Tháng 8/2003, với những sản phẩm thuyết phục, ông cùng nhóm nghiên cứu được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng sáng chế độc quyền. Đến giữa tháng 12/2004, tại Trung tâm Nghiên cứu môi trường Đại học Đà Nẵng, chiếc xe gắn máy đầu tiên chạy bằng gas được thử nghiệm thành công trong niềm vui sướng tột độ của cả thầy lẫn trò trường ĐH Bách khoa.

“Hôm đó, mình đã không kìm được nước mắt sung sướng, sau gần 15 năm vật lộn với nó, bây giờ nó cũng không phụ lòng mình”. Đến thời điểm này, tại thành phố Đà Nẵng đã có một dây chuyền sản xuất sản phẩm “Bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu LPG/xăng GA – 5” do Công ty Datexco đảm trách.

Đây là sản phẩm động cơ chuyển đổi từ xăng sang gas cho xe gắn máy đã sử dụng. GS Ga vui mừng thông báo: “Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cấp kinh phí 900 triệu đồng để Trung tâm Nghiên cứu môi trường ĐH Đà Nẵng mở dây chuyền sản xuất động cơ Bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu LPG/xăng GA – 6. Đây là sản phẩm dành cho loại xe gắn máy hoàn toàn mới, do các Cty trong nước sản xuất. Tương lai, Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên của cả nước phổ cập toàn bộ xe gắn máy chạy bằng gas”.

Cũng nằm trong chương trình nghiên cứu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tháng 8/2005 vừa rồi, GS Bùi Văn Ga chủ trì một buổi hội thảo giới thiệu về một mô hình Tramway (tàu điện trên mặt đất) tuyến ga Đà Nẵng – Kim Liên. Một số nhà khoa học Đức có mặt tại buổi hội thảo đã rất ngạc nhiên, bởi Đức là nước đầu tiên trên thế giới có phương tiện vận chuyển xe điện ngầm (Metro), nhưng cải tiến từ mô hình Metro sang Tramway thì ngoài GS Ga ra, chưa ai nghĩ tới.

Theo kế hoạch, đến đầu năm 2007, khi Bộ GT-VT và UBND TP Đà Nẵng di chuyển ga Đà Nẵng ra khỏi thành phố thì tuyến đường sắt Đà Nẵng – Kim Liên sẽ trở thành tuyến đường Tramway đầu tiên của Việt Nam...

Vừa kể say sưa, GS Ga vừa đưa cho tôi xem nhiều bản hợp đồng ký kết giữa Trung tâm nghiên cứu môi trường (ĐH Đà Nẵng) với những đối tác mua sản phẩm LGP/xăng A - 5 và LPG/xăng A – 6, trong đó, có cả những đối tác ở nước ngoài như Campuchia (50.000 bộ/1năm), Lào và Thái Lan.

“Sắp tới, một số chuyên gia của Italia, Bồ Đào Nha và Đức sẽ sang xem xét những sản phẩm này và mô hình Tramway để đưa về áp dụng bên nước họ” - ông vui vẻ nói.

Vậy là ông GS-TSKH người Việt ra nước ngoài học tập, nghiên cứu mô hình hiện đại của nước bạn để rồi chế tạo ra những sản phẩm để họ phải đi từ ngạc nhiên đến thán phục và cuối cùng là ... tiếp thu.

Nam Cường


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu